Thị trường tài chính 24h: Dòng tiền đang chờ đợi các cơ hội rõ ràng hơn để giải ngân

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index đảo chiều tăng hơn 10 điểm; Ngân hàng xoay xở trong “chiếc áo” chật; Dòng tiền đang chờ thông tin mới; Lửng lơ trong vùng trũng thông tin; Rủi ro vỡ nợ chéo trái phiếu giảm dần; Trái ngược với dự báo, giá lương thực toàn cầu đã giảm…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Thị trường tài chính 24h: Dòng tiền đang chờ đợi các cơ hội rõ ràng hơn để giải ngân

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay 23/8 tăng 250.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 50.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua, giá vàng SJC tại Hà Nội vào cuối ngày hôm nay đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện niêm yết tại 66,25 – 67,07 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần tại Mỹ giảm 10,7 USD xuống mức 1.736,9 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng gần như chỉ xoay nhẹ quanh 1.735-1.740 USD/ounce cho đến cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 109,00 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 23/8 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.237 đồng/USD, tăng 15 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.290 – 23.570 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua rung lắc nhẹ 21.400 USD, thì sang phiên hôm nay đã tiếp tục xu hướng này cho đến cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 1,59 USD (+1,75%), lên 91,94 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 1,39 USD (+1,44%), lên 97,87 USD/thùng.

VN-Index đảo chiều tăng hơn 10 điểm

Sau phiên sáng giảm và phần lớn các cổ phiếu đều chỉ biến động giá trong biên độ hẹp, thị trường bước vào phiên chiều với lực cầu bất ngờ hoạt động mạnh hơn ở nhiều nhóm ngành, bảng điện tử hoàn toàn đổi sắc tích cực, giúp VN-Index đi lên tăng hơn 10 điểm trên 1.2670 điểm khi đóng cửa.

Ở các bluechip PLX nổi bật khi +3,9%, VNM +2,8, SSI +2,8%, BID +2,7%.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, các mã ngành dầu khí ASP, GSP, PVT +4,3%, PSH +3,4%/

Nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán cũng đảo chiều tăng với VCI +6,7%, VDS +5,6%, CTS +4,8%, AGR +4,7%, BSI +3,1%, HCM +2,9%...

Nhóm cổ phiếu xây dựng, bất động sản với CKG, VPH, TCD, VRC đóng cửa ở mức giá trần, HHV +6,6%, DRH +6%, KHG +5,4%, TDC +5,3%, LHG +5,2%, DIG +4,8%..

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 1,9 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng 110,54 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 23/8: VN-Index tăng 10,38 điểm (+0,82%), lên 1.270,81 điểm; HNX-Index tăng 4,41 điểm (+1,5%), lên 299,14 điểm; UpCoM-Index tăng 0,56 điểm (+0,6%), lên 92,78 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall lao dốc trong phiên thứ Hai (22/8), khi các nhà đầu tư lo lắng về cuộc họp của Fed vào cuối tuần này tại Jackson Hole với dự báo sẽ có thêm những cam kết mạnh mẽ và diều hâu hơn trong việc tăng lãi suất để dập tắt lạm phát.

Các cổ phiếu công nghệ và tăng trưởng là những gánh nặng lớn nhất với Nvidia Corp giảm 4,6%, Amazon.com giảm 3,6%, Netflix sụt 6,1%, trong khi Microsoft Corp và Apple đều mất hơn 2%, sau khi lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ năm tăng vượt mốc 3% lên mức cao nhất kể từ ngày 21/7.

Kết thúc phiên 22/8, chỉ số Dow Jones giảm 643,13 điểm (-1,91%), xuống 33.063,61 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 90,49 điểm (-2,14%), xuống 4.137,99 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 323,64 điểm (-2,55%), xuống 12.381,57 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm phiên thứ tư liên tiếp, ảnh hưởng từ phiên lao dốc trên qua trên phố Wall.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,19% xuống 28.452,75 điểm. Chỉ số Topix giảm 1,06% xuống 1.971,44 điểm.

“Thị trường Nhật Bản hôm nay suy yếu, nhưng so với mức giảm gần 2% của chỉ số Dow Jones, thì mức giảm của Nikkei 225 thấp hơn. Đó là bởi vì các nhà đầu tư đã bắt đầu tung vào lực mua bắt đáy kịp thời”, Jun Morita, Tổng giám đốc bộ phận nghiên cứu tại Chibagin Asset Management cho biết.

Trong khi đó, một cuộc khảo sát của PMI cho thấy tăng trưởng hoạt động nhà máy của Nhật Bản đã chậm lại xuống mức thấp nhất trong 19 tháng vào tháng 8, do sản lượng và đơn đặt hàng mới ngày càng giảm, do áp lực tăng giá của chi phí nguyên liệu và năng lượng cũng như nhu cầu toàn cầu suy yếu.

Phiên này, nhóm cổ phiếu công nghệ đều giảm với SoftBank Group giảm 2,42%, M3 giảm 2,93% và Tokyo Electron giảm 0,79%.

Cổ phiếu Hino Motors, đơn vị sản xuất xe tải và xe buýt của Toyota Motor, giảm thêm 6,36% và là cổ phiếu giảm sâu nhất Nikkei 225 sau khi hành vi sai trái liên quan đến động cơ của hãng này lan rộng sang bộ phận xe tải nhỏ.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, do các nhà đầu tư lo ngại rằng các biện pháp hỗ trợ gần đây không đủ để xoay chuyển lĩnh vực bất động sản của nước này.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,05% xuống 3.276,22 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,49% xuống 4.161,08 điểm.

Cổ phiếu các nhà phát triển bất động sản đã mất 1,4%, sau khi gần như đi ngang trong phiên trước, ngay cả khi Trung Quốc đã thông báo cắt giảm lãi suất cho vay chuẩn trong những ngày gần đây.

Trong khi đó, Bloomberg đưa tin Trung Quốc đang có kế hoạch cung cấp các khoản vay đặc biệt 200 tỷ nhân dân tệ (29,2 tỷ USD) để đảm bảo các dự án nhà ở bị đình trệ.

“Các chính sách mới nhất sẽ hữu ích, nhưng chúng vẫn mang tính phản ứng và chắp vá. Nói một cách đơn giản, những biện pháp hỗ trợ này vẫn chưa thể xoay chuyển được lĩnh vực bất động sản đang gặp bất ổn”, Nomura cho biết trong một ghi chú.

Chỉ số phụ năng lượng tăng 1,8%, tài nguyên tăng 2,9%, trong khi kim loại màu tăng 3,9%.

Chứng khoán Hồng Kông giảm do ảnh hưởng từ phiên đêm qua trên phố Wall và nhóm cổ phiếu công nghệ sụt giảm.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,78% xuống 19.503,25 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises mất 0,69% xuống 6.648,85 điểm.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm phiên thứ năm liên tiếp chuỗi giảm dài nhất trong hai tháng, do lo ngại về việc thắt chặt tiền tệ tại Mỹ và cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 27,16 điểm, tương đương 1,1% xuống 2.435,34 điểm.

Trong số các cổ phiếu lớn, gã khổng lồ công nghệ Samsung Electronics giảm 1,5% và SK Hynix giảm 1,68%, trong khi nhà sản xuất pin LG Energy Solution tăng 0,56%.

Kết thúc phiên 23/8: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 341,75 điểm (-1,19%), xuống 28.452,75 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 1,57 điểm (-0,05%), xuống 3.276,22 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 153,73 điểm (-0,78%), xuống 19.503,25 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 27,16 điểm (-1,10%), xuống 2.435,34 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Ngân hàng xoay xở trong “chiếc áo” chật

Các ngân hàng cạn hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng đang tạo dư địa cho vay bằng cách tăng cường thu hồi nợ, đẩy mạnh cho vay ngắn hạn, giảm quy mô trái phiếu nắm giữ...>> Chi tiết

- Thị trường chứng khoán: Lửng lơ trong vùng trũng thông tin

Những yếu tố ảnh hưởng đến lạm phát, lãi suất vẫn đang khó dự báo, trong khi doanh nghiệp bước qua mùa công bố kết quả kinh doanh quý II và phải chờ gần 2 tháng nữa mới đến mùa công bố báo cáo quý III..>> Chi tiết

- Dòng tiền đang chờ thông tin mới

Ghi nhận từ thị trường cho thấy dòng tiền đang chờ đợi các cơ hội rõ ràng hơn để giải ngân khi thị trường thiếu vắng thông tin mới cũng như một số thông tin tốt như kỳ vọng trước đó vẫn chưa thành hiện thực..>> Chi tiết

- Rủi ro vỡ nợ chéo trái phiếu giảm dần: Tín dụng bất động sản chưa đáng ngại?

Động thái mua lại trái phiếu trước hạn của doanh nghiệp khiến áp lực vỡ nợ dây chuyền giảm đáng kể. Tuy vậy, tín dụng bất động sản vọt tăng, bù đắp phần thiếu hụt vốn từ kênh trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) cũng đặt ra nhiều lo ngại..>> Chi tiết

- Trái ngược với dự báo, giá lương thực toàn cầu đã giảm

Sau 6 tháng kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, một cú sốc lạm phát vẫn đang phá huỷ các nền kinh tế, nhưng một trong số hàng hoá quan trọng, giá đã quay trở lại mức bình thường..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục