Phiên chiều 12/4: Cổ phiếu dầu khí không cứu nổi VN-Index

(ĐTCK) Những tưởng thị trường sẽ nhích từng bước đi lên nhưng ngay khi chưa chạm được mốc tham chiếu đã bị đẩy lùi trở lại trước áp lực bán gia tăng về cuối phiên, dù nhóm cổ phiếu dầu khí đã có những tín hiệu hồi phục tích cực.
Phiên chiều 12/4: Cổ phiếu dầu khí không cứu nổi VN-Index

Sau khi chạm mốc 980 điểm thị trường đã đảo chiều bật ngược đi lên, tuy nhiên với lực cầu khá yếu, cùng sự phân hóa nhẹ ở nhóm cổ phiếu bluechip, chỉ số VN-Index đã không thể lấy lại mốc tham chiếu mà diễn biến lình xình đi ngang trong suốt cả phiên sáng cuối tuần.

Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường không có thêm thông tin hỗ trợ tích cực. Chỉ số VN-Index từng bước nhích nhẹ tiến sát mốc tham chiếu, nhưng lực đỡ không đủ mạnh trước áp lực bán thường trực khiến chỉ số này chưa thể lấy lại được thăng bằng đã lùi sâu hơn trong những phút cuối phiên.

Đóng cửa, VN-Index giảm 3,05 điểm (-0,31%) xuống 982,9 điểm với 146 mã tăng và 154 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 153,83 triệu đơn vị, giá trị 3.225,82 tỷ đồng, tăng 18,8% về lượng và 23,4% về giá trị. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp khá tích cực với 41,94 triệu đơn vị, giá trị hơn 919 tỷ đồng.

Riêng EIB thỏa thuận hơn 11,72 triệu đơn vị, giá trị 196,54 tỷ đồng; GMD thỏa thuận 3,97 triệu đơn vị, giá trị 104,15 tỷ đồng; NVL thỏa thuận 1,75 triệu đơn vị, giá trị 97,44 tỷ đồng…

Trong khi nhóm cổ phiếu ngân hàng đồng loạt lùi về dưới mốc tham chiếu với mức giảm nhẹ trên dưới 1%, thì nhóm cổ phiếu dầu khí hầu hết đều khởi sắc sau phiên điều chỉnh hôm qua như GAS tăng 1,4% lên 106.500 đồng/CP, PVD tăng 1% lên 19.350 đồng/CP, PLX tăng 0,3% lên 61.000 đồng/CP, PXS tăng 0,5% lên 5.540 đồng/CP…

Bên cạnh đó, một số mã bluechip như VNM, MSN, VRE vẫn nhích nhẹ, FPT tiếp tục tăng vọt sau khi lấy lại thăng bằng trong phiên hôm qua với mức tăng 2,6% lên 48.200 đồng/CP.

CTD vẫn duy trì mức tăng ấn tượng sau một tuần giảm điểm với mức tăng 3,6% lên 126.100 đồng/CP nhưng thanh khoản giảm so với những phiên gần đây, đạt 270.900 đơn vị.

Hôm nay (12/4), Sabeco đã tổ chức ĐHCĐ thường niên và đã khẳng định lại thông tin Sabeco hiện đã được bán lại cho Trung Quốc là tin đồn thất thiệt. Đồng thời, ông Koh Poh Tiong, Chủ tịch HĐQT Sabeco cho rằng, Sabeco còn nhiều tiềm năng để tăng trưởng doanh số bán hàng với sản lượng tốt hơn. Đây là viên kim cương chưa được mài giũa hết.

Cũng tại Đại hội, Sabeco cũng đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2019 với mục tiêu sản lượng tăng 6,3%, từ mức 1,976 triệu lít lên 1,908 triệu lít. Doanh thu thuần 38.871 tỷ đồng, tăng 8,2% còn lợi nhuận sau thuế tăng 7,2%, đạt mức 4.417 tỷ đồng. Cổ tức dự kiến 35%.

Tuy nhiên, diễn biến cổ phiếu SAB lại thiếu tích cực khi quay đầu điều chỉnh sau 2 phiên tăng nhẹ trước đó. Kết phiên, SAB giảm 1,3% xuống mức thấp nhất ngày 244.200 đồng/CP và thanh khoản chỉ đạt 5.890 đơn vị.

Cổ phiếu lớn VIC tiếp tục gia tăng sức nặng khi nới rộng biên độ giảm 1,6% và đóng cửa tại mức giá 113.200 đồng/CP với khối lượng khớp hơn 0,55 triệu đơn vị.

Trong khi đó, lực cầu tăng mạnh đã giúp ROS hồi nhẹ khi tăng 0,2% lên 31.500 đồng/Cp và vẫn là mã giao dịch sôi động nhất sàn HOSE với khối lượng khớp hơn 8,66 triệu đơn vị. Tiếp theo đó, AAA khớp hơn 6,1 triệu đơn vị và đóng cửa tăng 2,4% lên 19.350 đồng/CP.

Các mã vừa vừa nhỏ vẫn chủ yếu lình xình trong biên độ hẹp với thanh khoản không lớn. Trong khi đó, VHG bảo toàn sắc tím và đóng cửa tại mức giá 1.410 đồng với lượng dư mua trần vẫn khá lớn gần 2,26 triệu đơn vị.

Ngoài ra, một số mã khác cũng được kéo lên kịch trần như TNI, HAI, AGR, TGG… với lượng dư mua trần khá lớn.

Trong khi sàn HOSE thử thách bất thành thì sàn HNX lại may mắn hồi phục cuối phiên nhờ lực đỡ từ một số mã lớn.

Đóng cửa, HNX-Index tăng 0,13 điểm (+0,12%) lên 107,7 điểm với 50 mã tăng và 41 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 29,67 triệu đơn vị, giá trị 305,42 tỷ đồng, tăng 32,81% về lượng và đạt xâp xỉ giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đạt 3,46 triệu đơn vị, giá trị 49,15 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu dầu khí trên sàn HNX cũng giao dịch khởi sắc như PVS tăng 2,2% lên 23.300 đồng/CP, PVI tăng 2,6% lên 39.900 đồng/CP, PGS tăng 0,6% lên 35.700 đồng/CP. Trong đó, PVS là mã giao dịch sôi động nhất sàn với gần 3,28 triệu đơn vị được khớp lệnh; tiếp theo đó là người anh em cùng họ PVX khớp 2,52 triệu đơn vị.

Ngoài ra, một số mã vốn hóa lớn khác cũng hỗ trợ giúp thị trường hồi phục như DGC tăng 1,8% lên 38.700 đồng/Cp, VGC tăng 1,5% lên 19.900 đồng/CP, DBC tăng 1,8% lên 22.400 đồng/CP, CEO tăng 0,8% lên 12.000 đồng/CP…

Trái lại, cặp đôi ngân hàng vẫn điều chỉnh nhẹ với ACB giảm 0,3% xuống 30.200 đồng/CP với khối lượng khớp hơn 1 triệu đơn vị, SHB giảm 1,3% xuống 7.500 đồng/CP và khớp 1,59 triệu đơn vị.

Trong khi đó, sau khi hồi nhẹ ở cuối phiên sáng, thị trường UPCoM tiếp tục khởi sắc và nới rộng biên độ hơn trong phiên chiều.

Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,16 điểm (+0,28%) lên 56,64 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 9,69 triệu đơn vị, giá trị 210,56 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận chỉ có thêm gần 2,8 tỷ đồng.

BSR vẫn là mã dẫn đầu thanh khoản trên thị trường UPCoM với khối lượng giao dịch hơn 1,72 triệu đơn vị và đóng cửa tăng nhẹ 0,9% lên 13.100 đồng/CP. Tiếp đó, HVN chuyển nhượng thành công 1,17 triệu đơn vị và tăng khá tốt 4,6% lên 40.900 đồng/CP.

Bên cạnh đó, một số mã lớn khác cũng hỗ trợ tích cực cho thị trường như ACV, VGT, VTP, VGG…

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục