Thị trường tài chính 24h: Hàng trăm cổ phiếu đã về dưới mệnh giá

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index tăng hơn 17 điểm; Ngân hàng sẽ sớm được nới room tín dụng; Giao dịch chứng khoán qua “quỹ chui”, nhà đầu tư mất hàng chục tỷ đồng; Nhiều cổ phiếu tìm về đáy cũ; Chống chọi qua “mùa bão chứng”; Thêm một dấu hiệu về nguy cơ suy thoái của nền kinh tế Mỹ… là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Thị trường tài chính 24h: Hàng trăm cổ phiếu đã về dưới mệnh giá

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 27/6 tăng 100.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và không đổi ở chiều bán ra so với ngày cuối tuần trước. Vào cuối giờ chiều này, giá vàng SJC tại Hà Nội đã giảm 50.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, hiện niêm yết tại 67,90 – 68,62 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần trước tại Mỹ tăng 4,1 USD lên mức 1.826,4 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tăng lên 1.838 USD/ounce và giằng co nhẹ quanh ngưỡng này cho đến cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 104,01 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 27/6 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.102 đồng/USD, giảm 3 đồng so với ngày cuối tuần trước. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.110 – 23.390 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng đứng ở 21.300 USD, thì sang phiên hôm nay đã lùi bước và để thủng 21.000 USD, trước khi bật lên trên 21.400 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,26 USD (+0,24%), lên 107,88 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,46 USD (+0,41%), lên 113,58 USD/thùng.

Chứng khoán trong nước

VN-Index tăng hơn 17 điểm

Từ sớm khi mở cửa, dù lực mua chưa nhập cuộc mạnh mẽ, nhưng các nhóm trụ cột nhận được dòng tiền ủng hộ đã đẩy VN-Index tăng khá chắc trong phiên chiều để vượt qua mốc cản 1.200 điểm.

Bộ ba "bằng chứng thép" đã lâu rồi mới đồng loạt nổi sóng trong cùng một phiên, dù nhóm ngân hàng có vẻ khá lưỡng lự.

Việc bật tăng trở lại phiên hôm nay có thể chưa nói lên nhiều điều, nhưng ít nhất cũng là một dịp nhắc nhở các nhà đầu tư rằng, giá cổ phiếu đang rất rẻ, đang nằm ở mức giá không thể có khi thị trường còn đang sôi động cách đây mới nửa năm.

Đóng góp chính cho đà tăng mạnh của thị trường là nhóm chứng khoán với hàng loạt mã tăng kịch trần như APG, BSI, CTS, FTS, HCM, ORS, VIX, VND.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 12,18 triệu đơn vị với tổng giá trị mua ròng đạt 209,89 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 27/6: VN-Index tăng 17,34 điểm (+1,46%) lên 1.202,82 điểm; HNX-Index tăng 4,5 điểm (+1,63%) lên 280,42 điểm; UpCoM-Index tăng 1,04 điểm (+1,2%), lên 88,14 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Các chỉ số chính của Phố Wall đã tăng vọt trong phiên ngày thứ Sáu (24/6), khi các dấu hiệu cho thấy hàng hóa giảm đã dấy lên kỳ vọng về việc Fed sẽ bớt diều hâu trong việc tăng lãi suất.

Kết quả khảo sát được Đại học Michigan công bố cho thấy, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng Mỹ chạm mức thấp kỷ lục 50 điểm trong tháng 6, nhưng kỳ vọng lạm phát trong 12 tháng tới giảm về mốc 5,3%.

Trong khi đó, dữ liệu sơ bộ vào đầu tháng này có ý nghĩa then chốt tác động đến việc Fed nâng lãi suất quyết liệt hơn cho thấy kỳ vọng lạm phát ở mức 5,4%.

Bên cạnh đó, giúp xoa dịu nỗi lo lạm phát là giá hàng hóa giảm mạnh trong tuần này với chỉ số TR CC/CRB, đo lường giá năng lượng, nông nghiệp, kim loại và các hàng hóa khác đã giảm xuống mức thấp nhất trong hai tháng vào thứ Năm, sau khi đạt mức cao nhất trong nhiều năm vào đầu tháng 6.

Trong tuần, S&P 500 tăng 6,4%, Dow tăng 5,4% và Nasdaq tăng 7,5%.

Kết thúc phiên 24/6, chỉ số Dow Jones tăng 823,32 điểm (+2,68%), lên 31.500,68 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 116,01 điểm (+3,06%), lên 3.911,74 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 375,43 điểm (+3,34%), lên 11.607,62 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản tăng phiên thứ ba liên tiếp, được nâng đỡ bởi các cổ phiếu công nghệ lớn.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,43% lên 26.871,27 điểm. Chỉ số Topix tăng 1,12% lên 1.887,42 điểm.

Ikuo Mitsui, Giám đốc quỹ tại Aizawa Securities, cho biết: “Chứng khoán Mỹ tăng vào thứ Sáu tuần trước một phần do các nhà đầu tư đã cố gắng điều chỉnh phân bổ dòng tiền của họ vào cuối nửa năm. Nhưng lo ngại về suy giảm kinh tế do chính sách tiền tệ thắt chặt vẫn còn”.

Tại Nhật Bản, cổ phiếu công nghệ SoftBank Group đã tăng 3,71% và tạo lực đẩy lớn nhất cho chỉ số Nikkei 225. Các cổ phiếu theo sau là Tokyo Electron tăng 2,23%, Shin-Etsu Chemical tăng 4,74% và Advantest tăng 3,79%.

Cổ phiếu vận tải biển cũng nằm trong số các nhóm tích cực nhất, tăng 5,71% với Kawasaki Kisen Kaisha và Nippon Yusen lần lượt tăng 9,64% và 5,36%.

Chứng khoán Trung Quốc tăng phiên thứ ba liên tiếp, với các lĩnh vực du lịch và tiêu dùng dẫn đầu mức tăng, khi Thượng Hải tuyên bố chiến thắng Covid-19 sau khi thành phố này lần đầu tiên báo cáo không có trường nhiễm mới nào sau hai tháng.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,88% lên 3.379,19 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 1,13% lên 4.444,26 điểm.

Chánh văn phòng Đảng Cộng sản Thượng Hải Li Qiang cho biết tại buổi khai mạc đại hội đảng của thành phố rằng, chính quyền đã "chiến thắng trong cuộc chiến bảo vệ Thượng Hải" trước dịch Covid1-19.

Bắc Kinh cho biết họ sẽ cho phép các trường tiểu học và trung học tiếp tục các lớp học trực tiếp, trong khi Thượng Hải sẽ dần dần tiếp tục hoạt động ăn uống tại các nhà hàng từ ngày 29/6 ở một số khu vực.

Cũng thúc đẩy tâm lý, ngân hàng trung ương Trung Quốc cho biết họ đã thực hiện đợt bơm tiền hàng ngày lớn nhất vào hệ thống ngân hàng thông qua hoạt động thị trường mở trong gần ba tháng.

Phiên này, cổ phiếu các nhóm ngành hưởng lợi từ việc mở cửa nền kinh tế là du lịch tăng 3,8% và tiêu dùng tăng gần 3%, trong khi cổ phiếu năng lượng và kim loại màu tăng khoảng 3,3% mỗi ngành.

Chứng khoán Hồng Kông tăng mạnh nhất trong ba tuần, với các gã khổng lồ công nghệ leo lên mức cao nhất kể từ ngày 1/3, trước chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 2,35% lên 22.229,52 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 2,46% lên 7.816,94 điểm.

Cơ quan quản lý thị trường của Trung Quốc đã công bố các quy tắc và điều khoản dự thảo nhằm cải thiện khả năng kiểm soát hành vi chống độc quyền, khi nước này chuẩn bị thực hiện luật chống độc quyền sửa đổi vào tháng 8.

Chỉ số Công nghệ Hang Seng tăng 4,7%, với các cổ phiếu như Alibaba và Meituan đều tăng hơn 3%.

Tuy nhiên, Tencent đã giảm 1,6% khi nhà đầu tư công nghệ Hà Lan Prosus NV tuyên bố sẽ bán dần cổ phần của mình tại gã khổng lồ truyền thông xã hội Trung Quốc.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng, khi nhận xét từ một số quan chức Fed làm giảm bớt lo lắng về suy thoái và các nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại mua ròng.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 35,32 điểm, tương đương 1,49% lên 2.401,92 điểm.

Lo lắng về suy thoái kinh tế giảm bớt sau khi Chủ tịch Fed St. Louis James Bullard đánh giá thấp nguy cơ suy thoái vào thứ Sáu.

Nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 267,4 tỷ won (208,03 triệu USD) cổ phiếu trên bảng chính, kết thúc chuỗi sáu phiên bán ròng liên tiếp trước đó.

Kết thúc phiên 27/6: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 370,30 điểm (+1,43%), lên 26.871,27 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 29,44 điểm (+0,88%), lên 3.379,19 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 510,46 điểm (+2,35%), lên 22.229,52 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 35,32 điểm (+1,49%), lên 2.401,92 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Ngân hàng sẽ sớm được nới room tín dụng

Sự mở rộng nhanh chóng của tín dụng khiến nhiều ngân hàng tiệm cận trần hạn mức tăng trưởng tín dụng (room tín dụng) được cấp hồi đầu năm..>> Chi tiết

- Giao dịch chứng khoán qua “quỹ chui”, nhà đầu tư mất hàng chục tỷ đồng

Một nhà đầu tư chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán, anh có nguy cơ mất 7 tỷ đồng tiền khi giao dịch qua ứng dụng StockX. Nhà đầu tư đã khai báo vụ việc với cơ quan công an..>> Chi tiết

- Nhiều cổ phiếu tìm về đáy cũ

Các đợt bán tháo diễn ra liên tiếp từ tháng 4 tới nay đã đưa nhiều cổ phiếu về lại dưới mệnh giá, hay xuống dưới vùng giá trong giai đoạn thị trường tạo đáy đầu đại dịch Covid-19..>> Chi tiết

- Chống chọi qua “mùa bão chứng”

Điểm tựa của thị trường chứng khoán hiện nay chủ yếu là kết quả kinh doanh quý II/2022, nhưng đa số nhóm ngành triển vọng được các chuyên gia tư vấn cho mục tiêu đầu tư trung và dài hạn, cổ phiếu tốt vẫn có rủi ro trong ngắn hạn..>> Chi tiết

- Thêm một dấu hiệu về nguy cơ suy thoái của nền kinh tế Mỹ

Theo một báo cáo được công bố tuần trước, giá đồng đã ở mức thấp nhất trong vòng 16 tháng, giảm hơn 11% trong vòng 2 tuần trở lại đây và đó là dấu hiệu khác cho thấy nguy cơ suy thoái của kinh tế Mỹ..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục