Thị trường tài chính 24h: Giới đầu tư châu Á hân hoan

(ĐTCK) VN-Index mất ngưỡng 960 điểm; Lãi lớn, ngân hàng tranh thủ trích lập dự phòng cao; Phát triển TTCK bền vững: Mục tiêu của nhà quản lý; Sẽ có thêm nhiều chế tài mạnh buộc doanh nghiệp lên sàn; Sẽ đồng loạt kiểm tra Ilahui, Miniso, Minigood, Yoyoso, Usupso; Chứng khoán Châu Á phục hồi ấn tượng; Mỹ có thể trả giá vì lạm dụng lệnh cấm vận...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Ảnh Internet. Ảnh Internet.

VN-Index điều chỉnh nhẹ

Tâm lý thận trọng đã xuất hiện ngay khi mở cửa đã khiến giao dịch khá dè dặt. Thanh khoản vẫn ở mức cao, nhưng so với phiên trước đó đã giảm đáng kể.

Nhóm ngân hàng chính là điểm nhấn khi tiếp tục hút khá mạnh dòng tiền và có được đà tăng tốt, qua đó trở thành trụ đỡ chính của thị trường.

Tuy nhiên, áp lực bán gia tăng, nhất là tại nhóm bluechips, cùng với việc dòng tiền dần hạn chế về cuối phiên nên lực đỡ của nhóm ngân hàng cũng yếu dần.

Sắc xanh tại nhóm ngân hàng thu hẹp khi chỉ còn 4 mã tăng là VCB, CTG, BID và HDB. Trong  đó, VCB tăng 4,2% lên 61.500 đồng, BID tăng 2,2% lên 23.500 đồng; HDB tăng 1% lên 36.200 đồng; CTG tăng 0,9% lên 23.500 đồng.

TCB và MBB cùng quay đầu giảm 0,2% về 27.9500 đồng và 22.800 đồng. VPB và STB lùi về tham chiếu...

Ngoài ra, MSN cũng là mã tác động tích cực khi tăng 3% lên 90.000 đồng nhờ khối ngoại mua ròng trên 105 tỷ đồng.

Ngược lại, gây sức ép lớn nhất lên chỉ số là VNM khi giảm 4,3% về 153.000 đồng. Đây là phiên giảm thứ 8 liên tiếp của mã này, khiến vốn hóa thị trường bốc hơi hơn 17.000 tỷ đồng.

Cặp đôi VIC-VHM hay các mã vốn hóa lớn khác như GAS, SAB, PLX... cũng là các mã tác động tiêu cực lên chỉ số.

Nhóm cổ phiếu thị trường, sắc đỏ cũng bao trùm FLC, HAG, HNG, DLG, HQC, LDG, ASM, DXG, HHS... Thanh khoản tại các mã này cũng giảm mạnh so với một vài phiên gần đây.

Một số mã đi ngược thị trường là GTN, ITA, OGC, SCR, TCH, HTT..., trong đó OGC và HTT tăng trần, khớp lệnh 2,42 triệu và 1,55 triệu đơn vị.

Trong phiên này, trên sàn HOSE khối ngoại mua ròng 252.590 đơn vị, nhưng giá trị là bán ròng 91,71 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, khối ngoại mua ròng 42.990 đơn vị, nhưng giá trị là bán ròng 1,59 tỷ đồng.

Trên sàn UPCoM, khối ngoại mua ròng gần 1,17 đơn vị, giá trị mua ròng 22,34 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 7/8: VN-Index giảm 3,44 điểm (-0,36%), xuống 956,79 điểm; HNX-Index tăng 0,12 điểm (+0,11%), lên 105,71 điểm; UPCoM-Index tăng 0,05 điểm (+0,1%), lên 50,78 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 5.593 tỷ đồng.

Chứng khoán thế giới

Chứng khoán Mỹ

Bỏ qua nguy cơ về cuộc chiến thương mại, nhà đầu tư tại phố Wall tiếp tục hứng khởi với kết quả kinh doanh quý II/2018 của các doanh nghiệp.

Trong phiên đầu tuần mới, kết quả kinh doanh ấn tượng của Berkshire Hathaway, cùng với báo cáo của Facebook về việc chuẩn bị cho các dịch vụ mới đã giúp các chỉ số chính của phố Wall tiếp tục tăng điểm trong phiên đầu tuần mới.

Theo số liệu của Thomson Reuters, trong số 413 công ty thuộc S&P 500 đã báo cáo kết quả quý II cho đến nay, có 79,2% đạt được lợi nhuận như kỳ vọng, cao hơn mức trung bình 72% của 4 quý vừa qua.

Trong phiên đầu tuần mới, cổ phiếu Berkshire Hathaway tăng 2,3% sau khi tập đoàn của Warren Buffett có mức tăng trưởng lợi nhuận tới 67% trong quý II.

Trong khi cổ phiếu Facebook tăng tới 4,4% sau khi tờ Wall Street Journal cho biết, hãng này đã yêu cầu các ngân hàng lớn của Mỹ chia sẻ thông tin tài chính chi tiết về khách hàng như một phần nỗ lực cung cấp các dịch vụ mới.

Kết thúc phiên 6/8, chỉ số Dow Jones tăng 39,60 điểm (+0,16%), lên 25.502,18 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 10,05 điểm (+0,35%), lên 2.850,40 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 47,66 điểm (+0,61%), lên 7.859,68 điểm.

Thị trường châu Á

Chứng khoán Nhật Bản trở lại mạnh mẽ nhờ ông lớn SoftBank tăng vọt sau kết quả kinh doanh quý I tăng trưởng mạnh mẽ, trong khi sự phục hồi của thị trường Trung Quốc cũng đã giúp lấy lại sự cân bằng tâm lý cho giới đầu tư.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 255 tăng 0,7% lên 22.662,74 điểm. Topix tăng 0,8% lên 1.746,05 điểm.

Cổ phiếu SoftBank Group Corp đã tăng 6,5% lên mức cao nhất trong 9 tháng qua, sau khi lợi nhuận quý vừa qua tăng 49%, chủ yếu do khoản lợi nhuận từ việc thoái vốn tại Flipkart của Ấn Độ. Cổ phiếu SoftBank đã đóng góp tới 69 điểm tích cực cho Nikkei 255.

Trọng tâm thời gian này vẫn là các báo cáo tài chính quý đầu tiên trong năm. Theo Mizuho Securities thống kê, đã có tổng cộng khoảng 72% các công ty Nhật Bản với năm tài chính kết thúc vào tháng 3 năm 2019 đã báo cáo kết quả kinh doanh quý đầu cho đến nay, với 8 lợi nhuận trước thuế trung bình tăng 8,9%.

Phiên hôm nay, Japan Steel Works tăng 18,5% sau khi tăng dự báo lợi nhuận ròng cho năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2019 lên 18 tỷ yên từ mức 15 tỷ yên trước đó, nhờ sự cải thiện trong lĩnh vực kinh doanh máy móc công nghiệp.

Rakuten Inc tăng 6,8% sau khi báo cáo tăng 30,7% lợi nhuận hoạt động từ đầu năm cho đến cuối tháng 6 vừa qua.

Mặt khác, Pioneer Corp đã giảm 24% xuống mức thấp nhất trong 9 năm sau khi hãng sản xuất hệ thống định vị xe hơi báo lỗ ròng 6,663 tỷ yên, so với mức lỗ ròng 2.035 tỷ yên trong năm trước.

Nguyên nhân do những tổn thất bất thường liên quan đến vụ kiện liên quan đến giấy phép bằng sáng chế với một công ty châu Âu.

Chứng khoán Trung Quốc cũng tăng trở lại sau đợt bán tháo mạnh trong 4 ngày qua, với phiên hôm nay các nhà đầu tư chọn mua các cổ phiếu trong ngành xây dựng cơ sở hạ tầng, bởi kỳ vọng tăng chi tiêu cho các dự án công trình công cộng.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 2,7% lên 2.705,16 điểm, mức tăng cao nhất kể từ tháng 5/2016.

Chỉ số CSI300 bluechip tăng 2,92% lên 3.368,87 điểm. Đây cũng là mức tăng hàng ngày lớn nhất kể từ tháng 8/2016.

Chỉ số phụ ngành tài chính tăng 2,64%, ngành tiêu dùng tăng 2,76%, bất động sản tăng 3,8% và y tế tăng 1,85%.

Zhu Junchun, một nhà phân tích của Lianxun Securities cho biết, sự tích cực được dẫn dắt bởi các công ty cơ sở hạ tầng, do được kỳ vọng hưởng lợi từ các biện pháp kích thích kinh tế, bao gồm tăng chi tiêu cho các dự án công, nhưng cũng lưu ý về mức độ bền vững của phiên tăng này.

Trong số các cổ phiếu cơ sở hạ tầng, cổ phiếu của China Railway Corporation đã tăng tối đa 10%.

China Railway Group đã có báo cáo nói rằng, Trung Quốc sẽ tăng đầu tư tài sản cố định vào ngành đường sắt lên 800 tỷ nhân dân tệ (116,85 tỷ USD) cho năm 2018, tăng 9,3% so với kế hoạch ban đầu.

Việc tăng chi tiêu đường sắt đi kèm với một sự thay đổi lớn trong chính sách tài khóa để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Hôm thứ Ba, một cố vấn cho ngân hàng trung ương của Trung Quốc kêu gọi sự phối hợp mạnh mẽ để phục vụ tốt hơn các công ty nhỏ về vốn vay hơn.

Chứng khoán Hồng Kông cũng vọt lên, dẫn đầu bởi nhóm các cổ phiếu bất động sản, sau khi ông lớn Country Garden cho biết dự báo kết quả kinh doanh nửa đầu năm khả quan.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 1,54% lên 28.248,88 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 1,53% lên 10.866,10 điểm.

Chỉ số phụ theo dõi ngành năng lượng tăng 2,8%, ngành CNTT tăng 1,36%, tài chính tăng 1,05% và bất động sản tăng 2,55%.

Cổ phiếu tăng điểm hàng đầu là Country Garden Holdings Co Ltd tăng 6,79%, sau khi dự kiến lợi nhuận nửa đầu năm sẽ tăng ít nhất 50% so với cùng kỳ.

Trong khi giảm điểm sâu nhất là WH Group Ltd, nhưng cũng chỉ mất 0,81%.

Nhóm cổ phiếu H tăng cao nhất phiên hôm nay có China Vanke Co Ltd tăng 4,62%; China Resources Land Ltd tăng 4,66% và Shenzhou International Group Holdings Ltd tăng 4,08%.

Nhóm cổ phiếu H giảm nhiều nhất là Huaneng Power International Inc giảm 1,26% và China Telecom Corp Ltd giảm 0,3%.

Kết thúc phiên 7/8: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 155,42 điểm (+0,69%), lên 22.662,74 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 429,34 điểm (+1,54%), lên 27.248,88 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 74,22 điểm (+2,74%), xuống 2.779,37 điểm.

Thị trường vàng và ngoại tệ

- Vàng SJC tăng nhẹ. Tỷ giá USD giao dịch quanh 23.345 đồng/USD.

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay không đổi so với chiều ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đứng ở mức 36,68 - 36,88 triệu đồng/lượng, tăng 30.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng.

Trong khi đó, tỷ giá trung tâm ngày hôm nay được công bố ở mức 22.676 đồng/USD, không đổi so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.265 - 23.345 đồng/USD.

Các thông tin đáng chú ý khác

Lãi lớn, ngân hàng tranh thủ trích lập dự phòng cao

Kết thúc 6 tháng đầu năm 2018, phần lớn các ngân hàng công bố lợi nhuận tăng trưởng, thậm chí không ít ngân hàng đã vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm, cho dù đã trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu..>> Chi tiết

Phát triển thị trường chứng khoán bền vững: Mục tiêu của nhà quản lý

Trải qua 18 năm hình thành và phát triển, TTCK Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, thể hiện được chức năng cốt lõi là kênh huy động vốn cho nền kinh tế và doanh nghiệp. Bởi vậy, trong thời gian tới, việc phát triển TTCK bền vững được coi là mục tiêu quan trọng của các cơ quan quản lý..>> Chi tiết

Sẽ có thêm nhiều chế tài mạnh buộc doanh nghiệp lên sàn

Liên quan đến hướng khắc phục tình trạng doanh nghiệp chây ỳ lên sàn kéo dài, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa yêu cầu Bộ Tài chính công khai các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa mà không niêm yết trên thị trường chứng khoán đúng thời hạn..>> Chi tiết

Sau Mumuso, Bộ Công Thương sẽ đồng loạt kiểm tra Ilahui, Miniso, Minigood, Yoyoso, Usupso

Đây là các chuỗi bán lẻ có xuất xứ 100% từ Trung Quốc có mô hình kinh doanh tương tự như Mumuso cùng kéo vào Việt Nam năm 2016 -2017..>> Chi tiết

Giữ giá xăng, tăng giá dầu

Mỗi lít xăng E5 RON 92 vẫn ở mức 19.610 đồng, còn xăng RON 95 là 21.170 đồng sau điều chỉnh từ 15h chiều nay (7/8)..>> Chi tiết

Mỹ có thể trả giá vì lạm dụng lệnh cấm vận

Việc Mỹ sử dụng quá đà những biện pháp trừng phạt có thể khiến các đồng minh e ngại hợp tác và làm giảm giá trị đồng USD..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục