
Thị trường chứng khoán đã có phiên giao dịch ngày 4/3 giảm mạnh nhất trong lịch sử, với mức giảm 6,69%, là phản ứng mạnh trước thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố dự kiến áp thuế đối ứng 46% đối với 90% tổng lượng hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, cao thứ 2 trong số các nước xuất khẩu vào thị trường Mỹ, chỉ sau Campuchia.
Điểm sáng lớn nhất là thanh khoản thị trường đang hơn 39.600 tỷ đồng, cho thấy lực hấp thụ cung trên thị trường đang tốt, nhất là áp lực khối ngoại đẩy mạnh bán ròng gần 3.700 tỷ đồng.
Thông tin đánh thuế 46% gây hoang mang với nhà đầu tư tham gia thị trường, dù rằng mức thuế này không phải áp dụng cho toàn bộ nhóm ngành, mà tập trung điện tử (linh kiện và thiết bị bán dẫn), thép và nhôm đang chịu thuế chống bán phá giá trước đó, năng lượng tái tạo (pin mặt trời và tuabin gió) áp dụng từ 15/4/2025.
Ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc SSI Research, Trưởng ban Đào tạo và Phát triển, CTCP Chứng khoán SSI cho biết, cách đây vài ngày, đại diện thương mại Mỹ có gửi báo cáo đánh giá ước tính thương mại quốc gia, trong đó có gần 60 quốc gia trên thế giới với các chính sách, rào cản thương mại phi thuế quan, tức là số lượng các quốc gia có thể bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế mới là không bất ngờ. Điểm bất ngờ là việc tính toán ra con số rất cao.
Ông Hưng đánh giá, nếu chỉ nhìn vào những con số này, ảnh hưởng đến Việt Nam là rất lớn, có thể khoảng 7% GDP.
Tuy nhiên, câu chuyện có thể rộng hơn thế, không chỉ ảnh hưởng 60 quốc gia mà trên toàn thế giới – việc suy thoái kinh tế giới khó tránh khỏi. Chúng ta có thể so sánh với các giai đoạn suy thoái trước đây của kinh tế thế giới hay ở những điểm nhất định của đại dịch covid - ảnh hưởng đong đếm có thể như thế.
Điểm có thể cho là tích cực, với mức thuế 46% cho Việt Nam, 54% cho Trung Quốc như là mức trần để các quốc gia có thể đàm phán với chính quyền Tổng thống Mỹ về các chính sách mà sau đó mức thuế trần có thể giảm xuống, không có nghĩa là mức thuế áp dụng mãi mãi.
Việt Nam chắc là quốc gia duy nhất làm được rất nhiều việc để thể hiện được thiện chí của mình trong việc xử lý các mối quan hệ thương mại giữa 2 quốc gia. Gần nhất là sau chuyến thăm của Bộ trưởng Bộ Công thương, ngày 1/4/2025 có bản dự thảo Nghị định liên quan đến kiểm soát thương mại chiến lược – văn bản thể hiện thiện chí Việt Nam trong việc bảo vệ sở hữu trí tuệ trong hoạt động thương mại và đầu tư.
Đây là hành động mạnh của Việt Nam trong việc thể hiện cam kết trong mối quan hệ thương mại. Theo quan sát của ông Hưng, đa số các vấn đề phía Mỹ nêu ra trong phần đánh giá chính sách thương mại Việt Nam đều đã được Việt Nam xử lý khá nhiều. Chẳng hạn như vấn đề sở hữu trí tuệ, Việt Nam đang ban hành Nghị định mới, liên quan đến thương mại, hàng hoá nông nghiệp của Mỹ (biotech) đều đang được sửa và triển khai nhanh.
Bởi vậy, ảnh hưởng trong ngắn hạn chắc chắn là có, còn về dài hạn thì kịch bản cơ sở cho mức thuế này không thể kéo dài hàng năm, mà sẽ nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường hoá và các mức thuế có thể sẽ được đàm phán xuống mức thấp hơn. Ông Hưng nhấn mạnh thêm, như các cuộc chiến tranh thương mại khác, Việt Nam có thể hưởng lợi từ xu hướng này.
Câu hỏi nhà đầu tư đặt ra là trước đó, dù có các động thái giảm thặng dư thương mại với Mỹ thì kịch bản dự phóng đều thấp hơn mức thuế mới công bố, vậy Việt nam sẽ có hướng xử lý như thế nào để có mức thuế quan thấp hơn?
Liên quan vấn đề thị trường, ông Hưng cho rằng, không lạc quan thái quá về “tin xấu thành tin tốt”, bởi khi “xấu đến mức này rồi” thì đâu đó sẽ nghĩ đến các hành động tiếp theo của Chính phủ sẽ mạnh hơn để giải quyết vấn đề này.
Với nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài đã trao đổi với SSI trong thời gian qua, họ đánh giá rủi ro thuế quan với Việt Nam là lớn nhất. Họ vẫn đang chờ các rủi ro này thể hiện và hiện nó đang thể hiện mức xấu nhất, khi đó, họ có thể xem xét để đầu tư trở lại vào Việt Nam.
Trong khi đó, mức định giá của thị trường Việt Nam hiện đang có mức hấp dẫn. So với thời điểm chiến tranh thương mại năm 2018 khi PE VN-Index ở mức 23-24x, thì mức định giá hiện nay mới chỉ bằng một nửa, nên áp lực buộc phải bán ra không quá mạnh. Tuy nhiên, chứng khoán Việt Nam là thị trường của các nhà đầu tư cá nhân với tỷ lệ giao dịch trên 90% nên yếu tố tâm lý có ảnh hưởng rất lớn.
“Nói vui, ngày 8-9/4 áp dụng thuế mới, cũng là ngày FTSE đánh giá thị trường Việt Nam, biết đâu sẽ có diễn biến ngược vào ngày đó. Tốt nhất chúng ta có 2 tin tốt vào giai đoạn này thì câu chuyện sẽ hoàn toàn khác ngày hôm nay”, ông Hưng chia sẻ.
Đánh giá về ngành nghề bị ảnh hưởng tới thông tin thuế quan từ Mỹ, ông Hưng cho rằng, đầu tiên phải kể đến ngành liên quan xuất khẩu sang Mỹ như thủy sản. Hiện thuỷ sản đang có 2 vấn đề là thuế quan lên cao thì không khác gì thuế chống bán phá giá, tuy nhiên các lựa chọn khác của nhà nhập khẩu Mỹ cũng không có nhiều khi các quốc gia khác đều bị đánh thuế.
Chiều ngược lại, lo ngại nhất là câu chuyện liên quan các thị trường khác, nếu chỉ giới hạn ở thị trường Mỹ thì Việt Nam có thể tìm được cơ hội để đa dạng hoá xuất khẩu ở các thị trường khác – nhưng đây là cả thế giới.
Phân tích về điểm tích cực nhất lúc này, theo ông Hưng, với tỷ trọng doanh nghiệp có nguồn thu từ nước ngoài không cao trong khối doanh nghiệp niêm yết, chỉ chiếm dưới 20%, thì có khoảng 80% doanh thu đến từ các doanh nghiệp nội địa, do đó, nếu Chính phủ vẫn tiếp tục đẩy mạnh các chính sách kích cầu nội địa, đẩy mạnh đầu tư công…, tăng trưởng đến từ bên trong, thì sẽ giảm bớt được sự ảnh hưởng từ thuế quan đến thị trường.
Nếu chọn ngành có thể xem xét ưu tiên, ông Hưng cho rằng, các doanh nghiệp liên quan nhiều thị trường trong nước như ngành điện đang có nhiều thông tin như sửa đổi quy hoạch điện VIII, hay xử lý giá FIT của nhiều dự án điện năng lượng tái tạo. Nhiều nhà đầu tư đã có ý kiến lên Chính phủ và đã có tổ công tác xử lý vấn đề này, nên câu chuyện này có thể thay đổi. Hay liên quan giá điện, đã có nghị định Chính phủ trong việc giảm bán lẻ giá điện đã có sửa đổi nhất định.
Vậy trong kịch bản xấu nhất thì nhà đầu tư cần làm gì?
Theo ông Hưng, trường hợp tiêu cực hơn, so sánh Việt Nam với Trung quốc có nhiều điểm tương đồng, nhưng khác nhau lớn nhất là dân số Việt Nam còn 10-15 năm nữa mới xem là dân số già, nên cơ hội để dựa vào cơ cấu dân số trẻ, lực lượng lao động trẻ để tăng trưởng là có. Một số yếu tố của Việt Nam mà chưa chắc thị trường Trung Quốc có được là khả năng hồi phục từ thị trường bất động sản.
Khi biến động bên ngoài nhiều thì phải tập trung nhiều hơn cho nội địa, dư địa chính sách nhiều như nợ công/GDP Việt Nam thấp trong khu vực nên chi nợ công của Việt Nam vẫn có thể cao.
Với nhà đầu tư, trong thời điểm nhìn thấy rủi ro bên ngoài quá nhiều, họ sẽ risk-off – chờ tình hình ổn hơn và lựa chọn thời điểm an toàn, đầu tư liên quan đến động lực tăng trưởng từ bên trong như tiêu dùng nội địa, sản xuất phục vụ nội địa; hoặc tìm đến sản phẩm là “rổ cổ phiếu” – hoặc mua chứng chỉ quỹ, hoặc tự xây dựng danh mục đa dạng hoá.
"Trong thời điểm cả thế giới đều có chung xu hướng là đặt câu chuyện tăng trưởng tạm đặt sang một bên, nhà đầu tư chứng khoán có thể tìm đến các cổ phiếu mang tính giá trị hơn để chờ đợi ổn định trở lại. Giá trị ở đây là mức định giá thấp, doanh thu ổn định bất kể kinh tế biến động…, sẽ là cơ sở để nhà đầu tư có thể chờ diễn biến xấu sớm qua đi", ông Hưng nói.