Doanh nghiệp dệt may kỳ vọng trở lại đường đua

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nét chung của nhiều doanh nghiệp dệt may trong mùa đại hội cổ đông năm nay là đặt chỉ tiêu kinh doanh ấn tượng dù dịch bệnh toàn cầu còn nhiều phức tạp.
Theo dự báo của Vitas, giá trị xuất khẩu năm 2021 của các doanh nghiệp dệt may có thể đạt 39 tỷ USD. Theo dự báo của Vitas, giá trị xuất khẩu năm 2021 của các doanh nghiệp dệt may có thể đạt 39 tỷ USD.

Triển vọng sáng hơn

Theo báo cáo mới đây của Bộ Công thương, ngành dệt may trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2021 đã có nhiều tín hiệu khởi sắc so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất ngành dệt tháng 4 tăng 2,7% so với tháng trước và tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2020; ngành sản xuất trang phục lần lượt tăng 3,9% và 29,4%.

Tính chung 4 tháng, chỉ số sản xuất ngành dệt tăng 7,8% so với cùng kỳ; ngành sản xuất trang phục cũng ghi nhận tăng 9,5%.

Một số sản phẩm trong ngành đạt mức tăng trưởng khá như: vải dệt từ sợi tự nhiên ước đạt 201 triệu m2, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm ngoái; sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo ước đạt 378,3 triệu m2, tăng 6,4%.

Thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam dần hồi phục, đồng thời các doanh nghiệp đã tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết và đi vào thực thi. Trong đó, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất trong 4 tháng đầu năm với kim ngạch đạt 30,26 tỷ USD.

Trước tình hình đó, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) dự báo, giá trị xuất khẩu năm 2021 của các doanh nghiệp có thể đạt 39 tỷ USD, về ngang với mức năm 2019 và tăng trưởng 10,6% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng trưởng kép hàng năm giai đoạn 2015 - 2019 là 9,9%.

Trong các báo cáo phát hành gần đây, khối phân tích các công ty chứng khoán cũng nhận định ngành dệt may sẽ phục hồi hoàn toàn trong quý IV/2021 nhờ nhu cầu bị dồn nén ở các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam và tận dụng các hiệp định thương mại.

Sự phục hồi của ngành dệt may Việt Nam phụ thuộc phần lớn vào tình hình kiểm soát dịch bệnh Covid-19 và tốc độ phục hồi kinh tế tại các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu ngành dệt may ghi nhận tăng trưởng mạnh từ đầu năm 2021 (xem bảng).

Nhiều chuyên gia chứng khoán đã đánh giá cao tiềm năng tăng trưởng của nhóm cổ phiếu dệt may trong điều kiện mạch xuất khẩu không bị ngắt quãng và các đơn hàng tăng trở lại trong 3 quý cuối năm.

Doanh nghiệp dệt may tự tin chuyển mình

Với triển vọng sáng hơn, nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng chớp cơ hội và đặt chỉ tiêu kinh doanh vượt trội cho cả năm.

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam Vinatex (mã VGT) chia sẻ, dù dịch bệnh vẫn còn và đơn giá sản phẩm chưa trở lại bằng ngưỡng năm 2019, nhưng thị trường dệt may thế giới đã dần sôi động trở lại.

Từ những tín hiệu tích cực của quý I năm nay cho thấy hướng phấn đấu của ngành trong năm có cơ sở để thực hiện.

Kết thúc quý I, Vinatex ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.377 tỷ đồng, giảm 14,8% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, nhờ tiết kiệm giá vốn nên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp đạt 385,7 tỷ đồng, tăng 6%. Công ty cho biết, nhờ sự phục hồi của ngành dệt may đã giúp hiệu quả sản xuất - kinh doanh của công ty mẹ và hầu hết các đơn vị thành viên trong Tập đoàn tăng so với cùng kỳ.

Năm 2021, VGT đặt mục tiêu kinh doanh với chỉ tiêu doanh thu đạt 17.365 tỷ đồng và chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 700 tỷ đồng, lần lượt tăng 25% và 18% so với thực hiện năm 2020.

Công ty cổ phần May Sông Hồng (mã MSH) cũng có kết quả kinh doanh quý I ấn tượng, dù doanh thu thuần đạt 944,8 tỷ đồng, chỉ tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái, song do Công ty tiết kiệm chi phí sản xuất dẫn tới lợi nhuận sau thuế tăng 44%, đạt 92,1 tỷ đồng. Năm nay, Công ty đặt kế hoạch doanh thu thuần đạt 4.200 tỷ đồng, tăng 10%; lợi nhuận đạt 340 tỷ đồng, tăng 20% so với thực hiện năm 2020.

Dù vậy, trong đại hội cổ đông của MSH, ông Bùi Đức Thịnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị chia sẻ, đây chỉ là con số khiêm tốn và Công ty có thể vượt xa chỉ tiêu này. Vị doanh nhân này lấy làm tiếc khi nhận được nhiều đơn hàng lớn nhưng Công ty buộc phải từ chối một số đơn hàng do không làm xuể.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty May Hưng Yên (HUG) cho biết, doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết tháng 7/2021, trong đó 50% đơn hàng tập trung tại Mỹ, còn lại là châu Âu và Nhật Bản. Năm 2021, tăng trưởng của May Hưng Yên sẽ vào khoảng 5 - 10%, bù lại cho thiếu hụt năm 2020 và tăng nhẹ so với năm 2019. Mới đây, HUG đã được cổ đông thông qua phương án kinh doanh với doanh thu đạt 515 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 50 tỷ đồng.

Doanh nghiệp sợi nắm bắt thời cơ

Các doanh nghiệp sợi cũng nằm trong vòng hưởng lợi lớn khi Hiệp định CPTPP yêu cầu áp dụng nguyên tắc ba giai đoạn gồm tạo sợi, kéo sợi, dệt, và may được thực hiện tại các nước thành viên thuộc CPTPP. 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu xơ, sợi dệt các loại tăng 43,4% cùng kỳ năm ngoái.

Theo đó, Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ (mã STK) phục hồi mạnh mẽ từ quý IV/2020 do nhu cầu từ các thương hiệu quần áo thể thao trên thế giới đối với sợi tái chế được cải thiện. Trong năm 2021, STK sẽ tiếp tục hưởng lợi gián tiếp từ CPTPP, bởi đây là đơn vị sản xuất sợi lớn thứ hai của Việt Nam về công suất với 63.000 tấn sợi mỗi năm.

STK đã dự báo kết quả kinh doanh năm 2021 với tổng doanh thu đạt 2.357,8 tỷ đồng, tăng 33,5% so với thực hiện năm 2020; lợi nhuận sau thuế tăng 248,2 tỷ đồng, tăng 72%.

Tại đại hội cổ đông của STK, cổ đông đặt câu hỏi: “Kế hoạch lợi nhuận tăng 72% năm 2021 có khả thi?” Đại diện doanh nghiệp khẳng định, con số này hoàn toàn có cơ sở vì lợi nhuận năm 2019 đã đạt 214 tỷ đồng. Đồng thời, tỷ lệ tăng trưởng do lợi nhuận năm 2020 bị sụt giảm do dịch Covid-19, Công ty đã tính toán đến nhu cầu thị trường, khả năng sản xuất và các yếu tố tác động đến chi phí.

Công ty cổ phần Damsan (mã ADS) cũng đặt chỉ tiêu doanh thu hợp nhất đạt 1.686 tỷ đồng, tăng gần 26% với thực hiện năm 2020, chủ yếu do giá bán thành phẩm năm 2021 tăng 25%; lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 72 tỷ đồng, tăng gần 157%. Trong quý I, đơn vị này đã hoàn thành 18,6% kế hoạch doanh thu và 29,2% kế hoạch lợi nhuận.

Không nằm ngoài cuộc đua, Tổng công ty cổ phần Dệt may Hà Nội (mã HSM) cho rằng, ngay từ những tháng đầu năm 2021, nhu cầu sợi tăng cao, thị trường tiêu thụ có nhiều thuận lợi.

Nếu quản trị không tốt dẫn đến có dịch trong nhà máy hoặc nhà máy nằm trong vùng dịch, phải đóng cửa và ngừng sản xuất thì doanh nghiệp sẽ thiệt hại rất lớn.

Công ty kỳ vọng chỉ tiêu doanh thu thuần đạt 1.500 tỷ đồng, tăng 13,2%; lợi nhuận trước thuế đạt 30 tỷ đồng, tăng 141% so với năm ngoái. Tính đến hết ngày 31/3, HSM đã thực hiện được 24,5% kế hoạch doanh thu và 49% kế hoạch lợi nhuận.

Nhìn nhận về những thách thức thời gian tới, Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, ngành dệt may có thể phải đối mặt với khó khăn nguồn cung vải trong nước, thuế suất cao hơn từ tháng 8/2022.

Đồng thời, nhu cầu trên thế giới phục hồi chậm, trong khi nguồn cung từ các nước phục hồi nhanh hơn sẽ làm tăng cạnh tranh trên thị trường. Các doanh nghiệp cũng phải chuẩn bị kịch bản, Mỹ có thể áp thuế đối với hàng dệt may nhập khẩu từ Việt Nam sau cuộc điều tra USTR về chính sách tiền tệ.

Ông Lê Tiến Trường cũng cảnh báo về thách thức quản trị thời dịch bệnh. Cho dù tình trạng đóng băng như năm 2020 không xảy ra thêm lần nữa, nhưng nếu quản trị không tốt dẫn đến có dịch trong nhà máy hoặc nhà máy nằm trong vùng dịch, phải đóng cửa và ngừng sản xuất thì doanh nghiệp sẽ thiệt hại rất lớn.

Kiều Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục