- VN-Index giảm
Trong phiên sáng, mặc dù có chút ngập ngừng đầu phiên, nhưng dòng tiền nhanh chóng nhập cuộc giúp thị trường đảo chiều và hồi xanh.
Trong đó, nhóm cổ phiếu có công lớn trong việc nâng đỡ thị trường là dòng bank.
Diễn biến cân bằng của thị trường tiếp tục được duy trì trong phiên giao dịch chiều. Tuy nhiên, lực cầu bất ngờ hãm mạnh, dòng tiền tham gia nhỏ giọt, trong khi áp lực bán có dấu hiệu gia tăng khiến thị trường dần hạ nhiệt.
Sau hơn 1 giờ nỗ lực níu kéo, thị trường dần “đuối sức” và quay đầu giảm nhẹ trước lực cung chiếm ưu thế, VN-Index chính thức thủng ngưỡng hỗ trợ 750 điểm.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng với BID và CTG quay đầu giảm điểm, MBB trở về mốc tham chiếu, trong khi STB chỉ còn nhích nhẹ, VCB tăng 1,32%.
Ở nhóm cổ phiếu dược, DHG vẫn giữ đà tăng khá tốt 6,6%. Các mã khác như DCL, DMC, DHT, LDP, TRA có mức tăng từ 1,1% đến 7,4%.
Trong khi các trụ cột như VNM, VIC, MSN chỉ nhích nhẹ, thì các mã lớn khác như ROS, GAS, NVL, BVH, VJC tiếp tục tạo gánh nặng lên thị trường.
ROS vẫn không thoát khỏi giá sàn khi giảm 6,97% với lượng khớp 2,63 triệu đơn vị và dư bán sàn hơn nửa triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu khoáng sản dù một số mã còn giữ được nhịp tăng trong phiên sáng, nhưng sang phiên chiều, lực bán gia tăng khiến các mã này lần lượt rớt giá. Cụ thể, AMD, KSH, BGM, CTA, KHB, KSK, LCM, TNT lần lượt đóng cửa ở mức giá sàn, KSA và FCM cùng giảm 1,2%, ALV giảm 7,7%...
Trên HNX, trong khi SHB quay đầu giảm nhẹ 1,37% với lượng khớp 11,15 triệu đơn vị, thì ACB vẫn duy trì được sắc xanh dù đà tăng có phần thu hẹp. Đóng cửa, ACB tăng 0,38% với khối lượng khớp 1,63 triệu đơn vị.
Ngoài ACB, sàn HNX còn nhận được lực đỡ khá tích cực từ các mã lớn khác như VCG, CEO, DBC…
Trong phiên này, trên sàn HOSE khối ngoại mua ròng 1,39 triệu đơn vị, tổng giá trị mua ròng tương ứng 38,4 tỷ đồng.
Trên sàn HNX, khối ngoại mua ròng 82.000 đơn vị với tổng giá trị tương ứng 4,3 tỷ đồng.
Trên sàn UPCoM, khối ngoại mua ròng 61.533 đơn vị, với tổng giá trị tương ứng 1,3 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 9/6: VN-Index giảm 0,41 điểm (-0,05%), xuống 749,72 điểm; HNX-Index tăng 0,11 điểm (+0,11%), lên 97,36 điểm; UPCoM-Index giảm 0,16 điểm (-0,28%), xuống 57,79 điểm. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 4.516 tỷ đồng.
Chứng khoán thế giới
Chứng khoán Mỹ
Chứng khoán Mỹ quay đầu sau phiên điều trần của ông Comey, nhưng cả 3 chỉ số chính đều đóng cửa trong sắc xanh nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu ngành thép. Trong đó, Nasdaq tăng mạnh, lên mức cao kỷ lục mới nhờ đà tăng mạnh của cổ phiếu Nvidia và Yahoo.
Dù có ít nhiều tác động tới tâm lý nhà đầu tư, nhưng những lời ông Comey trả lời trước Thượng viện Mỹ không có nhiều điểm mới có thể tác động tiêu cực tới chương trình nghị sự và các kế hoạch chính sách sắp tới của Tổng thống Trump như giảm thuế, tăng đầu tư cơ sở hạ tầng, giảm bớt quy định của ngành ngân hàng.
Do đó, trong phiên thứ Năm, đồng loạt nhóm cổ phiếu ngân hàng, xây dựng, vật liệu xây dựng đều tăng mạnh. Trong đó, riêng cổ phiếu thép còn được hỗ trợ bởi thông tin Bộ Thương mại Mỹ sẽ tìm cách bảo vệ các nhà sản xuất và tiêu dùng trong nước. Chỉ số ngành thép tăng 4,1%, lên mức cao nhất từ ngày 20/4.
Kết thúc phiên 8/6, chỉ số Dow Jones tăng 8,84 điểm (+0,04%), lên 21.182,53 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,65 điểm (+0,03%), lên 2.433,79 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 24,38 điểm (+0,39%), lên 6.321,76 điểm.
Trên thị trường châu Á
Chỉ số Nikkei 255 của Nhật Bản lại trở lại lên trên 20.000 điểm, nhờ vào sự nhảy vọt của cổ phiếu SoftBank. Tuy nhiên, đà tăng của thị trường bị hãm lại khi kết quả bầu cử ở Anh đã khiến các nhà đầu tư thấy sốc.
SoftBank Group Corp đã tăng 7% sau khi một công ty con của Tập đoàn này đã đồng ý mua công ty Robotics Boston Dynamics từ Alphabet Inc. Trong phiên này, SoftBank đóng góp tới 75 điểm cho chỉ số Nikkei chuẩn.
Chứng khoán Trung Quốc tăng, giúp chỉ số ShangHai Index có tuần tốt nhất kể từ tháng 11 năm ngoái, và đóng cửa ở mức cao nhất trong 17 tháng chủ yếu do động thái cải thiện thanh khoản tiền mặt của ngân hàng trung ương vào thời điểm giữa năm.
Thị trường cũng được hỗ trợ bởi kỳ vọng rằng MSCI sẽ quyết định đưa cổ phiếu của Trung Quốc vào chỉ số chuẩn vào ngày 20/6.
Hôm qua, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã bơm 180 tỷ NDT (26,48 tỷ USD) vào thị trường liên ngân hàng thông qua hoạt động thị trường mở, sau khi hỗ trợ vốn thông qua các khoản cho vay trung hạn (MLF).
Với bối cảnh thị trường xuất hiện nhiều phiên giảm điểm mạnh trong thời gian gần đây, các mã bluechip đã tỏ ra vượt trội so với phần còn lại, khi dòng tiền quay trở về các cổ phiếu lớn, với sự ổn định cao, và một số đang ở mức giá được cho là thấp hơn giá trị của các Công ty đó.
Chứng khoán Hồng Kông hôm nay giảm điểm sau khi đạt mức cao nhất trong 23 tháng vào phiên hôm qua, với tâm lý bất ngờ do kết quả của cuộc bầu cử Anh..
Tính chung trong tuần, chỉ số HSCE giảm 0,7%.
Tuy nhiên chỉ số HIS lại tăng 0,4%, do dòng tiền của Trung Quốc vẫn chảy về thị trường, khi các nhà đầu tư đang có xu hướng chạy trốn khỏi một thị trường đang chịu áp lực ngày càng tăng từ mối lo ngại nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại và các chính sách thắt chặt tín dụng.
Kết thúc phiên 9/6: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 104,00 điểm (+0,52%), lên 20.131,26 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 32,77 điểm (-0,13%), xuống 26.030,29 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 8,07 điểm (+0,26%), lên 3.158,40 điểm.
Thị trường vàng, ngoại tệ
- Giá vàng SJC bất động. Tỷ giá USD giao dịch quanh 22.720 đồng/USD.
Tại thị trường vàng trong nước, sau giờ mở cửa giảm 70.000 đồng/lượng so với chiều hôm qua. Đến cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đứng ở mức 36,27 - 36,49 triệu đồng/lượng, không đổi so với đầu giờ sáng.
Trong khi đó, tỷ giá trung tâm ngày hôm nay được công bố ở mức 22.406 đồng/USD, không đổi so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.650 - 22.720 đồng/USD.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Những cơ sở để có thể đạt mục tiêu tăng trưởng GDP
“Mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong năm nay tuy khó, nhưng vẫn có thể đạt được”, PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định trước khi Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội vào hôm nay (9/6).. >> Chi tiết
- Các doanh nghiệp du lịch “hiến kế” đạt 35 tỷ USD
Theo số liệu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2016, ngành du lịch nội địa đạt tốc độ tăng trưởng 11,8%, lần đầu tiên đạt 10 triệu lượt khách quốc tế, đóng góp trực tiếp vào GDP đạt 6,1%.
Ngành du lịch có dư địa tăng trưởng lớn, nhưng cách nào để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỷ USD vào năm 2020?..>> Chi tiết
- Jack Ma kiếm thêm 2,8 tỷ USD trong một ngày
Tổng tài sản của Jack Ma đã tăng 2,8 tỷ USD sau khi Alibaba nâng cao triển vọng doanh thu của hãng tài khoá này hôm qua.
Dự báo của Alibaba cao hơn ước tính trước đó của giới phân tích, bất chấp nền kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu chững lại.. >> Chi tiết
- Nhà đầu tư đặt cược Fed tăng lãi suất vào 14/6
Theo dữ liệu thu thập của Bloomberg, thị trường hiện đang nghiêng về khả năng (90%) Fed có thể tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp định kỳ của Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) sắp tới.
Tương tự, công cụ FedWatch (thước đo đánh giá khả năng tăng lãi suất của Fed) cũng cho thấy, nhiều khả năng (91%) Fed sẽ tăng lãi suất ngay trong tháng 6 này.. >> Chi tiết
- Qatar bị cô lập, Trung Quốc vạ lây
Qatar, một bán đảo giàu dầu khí ở Trung Đông, đang trở thành tâm điểm chú ý của thế giới sau khi bị 9 quốc gia cắt đứt quan hệ ngoại giao vì cho rằng nước này hậu thuẫn chủ nghĩa khủng bố.
Việc Qatar bị 9 nước cắt quan hệ ngoại giao khiến các lợi ích của Trung Quốc ở Trung Đông có nguy cơ bị đe dọa.. >> Chi tiết