Bảo hiểm nông nghiệp cần cơ chế đặc thù

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bảo hiểm nông nghiệp chưa bao giờ có thể bán như những sản phẩm bảo hiểm thông thường khác.
Bảo hiểm nông nghiệp tiềm năng, nhưng không dễ khai thác. Ảnh: Dũng Minh Bảo hiểm nông nghiệp tiềm năng, nhưng không dễ khai thác. Ảnh: Dũng Minh

Nhiều khó khăn

Chia sẻ tại hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Vai trò của ngành bảo hiểm đối với sự ổn định xã hội và phát triển nền kinh tế” do Đại học Kinh tế quốc dân phối hợp với Học viện Tài chính tổ chức tại Hà Nội mới đây, Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (ABIC) cho biết, tính đến nay, ABIC đã đào tạo được hơn 30.000 khai thác viên được Bộ Tài chính cấp chứng chỉ hành nghề, qua đó xây dựng hệ thống bán lẻ các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp đến từng thôn, xóm, bản làng.

Đối với bảo hiểm tính mạng, sức khỏe cho các hộ sản xuất và nông dân vay vốn, hàng năm, ABIC đã bảo hiểm trên 2,5 triệu lượt người vay, chiếm tỷ lệ hơn 65% hộ nông dân có quan hệ tín dụng với Agribank.

Đối với bảo hiểm tài sản hình thành từ vốn vay hay tài sản thế chấp tiền vay, từ năm 2010, ABIC triển khai bảo hiểm đàn bò sữa cho TH True Milk tại Nghệ An, bảo hiểm cây cao su ở các tỉnh Lâm Đồng, Bình Định, Bình Thuận… Hiện nay, đối tượng bảo hiểm cho sản phẩm này được mở rộng hơn gồm bò sữa, bò thịt, dê, cây cao su, cây keo và cây bạch đàn.

Theo ABIC, việc thuyết phục khách hàng mua bảo hiểm nông nghiệp không dễ dàng, cho dù biết mang lại lợi ích. Bảo hiểm nông nghiệp là nghiệp vụ có mức độ rủi ro cao nên mức phí bảo hiểm cũng cao tương ứng, nên không phải hộ nông dân nào cũng đủ khả năng chi trả. Hơn nữa, để mua bảo hiểm đã khó, việc duy trì hợp đồng còn khó hơn, bởi nếu trong một, hai năm đầu sự kiện bảo hiểm không xảy ra, tức là không được nhận bồi thường, thì bên mua thường ngừng tham gia tiếp trong những năm sau. Chưa kể, không phải công ty bảo hiểm nào cũng thành công với các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp mà mình bán ra.

Chẳng hạn, khi cung cấp gói sản phẩm nhiều tính năng cho một đối tượng khách hàng với mục đích đáp ứng cao nhất nhu cầu tiêu dùng cũng như nhu cầu tự bảo vệ của khách hàng đó, Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 về chính sách tín dụng nông nghiệp có quy định giảm lãi suất cho vay khi bán kèm gói bảo hiểm. Tuy nhiên, việc bán gói sản phẩm tín dụng nông nghiệp cùng bảo hiểm nông nghiệp dễ bị hiểu lầm là hành vi ép buộc khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn.

Ngoài ra, do đơn bảo hiểm chưa được bổ sung là một trong các biện pháp bảo đảm tiền vay, các hộ vay vốn vẫn phải thế chấp bằng tài sản đảm bảo hoặc giấy chứng nhận quyền sở dụng đất. Chẳng hạn, một khoản vay tín dụng để nuôi trâu, bò thì ngoài đàn trâu, bò hình thành từ vốn vay, hộ nông dân vẫn phải thế chấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất.

Chưa kể, số lượng đơn bảo hiểm nông nghiệp cấp tại thị trường Việt Nam chưa đáp ứng được nguyên tắc số đông bù số ít, xác suất rủi ro chưa được thống kê đầy đủ, phương thức chăn nuôi của các hộ chủ yếu là nhỏ lẻ, manh mún, phân tán, chưa tuân thủ quy trình chuẩn nên mức độ rủi ro cao, cho nên các nhà tái áp phí tái bảo hiểm nông nghiệp tại Việt Nam rất cao, dẫn đến tăng chi phí khoản vay và làm giảm tính hấp dẫn của sản phẩm này.

Những đề xuất mới

Năm 2018, Ngân hàng Thế giới (WB) phát hành báo cáo “Thực trạng tài chính nông nghiệp Việt Nam”, trong đó đưa ra nhiều lưu ý về sử dụng công cụ quản lý rủi ro trong khu vực tam nông, riêng bảo hiểm nông nghiệp cần phân biệt 2 nhóm rủi ro: Một là rủi ro thảm họa và rủi ro này cần được Nhà nước tham gia toàn bộ; hai là rủi ro đơn lẻ và đối tượng tham gia là các hộ nông dân và doanh nghiệp.

Về phương án triển khai bảo hiểm nông nghiệp gắn với tín dụng, Nghị định số 55/2015/NĐ-CP đã quy định rõ cơ chế lãi suất cho vay khi bán cùng gói bảo hiểm. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất, ngân hàng cần giảm một phần lãi suất để trả phí bảo hiểm khi người vay vốn được nhận thêm thẻ bảo hiểm. Khi đó, ngân hàng được đảm bảo vốn vay vì trường hợp rủi ro xảy ra trong sản xuất có thiên tai dịch bệnh, người vay đã có bảo hiểm, không bị nợ xấu. Người vay được lợi vì được giảm lãi suất để mua bảo hiểm, được hỗ trợ từ bảo hiểm nếu có sự kiện bảo hiểm xảy ra. Ngoài ra, khi tham gia bảo hiểm, người sản xuất phải tuân thủ các quy định về kỹ thuật của cơ quan chuyên ngành nên sẽ giúp sản xuất có chất lượng, đảm bảo tính bền vững.

Ngoài ra, cũng cần có sự liên kết các nhà gồm Nhà nước, ngân hàng, doanh nghiệp, bảo hiểm và nhà nông trong chuỗi liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa để đem lại giá trị gia tăng cao và tăng thu nhập cho người nông dân. Do đó, ABIC đưa ra đề xuất phối hợp triển khai bảo hiểm nông nghiệp gắn với tín dụng nông nghiệp thông qua hoạt động của Agribank.

Cụ thể, đối với phương án triển khai bảo hiểm nông nghiệp gắn với chuỗi liên kết, tại công văn số 477/KTHT-GN, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gợi ý phương án: “Phí bảo hiểm được lấy từ giá trị gia tăng khi tham gia chuỗi (khi đó, hộ nông dân ký hợp đồng sản xuất theo chuỗi với hợp tác xã, hoặc doanh nghiệp tiêu thụ thì nhận được thẻ bảo hiểm). Phí bảo hiểm được tính ở một phần giá bán sản phẩm theo hợp đồng thỏa thuận giữa 2 bên (doanh nghiệp có thể ứng ra để mua bảo hiểm hoặc người sản xuất ứng ra mua)”.

Thực tế, mô hình này được triển khai thành công ở nhiều nước có nền nông nghiệp phát triển. Còn ở Việt Nam, hoạt động sản xuất nông nghiệp, đặc biệt tại khu vực nông thôn, vẫn manh mún, tự phát, thiếu có nguồn cung ổn định, trồng trọt chăn nuôi theo tập quán, không theo quy chuẩn. Do vậy, việc áp dụng phương án triển khai bảo hiểm nông nghiệp gắn với chuỗi liên kết phù hợp hơn với mô hình trang trại trồng trọt, chăn nuôi theo quy chuẩn.

Đối với các mô hình sản xuất cá thể, hộ gia đình, việc đưa phí bảo hiểm tính vào giá sản phẩm sẽ làm tăng giá thành phẩm, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường. Để áp dụng được phương án này, cần áp dụng một cách đồng bộ, có sự giám sát, hỗ trợ từ các cơ chế, chính sách của Nhà nước như chuẩn hóa quy trình sản xuất, chăn nuôi trong khu vực nông nghiệp, đặc biệt chú trọng ứng dụng công nghệ cao, tiếp cận trình độ sản xuất của các nước có nền nông nghiệp phát triển; hỗ trợ bao tiêu sản phẩm đầu ra và cung ứng nguyên liệu đầu vào; hỗ trợ một phần chi phí quản lý rủi ro (trong đó có chi phí bảo hiểm)…

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục