Thị trường chứng khoán
- VN-Index tăng nhẹ
Trong phiên giao dịch sáng ,các cổ phiếu bluechip đã lấy lại trạng thái cân bằng hơn, nhiều mã hồi phục sắc xanh dù đà tăng còn khá hạn chế nhưng cũng đủ giúp thị trường đảo chiều thành công sau phiên điều chỉnh hôm qua.
Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường xuất hiện những tín hiệu khá tiêu cực khi áp lực bán đang dần chiếm ưu thế khiến thị trường quay đầu đi xuống.
Mặc dù VN-Index le lói sắc xanh ở cuối phiên nhưng lực bán trong đợt khớp ATC đã khiến chỉ số này trượt chân và lùi về dưới mốc tham chiếu.
Bên cạnh VNM vẫn giảm điểm, các trụ cột chính khác như VIC, BVH, GAS cũng quay đầu đi xuống với mức giảm từ 0,2-0,74%. Đồng thời, nhiều mã lớn như KDC, DPM, HSG, BMP cũng lùi về dưới mốc tham chiếu.
Ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, ngoài VCB và MBB còn tăng nhẹ 100 đồng/CP, còn lại các mã khác như BID, CTG, STB quay đầu giảm giá.
Không chỉ dầu khí, ngân hàng đi xuống, nhóm cổ phiếu chứng khoán nhen nhóm tạo sóng cũng nhanh chóng bị dập tắt. Bên cạnh SSI quay lại mốc tham chiếu, lần lượt các mã AGR, BSI, CTS, IVS, MBS, VDS, ORS đảo chiều giảm.
Đáng chú ý trong phiên là ROS. Dù mở cửa giảm khá sâu nhưng đà giảm dần thu hẹp và chính thức đảo chiều ngay đầu phiên chiều nhờ lực cầu gia tăng mạnh. Đ
Đóng cửa, ROS tăng 0,3% lên mức 163.00 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 8,6 triệu đơn vị, là cổ phiếu giao dịch khớp lệnh lớn nhất về giá trị trên thị trường.
Cổ phiếu FLC đã duy trì đà tăng nhờ lực cầu trong nước và nước ngoài hấp thụ khá tốt. Kết phiên, FLC tăng 1,6% lên mức 7.640 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh lớn nhất sàn, đạt 19,18 triệu đơn vị.
Kết thúc phiên giao dịch 21/4, VN-Index giảm 0,25 điểm (-0,04%), xuống 712,41 điểm; HNX-Index tăng 0,41 điểm (+0,46%), lên 88,87 điểm; UPCoM-Index giảm 0,1 điểm (-0,17%), xuống 57,31 điểm. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 7.535 tỷ đồng.
Trong phiên này, trên sàn HOSE, khối ngoại mua ròng 6,45 triệu đơn vị với tổng giá trị tương ứng 2,32 tỷ đồng.
Trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng 340.106 đơn vị, tổng giá trị tương ứng 4,97 tỷ đồng,
Trên sàn UPCoM, khối ngoại mua ròng 97.587 đơn vị, tổng giá trị tương ứng 5,02 đồng.
Chứng khoán Mỹ khởi sắc trong ngày thứ Năm, trong đó Nasdaq Composite lập kỷ lục mới nhờ kết quả lợi nhuận lạc quan mà dẫn dầu là American Express
Cổ phiếu American Express tăng 5,9%, cổ phiếu CSX Corp cũng tăng vọt 5,6% sau khi công ty đường sắt này báo cáo lợi quý cao hơn dự báo.
Trong khi đó, cổ phiếu Philip Morris sụt 3,5% xuống và là cổ phiếu tác động tiêu cực nhất đến S&P 500 sau khi lợi nhuận quý I của nhà sản xuất thuốc lá này dự kiến thấp hơn kỳ vọng.
Tất cả các chỉ số chính đã giảm 2 tuần liên tiếp, rời xa các mức kỷ lục do những lo lắng về khả năng thực thi các cam kết thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Tổng thống Donald Trump.
Trong số 82 công ty thuộc S&P 500 đã công bố lợi nhuận, có đến 75% số công ty đã vượt qua kỳ vọng, cao hơn mức bình quân trong 4 quý vừa qua là 71%, dữ liệu từ Thomson Reuters cho thấy.
Kết thúc phiên 20/4: Chỉ số Dow Jones tăng 174,22 điểm (+0,85%) lên 20.578,71 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 17,67 điểm (+0,76%) lên 2.355,84 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 53,74 điểm (+0.92%) lên 5.916,78 điểm.
Trên thị trường châu Á, Các cổ phiếu của Nhật Bản tăng, do các nhà đầu tư toàn cầu cho rằng những cải cách thuế của Mỹ sẽ phát huy hiệu quả, nhưng cổ phiếu Fujifilm Holdings Corp đã giảm tới 4%, sau khi công ty này trì hoãn báo cáo thu nhập trong một cuộc điều tra tại một chi nhánh ở nước ngoài.
Giới chuyên gia cũng cho biết, sự lo âu đã được dỡ bỏ bởi bình luận qua đêm của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, ông này cho biết chính phủ sẽ "nhanh chóng" công bố kế hoạch cải cách thuế và dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua trong năm nay.
Đồng USD giữ ổn định so với đồng yên tại 109,32 yên/USD sau khi đã tăng 0,4%, cũng đã góp phần đẩy cổ phiếu của các nhà sản xuất ô tô và các nhà xuất khẩu khác tăng.
Chứng khoán Hồng Kông giảm nhẹ trong phiên giao dịch ngày thứ 6, khi các nhà đầu tư đã gần như không mua bán nhiều trước vòng bầu cử sơ bộ đầu tiên của Pháp vào Chủ nhật tới.
Thông tin về việc có khả năng Mỹ sẽ tăng thuế Thép nhập khẩu lên trên 8% không làm cho Trung Quốc, nước xuất khẩu thép lớn nhất thế giới lo lắng, do Mỹ chỉ chiếm một phần nhỏ trong sản lượng xuất khẩu Thép của nước này, đồng thời động thái này cũng đã được dự doán từ lâu, do đó thông tin này không gây ảnh hưởng chi thị trường.
Chứng khoán Trung Quốc trải qua tuần tồi tệ nhất trong năm, sụt giảm tới 2,3%, do việc kiểm soát chặt chẽ hơn về tín dụng và lo ngại về triển vọng kinh tế sẽ bắt đầu đi xuống đã làm giảm sự hứng thú của các nhà đầu tư.
Trong tuần, các nhà đầu tư rút lui khỏi những cổ phiếu nhỏ để tìm kiếm những cổ phiếu trong ngành tiêu dùng và chăm sóc sức khoẻ, trong khi các cổ phiếu bất động sản và ngân hàng đã mất điểm trong bối cảnh bị thắt chặt những quy định nhằm vào hoạt động ngân hàng.
Nhà sản xuất vật liệu xây dựng BBMG đã giảm 23% so với mức đỉnh gần đây, trong khi Fortune Land mất 21% so với mức cao kỷ lục.
Tâm lý cũng bị ảnh hưởng bởi những lo ngại ngày càng tăng về triển vọng kinh tế của Trung Quốc. Một cuộc thăm dò ý kiến của Reuters dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại xuống còn 6,5% trong cả năm và giảm xuống còn 6,2% vào năm 2018, khi Trung quốc tìm cách hạ nhiệt lĩnh vực bất động sản.
Kết thúc phiên 21/4: chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 190,26 điểm (+1,03%), lên 18.620,75 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 14,96 điểm, (-0,06%), xuống 24.042,02 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 1,05 điểm (+0,03%) lên 3.173,15 điểm.
Thị trường vàng, ngoại tệ
- Giá vàng SJC tăng mạnh. Tỷ giá USD giảm
Tại thị trường trong nước, sau khi tăng 40.000 - 60.000 đồng/lượng vào sáng nay, đến cuối giờ chiều, vàng SJC tại Hà Nội đứng ở mức 36,65 - 36,87 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng thêm 50.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng.
Trong khi đó, tỷ giá trung tâm ngày hôm nay được công bố ở mức 22.335 đồng/USD, tăng 5 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giảm 5- 10 đồng so với đầu giờ sáng, hiện giao dịch phổ biến ở 22.675 - 22.745 đồng/USD.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Shinhan Việt Nam mua lại mảng bán lẻ của ANZ
Ngân hàng Shinhan chính thức thông báo đồng ý mua lại mảng bán lẻ của ANZ Việt Nam. Thương vụ sáp nhập này được đánh giá như một bước tiến xa của Ngân hàng Shinhan tại thị trường Việt Nam, cũng như sẽ tác động mạnh mẽ đến sự tăng trưởng của ngành ngân hàng bán lẻ Việt Nam trong thời gian tới.. >> Chi tiết
- Petrolimex (PLX) tăng hơn 11% trong phiên chào sàn
Sáng nay 21/4, tại Sở giao dịch chứng khoán TP. HCM, hơn 1,29 tỷ cổ phiếu PLX của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã chính thức chào sàn HOSE với giá tham chiếu 43.200 đồng.
Chịu áp lực chốt lời mạnh, đồng thời thị trường đang trong giai đoạn điều chỉnh đi xuống, song nội lực vững vàng và tiềm năng tăng trưởng lớn của Petrolimex đã giúp duy trì sắc xanh cổ phiếu PLX.
Tăng trần đầu phiên đạt 51.800 đồng/cổ phiếu, PLX chốt phiên giao dịch sáng tại mức giá 48.250 đồng/CP, tăng 11,7% so với giá chào sàn và khối lượng khớp lệnh đạt 3,49 triệu đơn vị..>> Chi tiết
- Bán hơn 1 triệu vé mỗi ngày, Vietlott báo doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng
Lãnh đạo Công ty Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott) cho hay, doanh thu bán vé của đơn vị này trong quý I đạt gần 1.038 tỷ đồng trong đó 2 thị trường cho số thu lớn nhất là Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Trong số trên 1.000 tỷ đồng, riêng Thành phố Hồ Chí Minh đã cho số thu là trên 544 tỷ đồng.
Đại diện Vietlott cho biết, doanh thu trên tính theo từng tháng thì thực tế đang có xu hướng giảm. Tháng Một theo tính toán có số thu hơn 400 tỷ đồng, tới tháng Hai đạt trên 300 tỷ đồng và tháng Ba là gần 300 tỷ đồng.
Về việc trả thưởng, trong quý I năm nay, Vietlott đã ghi nhận hơn 2,45 triệu trường hợp trúng thưởng với tổng số tiền là gần 602 tỷ đồng. Phía Vietlott cho biết đã trả thưởng cho xấp xỉ 2,2 triệu trường hợp với số tiền là gần 594 tỷ đồng (tương ứng khoảng 98,63%).
Riêng với giải Jackpot, ông Đạm cũng tính toán, trong quý 1, đã có tổng cộng 13 giải Jackpot đã được trao thưởng với tổng giá trị là hơn 425 tỷ đồng.