Kỳ vọng nhiều giá trị mới từ đối tác Mỹ

(ĐTCK) Dù không có TPP, Mỹ vẫn sẽ là đối tác quan trọng của các doanh nghiệp Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là nông nghiệp, y tế, năng lượng, giáo dục và dịch vụ. Mỹ sẽ tăng cường xuất khẩu sang Việt Nam nhằm thu hẹp tình trạng Việt Nam nhập siêu vào Mỹ.
Trong chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa qua, Vietjet đã ký cacs hợp đồng trị giá gần 4,8 tỷ USD với đối tác Mỹ Trong chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa qua, Vietjet đã ký cacs hợp đồng trị giá gần 4,8 tỷ USD với đối tác Mỹ

Đây là thông điệp chính được đưa ra tại buổi Hội thảo “Gặp gỡ Hoa Kỳ - Meet the USA” do Bộ Ngoại giao phối hợp với Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) tổ chức ngày 7/6 vừa qua tại TP.HCM.

Diễn ra chỉ một tuần sau chuyến thăm Mỹ chính thức của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Hội thảo đã nhận được sự quan tâm của hơn 180 đại diện doanh nghiệp hai bên và chính quyền từ 32 tỉnh thành của Việt Nam.

Ông Hà Kim Ngọc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh rằng, kinh tế Việt Nam và Mỹ sẽ bổ trợ cho nhau. Hai nước sẽ hợp tác để cải thiện cán cân xuất nhập khẩu của Việt Nam sang Mỹ, tạo công ăn việc làm cho người dân hai nước, dù không
còn TPP. 

Tương tự, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius cho biết các doanh nghiệp Mỹ mong muốn tăng cường xuất khẩu trang thiết bị chất lượng cao, cùng các giải pháp tiên tiến sang Việt Nam.

Việc các nhà sản xuất hàng đầu của Mỹ như General Electric, Honeywell, UPS, Caterpillar ký kết các hợp đồng tổng trị giá 10 tỷ USD với PetroVietnam, Vietjet, FPT và BRG vào tuần trước là ví dụ điển hình.

“Chúng tôi mong muốn chính quyền các tỉnh thành của Việt Nam sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp địa phương và nhà đầu tư Mỹ tăng cường hợp tác, đầu tư,” ông Osius chia sẻ.  

Hiện nay, Việt Nam là quốc gia trong ASEAN có xuất khẩu nhiều nhất vào thị trường Mỹ. Vì vậy, việc Mỹ tăng cường xuất khẩu sang Việt Nam, theo nhiều chuyên gia, sẽ giúp cán cân xuất nhập khẩu giữa hai quốc gia cân bằng hơn.

Trước đây, việc nhập siêu lớn đã khiến nhiều công dân Mỹ lo ngại họ sẽ mất việc làm, nhà máy sản xuất của Mỹ không cạnh tranh được với hàng nhập khẩu.

Trao đổi với phóng viên Đầu tư Chứng khoán, ông Jonathan Moreno, chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Việt Nam, cho biết nhiều khả năng Chính phủ hai nước sẽ tập trung giải quyết vấn đề mất cân bằng thương mại trước khi đàm phán hiệp định thương mại tự do mới.

“TPP là hiệp định thương mại toàn diện nhất từ trước đến nay, bao gồm nhiều vấn đề như cắt giảm thuế quan, chính sách lao động hay quyền sở hữu trí tuệ. Vì vậy, dù Mỹ đã rút khỏi TPP, nhiều khả năng những cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Việt Nam trong tương lai vẫn sẽ được thực hiện trên tinh thần của Hiệp định này,” ông Moreno dự báo.

Ông Moreno cho biết, việc tăng cường nhập khẩu các trang thiết bị, nguyên liệu hiện đại từ Mỹ sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam cải thiện chất lượng sản phẩm và tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.  

Đáp lời các đại diện từ phía Mỹ, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, bày tỏ mong muốn rằng bên cạnh xuất khẩu sang Việt Nam, các nhà đầu tư Mỹ sẽ chia sẻ công nghệ sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường với cộng đồng doanh nghiệp Việt.

“Các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là tại TP.HCM hy vọng sẽ học hỏi kỹ năng quản trị doanh nghiệp và phát triển công nghệ cao của Mỹ. Thị trường Việt Nam, với dân số trẻ và tầng lớp trung lưu tăng mạnh, cũng sẽ ngày càng hấp dẫn với các nhà đầu tư từ Mỹ,” ông Phong cho biết. Hiện nay, Mỹ đang đứng thứ 9 trong tổng số 119 quốc gia có vốn đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đầu tư khoảng 12 tỷ USD.        

Nam Phương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục