Nhiều yếu tố tác động
VN-Index đã có mức tăng điểm khá tốt từ giai đoạn 7/12/2016 đến 12/4/2017, tăng từ ngưỡng 647 điểm đến ngưỡng 732 điểm. Theo phân tích kỹ thuật, thời điểm giao dịch thuận lợi nhất của 6 tháng đầu năm đã qua khi sóng I tăng lớn đầu năm đã hoàn thành. Sau khi VN-Index tăng chạm vùng kháng cự mạnh 730 - 735 điểm và điều chỉnh, thị trường đang trong giai đoạn sóng 2 điều chỉnh (phân tích sóng Elliott).
Các yếu tố địa chính trị trên thế giới - gần đây là các sự kiện liên quan đến Syria, Afganistan, Triều Tiên, đã và đang tác động đến xu hướng thị trường chứng khoán quốc tế, thị trường Việt Nam cũng bị ảnh hưởng. Trong nước, một số chỉ báo vĩ mô 4 tháng đầu năm 2017 không thực sự khả quan, không đáp ứng được kỳ vọng của nhiều chuyên gia tài chính và các tổ chức, cá nhân nhà đầu tư.
Lạm phát đang có xu hướng tăng trở lại, lãi suất huy động của các ngân hàng trên cả thị trường 1 (dân cư, tổ chức kinh tế) và thị trường 2 (liên ngân hàng) có dấu hiệu tăng…, là “rào cản” tăng trưởng kinh tế quý II - dự báo tăng trưởng 5,6%, thấp so với mục tiêu. Điều này sẽ tác động đến dòng tiền tham gia thị trường chứng khoán cũng như diễn biến của chỉ số.
Tuần qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có tuần sụt giảm điểm mạnh nhất kể từ đầu năm, trạng thái thị trường trở nên tiêu cực hơn khi chỉ báo lực cung bán ra áp đảo so với lực cầu. Dòng tiền lớn đã rút ra mạnh ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, vốn hóa trung bình largecap và cả những cổ phiếu có hệ số beta cao (biến động giá lớn, vốn hấp dẫn dòng tiền đầu cơ).
Có thể mất mốc 710 điểm trong ngắn hạn, nhưng khả quan trong trung hạn
Mặt bằng giá các nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng, dầu khí, công nghệ thông tin, dịch vụ tài chính đang có xu hướng điều chỉnh xuống mức thấp hơn. Diễn biến điều chỉnh của VN-Index dường như chưa kết thúc, dù có phiên hồi phục ngày 18/4 và 19/4. Chỉ số này có thời điểm chạm vùng hỗ trợ 705 điểm, hiện tăng lên gần 717 điểm nhưng phải đối mặt với vùng kháng cự 715 - 720 điểm, với áp lực bán ra lớn.
Phân tích diễn biến của VN-Index, đà lan tỏa của các nhóm cổ phiếu thuộc VN30, trạng thái xu hướng ngành cho thấy, thị trường đang trong trạng thái tiêu cực khi có 10/14 ngành cấp 2 có xu hướng vận động tiêu cực. VN-Index có thể xuất hiện các phiên hồi phục nhẹ nhưng nhiều khả năng sau đó tiếp tục điều chỉnh, kiểm tra vùng hỗ trợ 700 điểm, tương ứng với mốc Fibonacci 61,8%. Tuy nhiên, người viết bảo lưu quan điểm thị trường có xu hướng tăng trong trung hạn.
Hiện tại, chiến lược giao dịch nên hạn chế các giao dịch ngắn, giao dịch T+. Các giao dịch ngắn có tỷ trọng giải ngân hợp lý được tiến hành khi và chỉ khi VN-Index xuất hiện tính hiệu tạo đáy quanh vùng 700 điểm với thanh khoản tăng cao, dòng tiền gia tăng ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.
Thị trường đang trong giai đoạn điều chỉnh nhưng không phải không có cơ hội đầu tư với những chiến thuật mua thăm dò với thời gian nắm giữ dài hơn. Người viết vẫn đánh giá cao chiến lược nắm giữ cổ phiếu chất lượng cao với thời gian nắm giữ từ 3 - 18 tháng hoặc dài hơn.
Ngoài ra, một số nhóm ngành đang có tín hiệu tích cực, hoặc đang trở nên tích cực hơn được khuyến nghị mua và nắm giữ có thể kể đến nhóm ngành điện, nước và xăng dầu khí đốt, thực phẩm và đồ uống, y tế, hàng và dịch vụ công nghiệp.