Thị trường tài chính 24h: Lo ngại rằng áp lực lạm phát toàn cầu đang gia tăng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index leo lên gần 1.270 điểm; Ngân hàng khóa “room”, dành dư địa huy động vốn ngoại; Cổ phiếu "vua" trở lại; Siết tín dụng vào bất động sản, chứng khoán, Việt Nam tự đánh mất cơ hội tăng trưởng; Tự doanh công ty chứng khoán chốt lời, dành vốn cho margin; Chứng khoán châu Á phân hóa mạnh; “Bóng ma” lạm phát toàn cầu… là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Thị trường tài chính 24h: Lo ngại rằng áp lực lạm phát toàn cầu đang gia tăng

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 12/5 giảm 160.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC tại Hà Nội đã tăng trở lại 60.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, hiện niêm yết tại mức 55,78 – 56,15 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ tăng 1,9 USD lên 1.837,9 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng yếu dần về gần 1.825 USD/ounce, nhưng đã bật trở lại sau đó và giằng co quanh 1.830-1.835 USD/ounce.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) tăng 0,13% lên 90,26 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 12/5 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.149 đồng, tăng 4 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.960 - 23.160 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,39 USD (+0,60%), lên 65,67 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent) tăng 0,36 USD (+0,53%), lên 68,91 USD/thùng.

Chứng khoán trong nước

VN-Index tăng hơn 13 điểm

Tâm lý ngay từ sớm khiến thị trường chủ yếu giao dịch giằng co trong biên độ hẹp và có sự phân hóa rõ nét.

Bước vào phiên chiều, khi lực cung giá thấp được tiết giảm. VN-Index được kéo lên trên ngưỡng 1.260 điểm. Sau đó quay đầu hạ nhiệt, lực cầu tập trung vào nhóm bluechip đã kéo VN-Index tăng bật trở lại tăng hơn 13 điểm lên gần 1.270 điểm khi đóng cửa.

Dòng bank tiếp tục là động lực chính với VPB +1,6%, TCB +4,8%, MBB +1,5%, CTG +1,8%, LPB +2,5%...

Nhóm cổ phiếu thị trường, ROS cùng cặp đôi HNG và HAG nổi bật nhất khi đều tăng kịch trần.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 12,35 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng 665,89 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 12/5: VN-Index tăng 13,05 điểm (+1,04%), lên 1.269,09 điểm; HNX-Index tăng 2,57 điểm (+0,92%), lên 282,33 điểm; UPCoM-Index tăng 0,4 điểm (+0,49%), lên 81,47 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall lao dốc trong phiên ngày thứ Ba (11/5) do lo ngại về lạm phát bất chấp sự trấn an từ Fed.

Thị trường đang bất an trước khi chính phủ Mỹ công bố dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vào ngày thứ Tư (12/5). Số liệu này sẽ cho thấy lạm phát tăng mạnh ở Mỹ và buộc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) phải bắt đầu thắt lại chính sách tiền tệ nới lỏng hiện tại, bao gồm nâng lãi suất hoặc cắt giảm chương trình mua tài sản hàng tháng.

Kết thúc phiên 11/5, chỉ số Dow Jones giảm 473,66 điểm (-1,36%), xuống 34.249,16 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 36,33 điểm (-0,87%), xuống 4.152,10 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 12,43 điểm (-0,093%), xuống 13.389,43 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản thêm một phiên giảm, khi các nhà đầu tư hạn chế mở vị thế, trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) không có dấu hiệu hỗ trợ thị trường,

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,91% xuống 28.147,51 điểm, sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong hơn ba tháng phiên trước đó. Chỉ số Topix mất 1,47% xuống 1.877,95 điểm.

Các thị trường chứng khoán châu Á giảm xuống mức thấp nhất trong 7 tuần do giá hàng hóa tăng cao trên toàn cầu và áp lực lạm phát ngày càng tăng ở Mỹ.

Takatoshi Itoshima, chiến lược gia tại Pictet Asset Management, cho biết: “Có những lo ngại xung quanh sự phục hồi của các nền kinh tế châu Á, Ngoài ra, BOJ cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hỗ trợ thị trường. Điều đó đã khiến các nhà đầu tư thất vọng”.

Chứng khoán Trung Quốc thêm một phiên tăng, với các cổ phiếu nông nghiệp và thép dẫn đầu, khi giá hàng hóa, nguyên liệu đang tăng cao trên thế giới.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,61% lên 3.462,75 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,43% lên 5.044,55 điểm.

Dẫn đầu là nhóm cổ phiếu chăm sóc sức khỏe và nông nghiệp khi chỉ số phụ theo dõi ngành đều tăng 1,79%, trong khi ngành hàng tiêu dùng tăng 1,06%.

Tập đoàn thép Gansu Jiu Hongxing Iron & Steel Co Ltd là một trong những cổ phiếu tăng cao nhất với giới hạn tối đa 10%.

Chứng khoán Hồng Kông nhích lên, khi giới đầu tư gom mua bắt đáy mạnh nhóm cổ phiếu công nghệ, vốn đã giảm sâu thời gian gần đây.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,78% lên 28.231,04. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 1,2% lên 10.556,57 điểm.

Cổ phiếu tăng giá hàng đầu là Xiaomi Corp, tăng 6,1%, sau khi một tài liệu tòa án cho hay Tập đoàn này và Bộ Quốc phòng Mỹ đã đồng ý giải quyết vụ tranh chấp của hai bên.

Trước đó, Tập đoàn Xiaomi đã kiện Bộ Quốc phòng và Bộ Tài chính Mỹ lên Tòa án quận Columbia của Mỹ khi đưa hãng này vào danh sách đen và ngăn chặn các nhà đầu tư Mỹ mua chứng khoán của Xiaomi.

Chứng khoán Hàn Quốc có phiên giảm mạnh nhất trong ba tuần, do nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ra cổ phiếu do thận trọng trước dữ liệu lạm phát của Mỹ được công bố vào cuối ngày

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 1,49% xuống 3.161,66 điểm, mức giảm trong một ngày lớn nhất kể từ ngày 21/4.

Trong số các cổ phiếu lớn, gã khổng lồ công nghệ Samsung Electronics giảm 1,48% và SK Hynix giảm 2,85%, trong khi LG Chem giảm 5,27% và Naver giảm 1,72%.

Nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 2,7 nghìn tỷ won (2,4 tỷ USD) cổ, giá trị lớn thứ hai được ghi nhận.

Kết thúc phiên 12/5: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 461,08 điểm (-1,61%), xuống 28.147,51 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 20,91 điểm (+0,61%), lên 3.462,75 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 217,23 điểm (+0,78%), lên 28.231,04 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 47,77 điểm (-1,49%), xuống 3.161,66 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Ngân hàng khóa “room”, dành dư địa huy động vốn ngoại

Mùa đại hội vừa qua, thị trường tiếp tục chứng kiến thêm ngân hàng khóa "room" ngoại để chờ bán vốn chiến lược giá cao..>> Chi tiết

- Cổ phiếu "vua" trở lại

Cổ phiếu ngân hàng được coi là cổ phiếu vua trên thị trường chứng khoán Việt Nam, với vị thế chiếm tỷ trọng lớn nhất trong rổ cổ phiếu VN30, các ngân hàng đã dẫn dắt VN-Index lập đỉnh mọi thời đại đầu năm 2021..>> Chi tiết

- Siết tín dụng vào bất động sản, chứng khoán, Việt Nam tự đánh mất cơ hội tăng trưởng

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tổng tín dụng trong quý I/2021 tăng 2,9% so với cuối năm 2020, cao hơn mức tăng 1,3% trong quý I/2020 và xấp xỉ mức tăng 3,1% trong quý I/2019. Trong đó, tín dụng vào lĩnh vực bất động sản chiếm 19,6% tổng dư nợ của nền kinh tế..>> Chi tiết

- Tự doanh công ty chứng khoán chốt lời, dành vốn cho margin

Khối tự doanh công ty chứng khoán bán ròng trong cả 4 tháng đầu năm 2021 chủ yếu nhằm chốt lời và dành nguồn vốn cho vay giao dịch ký quỹ (margin)..>> Chi tiết

- “Bóng ma” lạm phát toàn cầu

Các nhà máy trên khắp thế giới đang phải đối mặt với những khó khăn do giá hàng hóa tăng cao, chi phí vận chuyển tăng và tình trạng thiếu chất bán dẫn, làm dấy lên lo ngại rằng áp lực lạm phát toàn cầu đang xuất hiện khi các nền kinh tế lớn phục hồi sau đại dịch..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục