Thị trường tài chính 24h: Chờ 'sóng' báo cáo kết quả kinh doanh

(ĐTCK) VN-Index mất điểm phiên cuối tuần; Lượng nợ xấu nhà băng “tồn” tại VAMC chỉ giảm…rất nhẹ; Điểm mua có thể xuất hiện; Thời của dòng tiền chủ động; May rủi chiến lược “lăn chốt”; Chứng khoán châu Á giao dịch lình xình trong biên độ hẹp; Thông điệp mới từ Tổng thống Trump: Chiến tranh thương mại chưa chấm dứt...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Thị trường tài chính 24h: Chờ 'sóng' báo cáo kết quả kinh doanh

VN-Index giảm trở lại

Trong phiên sáng, với lực cầu khá yếu, cùng sự phân hóa nhẹ ở bluechip, VN-Index đã không thể lấy lại mốc tham chiếu mà diễn biến lình xình đi ngang.

Bước sang phiên chiều, VN-Index cố gắng nhích dần, nhưng lực đỡ không đủ mạnh trước áp lực bán thường trực khiến chỉ số chưa thể lấy lại được thăng bằng và đã lùi sâu hơn trong những phút cuối phiên.

Trong khi nhóm ngân hàng đồng loạt đi lùi với mức giảm nhẹ trên dưới 1%, thì nhóm dầu khí hầu hết đều khởi sắc như GAS tăng 1,4% lên 106.500 đồng, PVD tăng 1% lên 19.350 đồng, PLX tăng 0,3% lên 61.000 đồng, PXS tăng 0,5% lên 5.540 đồng…

Bên cạnh đó, một số bluechip như VNM, MSN, VRE nhích nhẹ, FPT tăng vọt 2,6% lên 48.200 đồng.

CTD tăng 3,6% lên 126.100 đồng nhưng thanh khoản giảm so với những phiên gần đây, đạt 270.900 đơn vị.

SAB giảm 1,3% xuống mức thấp nhất ngày 244.200 đồng và thanh khoản chỉ đạt 5.890 đơn vị.

VIC tiếp tục gia tăng sức nặng khi nới rộng biên độ giảm 1,6% xuống 113.200 đồng, với khớp hơn 0,55 triệu đơn vị.

Lực cầu tăng mạnh đã giúp ROS hồi nhẹ +0,2% lên 31.500 đồng, giao dịch sôi động nhất sàn HOSE với khối lượng khớp hơn 8,66 triệu đơn vị.

Các mã vừa vừa nhỏ vẫn chủ yếu lình xình trong biên độ hẹp với thanh khoản không lớn. Ngoài ra, một số mã khác cũng được kéo lên kịch trần như TNI, HAI, AGR, TGG…

Tính chung toàn thị trường trong phiên 12/4, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 0,71 triệu đơn vị, giảm gần 58% về lượng so với phiên hôm qua. Tổng giá trị là mua ròng 47,08 tỷ đồng, trong khi phiên trước đó bán ròng 44,77 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 12/4: VN-Index giảm 3,05 điểm (-0,31%), xuống 982,9 điểm; HNX-Index tăng 0,13 điểm (+0,12%), lên 107,7 điểm; UPCoM-Index tăng 0,16 điểm (+0,28%) lên 56,64 điểm.

Chứng khoán Mỹ 

Phố Wall giằng co trong phiên thứ Năm khi nỗi lo suy giảm kinh tế toàn cầu và chiến tranh thương mại được bù đắt bới dữ liệu kinh tế Mỹ tích cực và kỳ vọng vào báo cáo kết quả kinh doanh tích cực của các ngân hàng.

Theod ữ liệu vừa được Bộ Lao động Mỹ công bố, các đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần trước đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1969, trong khi vào tháng 3, giá sản xuất đã đạt mức tăng lớn nhất kể từ tháng 10/2018. Dữ liệu này làm giảm bớt lo lắng về sự suy thoái kinh tế toàn cầu ảnh hưởng tới nước Mỹ.

Ngoài ra, dù theo các nhà phân tích dự báo, lợi nhuận của các doanh nghiệp trong S&P 500 quý I/2019 sẽ giảm 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái, quý giảm đầu tiên kể từ năm 2016. Tuy nhiên, nhà đầu tư đánh giá đó có thể là ước tính bi quan và đang chờ đợi mùa công bố kết quả tích cực hơn.

Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý I sẽ bắt đầu vào ngày thứ sáu (12/4) với 2 ngân hàng lớn là JPMorgan Chase & Co và Wells Fargo & Co, tiếp đó là Citigroup Inc và Goldman Sachs Inc vào thứ Hai (15/4) và Bank of America Corp và Morgan Stanley vào thứ Ba (16/4).

Dự báo các ngân hàng này sẽ có kết quả tích cực đã giúp nhóm ngân hàng tăng 0,6% trong phiên thứ Năm, qua đó kéo Dow Jones trở lại sát ngưỡng tham chiếu, S&P 500 chớm sắc xanh, trong khi Nasdaq điều chỉnh khá mạnh.

Kết thúc phiên 11/4, chỉ số Dow Jones giảm 14,11 điểm (-0,05%), xuống 26.143,05 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,11 điểm (+0,00%), lên 2.888,32 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 16,88 điểm (-0,21%), xuống 7.947,36 điểm.

Thị trường châu Á

Chứng khoán Nhật Bản nhích nhẹ, tuy nhiên, nhà đầu tư bắt đầu giao dịch chậm lại trước kỳ nghỉ Lễ 10 ngày dịp lễ đăng quang Nhật Hoàng mới.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 255 tăng 0,7% lên 21.870,55 điểm. Tuy nhiên, Topix giảm 0,1% xuống 1605,40 điểm.

Để đánh dấu sự lên ngôi của Nhật hoàng mới, chính phủ đã thông báo một kỳ nghỉ 10 ngày từ ngày 27/4 đến ngày 6/5, đây sẽ là kỳ nghỉ dài nhất từ trước đến nay đối với chứng khoán Nhật Bản.

Có nhiều lý do để các nhà đầu tư không giao dịch mạnh trong thời gian này, do mùa báo cáo kết quả kinh doanh đang đến ở Mỹ và Nhật Bản, và chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ kéo dài, ông Yasuo Sakuma, Giám đốc đầu tư của Libra Investments tại Tokyo cho biết.

Điểm đáng chú ý trong phiên hôm nay là ông lớn Fast Retailing Co Ltd tăng 7,9%. Côn ty mẹ của Uniqlo này giảm nhẹ dự báo lợi nhuận cả năm qua, sau khi thời tiết ấm áp bất thường buộc họ phải giảm giá quần áo mùa đông, nhưng con số này vẫn sẽ cao kỷ lục khi hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc tiếp tục mạnh mẽ.

SoftBank Group cũng tăng mạnh 4,9%, sau khi Uber nộp đơn IPO. SoftBank là nhà đầu tư lớn nhất của Uber.

Yaskawa Electric Corp, công ty thường khởi động cho mùa báo cáo kết quả kinh doanh tại Nhật đã tăng 0,1%, mặc dù dự báo lợi nhuận hoạt động giảm 6,6%.

Lawson Inc giảm mạnh nhất trên bảng điện tử, khi mất 12,2%, sau khi cắt giảm dự báo cổ tức xuống 41%.

Chứng khoán Trung Quốc gần như không đổi, do xuất khẩu tốt hơn dự kiến đã nâng đỡ cho các nhà đầu tư đang tìm kiếm dấu hiệu ổn định trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Đóng cửa, Shanghai Composite gần như không đổi ở mức 3.188,63 điểm. Chỉ số CSI300 bluechip giảm 0,2% xuống 3.988,62 điểm.

Trong tuần, SSEC giảm 1,8%, và CSI300 cũng giảm 1,8%, chấm dứt chuỗi 4 tuần liên tiếp tăng.

Các nhà đầu tư đang hy vọng có nhiều dấu hiệu phục hồi kinh tế ở Trung Quốc để giảm bớt lo lắng về việc tăng trưởng toàn cầu chậm lại, sau khi IMF hạ triển vọng thế giới năm 2019 lần thứ ba.

Sự chậm lại trong nền kinh tế Trung Quốc là một trong những rủi ro chính đối với tăng trưởng toàn cầu, Phó giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế Mitsuhiro Furusawa cảnh báo.

Giá trị tổng thể của cổ phiếu A và chứng khoán Trung Quốc niêm yết ở nước ngoài vẫn chưa đắt, Tuy nhiên, sự phục hồi của cổ phiếu A năm nay chủ yếu là do định giá được nâng lên chứ không phải do kết quả kinh doanh khởi sắc của các công ty, CICC lưu ý.

Chứng khoán Hồng Kông tăng nhẹ khi xuất khẩu của Trung Quốc hồi phục, và dữ liệu cho thấy các ngân hàng Trung Quốc đã mở rộng nhiều các khoản vay mới hơn dự kiến.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,2% lên 29.909,76 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,4% lên 11.659,84 điểm.

Trong tuần, HSI giảm 0,1% còn chỉ số H giảm 0,3%.

Các ngân hàng Trung Quốc đã giải ngân thêm 1,69 nghìn tỷ nhân dân tệ (251,69 tỷ USD) cho các khoản vay mới trong tháng 3, tăng mạnh so với tháng 2 và cao hơn dự kiến, khi các nhà hoạch định chính sách thúc đẩy các tổ chức tín dụng cho vay hỗ trợ các công ty nhỏ đang gặp khó khăn.

Kết thúc phiên 12/4: Chỉ số Nikkei 255 tại Nhật Bản tăng 159,18 điểm (+0,73%), lên 21.870,56 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 1,34 điểm (-0,04%), xuống 3.188,63 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 70,31 điểm (+0,24%), lên 29.909,76 điểm.

Thị trường vàng và ngoại tệ

- Vàng SJC giảm khá mạnh. Tỷ giá USD giao dịch quanh 23.250 đồng/USD

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay giảm 80.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đứng ở mức 36,34 - 36,51 triệu đồng/lượng, không đổi so với đầu giờ sáng.

Trong khi đó, tỷ giá trung tâm ngày hôm nay được công bố ở mức 22.996 đồng/USD, tăng 5 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.150 - 23.250 đồng/USD.

Các thông tin đáng chú ý khác

Lượng nợ xấu nhà băng “tồn” tại VAMC chỉ giảm…rất nhẹ

Tính đến đầu tháng 4/2019, VAMC mới xử lý 190.000 tỷ đồng, tương đương hơn 56% tổng số nợ xấu được tổ chức này mua về..>> Chi tiết

- Điểm mua có thể xuất hiện

Thị trường chứng khoán đang bước vào mùa công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2019 với một số yếu tố bên ngoài bất lợi khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng. Tuy nhiên, dòng vốn ETF tiếp tục có dấu hiệu tích cực..>> Chi tiết

Thời của dòng tiền chủ động

Trong kịch bản cơ sở, các rủi ro ngoại biên không chuyển biến xấu, chỉ số VN-Index được dự báo sẽ diễn biến giằng co đầu quý, sau đó tăng vào cuối quý, nhờ bối cảnh vĩ mô ổn định, kết quả kinh doanh khả quan của doanh nghiệp và lực cầu ổn định từ khối ngoại..>> Chi tiết

May rủi chiến lược “lăn chốt”

Mua cổ phiếu sau ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức được giới đầu tư gọi là “lăn chốt”. Họ kỳ vọng, sau khi chia cổ tức, giá cổ phiếu sẽ quay trở lại mức trước khi chia. Thực tế, điều này không có cơ sở vững chắc..>> Chi tiết

VEPR dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2019 có thể đạt 6,9%

Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý I/2019 vừa được Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) công bố cho thấy, tăng trưởng kinh tế Việt Nam ở mức 6,79%, thấp hơn so với mức tăng của cùng kỳ năm trước (7,45%)..>> Chi tiết

Thông điệp mới từ Tổng thống Trump: Chiến tranh thương mại chưa chấm dứt

Cuộc chiến tranh thương mại mà ông Trump khơi mào vẫn chưa chấm dứt và dù nền kinh tế toàn cầu có đang trong tình trạng tăng trưởng yếu thì vẫn phải chấp nhận điều này..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục