Thị trường tài chính 24h: Fed tác động đến chứng khoán toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index tăng mạnh hơn 22 điểm; Ngân hàng khó giữ phong độ lợi nhuận quý I; Doanh nghiệp niêm yết chùn chân với kế hoạch gọi vốn mới; Sóng đầu tư công vấp áp lực giá; Mỹ có thể sắp rơi vào "suy thoái nhẹ" sau khi Fed tăng mạnh lãi suất… là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Thị trường tài chính 24h: Fed tác động đến chứng khoán toàn cầu

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 16/6 không đổi so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều này, giá vàng SJC tại Hà Nội đã tăng 150.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, hiện niêm yết tại 67,80 – 68,62 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 26 USD lên mức 1.834,5 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng giảm nhẹ về 1.830 USD/ounce và giằng co nhẹ, trước khi đảo chiều giảm về gần 1.820 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 105,09 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 16/6 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.093 đồng/USD, không đổi so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.090 – 23.370 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng lên 22.700 USD, thì sang phiên hôm nay đã yếu dần và về 22.100 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,07 USD (-0,06%), xuống 115,24 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,24 USD (-0,20%), xuống 118,27 USD/thùng.

Chứng khoán trong nước

VN-Index tăng mạnh

Sau phiên sáng khởi sắc về mặt điểm số, thị trường tiếp tục tiến bước ngay khi bước vào phiên chiều và tiến nhanh tới mốc 1.240 điểm. VN-Index sau đó rung lắc và giằng co, nhưng nhờ các bluechip vẫn đứng vững đã giúp chỉ số chạm 1.245 điểm.

Trong phiên ATC, một số trụ cột đã hạ thấp độ cao và áp lực bán mạnh hơn trên bảng điện tử đã khiến VN-Index theo đó đánh rơi 8 điểm từ mức đỉnh trong phiên.

Một số cổ phiếu lớn vẫn là điểm tựa như MWG đóng cửa ở mức giá trần +6,9%, HPG +5,4%, VNM +5,4%, MSN +4,4%, PDR +4,1%, VCB +3,4%, GAS +3,2%, PNJ +3,2%.

Dòng tiền vẫn ưu ái nhóm cổ phiếu điện, với hàng loạt cổ phiếu như PC1, VSH, GEG đã kết phiên ở mức giá trần, POW +6,2%, REE +6,6%, PGV +3,2%.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 21,1 triệu đơn vị với tổng giá trị mua ròng 763,29 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 16/6: VN-Index tăng 22,70 điểm (+1,87%), lên 1.236,63 điểm; HNX-Index tăng 4,52 điểm (+1,6%), lên 287,77 điểm; UpCoM-Index tăng 0,60 điểm (+0,68%), lên 89,25 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall tăng điểm trong ngày thứ Tư (15/6), khi Fed thông báo sau cuộc họp thường kỳ sẽ tăng lãi suất thêm 0,75%, đúng như dự báo của thị trường đã giúp chấm dứt chuỗi ngày bán tháo dữ dội gần đây.

Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu trong cuộc họp báo sau cuộc họp thường kỳ của Fed rằng, rất có thể lãi suất sẽ được tăng thêm 0,5% hoặc 0,75% trong cuộc họp sắp tới vào tháng 7.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) cho biết trong một tuyên bố rằng cơ quan này “cam kết mạnh mẽ trong việc đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%”.

Những thông báo này giúp tâm lý thị trường khởi sắc hơn khi nhận thấy quyết tâm chống lạm phát của Fed.

Kết thúc phiên 15/6, chỉ số Dow Jones tăng 303,70 điểm (+1,00%), lên 30.668,53 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 54,51 điểm (+1,46%), lên 3.789,99 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 270,81 điểm (+2,50%), lên 11.099,15 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản tăng, nhờ động lực từ Phố Wall phiên đêm qua, sau khi Fed thông báo tăng lãi suất thêm 0,75% để kiềm chế lạm phát.

Tuy nhiên, triển vọng kinh tế toàn cầu không mấy khả quan, trong bối cảnh rủi ro tiếp tục từ chính sách tiền tệ ở nhiều nơi thắt chặt hơn đã đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư, kéo chỉ số chuẩn rời khỏi mức đỉnh trong phiên.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,4% lên 26.431,20 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,64% lên 1.867,81 điểm.

“Sự không chắc chắn xung quanh chính sách tiền tệ của Mỹ và áp lực suy thoái kinh tế vẫn chưa biến mất, và sự biến động của thị trường có khả năng vẫn còn, vì vậy, trong môi trường đó, bạn không thể quay trở lại và mua cổ phiếu”, Koji Toda, một nhà quản lý quỹ tại Resona cho biết.

Chứng khoán Trung Quốc giằng co và giảm nhẹ, khi giới đầu tư đầu tư xem xét, đánh giá lại tác động của lạm phát gia tăng và việc Fed tăng lãi suất mạnh mẽ.

Đóng cửa, Shanghai Composite mất 0,61% xuống 3.285,38 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,66% xuống 4.250,06 điểm.

“Thị trường Trung Quốc và thị trường toàn cầu có xu hướng khá tách biệt, có nghĩa là chúng bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi các chính sách của chính họ hơn là Fed,” Samuel Siew, chuyên gia thị trường tại CGS-CIMB Securities cho biết.

Một số nhà phân tích cho biết kết quả hoạt động của thị trường cổ phiếu Trung Quốc sẽ phụ thuộc chủ yếu vào tốc độ phục hồi kinh tế của nước này.

Phiên này, cổ phiếu các nhà phát triển bất động sản mất 1,3% sau khi dữ liệu cho thấy giá nhà mới tháng 5 của Trung Quốc giảm trong tháng thứ hai trong năm nay, do các biện pháp phong tỏa rộng đã làm giảm niềm tin của người mua nhà.

Chứng khoán Hồng Kông đóng cửa ở mức gần thấp nhất trong ba tuần, khi giới đầu tư kém tin tưởng vào quyết định tăng lãi suất của Fed và tác động đến nhóm cổ phiếu công nghệ, vốn nhạy cảm với lãi suất.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 2,17% xuống 20.845,43 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises mất 2,6% xuống 7.259,41 điểm.

Phiên này, cổ phiếu các gã khổng lồ công nghệ được niêm yết tại Hồng Kông đã giảm hơn 3,3%, trong đó các công ty lớn như Alibaba, Tencent và Meituan giảm từ 3% đến 4%.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng mạnh khi mở cửa nhưng đã dần đuối sức và đóng cửa chỉ còn tăng nhẹ, khi giới đầu tư thiếu niềm tin vào tăng trưởng kinh tế sau khi Fed tăng lãi suất.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 4,03 điểm, tương đương 0,16%, lên 2.451,41 điểm, Chỉ số này đã có thời điểm tăng tới 2,16% ngay từ sớm.

Chuyên gia phân tích Seo Sang-young của Mirae Asset Securities cho biết, lo lắng về suy giảm kinh tế toàn cầu vẫn là áp lực chính đến thị trường.

Chính phủ Hàn Quốc hôm nay đề xuất giảm thuế suất doanh nghiệp và loại bỏ thuế thu nhập vốn đối với các nhà đầu tư cổ phiếu nhỏ lẻ để hỗ trợ nền kinh tế.

Trong khi đó, các quan chức kinh tế và tài chính hàng đầu của nước này cũng đã nhất trí tại một cuộc họp hiếm hoi nhằm tăng cường các nỗ lực phối hợp nhằm giữ cho thị trường ổn định.

Kết thúc phiên 16/6: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 105,04 điểm (+0,40%), lên 26.431,20 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 20,02 điểm (-0,61%), xuống 3.285,38 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 462,78 điểm (-2,17%), xuống 20.845,43 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 4,03 điểm (+0,16%), lên 2.451,41 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Ngân hàng khó giữ phong độ lợi nhuận quý I

Những yếu tố giúp lợi nhuận của ngân hàng tăng trưởng đột biến trong quý I/2022 đã “nhạt” hơn trong quý II/2022..>> Chi tiết

- Doanh nghiệp niêm yết chùn chân với kế hoạch gọi vốn mới

Các doanh nghiệp niêm yết đang thận trọng hơn với kế hoạch huy động vốn khi thị trường diễn biến bất lợi và Chính phủ siết lại quản lý thị trường trái phiếu..>> Chi tiết

- Sóng đầu tư công vấp áp lực giá

Nhóm doanh nghiệp xây lắp, vật liệu xây dựng đang đứng trước cơ hội hưởng lợi từ hoạt động đầu tư công sẽ được thúc đẩy, nhưng chi phí đầu vào tăng cao khiến kết quả kinh doanh không dễ tăng trưởng mạnh..>> Chi tiết

- Gia tăng giá trị ở các doanh nghiệp lớn

Xây dựng lộ trình báo cáo bền vững phù hợp sẽ mang lại giá trị cho các doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp đón đầu các tiêu chuẩn và kỳ vọng của các bên liên quan..>> Chi tiết

- Mỹ có thể sắp rơi vào "suy thoái nhẹ" sau khi Fed tăng mạnh lãi suất

Các nhà phân tích ngày càng nhận thấy một cuộc suy thoái xuất hiện ở Mỹ sau khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) vừa thực hiện mức tăng lãi suất lớn nhất kể từ năm 1994 và các dấu hiệu của chi tiêu tiêu dùng yếu hơn..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục