Thị trường tài chính 24h: Cần theo dõi sát sao diễn biến đàm phán thương mại

(ĐTCK) VN-Index giảm nhẹ; Chênh lệch giá vàng cao có nguy cơ còn kéo dài; Thuế quan - từ khóa tác động chứng khoán; Vốn ngoại có dấu hiệu quay lại; Nhóm ngân hàng là tâm điểm…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC mở cửa sáng nay ngày 19/5 tăng 1,3 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 800.000 đồng/lượng chiều bán ra so với ngày cuối tuần trước, thì vào cuối ngày hôm nay đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện đứng ở mức 116,80 – 119,30 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần qua tại Mỹ giảm 35,5 USD xuống mức 3.204,5 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng đảo chiều tăng và lên trên 3.240 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 100,22 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 19/5 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.970 đồng/USD, tăng 10 so với phiên ngày tuần qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 25.760 – 26.120 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng từ 103.700 USD lên 106.200 USD, thì sang ngày hôm nay đã nhích thêm đôi chút trước khi lùi về 103.300 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,35 USD (-0,56%), xuống 62,14 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,36 USD (-0,55%), xuống 65,05 USD/thùng.

VN-Index giảm nhẹ

Thị trường gặp khó ngay từ sớm khi lực cung gia tăng và khiến VN-Index rơi về gần 1.290 điểm sau đó mới bật trở lại lên trên vùng tham chiếu.

Đà hồi phục chủ yếu nhờ động lực của VIC khi mã này nới rộng đà tăng và chạm sắc tím. Tuy vậy, VN-Index không đi xa hơn khi nhìn chung sắc đỏ vẫn lấn át trên bảng điện tử và thời điểm áp lực gia tăng cũng là lúc chỉ số đảo chiều giảm điểm, may mắn đóng cửa chỉ giảm nhẹ hơn 5 điểm.

Kết thúc phiên giao dịch 19/5: VN-Index giảm 5,1 điểm (-0,39%), xuống 1.296,29 điểm; HNX-Index giảm 1,45 điểm (-0,66%), xuống 217,24 điểm; UPCoM-Index tăng 0,21 điểm (+0,22%), lên 95,71 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ tăng trong phiên thứ Sáu (16/5), ghi nhận thêm một tuần tăng điểm nhờ động lực từ nhóm cổ phiếu công nghệ.

Theo đó, Nvidia tăng 16% trong tuần, Meta Platforms tăng 8%, Apple tăng 6%, còn Microsoft nhích 3%.

Trong tuần, Dow Jones tăng 3,4%, chỉ số S&P 500 tăng 5,3% và Nasdaq Composite tăng 7,2%.

Kết thúc phiên 16/5: Chỉ số Dow Jones tăng 331,99 điểm (+0,78%), lên 42.654,74 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 41,45 điểm (+0,70%), lên 5.958,38 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 98,78 điểm (+0,52%), lên 19.211,10 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm, sau khi Moody's hạ xếp hạng tín nhiệm của chính phủ Mỹ làm dấy lên lo ngại về khả năng dòng vốn tháo chạy, dẫn đến đồng yên mạnh lên.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,68% xuống 37.498,63 điểm. Chỉ số Topix giảm 0,08% xuống 2.738,39 điểm.

"Nếu đồng USD bị bán tháo sau quyết định hạ bậc tín nhiệm của Moody's đối với Mỹ sẽ khiến đồng yên tăng cao hơn, điều này không tốt cho các nhà xuất khẩu Nhật Bản", Shoichi Arisawa, Tổng giám đốc bộ phận nghiên cứu đầu tư tại IwaiCosmo Securities cho biết.

Đồng yên phần nào bị ảnh hưởng và có thời điểm tăng 0,4% lên mức 145,05 yên/USD.

Chứng khoán Trung Quốc giằng co quanh tham chiếu và kết phiên tăng nhẹ khi đón nhận loạt dữ liệu kinh tế tháng 4.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng không đáng kể lên 3.367,58 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,31% xuống 3.877,15 điểm.

Doanh số bán lẻ tháng 4 của Trung Quốc tăng 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này thấp hơn mức 5,1% của giới phân tích.

Trong khi đó, đầu tư tài sản cố định tăng 4% trong bốn tháng đầu năm, thấp hơn dự báo tăng trưởng 4,2%. Sản xuất công nghiệp là một điểm sáng, tăng 6,1% trong tháng 4, vượt quá ước tính chỉ tăng 5,7%.

Chứng khoán Hồng Kông thu hẹp đà giảm vào cuối ngày, khi lo ngại có phần gia tăng trong suốt thời gian của phiên bởi việc Moody's hạ bậc tín nhiệm tín dụng Mỹ.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,05% xuống 23.332,72 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,09% xuống 8.450,55 điểm.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm, khi các nhà đầu tư trở nên thận trọng về tác động của việc Moody's hạ bậc xếp hạng tín dụng của Mỹ.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI mất 23,45 điểm, tương đương 0,89% xuống 2.603,42 điểm.

Trong một động thái mới, Bộ Tài chính Hàn Quốc cảnh báo về sự biến động gia tăng và cam kết giám sát chặt chẽ thị trường tài chính và ngoại hối, đồng thời lưu ý rằng việc hạ bậc xếp hạng của Moody's đối với Mỹ sẽ chỉ có tác động hạn chế.

Kết thúc phiên 19/5: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 255,09 điểm (-0,68%), xuống 37.498,63 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 0,12 điểm (+0,003%), lên 3.367,458 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 12,33 điểm (-0,05%), xuống 23.332,72 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 23,45 điểm (-,89%), xuống 2.603,42 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Chênh lệch giá vàng cao có nguy cơ còn kéo dài

Chênh lệch giá vàng ở mức cao so với thế giới và tình trạng đầu cơ vàng tại Việt Nam cũng diễn ra tại một số nước. Theo các chuyên gia, Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm của một số nước có đặc điểm tương đồng khi đổi mới phương pháp quản lý thị trường vàng..>> Chi tiết

- Thuế quan - từ khóa tác động chứng khoán

Thương chiến có phần giảm nhiệt và thị trường chứng khoán toàn cầu đã đón nhận thông tin này một cách tích cực. Tuy vậy, thuế quan vẫn là “chìa khóa” chính tác động đến diễn biến thị trường trong những tháng tới..>> Chi tiết

- Vốn ngoại có dấu hiệu quay lại, cơ hội tích lũy cổ phiếu ở nhiều nhóm ngành

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua một tuần giao dịch tích cực khi chỉ số VN-Index phục hồi mạnh mẽ, chính thức lấy lại mốc 1.300 điểm - mức đã bị đánh mất sau cú sốc từ thông tin áp thuế đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump..>> Chi tiết

- Nhóm ngân hàng là tâm điểm

Dù P/E hiện tại thấp hơn trung vị 5 năm (khoảng 14 lần), nhưng sự “rẻ” này phần lớn đến từ nhóm ngân hàng - ngành có tỷ trọng lớn trong chỉ số chung.

Đối với nhà đầu tư, đây là thời điểm cần theo dõi sát sao diễn biến đàm phán thương mại, ưu tiên cổ phiếu của các doanh nghiệp quy mô lớn, có khách hàng quốc tế ổn định và nền tảng tài chính vững chắc để vượt qua giai đoạn chờ đợi chính sách thuế quan rõ ràng hơn..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục