Thị trường tài chính 24h: Nhà đầu tư ngóng chờ hệ thống mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index nhích nhẹ lên trên 1.420 điểm; Hàng tỷ cổ phiếu ngân hàng sắp dội sàn chứng khoán; HOSE chính thức áp dụng hệ thống giao dịch mới từ 5/7; Ngành mía đường: Nhẹ gánh 5 năm; Chứng khoán Trung Quốc bị bán tháo mạnh; 130 quốc gia đồng ý ủng hộ đề xuất của Mỹ về mức thuế doanh nghiệp tối thiểu… là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Thị trường tài chính 24h: Nhà đầu tư ngóng chờ hệ thống mới

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 2/7 tăng 100.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC tại Hà Nội đã tăng thêm 200.000 đồng/lượng chiều mua vào và 150.000 đồng/lượng chiều bán ra, hiện niêm yết tại mức 56,60 – 57,17 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ tăng 6,5 USD lên 1.776,7 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tiếp tục tăng và chạm gần 1.785 USD/ounce vào cuối giờ chiều.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) tăng 0,06% lên 92,65 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 2/7 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.184 đồng, tăng 2 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.900 - 23.100 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,03 USD (-0,04%), xuống 75,20 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,07 USD (-0,09%), xuống 75,77 USD/thùng.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm giao dịch cao nhất tại mức giá 35.019 USD và thấp nhất tại 32.734 USD, thì sang hôm nay đã chững lại và cũng chỉ biến động với biên độ hẹp quanh 33.000 USD/BTC.

Chứng khoán trong nước

VN-Index lên trên 1.420 điểm

Thị trường phân hóa khiến VN-Index chỉ lình xình trên ngưỡng 1.420 điểm trong suốt cả phiên sáng.

Ngay sau khi trở lại trong phiên chiều, áp chốt lời gia tăng mạnh khiến VN-Index về dưới tham chiếu, nhưng sự hỗ trợ tích cực của nhóm bluechip đã giúp thị trường lấy lại ngưỡng 1.420 điểm khi đóng cửa.

Một vài bluechip nổi bật có VPB +2,4%, FPT +3,4%, GAS +2,5%, MWG +3,8%. Trong khi ở nhóm chứng khoán AGR và VCI giữ vững sắc tím, CTS +4,4%, VDS +6,7%, FTS +5,8% …

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, VOS có phiên đảo chiều ngoạn mục từ mức sàn lên đóng cửa tại mức giá trần 7.390 đồng, khớp 9,76 triệu đơn vị.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 18,98 triệu đơn vị với tổng giá trị mua ròng 2.127,82 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 2/7: VN-Index tăng 3,19 điểm (+0,23%), lên 1.420,27 điểm; HNX-Index tăng 2,29 điểm (+0,7%), lên 328,01 điểm; UpCoM-Index tăng 0,2 điểm (+0,22%), lên 90,64 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall mở đầu tháng 7 với một phiên hứng khởi vào ngày thứ Năm (1/7) với sự hỗ trợ của loạt dữ liệu kinh tế lạc quan.

Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất của Mỹ giảm nhẹ xuống mức 60,6 trong tháng 6 từ mức 61,2 trong tháng trước đó.

PMI sản xuất lớn hơn 50 cho thấy sự mở rộng trong lĩnh vực sản xuất, chiếm 11,9% nền kinh tế Mỹ.

Mặt khác, theo báo cáo thất nghiệp hàng tuần của Bộ Lao động Mỹ, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu đã giảm 51.000 xuống còn 364.000 trong tuần kết thúc vào ngày 26/6. Đây là con số thấp nhất kể từ tháng 3/2020.

Kết thúc phiên 1/7, chỉ số Dow Jones tăng 131,02 điểm (+0,38%), lên 34.633,53 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 22,44 điểm (+0,52%), lên 4.319,94 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 18,42 điểm (+0,13%), lên 14.522,38 điểm.

Chứng khoán châu Á

chứng khoán Nhật Bản nhích nhẹ, nhờ nhóm cổ phiếu xuất khẩu lớn như Sony và Toyota Motor.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,27% lên 28.783,28 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,88% lên 1.956,31 điểm.

Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 đã giảm 0,97%, còn chỉ số Topix mất 0,32%.

Norihiro Fujito, Chiến lược gia đầu tư tại Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities cho biết: “Đồng yên yếu hơn đang thúc đẩy cổ phiếu của các nhà sản xuất ô tô, cũng như các nhà sản xuất khác, chẳng hạn như Sony. Nhưng mức tăng của thị trường chặn lại bởi hiệu suất yếu kém của cổ phiếu lớn khác, chẳng hạn như các nhà sản xuất thiết bị chế tạo chip và bán lẻ”.

Cổ phiếu của Tập đoàn Sony tăng 3,66%, nhờ đồng yên chạm mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020 so với đồng USD.

Các nhà sản xuất ô tô Toyota Motor, Honda Motor, Nissan Motor và Mazda Motor tăng từ 1,38% đến 6,53%, sau doanh số bán hàng trong quý vừa qua tăng trưởng mạnh mẽ.

Chứng khoán Trung Quốc lao dốc, khi các nhà đầu tư tháo cổ phiếu trên diện rộng do lo ngại dâng cao về tăng trưởng kinh tế chậm lại.

Đóng cửa, Shanghai Composite mất 1,95% xuống 3.518,76 điểm. Chỉ số CSI300 bluechip giảm 2,84% xuống 5.081,12 điểm.

Dữ liệu công bố hôm thứ Tư cho thấy chỉ số PMI sản xuất của Trung Quốc giảm nhẹ từ mức 51 điểm trong tháng 5 xuống còn 50,9 điểm trong tháng 6.

Đây là tháng thứ 16 liên tiếp chỉ số PMI sản xuất ở trên mức 50 điểm – ngưỡng ngăn cách giữa suy thoái và mở rộng. Tuy nhiên đó là mức thấp nhất trong 4 tháng trở lại đây.

Morgan Stanley và Barclays đều dự báo GDP Trung Quốc tăng trưởng dưới 9% trong năm nay, do các nguyên nhân chính là giá nguyên vật liệu thô tăng cao và tiêu dùng yếu hơn kỳ vọng.

Chứng khoán Hồng Kông có phiên giảm mạnh nhất trong 7 tuần, do tâm lý bị đè nặng bởi lo ngại về việc thắt chặt chính sách của Bắc Kinh và tăng trưởng kinh tế ở Đại lục chậm lại.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 1,8% xuống 28.310,42 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises mất 2,32% xuống 10.415,58 điểm điểm.

“Những lo ngại về thắt chặt chính sách tiền tệ từ Trung Quốc, kết hợp với sự không chắc chắn lớn hơn xung quanh tác động của biến thể Delta có thể khiến niềm tin của các nhà đầu tư châu Á giảm mạnh”, State Street Global Markets nhận định.

Chứng khoán Hàn Quốc kết thúc gần như không đổi và báo cáo tuần đầu tiên giảm trong bảy tuần, do lo ngại về đà lây lan nhanh của biến thể Delta gây Covid-19.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 0,01% xuống 3.281,78 điểm.

Trong tuần, KOSPI giảm 0,64%, chấm dứt chuỗi sáu tuần tăng liên tiếp trước đó.

Kết thúc phiên 2/7: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 76,24 điểm (+0,27%), lên 28.783,28 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 70,02 điểm (-1,95%), xuống 3.518,76 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 517,53 điểm (-1,80%), xuống 28.310,42 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 0,28 điểm (-0,00%), xuống 3.281,78 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Hàng tỷ cổ phiếu ngân hàng sắp dội sàn chứng khoán

Trong 2 quý cuối năm, hàng tỷ cổ phiếu thưởng, cổ phiếu ESOP và cổ phiếu riêng lẻ được các ngân hàng phát hành sẽ ồ ạt đổ bộ lên sàn chứng khoán..>> Chi tiết

- HOSE chính thức áp dụng hệ thống giao dịch mới từ 5/7

Sau thời gian chờ đợi, hệ thống giao dịch nâng cấp của HOSE do FPT thực hiện sẽ chính thức được vận hành từ ngày 5/7 tới..>> Chi tiết

- Ngành mía đường: Nhẹ gánh 5 năm

Ngành mía đường Việt Nam chính thức gỡ bỏ được phần lớn áp lực từ động thái bán phá giá của Thái Lan..>> Chi tiết

- 130 quốc gia đồng ý ủng hộ đề xuất của Mỹ về mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu

Hôm thứ Năm (1/7), Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen thông báo rằng một nhóm 130 quốc gia đã đồng ý mức thuế tối thiểu toàn cầu đối với các doanh nghiệp, đây là một phần của thỏa thuận rộng hơn nhằm sửa đổi các quy tắc thuế quốc tế..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,204.97 -0.64 -0.05% 141,739 tỷ
HNX 227.57 -0.3 -0.13% 1,224 tỷ
UPCOM 88.33 -0.04 -0.04% 488 tỷ