Thông điệp đưa ra sau cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Tổng thống Donald J. Trump về việc thúc đẩy thương mại song phương và tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp hai bên, đặc biệt thông qua việc triển khai có hiệu quả Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư, được cộng đồng doanh nghiệp trong nước quan tâm đặc biệt.
Tại cuộc tọa đàm bàn tròn về hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp Hoa Kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Mỹ vào Việt Nam ngày càng cao, trong 10 năm qua đã tăng 5 lần. Trong chuyến đi này, doanh nghiệp hai bên sẽ ký các hợp đồng thương mại trị giá khoảng 8 tỷ USD, tạo ra hàng chục nghìn việc làm tại Mỹ, tăng cường xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT cho rằng, thị trường Mỹ có tiềm năng rất lớn. Những năm gần đây, FPT tại Mỹ luôn tăng trưởng bình quân 45% mỗi năm. Năm 2016, doanh thu từ thị trường Mỹ của FPT đạt 1.003 tỷ đồng, dự kiến năm 2017 đạt 1.300 tỷ đồng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các doanh nhân trong cuộc tọa đàm về hợp tác đầu tư với doanh nghiệp Mỹ
Trong chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng lần này, FPT đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với UPS, công ty dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực logistics, có quy mô doanh thu 61 tỷ USD (năm 2016).
Với thỏa thuận hợp tác này, FPT và UPS sẽ dựa trên thế mạnh riêng của từng bên để cùng hỗ trợ các công ty nhỏ và vừa của Việt Nam (SMEs) nâng cao hiệu suất trong nền kinh tế số thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới.
Đồng thời, FPT là đối tác chiến lược cung cấp các giải pháp công nghệ tiên tiến và các dịch vụ công nghệ thông tin hiệu quả nhằm giúp UPS mở rộng kinh doanh, tối ưu các hoạt động và mang lại lợi ích cho khách hàng và cổ đông của UPS.
Nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân Việt Nam như Vietjet, BRG, T&T cũng có các thỏa thuận tăng cường hợp tác với các đối tác Mỹ.
Với thị trường tài chính Việt Nam, giới đầu tư Mỹ cũng thể hiện mối quan tâm rất lớn.
Ông Charles Kaye, lãnh đạo Warburg Pincus, tập đoàn chuyên đầu tư vào du lịch cho biết, đang xem xét cơ hội đầu tư vào các ngành sản xuất và dịch vụ, bởi Việt Nam có lực lượng lao động giỏi và giá nhân công hợp lý.
Đại diện KKR Global Institute tiết lộ, Hãng đang chuẩn bị lập một quỹ hơn 9 tỷ USD cho đầu tư vào các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam, một thị trường có dân số trẻ, GDP tăng trưởng cao và có sức cạnh tranh toàn cầu hấp dẫn. Trong khi đó, đại diện Tập đoàn Cachet Hotel đang tìm kiếm cơ hội đầu tư trong lĩnh vực du lịch.
Tổng vốn đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam hiện đạt 10,2 tỷ USD. Không gian để tăng cường sự hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước, cũng như đẩy mạnh dòng vốn đầu tư của Mỹ vào Việt Nam còn rất lớn, như lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại tọa đàm với các doanh nghiệp Mỹ: “Quy mô thị trường tài chính Việt Nam còn ở mức khiêm tốn, nhưng tăng trưởng nhanh với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp mới được cổ phần hóa. Đây là thời điểm chín muồi để doanh nghiệp Mỹ với thương hiệu, kinh nghiệm, công nghệ và nguồn lực tài chính dồi dào tham gia mạnh mẽ hơn vào tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam, nhất là tài chính ngân hàng, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước”.