Bỏ qua nguy cơ về cuộc chiến thương mại, nhà đầu tư tại phố Wall tiếp tục hứng khởi với kết quả kinh doanh quý II/2018 của các doanh nghiệp. Trong phiên đầu tuần mới, kết quả kinh doanh ấn tượng của Berkshire Hathaway, cùng với báo cáo của Facebook về việc chuẩn bị cho các dịch vụ mới đã giúp các chỉ số chính của phố Wall tiếp tục tăng điểm trong phiên đầu tuần mới.
Theo số liệu của Thomson Reuters, trong số 413 công ty thuộc S&P 500 đã báo cáo kết quả quý II cho đến nay, có 79,2% đạt được lợi nhuận như kỳ vọng, cao hơn mức trung bình 72% của 4 quý vừa qua.
Trong phiên đầu tuần mới, cổ phiếu Berkshire Hathaway tăng 2,3% sau khi tập đoàn của Warren Buffett có mức tăng trưởng lợi nhuận tới 67% trong quý II. Trong khi cổ phiếu Facebook tăng tới 4,4% sau khi tờ Wall Street Journal cho biết, hãng này đã yêu cầu các ngân hàng lớn của Mỹ chia sẻ thông tin tài chính chi tiết về khách hàng như một phần nỗ lực cung cấp các dịch vụ mới.
Kết thúc phiên 6/8, chỉ số Dow Jones tăng 39,60 điểm (+0,16%), lên 25.502,18 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 10,05 điểm (+0,35%), lên 2.850,40 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 47,66 điểm (+0,61%), lên 7.859,68 điểm.
Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán châu Á, kết quả kinh doanh thất vọng của HSBC, ngân hàng lớn nhất châu Âu, cùng với đó là nỗi lo chiến tranh thương mại và việc phố Wall mở cửa lình xình cũng khiến giới đầu tư trên thị trường chứng khoán châu Âu thận trọng. Bên cạnh đó, thương vụ 87 tỷ USD giữa Linde và Praxair gặp trở ngại cũng ảnh hưởng tiêu cực tới chứng khoán châu Âu.
Kết thúc phiên 6/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 4,68 điểm (+0,06%), lên 7.663,78 điểm. Chỉ số DAX 30 tại Đức giảm 17,55 điểm (-0,14%), xuống 12.598,21 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 1,79 điểm (-0,03%), xuống 5.477,18 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, thận trọng chờ đợi kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp lớn, cùng cuộc đàm phán thương mại với Mỹ sắp tới, khiến chứng khoán Nhật Bản giằng co nhẹ quanh tham chiếu và đóng cửa với sắc đỏ nhạt. Trong khi chứng khoán Trung Quốc tiếp tục giảm điểm do lo ngại về cuộc chiến thương mại leo thang với Mỹ, đẩy đồng nhân dân tệ tiếp tục mất giá. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông lại đảo chiều hồi phục nhẹ trở lại nhờ sự hỗ trợ của cổ phiếu Tencent.
Kết thúc phiên 6/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 17,86 điểm (-0,08%), xuống 22.507,32 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 143,24 điểm (+0,52%), lên 27.819,56 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 35,29 điểm (-1,29%), xuống 2.705,16 điểm.
Nỗi lo chiến tranh thương mại leo thang khi Mỹ và Trung Quốc đang đưa ra những đe dọa cứng rắn với nhau khiến đồng USD tăng mạnh trở lại trong phiên đầu tuần, qua đó kéo giá vàng giảm trở lại. Những gì giá kim loại quý này đạt được trong phiên cuối tuần qua, đều đã được trả lại hết trong phiên đầu tuần mới.
Kết thúc phiên 6/8, giá vàng giao ngay giảm 6,1 USD (-0,50%), xuống 1.207,2 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 giảm 5,5 USD/ounce (-0,45%), xuống 1.217,7 USD/ounce.
Trong khi đó, giá dầu thô tăng trở lại sau khi OPEC cho biết, sản lượng dầu thô của Ả Rập Xê út bất ngờ giảm trong tháng 7. Ngoài ra, việc Mỹ chính thức áp dụng lệnh trừng phạt với Iran cũng khiến ảnh hưởng lên nguồn cung.
Kết thúc phiên 6/8, giá dầu thô Mỹ tăng 0,45 USD (+0,67%), lên 68,95 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,46 USD (+0,63%), lên 73,67 USD/thùng.