Nhận diện những hạn chế về thị trường xuất khẩu 5 tháng

0:00 / 0:00
0:00
Tuy xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2022 đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng về thị trường vẫn có những hạn chế và đứng trước những thách thức không nhỏ.
Nhận diện những hạn chế về thị trường xuất khẩu 5 tháng

Mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có mặt ở hầu hết các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có 80 thị trường chủ yếu. Trong 80 thị trường này, có 59 thị trường đạt trên 100 triệu USD, đặc biệt có 26 thị trường mới qua 5 tháng đã đạt trên 1 tỷ USD, tăng 2 thị trường (Ba Lan, Tây Ban Nha), giảm 1 thị trường (Nga) do tác động của cuộc chiến Nga - Ukraine.

Trong 26 thị trường đã đạt trên 1 tỷ USD, châu Á có 13 thị trường (riêng Đông Nam Á có 5); châu Âu có 9; châu Mỹ có 3; châu Úc có 1. Trong 26 thị trường này, đạt trên 2 tỷ USD có 16 thị trường, trên 3 tỷ USD có 8, trên 4 tỷ USD có 6, đặc biệt có 2 thị trường đạt trên 20 tỷ USD.

Chỉ riêng 6 thị trường trên 6 tỷ USD (gồm Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông, Hà Lan) đã đạt 95,92 tỷ USD, chiếm 62,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, Mỹ là thị trường lớn nhất, chiếm trên 29,9% tổng số, tăng 22,5%, cao gần gấp 1,8 lần tốc độ tăng chung (16,7%); bằng 38,4% tổng mức tăng của cả nước. Trong nhiều mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, có 25 mặt hàng đạt trên 100 triệu USD, đặc biệt có 8 mặt hàng đạt trên 1 tỷ USD.

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, chiếm trên 14,3% tổng số, tăng 8,2% - thấp chỉ bằng một nửa tốc độ tăng chung, chủ yếu do thực hiện phương án Zero Covid. Trong các mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc, có 23 mặt hàng đạt trên 100 triệu USD (gồm 4 mặt hàng trên 1 tỷ USD).

Trong 80 thị trường xuất khẩu chủ yếu (cùng kỳ năm trước có 65 thị trường), tăng trên 800 triệu USD có 13 thị trường; có mức tăng rất lớn (trên 1 tỷ USD) có 4 thị trường (Mỹ tăng 8,42 tỷ USD, Trung Quốc tăng 1,68 tỷ USD, Hàn Quốc tăng 1,48 tỷ USD, Nhật Bản tăng 1,06 tỷ USD). Mức tăng của 4 thị trường này đã đạt 12,64 tỷ USD, chiếm trên 57,6% tổng mức tăng xuất khẩu của cả nước.

Trong 86 thị trường xuất nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam, có 54 thị trường Việt Nam ở vị thế xuất siêu, trong đó có 13 thị trường xuất siêu lớn (trên 1 tỷ USD), lớn nhất là Mỹ (39,78 tỷ USD), Hà Lan (3,79 tỷ USD), Hồng Kông (3,52 tỷ USD), Canada (2,36 tỷ USD), Đức (2,10 tỷ USD)… Đây là các thị trường đã góp phần làm cho cả nước tiếp tục xuất siêu.

Tuy đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng về thị trường vẫn có những hạn chế và đứng trước những thách thức không nhỏ. Trong 80 thị trường chủ yếu, có 15 thị trường bị giảm so với cùng kỳ, trong đó có một số thị trường có mức giảm lớn, như Nga giảm 47,2%, hay giảm 646 triệu USD; Hồng Kông giảm 3,7%, hay giảm 171 triệu USD; Ukraine giảm 64,9%, hay giảm 87 triệu USD; Gana giảm 41,9%, hay giảm 83 triệu USD; Áo giảm 4,9% hay giảm 60 triệu USD.

Trong 86 thị trường nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam có 32 thị trường tăng, trong đó có 8 thị trường có mức tăng lớn, đặc biệt có 3 thị trường có mức tăng rất lớn là Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan.

Trong 86 thị trường xuất nhập khẩu chủ yếu, Việt Nam ở vị thế nhập siêu với 29 thị trường, trong đó nhập siêu lớn (trên 1 tỷ USD) với 10 thị trường: Trung Quốc (27,63 tỷ USD); Hàn Quốc (17,56 tỷ USD); Đài Loan (8,11 tỷ USD); Thái Lan (2,77 tỷ USD)... Đây là những thị trường mà Việt Nam cần rà soát việc nhập khẩu. Cần chú ý, Việt Nam đã chuyển từ vị thế xuất siêu sang nhập siêu với Campuchia, Lào, Nhật Bản, Australia, Nga…; hoặc đã nhập siêu lớn từ Malaysia, Indonesia…

Minh Nhung
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục