Nỗi buồn của những “tay to“

(ĐTCK) Mùa đại hội đồng cổ đông năm nay, thị trường chứng kiến nhiều câu chuyện ồn ào giữa các cổ đông lớn với ban lãnh đạo tại nhiều doanh nghiệp như Vinaconex, Hoa Sen, Cotecons, Eximbank…
Nỗi buồn của những “tay to“

Giám đốc tư vấn một công ty chứng khoán lớn nhận xét, những vụ ồn ào lôi nhau ra công chúng, ra trước đại hội đồng cổ đông là mâu thuẫn đã lên đến mức gay gắt, các bên chưa tìm được hướng ra.

Có thể thấy rất rõ rằng, tất cả các mâu thuẫn cổ đông đều xuất phát từ lợi ích (dài hạn và ngắn hạn), mấu chốt chính là giải quyết được vấn đề lợi ích giữa các bên. Mâu thuẫn lợi ích có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân.

Chẳng hạn, cổ đông lớn muốn chi phối nhưng không hoàn toàn kiểm soát thế trận, chỉ cần bất đồng nhỏ là dẫn đến phủ quyết các nội dung mà hội đồng quản trị trình ra đại hội. Hoặc có thể do lãnh đạo công ty tạo ra mâu thuẫn lợi ích tiềm năng và dẫn tới các cổ đông khác lo ngại. Ðôi khi lại là do không có cổ đông lớn nào đủ sức chi phối cục diện, trong khi lãnh đạo công ty cũng sở hữu không lớn, còn cổ đông khác lo ngại về tính trách nhiệm và minh bạch…

Không chỉ có Việt Nam, các thị trường chứng khoán khu vực và thế giới cũng xuất hiện ngày càng nhiều vụ việc ồn ào như vậy. Số liệu được Activist Insight, một tổ chức chuyên thống kê và thu thập các vụ việc tranh chấp cổ đông trên thế giới công bố cho thấy, số vụ việc liên tục gia tăng hàng năm.

Hội đồng quản trị và ban lãnh đạo không ít tập đoàn lớn trên thế giới đều đã phải đối mặt với chiến dịch của nhiều cổ đông, yêu cầu phải có sự thay đổi trong doanh nghiệp, trong hoạt động đầu tư, trong các thương vụ mua bán, trong chi tiêu tài chính… Ðặc biệt, không chỉ tại Mỹ và châu Âu, nơi tư tưởng kinh doanh cởi mở thúc đẩy các bí mật doanh nghiệp dễ dàng bị phơi bày ra công chúng, phong trào này đang lan rộng ra châu Á, với các thị trường chứng khoán được coi là khá thủ cựu và kín đáo.

Nhiều vụ “cơm không lành, canh chẳng ngọt” ở Việt Nam được dàn xếp êm thấm sau khi mâu thuẫn lợi ích của các bên được dẹp bỏ, nhưng có không ít vụ việc lôi nhau ra cửa tòa. Ðã đến nước này thì các bên cũng cạn lời, giải pháp phần lớn là chia tay và mua lại cổ phiếu, hoặc thu xếp để một bên thứ ba mua lại cổ phiếu.

Nhận định số vụ việc mâu thuẫn sẽ tiếp tục gia tăng, song giám đốc một quỹ đầu tư nước ngoài lại nhìn nhận, đây là động thái tích cực. Bởi trong mỗi trường hợp cụ thể, các bên sẽ dần tìm ra được giải pháp phù hợp để dàn xếp ổn thỏa. Nhưng bất luận trường hợp nào thì muốn công ty tốt, quan hệ cổ đông tốt, đều cần có một điểm chung là công ty phải minh bạch, lãnh đạo phải minh bạch.

Cổ đông mâu thuẫn, cổ đông phá rối, cổ đông không tốt thì hình ảnh, uy tín của công ty tốt cũng dễ biến thành xấu. Hơn ai hết, chính các lãnh đạo doanh nghiệp nắm rõ điều này và “quả bóng” nằm trong chân họ.

Người quan sát

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục