Thị trường tài chính 24h: Lợi nhuận tốt sẽ giúp cổ phiếu ngân hàng khởi sắc năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index tăng hơn 22 điểm; Ngân hàng tự tin kiểm soát nợ xấu; Cổ phiếu “vua” còn nguyên cơ hội; Góc nhìn về cổ phiếu nhìn từ trường hợp của cổ phiếu Robinhood; IEA: Nhu cầu dầu sẽ vượt quá mức trước đại dịch vào năm 2022… là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Thị trường tài chính 24h: Lợi nhuận tốt sẽ giúp cổ phiếu ngân hàng khởi sắc năm 2022

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 20/1 không đổi so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC tại Hà Nội đã giảm nhẹ 50.000 đồng/lượng, hiện niêm yết tại 61,10 – 61,72 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ tăng 26,7 USD lên 1.840,3 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng chững lại và gần như chỉ đi ngang quanh ngưỡng trên.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 95,54 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 20/1 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.100 đồng/USD, giảm 19 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.500 – 22.780 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,29 USD (-0,33%), xuống 86,67 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,53 USD (-0,60%), xuống 87,91 USD/thùng.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua chủ yếu giằng co quanh 41.800 USD, thì sang ngày hôm nay đã tiếp tục xu hướng này và đứng tại 42.100 USD/BTC vào cuối ngày.

Chứng khoán trong nước

VN-Index tăng hơn 22 điểm

Thị trường bước vào phiên chiều với sự lạc quan hơn, khi lực mua bắt đáy dần gia tăng ở nhóm vừa và nhỏ, trong khi các bluechip cũng tăng tốc, giúp VN-Index tăng hơn 25 điểm trước khi bước vào đợt khớp lệnh ATC.

Phiên hôm nay là phiên đáo hạn hợp đồng tương lai VN30F2201 và với diễn biến khó lường của thị trường chung trong những phiên gần đây có khả năng sẽ xuất hiện những bất ngờ trong phiên khớp lệnh giá đóng cửa này.

Tuy vậy, chỉ số VN30-Index chỉ giảm nhẹ đôi chút, kéo theo VN-Index rơi chỉ mất 3 điểm so với mức đỉnh trong phiên khi đóng cửa.

Phiên hồi phục hôm nay xóa đi những u ám giảm điểm hơn 1 tuần qua của thị trường, tuy nhiên nhìn vào diễn biến giao dịch có thể thấy đây mới chỉ là phiên phục hồi kỹ thuật khi đà bật tăng mạnh chủ yếu là các cổ phiếu bất động sản có đà giảm dài trước đó, còn thanh khoản toàn thị trường vẫn ở mức thấp.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng nhẹ 0,07 triệu đơn vị, nhưng tổng giá trị là bán ròng 119,48 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 20/1: VN-Index tăng 22,51 điểm (+1,56%), lên 1.465,3 điểm; HNX-Index tăng 2,49 điểm (+0,61%), lên 411,8 điểm; UpCoM-Index tăng 1,83 điểm (+1,7%), lên 109,67 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Các chỉ số chính của Phố Wall tiếp tục giảm mạnh trong phiên ngày thứ Tư (19/1), với Nasdaq đã xác nhận đi vào xu hướng điều chỉnh khi mất 10,7% so với mức đỉnh kỷ lục, do khi các nhà đầu tư tiếp tục lo lắng về lợi suất kho bạc Mỹ tăng cao và chính sách tiền tệ của Fed.

Đây đã là lần thứ tư chỉ số Nasdaq rơi vào xu hướng giảm trong hai năm đại dịch Covid-19 làm rung chuyển các thị trường tài chính toàn cầu. Đợt điều chỉnh gần nhất của Nasdaq là vào đầu năm 2021, khi chỉ số giảm hơn 10% từ ngày 12/2 đến ngày 8/3.

Kết thúc phiên 19/1, chỉ số Dow Jones giảm 339,82 điểm (-0,96%), xuống 35.028,65 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 44,33 điểm (-0,97%), xuống 4.532,76 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 166,64 điểm (-1,15%), xuống 14.340,26 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản đã phục hồi từ mức thấp nhất trong 5 tháng, do Sony và các nhà sản xuất trò chơi điện tử khác được mua bắt đáy mạnh.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,11% lên 27.772,93 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,98% lên 1.938,53 điểm.

Hôm thứ Tư, chỉ số Nikkei 225 đóng cửa dưới 27.500 điểm lần đầu tiên kể từ ngày 20/8/2021, với Sony và Toyota Motor ghi nhận mức giảm mạnh, nhưng hôm nay hai cổ phiếu này đã tăng trở lại, lần lượt cộng 5,84% và 1,72%.

Sự tăng giá của Sony kéo theo nhóm cổ phiếu game với Konami Holdings tăng 6,2% và Nintendo tăng 2,8%.

Các nhà bán lẻ cũng tăng điểm, với Isetan Mitsukoshi Holdings tăng 5,32%, Fast Retailing tăng 1,73%.

Tuy nhiên, các nhà sản xuất vẫn suy yếu với Tokyo Electron giảm 0,45% và Advantest giảm 1,57%.

Chỉ số chính của chứng khoán Trung Quốc giảm, nhưng chỉ số bluechip tăng, với kỳ vọng Bắc Kinh sẽ có thêm nhiều chính sách hỗ trợ nền kinh tế hơn nữa.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,09% xuống 3.555,06 điểm. Chỉ số CSI300 bluechip tăng 0,9% lên 4.823,51 điểm.

Lãi suất cho vay cơ bản một năm (LPR) đã giảm 10 điểm cơ bản và LPR 5 năm giảm 5 điểm cơ bản - mức giảm đầu tiên kể từ tháng 4 năm 2020.

Chỉ số phụ theo dõi ngành ngân hàng tăng 2,2%, trong khi tiêu dùng tăng 1,8%.

Các nhà sản xuất chip giảm 1,2% do Bộ công nghiệp Trung Quốc dự báo nguồn cung chất bán dẫn sẽ tiếp tục khan hiếm trong một khoảng thời gian tương đối dài.

Chứng khoán Hồng Kông có phiên bùng nổ, tăng mạnh nhất trong hơn sáu tháng, sau khi Trung Quốc cắt giảm thêm lãi suất.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 3,42% lên 24.952,35 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 3,79% lên 8.761,56 điểm.

Lãi suất cơ bản cho vay một năm (LPR) đã giảm 10 điểm cơ bản và LPR 5 năm giảm 5 điểm cơ bản, mức giảm đầu tiên kể từ tháng 4 năm 2020.

Cổ phiếu của những gã khổng lồ công nghệ hàng đầu Trung Quốc đã tăng vọt với Tencent Holdings, Alibaba Group và Meituan, lần lượt tăng 6,6%, 5,9% và 11%.

Các nhà phát triển đại lục niêm yết tại Hồng Kông đã tăng 4,6%, với Shimao Group và Sunac China Holdings lần lượt tăng 12,1% và 15,2%.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng, được hỗ trợ bởi lực mua bắt đáy sau khi đã giảm 5 phiên liên tiếp trước đó.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 20,4 điểm, tương đương 0,72% lên 2.862,68 điểm.

Sự biến động thị trường liên quan đến đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng trị giá 10,8 tỷ USD của LG Energy Solution đã giảm bớt, sau khi đợt đăng ký công khai cho các nhà đầu tư bán lẻ kết thúc vào thứ Tư, với các nhà đầu tư đặt giá thầu trị giá kỷ lục 114 nghìn tỷ won (95,66 tỷ USD). Công ty dự kiến sẽ có phiên giao dịch đầu tiên ​​ vào ngày 27/1.

Kết thúc phiên 20/1: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 305,70 điểm (+1,11%), lên 27.772,93 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 3,12 điểm (-0,08%), xuống 3.555,06 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 824,50 điểm (+3,42%), lên 24.952,35 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc tăng 20,40 điểm (+0,72%), lên 2.862,68 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Ngân hàng tự tin kiểm soát nợ xấu

Nhiều ngân hàng tự tin kiểm soát được nợ xấu khi đã dành nhiều nguồn lực để trích lập dự phòng, đồng thời cơ quan quản lý cũng có những giải pháp xử lý rủi ro nợ xấu tăng..>> Chi tiết

- Cổ phiếu “vua” còn nguyên cơ hội

Lợi nhuận tốt sẽ giúp cổ phiếu ngân hàng khởi sắc năm 2022, song cơ hội không chia đều cho tất cả..>> Chi tiết

- Góc nhìn về cổ phiếu chứng khoán Việt Nam nhìn từ trường hợp của cổ phiếu Robinhood

Cú lao dốc của cổ phiếu Robinhood đang đặt ra câu hỏi, liệu cổ phiếu của các công ty chứng khoán Việt Nam có đang được thị trường định giá cao?..>> Chi tiết

- IEA: Nhu cầu dầu sẽ vượt quá mức trước đại dịch vào năm 2022

Nhu cầu dầu toàn cầu sẽ vượt qua mức trước đại dịch trong năm nay nhờ tỷ lệ tiêm chủng Covid-19 ngày càng tăng và do các làn sóng Covid-19 gần đây không đủ nghiêm trọng để quay trở lại các biện pháp ngăn chặn nghiêm ngặt..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,169.93 -23.08 -1.97% 116,472 tỷ
HNX 219.75 -6.44 -2.93% 1,429 tỷ
UPCOM 87.05 -1.1 -1.27% 403 tỷ