1. Tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội lên 360.000 đồng/tháng từ 1/7/2021
Nghị định 20/2021/NĐ-CP ban hành ngày 15/03/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; trong đó điều chỉnh mức chuẩn trợ giúp xã hội lên 360.000 đồng/tháng áp dụng từ ngày 1/7/2021.
2. Không có phương án cải tạo, phục hồi môi trường sẽ bị phạt đến 200 triệu đồng
Có hiệu lực từ ngày 10/07/2021, Nghị định số 55/2021/NĐ-CP ban hành ngày 24/05/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong đó, đối với vi phạm quy định về cải tạo, phục hồi môi trường trọng hoạt động khai thác khoáng sản, Nghị định số 55/2021/NĐ-CP quy định bổ sung mức phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi không báo cáo công tác thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường về cơ quan phê duyệt phương án và cơ quan quản lý về bảo vệ môi trường tại địa phương theo quy định; không báo cáo cơ quan phê duyệt phương án cải tạo, phục hồi môi trường trong trường hợp có sự điều chỉnh phương án cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định.
Đồng thời, Nghị định số 55/2021/NĐ-CP sửa đổi phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện không đúng hoặc thực hiện không đầy đủ một trong các hạng mục công việc phải thực hiện trong phương án cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định.
Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi không có phương án cải tạo, phục hồi môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; không lập lại phương án cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định, trừ trường hợp thuộc đối tượng phải lập lại báo đánh giá tác động môi trường.
3. Quy định nhiệm vụ của chỉ huy trưởng lực lượng Việt Nam tại phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ
Có hiệu lực từ 01/07/2021, Nghị định số 61/2021/NĐ-CP ban hành ngày 25/06/2021 quy định chi tiết một số điều của Nghị quyết số 130/2020/QH14 của Quốc hội về việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.
Trong đó, về nhiệm vụ, quyền hạn của chỉ huy trưởng lực lượng Việt Nam tại phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, Nghị định quy định trong thực hiện thỏa thuận giữa Việt Nam và Liên Hợp Quốc, chỉ huy trưởng lực lượng Việt Nam là người chỉ huy cao nhất, đại diện của lực lượng Việt Nam tại phái bộ về lĩnh vực hành chính và kỷ luật với Liên Hợp Quốc. Chỉ huy trưởng lực lượng Việt Nam thực hiện nhiệm vụ chuyên môn trong lĩnh vực tham gia do cấp có thẩm quyền của Liên Hợp Quốc giao theo thỏa thuận giữa Việt Nam và Liên Hợp Quốc; giúp cơ quan điều phối quốc gia về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc trong việc tham mưu cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an về nâng cao năng lực tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.
Chỉ huy trưởng lực lượng Việt Nam tại phái bộ có nhiệm vụ làm việc với chính quyền nước sở tại, tổ chức quốc tế và đối tác khác tại phái bộ khi được phép của cấp có thẩm quyền nhằm thúc đẩy quan hệ song phương, đa phương và giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc của lực lượng Việt Nam; theo dõi, giúp đỡ lực lượng Việt Nam tại phái bộ trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được giao và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Trong chỉ đạo, quản lý, chỉ huy và điều hành lực lượng Việt Nam tại phái bộ, chỉ huy trưởng lực lượng Việt Nam tại phái bộ có nhiệm vụ giúp cơ quan điều phối quốc gia về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc trong việc nghiên cứu, tham mưu cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an về chỉ đạo, quản lý, chỉ huy và điều hành lực lượng Việt Nam tại phái bộ; điều phối công tác hỗ trợ triển khai, điều chỉnh, rút lực lượng Việt Nam khỏi phái bộ; giúp cơ quan điều phối quốc gia về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc trong chỉ đạo, quản lý, chỉ huy và điều hành về hành chính và kỷ luật đối với lực lượng Việt Nam tại phái bộ và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.
4. Quy định giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp
Nghị định số 62/2021/NĐ-CP ban hành ngày 29/06/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều Luật Cư trú có hiệu lực từ 1/7/2021, trong đó, có hướng dẫn về giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp.
Nghị định số 62/2021/NĐ-CP quy định công dân khi đăng ký cư trú cần chứng minh chỗ ở hợp pháp bằng một trong các loại giấy tờ, tài liệu sau: Giấy tờ, tài liệu chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà hoặc tài sản gắn liền với đất do cơ quan có thẩm quyền cấp (trong đó có thông tin về nhà ở); giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng (đối với trường hợp công trình phải cấp giấy phép xây dựng và đã xây dựng xong); hợp đồng mua bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước hoặc giấy tờ về hóa giá thanh lý nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước; hợp đồng mua nhà ở hoặc giấy tờ chứng minh việc đã bàn giao nhà ở, đã nhận nhà ở của doanh nghiệp có chức năng kinh doanh nhà ở đầu tư xây dựng để bán; giấy tờ về mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận đổi nhà ở phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai và nhà ở;...