Chuyến đi thực tế ấn tượng nhất đối với tôi năm 2018 là cùng cô bạn đồng nghiệp hiện đang làm thư ký tòa soạn một tờ báo lớn đến gặp chủ tịch một doanh nghiệp khi nội bộ công ty này đang trong cảnh “cơm không lành, canh không ngọt”.
Ðến cổng, nhân viên bảo vệ mặt đằng đằng sát khí yêu cầu chúng tôi xuất trình thẻ nhà báo đồng thời gọi bộ đàm báo cáo “người phe cổ đông A… đã đến”. Nhìn vào trong sân, thấy hàng loạt nhân viên bảo vệ đứng khắp nơi, chúng tôi cũng hơi ớn, nhưng đã “đâm lao thì phải theo lao”.
Lên gặp ông chủ tịch thì kè kè bên vị này là một ông luật sư, chắc trong tay thủ sẵn máy ghi âm để “quyết đấu khẩu” với người của phe cổ đông lớn. Nhưng họ đã chuẩn bị thừa. Chỉ sau 10 phút nói chuyện là họ biết, nhà báo chỉ đến để nghe hai tai, chả có mục đích nào khác. Thế là hỏi một, họ kể thêm bốn, năm.
Doanh nghiệp này vốn là doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa, ông chủ tịch đã chèo lái đưa công ty từ con số không trở thành tên tuổi lẫy lừng và ông là nhân vật quyền lực số 1 tại doanh nghiệp, một lời nói mọi người răm rắp nghe theo. Nhưng nay, công ty có thêm các cổ đông mới sừng sỏ.
Họ chưa cần dùng quyền lực cổ đông lớn để vào tra soát doanh nghiệp đã thấy ngay những điểm nghi vấn mà ông chủ tịch và các cộng sự có thể vi phạm pháp luật. Một cuộc chiến giữa hai bên nổ ra, một phần vụ việc được đưa ra tòa án, được đưa tới cơ quan chức năng. Rút cuộc, lãnh đạo doanh nghiệp phải nhượng bộ và hai bên ngồi được vào bàn đàm phán.
Chỉ chưa đầy 1 năm, người ngoài ngỡ rằng cổ đông lớn ôm vào lô cổ phiếu với giá cao ngất ngưởng, có khi tới cả chục năm mới hoàn vốn, vậy mà họ đã nhanh chóng thoái được với giá cao hơn. Cuộc chiến đã khép lại với phần thắng rơi vào tay các cổ đông chủ động.
Ở Việt Nam, giới đầu tư gọi nôm na đó là cổ đông chủ động (acitve), nhưng thực tế trên thế giới khái niệm này đã có từ rất lâu. Nó thường mang nghĩa tích cực hơn là tiêu cực.
Chỉ các cổ đông có hiểu biết, có quyền lực đã phát động những chiến dịch hành động buộc các lãnh đạo doanh nghiệp phải thay đổi, phải thích ứng, thậm chí nhiều trường hợp còn bị hất cẳng, để thay thế người mới.
Theo báo cáo toàn cảnh của Activistinsight, thị trường tài chính toàn cầu đang chứng kiến ngày càng nhiều sự xuất hiện của các cổ đông chủ động cũng như những chiến dịch hành động mà họ khởi xướng. Năm 2017, có tới hơn 21% các chiến dịch nhằm vào các công ty có vốn hóa lớn so với tỷ lệ 19% của năm 2016. Các công ty như GE, P&G, General Motors… đều phải trải qua những ngày đen tối từ các chiến dịch này. Chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra khó đong đếm được.
Chẳng hạn, riêng số tiền mà P&G đã chi cho việc chống lại nhóm cổ đông chủ động vào được hội đồng quản trị lên tới cả 100 triệu USD.
Năm 2018, những ồn ào khi thương vụ VinaCapital - Ba Huân đổ bể, một vài người liên tưởng đến VinaCapital là những cổ đông “active”. Họ cũng đã khởi xướng những chiến dịch “kinh thiên doanh nghiệp” như tại Lộc Trời, Hoàn Mỹ…
Nhưng không phải cổ đông “active” nào cũng có thể dễ dàng gặt hái kết quả từ các chiến dịch tấn công doanh nghiệp. Tôi còn nhớ mãi khuôn mặt rất buồn của một nhà đầu tư cá nhân khi chia sẻ về những nỗi bức xúc mà anh và nhóm bạn đầu tư đang gặp phải. Doanh nghiệp mà họ sở hữu cổ phần lên tới gần 20% đang niêm yết trên sàn Hà Nội đã kinh doanh bê bết vài năm nay.
Ngỡ rằng sau khi bỏ vốn vào họ có thể hỗ trợ lãnh đạo doanh nghiệp thay đổi tư duy, thay đổi cung cách quản trị để doanh nghiệp có sức sống mới, tài sản sinh lời gấp 5 - 10 lần, nhưng ngờ đâu, họ gặp phải “Chí Phèo”. Chủ tịch công ty tìm mọi cách bán đi những tài sản giá trị nhất, những dự án tiềm năng nhất của doanh nghiệp.
Tư cách cổ đông lớn của nhóm nhà đầu tư không được công nhận vì lãnh đạo doanh nghiệp vin vào cớ mua bán cổ phiếu trên sàn thoắt ẩn thoắt hiện, không có bằng chứng chứng minh tư cách cổ đông. Xác nhận từ công ty chứng khoán không được lãnh đạo doanh nghiệp công nhận. Trung tâm Lưu ký chứng khoán thì chưa có lý do để chốt danh sách cổ đông theo thời hạn.
Sốt ruột nhìn tài sản bốc hơi, nhóm cổ đông còn phải bỏ tiền ra thuê luật sư thực hiện các hành động khẩn cấp nhằm ngăn chặn lãnh đạo doanh nghiệp chuyển nhượng tài sản.
Nhưng sự việc hầu như ít có tiến triển, vì khi mới vào doanh nghiệp, được lãnh đạo công ty hứa hẹn đủ điều, cổ đông đã thiếu thận trọng mà giơ phiếu thông qua điều khoản ủy quyền cho hội đồng quản trị quyết định việc chuyển nhượng tài sản của doanh nghiệp. Lời khuyên cổ đông nhận được nhiều nhất chỉ chung chung là đưa vụ việc ra tòa…
Luật sư Hoàng Trọng Ðiểm, Ðoàn Luật sư Hà Nội kể rằng, ông đã phải xử lý rất nhiều vụ việc do mâu thuẫn, tranh chấp cổ đông. Khi cơm lành canh ngọt, chẳng mấy ai để ý để làm kỹ, làm đúng, làm chặt mọi quy định. Ðến khi tranh chấp xảy ra, đôi khi chỉ vì vài chữ, vài con số, các bên tổn hại hàng chục, hàng trăm tỷ đồng.
Ở một vụ việc nọ, các cổ đông kiện ra tòa đề nghị tuyên vô hiệu nghị quyết đại hội đồng cổ đông. Theo quy định pháp luật, thời gian gửi thông báo Ðại hội được tiến hành trước 7 - 10 ngày, nhưng chỉ vì doanh nghiệp không chú ý mà gửi muộn hơn 2 ngày, vậy là tòa có cớ tuyên nghị quyết vô hiệu.
Vụ việc khác, có nội dung cần 100% cổ đông có mặt biểu quyết thông qua, nhưng đúng phiên Ðại hội lại sót mất 1 người ra về trước không bỏ phiếu. Vậy là khi mâu thuẫn nổ ra, các bên kiện cáo nhau, cổ đông “bẻ hành, bẻ tỏi”, tòa lại có lý do tuyên nghị quyết đại hội đồng cổ đông vô hiệu. Những yếu tố tưởng như rất nhỏ, có thể là mồi lửa để dẫn đến những đám cháy lớn, mà khi êm ả chẳng mấy doanh nghiệp nghĩ đến.
Chợt nhớ tới câu nói của bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch Công ty cổ phần Traphaco tại cuộc họp Ðại hội đồng cổ đông thường niên 2018 của Công ty, rằng “không thượng tôn luật pháp thì không đi xa được, nhưng thời đại này ai đi nhanh thì sẽ thắng”.
Có lẽ những thông điệp ấy cũng chưa mất tính thời sự trong năm 2019. Không chỉ lãnh đạo các doanh nghiệp, mà cả các nhà đầu tư vẫn luôn cần ghi nhớ: Ði nhanh nhưng phải dò kỹ đường.