Trước một loạt các yếu tố bất lợi từ dịch Ebola, Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed) có ý định cắt giảm nhanh hơn gói QE3 cũng như rút ngắn thời gian nâng lãi suất lên sớm hơn dự kiến hay giá cả hàng hóa, đặc biệt là dầu mỏ, sụt giảm khiến hoài nghi của giới đầu tư về tăng trưởng kinh tế toàn cầu có vấn đề.
Điều đó tạo sức ép với NĐT nước ngoài và họ liên tục bán ròng trên TTCK Việt Nam. Tính từ đầu tháng 10 đến nay, NĐT nước ngoài đã bán ròng khoảng 1.400 tỷ đồng, trong đó, chỉ riêng tuần 13-17/10, họ đã bán ròng hơn 1.000 tỷ đồng trên sàn HOSE, tương ứng 27,6 triệu đơn vị cổ phiếu.
Lo ngại từ TTCK thế giới là một phần, giới đầu tư còn cho rằng, một nguyên nữa khiến khối ngoại bán mạnh là chỉ số CDS 5 năm (Credit Default Swap) của Việt Nam đã tăng từ mức đáy gần đây (khoảng 190 điểm) lên 225 điểm. Mọi nhà đầu tư đều hiểu mối quan hệ giữa chỉ số CDS và TTCK luôn biến động ngược chiều nhau. TTCK Việt Nam hồi sinh 2 năm trở lại đây rõ ràng nhờ vào dòng vốn bền bỉ của khối ngoại, và giờ đây, khi những diễn biến khó lường mà thế giới đang diễn ra đẩy khối NĐT này rút vốn thì thật đáng quan ngại.
Nhưng yếu tố nước ngoài vẫn chỉ là một điểm được nhắc đến trong khi vẫn còn rất nhiều điểm không thực sự hỗ trợ NĐT trong giai đoạn này. Đầu tiên là câu chuyện về nợ công, khi Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thông báo rằng, tỷ lệ nợ công của Việt Nam được Chính phủ báo cáo tại kỳ họp tới là "suýt soát" 64% GDP và sắp chạm trần 65% cho phép.
Con số thu - chi ngân sách 9 tháng đầu năm 2014 mà Bộ Tài chính báo cáo vừa qua cũng rất đáng lưu tâm khi thu là 636 ngàn tỷ thì chi trả nợ và chi thường xuyên lên đến 640 ngàn tỷ. Không chỉ mối lo về nợ nần mà điều này dấy lên nhiều lo lắng về các chính sách năm 2015, cũng như cân đối cho đầu tư phát triển năm tiếp theo đối với nhiều NĐT.
Tuy nhiên, với phản ứng mà TTCK thế giới vừa diễn ra thì điều này hẳn sẽ khiến Fed phải suy tính lại, bởi nếu không thuận lợi, có thể đẩy thị trường tài chính đến những rắc rối lớn hơn. Động thái đầu tiên là người đứng đầu Fed Khu vực St. Louis, James Bullard, cho biết, Fed có thể duy trì chương trình mua trái phiếu thứ 3 (QE3) qua tháng 10/2014 để theo dõi triển vọng kinh tế Mỹ, do sự sụt giảm của tỷ lệ lạm phát kỳ vọng và đà bán tháo trên TTCK Mỹ.
Một vài số liệu về tình hình thất nghiệp và sản lượng công nghiệp tích cực cho đến doanh số bán nhà ở mới xây, cũng như giấy phép xây dựng được cấp tăng trong tháng 9, trong khi niềm tin tiêu dùng trong tháng 10 lên cao nhất 7 năm đã giúp cho TTCK Mỹ tăng điểm trở lại. Chỉ số DJ đã có bước tăng mạnh lên mốc 16.380 điểm và bứt xa mốc 16.000 điểm. Đó là cơ sở để tin rằng, những NĐT bắt đáy trong 2 phiên vừa qua sẽ gặt hái thành quả.
Hai phiên giảm mạnh cuối tuần đã chứng kiến nhiều tài khoản rơi vào giải chấp và thông thường đó sẽ là phần cuối của một nhịp giảm. Chỉ số VN-Index tạo một mẫu hình đảo chiều khá rõ nét, cộng với việc chạm xuống dưới dải Bollinger band (50) cho thấy khả năng bật trở lại là hoàn toàn có thể.
Tuy nhiên, áp lực mà khối ngoại tạo ra vẫn có thể khiến những cổ phiếu nằm trong nhóm bị bán không có nhiều cơ hội, như VIC, HAG, GAS, PVD...
Nhìn chung, với sự tích cực đang có, thị trường có thể sẽ tạo ra một vùng đệm an toàn trong tuần tới tại ngưỡng 580 - 600 điểm, trước khi có những diễn biến tiếp theo.
TTCK Mỹ chưa hẳn đã dừng lại đà giảm và nhịp tăng vừa qua chỉ được coi như nhịp hồi kỹ thuật. Các chỉ số của TTCK Mỹ trên góc độ kỹ thuật vẫn có thể sụt giảm 5 - 10% nữa, nên áp lực đó vẫn sẽ dồn lên TTCK Việt Nam.
Tuy nhiên, với triển vọng sáng sủa mà TTCK Việt Nam mang lại thì đây hẳn là giai đoạn mà NĐT nội nên tận dụng tích lũy cổ phiếu cho một giai đoạn mới. Tháng 10 - 11 vẫn chỉ kỳ vọng vào sự tích lũy này trước khi những điều tốt đẹp hơn trong năm 2015 mang lại. Đó là chiến lược mà những NĐT có cái nhìn trung hạn nên làm, nhưng với những NĐT lướt sóng không hẳn đã đúng.