Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán có tuần đầy giông bão

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index thêm một phiên giảm sâu; Cam go cuộc chiến nợ xấu của ngành ngân hàng; Sẽ có 5 doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, tầm cỡ khu vực; Chứng khoán châu Á một số nơi chịu áp lực lớn; Trung Quốc báo hiệu nới lỏng chính sách tiền tệ… là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán có tuần đầy giông bão

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 9/7 giảm 50.000 đồng/lượng chiều mua vào nhưng không đổi chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC tại Hà Nội đã giảm 50.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, hiện niêm yết tại mức 56,80 – 57,52 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ giảm 0,3 USD xuống 1.803,1 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tiếp tục giao dịch ảm đạm vào xoay nhẹ quanh ngưỡng trên cho đến cuối giờ chiều.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) giảm 0,12% xuống 92,31 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 9/7 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.201 đồng, tăng 11 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.900 - 23.100 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,78 USD (+1,07%), lên 73,72 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,64 USD (+0,86%), lên 74,76 USD/thùng.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm giảm về quanh 32.800 USD/BTC thì sang phiên hôm nay chỉ nhích nhẹ và lên quanh 32.900 USD/BTC vào cuối ngày.

Chứng khoán trong nước

VN-Index rơi thêm 27,5 điểm, cả tuần đánh mất 73 điểm

Phiên giảm hôm qua (8/7) khiến VN-Index rơi xuống dưới đường MA20, đặc biệt thanh khoản giảm rất mạnh, cùng áp lực từ các thị trường bên ngoài, tất cả đã ra một tín hiệu không tích cực cho chỉ số ngày hôm nay.

Do đó, phiên sáng nay diễn ra khá thận trong với lực cầu thấp chỉ có tính thăm dò, nhưng đã lao dốc do lực bán ồ ạt tung ra ở giữa phiên chiều, có thời điểm VN-Index rơi gần 40 điểm và thu hẹp đà giảm sau đó, nhưng vẫn mất hơn 27 điểm khi đóng cửa.

Kết thúc tuần, VN-Index mất 73,13 điểm (-5,15%), xóa đi nỗ lực của 4 tuần trước đó, xác nhận thị trường đi vào ngưỡng giảm điểm trung hạn.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 18,82 triệu đơn vị với tổng giá trị mua ròng 795,97 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 9/7: VN-Index giảm 27,54 điểm (-2,00%), xuống 1.347,14 điểm; HNX-Index giảm 9,25 điểm (-2,93%), xuống 306,73 điểm; UpCoM-Index giảm 1,4 điểm (-1,58%), xuống 87,08 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall mất điểm vào thứ Năm (8/7) sau một phiên bán tháo trên diện rộng do những bất ổn xung quanh tốc độ phục hồi kinh tế Mỹ.

số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tăng nhẹ lên mức 373.000 đơn trong tuần kết thúc vào ngày 3/7, cao hơn dự báo 350.000 đơn của các chuyên gia và là một dấu hiệu khác cho thấy đà phục hồi khó khăn của thị trường lao động sau đại dịch.

Mặt khác, nhận thấy những rạn nứt trong đà phục hồi kinh tế Mỹ, các nhà đầu tư vào vị thế bán khống trên thị trường trái phiếu. Lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm phiên thứ tám liên tiếp đêm qua.

Kết thúc phiên 8/7, chỉ số Dow Jones giảm 259,86 điểm (-0,75%), xuống 34.421,93 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 37,31 điểm (-0,86%), xuống 4.320,82 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 105,28 điểm (-0,72%), xuống 14.339,79 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm xuống mức thấp nhất trong gần 8 tuần, do lo lắng về sự phục hồi kinh tế chậm lại, sau khi nước này tuyên bố tình trạng khẩn cấp để ngăn ngừa Covid-19 lây lan.

Nhưng may mắn, thiệt hại đã được giảm bớt do nhiều nhận định rằng, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) có thể đã hành động để hỗ trợ thị trường trong phiên.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,63% xuống 27.940,42 điểm, sau khi có thời điểm mất 2,48% trong phiên. Chỉ số này mất 2,9% trong tuần và đóng cửa dưới mốc 28.000 điểm lần đầu tiên kể từ ngày 17/5.

Chỉ số Topix giảm 0,41% xuống 1.912,38 điểm.

Nhật Bản hôm qua đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở Tokyo và sẽ áp dụng trong suốt Thế vận hội.

Takatoshi Itoshima, chiến lược gia tại Pictet Asset Management, cho biết: “Các nhà đầu tư lo ngại liệu các biện pháp khẩn cấp lần thứ tư của Nhật Bản có thực sự hiệu quả hay không… nhất là trong bối cảnh các nền kinh tế ở các quốc gia khác đang mở cửa trở lại”.

Chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh ngay từ sớm, nhưng đã hồi phục về cuối phiên và đóng cửa chỉ còn mất điểm nhẹ.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,04% xuống 3.524,09 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,37% xuống 5.069,44 điểm.

Trong tuần, chỉ số CSI300 giảm 0,2%, trong khi SSEC tăng 0,2%.

Các chỉ số chính hầu như ít biến động trong tuần, bất chấp gợi ý bất ngờ của Bắc Kinh về việc nới lỏng tiền tệ vào đầu tuần này. Mặc dù vậy, theo giới phân tích, điều này còn làm dấy lên lo lắng về sự phục hồi kinh tế của nước này.

Chứng khoán Hồng Kông tăng, nhưng đánh dấu tuần tồi tệ nhất trong hơn 4 tháng, do nhóm cổ phiếu công nghệ đang bị đàn áp bởi những quy định về chống độc quyền từ Bắc Kinh.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,7% lên 27.344,54 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,64% lên 9.885,42 điểm.

Trong tuần, HSI giảm 3,4% và HSCE giảm 5,1%, cả hai đều có tuần tồi tệ nhất kể từ cuối tháng Hai.

Phiên hôm nay, chỉ số phụ theo dõi ngành công nghệ đã chạm mức thấp nhất trong chín tháng, trước khi đảo chiều tăng 1,5% nhờ hoạt động bắt đáy.

Chỉ số công nghệ đã giảm hơn 30% so với mức cao kỷ lục đạt được vào giữa tháng 2, khi Bắc Kinh tăng cường áp lực đối với các công ty công nghệ của nước này.

Cũng đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư là những căng thẳng mới nhất với Mỹ, sau khi Chính quyền Mỹ thông báo sẽ sớm đưa thêm hơn 10 công ty Trung Quốc vào danh sách đen vì cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương.

Chứng khoán Hàn Quốc tiếp tục suy yếu, do áp lực từ số ca nhiễm mới Covid-19 liên tục tăng.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 1,07% xuống 3.217,95 điểm, chỉ số này giảm 2% trong tuần này.

Một số nhà đầu tư đang quay trở lại với các tài sản an toàn và tránh xa các thị trường mới nổi, khi các trường hợp nhiễm mới Covid-19 đang tăng đột biến, Lee Kyoung-min, một nhà phân tích tại Daishin Securities cho biết.

Hàn Quốc thông báo, sẽ nâng các hạn chế chống dịch lên mức cao nhất ở Seoul và một số khu vực lân cận trong hai tuần kể từ thứ Hai tới, Thủ tướng Kim Boo-kyum cho biết.

Kết thúc phiên 9/7: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 177,61 điểm (-0,63%), xuống 27.940,42 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 1,42 điểm (-0,04%), xuống 3.524,09 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 191,41 điểm (+0,70%), lên 27.344,54 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 34,73 điểm (-1,07%), xuống 3.217,95 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Cam go cuộc chiến nợ xấu của ngành ngân hàng

Nhiều khoản vay biến thành nợ xấu trong đại dịch Covid-19, trong khi việc xử lý các khoản nợ cũ theo Nghị quyết 42 của các ngân hàng vẫn gặp nhiều vướng mắc..>> Chi tiết

- Sẽ có 5 doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, tầm cỡ khu vực

“Có ít nhất 5 tập đoàn, tổng công ty nhà nước quy mô lớn, tầm cỡ khu vực và quốc tế vào năm 2030” là mục tiêu được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đề xuất..>> Chi tiết

- Trung Quốc báo hiệu nới lỏng chính sách tiền tệ, làm dấy lên lo ngại về tăng trưởng suy yếu

Các nhà chức trách của Trung Quốc mới đây đã báo hiệu rằng, họ có thể sớm mở ra nhiều chính sách hỗ trợ hơn cho nền kinh tế. Đây là một sự thay đổi bất ngờ và có thể cho thấy sự phục hồi kinh tế Trung Quốc có thể đã suy yếu trở lại..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 0.0 0.0% 258,687 tỷ
HNX 243.92 0.0 0.0% 0 tỷ
UPCOM 91.48 0.0 0.0% 0 tỷ