Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua

(ĐTCK) Thị trường tuần qua có những phiên đầy biến động và nằm ngoài dự báo của các công ty chứng khoán. Tuy nhiên, khi thị trường xác lập xu hướng giảm, một số Dự cũng ghi điểm khi bám theo xu hướng thị trường. Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định thị trường tuần qua của một số công ty chứng khoán.
Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua

Tại phiên giao dịch đầu tuần mới 13/10, thị trường khởi đầu khá yên ắng khi cả bên bán và bên mua đều tỏ ra thận trọng. Dù sắc xanh vẫn nhỉnh hơn sắc đỏ, nhưng VN-Index mở cửa dưới mốc tham chiếu với thanh khoản tương đối thấp, trong khi HNX-Index cũng chỉ kịp chớm xanh nhẹ khi mở cửa, rồi nhanh chóng xuống dưới tham chiếu khi nhận thấy diễn biến trên HOSE chưa có tín hiệu tích cực.

VN-Index sau đó diễn biến giằng co mạnh quanh tham chiếu khi sự thận trọng vẫn được duy trì, các lệnh mua và bán đều chỉ mang tính thăm dò là chủ yếu. Nhóm bluechips mặc dù được nhận định là nhóm dẫn dắt thị trường nhưng vẫn chưa thể bứt phá mà diễn ra sự phân hóa. Tuy nhiên, mức dao động giá của nhóm này không lớn, trong đó, VIC nhờ nhận được lực cầu mạnh trở lại của khối ngoại sau thời gian chốt lời vẫn duy trì được mức tăng tốt, trong khi đa số mã còn lại chỉ lình xình quanh tham chiếu. Sau khoảng ngắn thử thách trước ngưỡng 615 điểm, trước áp lực bán gia tăng, cùng với việc GAS giảm thêm, VN-Index khép phiên sáng khi xuyên thủng khá sâu mốc 615 điểm.

Tương tự, HNX-Index sau khi chạm ngưỡng hỗ trợ 90 điểm đã bật trở lại vượt qua tham chiếu, nhưng rồi cũng nhanh chóng quay đầu giảm điểm và có diễn biến chủ yếu là giằng co trong biên độ hẹp quanh mốc này. Tuy nhiên, chỉ số này vẫn kết phiên sáng trong sắc xannh nhạt nhờ vào đà tăng của một số mã dầu khí như PVS, PVC, PVX…

Trong buổi giao dịch chiều, lực bán ngay lập tức gia tăng ở đầu phiên nhằm vào các mã lớn, kéo VN-Index lao mạnh xuống dưới mốc 610 điểm. Tuy nhiên, nhờ ngưỡng hỗ trợ mạnh 608, chỉ số này đã nảy trở lại và đóng cửa vượt nhẹ mốc 614 điểm. Trong khi đó, dù rất nỗ lực, HNX-Index đã không giữ được sắc xanh nhạt và đóng cửa giảm nhẹ do các mã dầu khí tăng trong phiên sáng đã quay đầu giảm điểm ở phiên chiều. Sự thận trọng đã khiến thanh khoản toàn thị trường phiên này xuống mức thấp nhất trong gần 2 tháng, chỉ gần 3.100 tỷ đồng.

Điểm nhấn của thị trường trong phiên chính là OGC khi mã này trở thành sân khấu lớn, nơi để các “tay chơi” lớn so găng nhau trong đợt ATC. Chỉ trong đợt khớp lệnh ATC này, đã có tới trên 5 triệu đơn vị OGC được khớp lệnh, nâng tổng lượng khớp cả phiên lên 8,56 triệu đơn vị và tăng 300 đồng (+2,36%) lên 13.000 đồng/cổ phiếu.

Về phần các Dự, hầu hết đều nhận định rằng thị trường trong tuần giao dịch này sẽ tiếp tục với những phiên giằng co và điều chỉnh quanh khoảng 600-609 điểm đối với VN-Index và 87-89 điểm đối với HNX-Index, và sẽ được hỗ trợ mạnh từ các ngưỡng này.

Trong đó, VCSC và MSBS đã đúng khi cùng cho rằng thị trường sẽ giảm điểm trong phiên giao dịch đầu tiên của tuần.

“Chúng tôi cho rằng hai chỉ số có thể tiếp tục giảm điểm trong phiên giao dịch đầu tuần và đồ thị giá có thể tích lũy tại vùng giá 614 của chỉ số VN-Index 89.5 của chỉ số HNX-Index trong tuần giao dịch tới”, VCSC nhận định.

MSBS cũng cho rằng: “Theo chúng tôi, nhiều khả năng trong phiên giao dịch đầu tiên của tuần tới VN-index vẫn sẽ tiếp tục là phiên giảm điểm, đầu phiên VN-index sẽ giảm về ngưỡng 612-615 sau đó sẽ hồi lại quanh mức 615 điểm”.

MSBS và VCSC cũng như các Dự khác đều có “mong muốn” thị trường sau phiên điều chỉnh sẽ hồi phục hoặc ít ra không điều chỉnh sâu qua các ngưỡng trên. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán luôn ẩn chứa nhiều yếu tố bất ngờ!

Sang phiên giao dịch 14/10, với thông tin giá xăng lần thứ 7 liên tiếp hạ giá, thị trường cũng tuy có phản ứng nhưng không cho thấy sự rõ ràng. Lực bán đã không còn mạnh, tuy nhiên, bên mua cũng không quá vội vàng. Lệnh mua bán được đưa vào khá nhỏ giọt, nên chỉ giúp VN-Index có sắc xanh nhạt với thanh khoản vừa phải. Bởi sự thận trọng vẫn chưa được tháo bỏ hoàn toàn khiến hoạt động giao dịch diễn ra chậm. Lực cầu tỏ ra khá yếu nên bên bán bắt đầu bắt đầu hạn giá. Sắc đỏ theo đó dần lan rộng, VN-Index nhanh chóng đảo chiều. Trong nhóm VN30, sắc đỏ chiếm đa số khi hầu hết các mã đều đứng dưới tham chiếu. Ngay cả OGC sau phiên “làm mưa, làm gió” trong đợt ATC chiều qua cũng đã “mất sóng” trong phiên sáng 14/10.

Tương tự, HNX-Index cũng tăng điểm ngay từ đầu phiên và được nới rộng dần lên ngưỡng 90,8 điểm và trước khi bị đánh bật trở lại. Nhưng chỉ số này vẫn có được sắc xanh nhờ vào 1 vài mã bluechips như PVS, PVC, FIT…

Những phút còn lại của phiên, VN-Index dù nỗ lực nhưng vẫn không về được đến tham chiếu khi cầu mua ít cải thiện, còn HNX-Index duy trì được sắc xanh nhờ có thêm sự hỗ trợ của một số mã mới lên sàn như TVC, VMI, CEO…

Trong buổi giao dịch chiều, VN-Index không một lần lên lại được tham chiếu, mà mốc giằng co của chỉ số này giảm về 612 điểm. Lực bán về cuối phiên bắt đầu tăng mạnh và VN-Index chính thức xác lập xu thế giảm với mức giảm tăng dần.

Chỉ số này mất luôn ngưỡng hỗ trợ 608 điểm và lùi sâu thêm trong đợt ATC, đóng cửa ở mức thấp nhất phiên. Đây cũng là phiên giảm điểm mạnh nhất trong hơn 3 tuần của VN-Index với mức giảm gần 1,4%.

Tương tự, HNX-Index cũng có diễn biến tương đồng với VN-Index khi lình xình dưới tham chiếu trong khoảng hơn 1 tiếng đầu giao dịch của phiên chiều và bắt đầu lao dần về cuối phiên. Sắc tím vẫn còn lưu lại trên các mã như TVC, VMI, CEO… nhưng “cơn lốc đỏ” đã càn quét qua phần lớn mã khác. Đóng cửa, HNX-Index giảm điểm ở mức khá 1%.

Sự thận trong khiến thanh khoản thị trường tiếp tục đi xuống khi chỉ đạt nhỉnh hơn 3.000 tỷ đồng. Khối ngoại tuy mua ròng nhẹ về khối lượng nhưng về giá trị vẫn là bán ròng, tập trung nhiều tại các mã bluechips.

Về phần các Dự, việc các chỉ số có sự hồi phục trở lại và cầu mua xuất hiện mạnh hơn vào cuối phiên trước cho thấy tín hiệu khá tích cực. Vì vậy mà VCSC, VDSC, IVS, MSBS đều cho rằng thị trường sẽ có được sắc xanh, thậm chí “cẩn thận” hơn như BSC và MBKE thì cho rằng thị trường không còn dư địa giảm sâu. Tuy nhiên, thị trường đã đưa ra điều bất ngờ đầu tiên với phiên giảm tới 1,37%, tức mất 8,43 điểm.

“Chúng tôi vẫn chưa thấy một động lực tăng giá mạnh mẽ hơn dành cho thị trường, dù vậy ở chiều ngược lại chúng tôi đồng thời không thấy khả năng để thị trường rớt giá sâu. Khả năng thị trường tiếp tục đi ngang trong tuần này khá cao”, MBKE đánh giá.

BSC cũng có nhận định: Với việc những mã vốn hóa lớn như GAS và VNM đã giảm về mức giá trước khi tăng do tin đồn, vì thế chúng tôi cho rằng thị trường không còn nhiều dư địa giảm mạnh trong một vài ngày tới.”

Còn VDSC cho rằng: “Áp lực cung bán ra đã có phần giảm bớt khi VN-Index và HNX-Index tiếp cận các ngưỡng hỗ trợ, do đó chỉ số có thể sẽ tìm lại sắc xanh ở phiên giao dịch tới.

Tương tự là IVS: Việc chỉ số hồi phục mạnh trở lại và cầu mua xuất hiện mạnh hơn vào cuối phiên là một tín hiệu khá tích cực. Có thể điều đó sẽ giúp cho cầu mua ở phiên 14/10 được đẩy mạnh trở lại và cả hai chỉ số sẽ có được một phiên tăng điểm trở lại.”

Trong khi đó, các Dự khác như FPTS, IVS, SSI, KIS, MBS, BVSC, SHS đã được “an toàn” khi chỉ đưa ra những đánh giá chung về cung cầu hay khuyến nghị mua bán.

Đến phiên giao dịch 15/10, trước áp lực giải chấp đang dần tăng cao sau phiên giảm mạnh trước đó, ngay khi bước vào phiên sáng 15/10, nhiều nhà đầu tư chưa kịp bán chiều qua đã nhanh chân đặt lệnh thoát hàng khiến VN-Index chìm trong sắc đỏ, thanh khoản tiếp tục ở mức thấp bởi cầu mua vẫn tỏ ra thận trọng. Trong khi đó, HNX cũng lình xình quanh tham chiếu trong những phút đầu của phiên.

Sau đó, lực bán giá thấp vẫn khá lớn, nhưng điểm tích cực là lực bán tháo chưa xảy ra, bên mua cũng đã mạnh dạn xuống tiền hơn, giúp VN-Index không giảm quá sâu và vẫn giữ được mốc 600 điểm. Chỉ có một vài mã bluechips như STB, CTG, MBB, KDC là những mã lớn hiếm hoi đi ngược xu hướng thị trường với mức tăng nhẹ một hai bước giá. Trong khi nhóm bất động sản lại không thể hiện được nhiều như kỳ vọng của giới phân tích là nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường trong tuần giao dịch này.

Về phía HNX-Index, chỉ số này cũng cố gắng cầm cự mốc 89 điểm. Các tân binh như CEO, VMI, TVC… đã không còn mạnh như phiên trước, trong khi các mã bluechips đa phần giao dịch dưới tham chiếu.

Gần cuối phiên, bên nắm giữ cổ phiếu bắt đầu mất kiên nhẫn, nên hạ giá thấp hơn để thoát hàng, VN-Index theo đó lùi sâu hơn về sát mốc 600 điểm, còn HNX-Index vẫn lình xình quanh mốc 89 điểm.

Trong buổi giao dịch chiều, ngay ở đầu phiên, nhiều nhà đầu tư đã phải thót tim khi lực bán gia tăng mạnh, đẩy VN-Index về sát vùng đáy 595-600 điểm và đe dọa xuyên thủng ngưỡng 595 điểm, tuyến phòng thủ được xem là quan trọng đối với chỉ số này, cũng như tâm lý thị trường. Tuy nhiên, khi VN-Index về sát 596 điểm, lực cầu bắt đáy đã được kích hoạt giúp chỉ số này dần hồi phục và leo lên sát mốc tham chiếu, trước khi bị đẩy ngược nhẹ trở lại.

Dù không tránh khỏi phiên giảm điểm tiếp theo, nhưng VN-Index gần như đã thoát hiểm trong phiên này khi đóng cửa chỉ giảm nhẹ và vẫn giữ được mốc hỗ trợ 600 điểm.

Trong khi đó, nhờ lực mua tốt cuối phiên, nhất là trong đợt ATC, chỉ số HNX-Index đã đóng cửa với sắc xanh nhạt. Thanh khoản toàn thị trường tuy đã tăng nhẹ trở lại nhưng vẫn đứng ở mức thấp, đạt gần 3.200 tỷ đồng. Khối ngoại phiên này đã đẩy mạnh bán ròng trên cả trên 2 sàn, giá trị trên 124 tỷ đồng.

Về phần các Dự, những IVS, MBS, SHS, VCSC đã đưa ra nhận định khá chuẩn về nhịp hồi kỹ thuật ở phiên giao dịch này sau khi giảm khá sâu về gần ngưỡng hỗ trợ mạnh 595 điểm, cho dù nhịp hồi này chưa đủ mạnh để thị trường có thể về đến mốc tham chiếu. Còn MSBS tiếp tục cho rằng thị trường sẽ có thêm 1 phiên điều chỉnh.

MBS đánh giá: Về kỹ thuật, với mức giảm hơn 8 điểm ngày 14/10, VN-Index đã giảm xuyên qua hỗ trợ MA20 và đang trong xu hướng tiệm cận về ngưỡng hỗ trợ tâm lý mạnh 600 điểm đồng thời cũng là vùng hỗ trợ của MA100 tương ứng vùng 597 điểm. Khả năng VN-Index sẽ tiệm cận và có thể có phiên hồi phục kỹ thuật khi giảm về sát vùng hỗ trợ này.

VCSC cũng cho rằng: Hai chỉ số có thể sẽ xuất hiện nhịp hồi phục kỹ thuật và lực cầu bắt đáy có thể gia tăng trong phiên tới khi các chỉ báo xung lượng giảm mạnh về vùng quá bán. Đồng thời, hệ thống chỉ báo xu hướng của chúng tôi hạ mức xu hướng ngắn hạn từ tăng xuống trung tính do chỉ số VN-Index và chỉ số VN30-Index đã vi phạm các mức cắt lỗ cho nên chúng tôi đánh giá rủi ro của xu hướng ngắn hạn đang tăng dần ngoài dự kiến”.

Tương tự là SHS: Xu hướng điều chỉnh khá mạnh trên 2 sàn lại tiếp tục diễn ra đi kèm cùng khối lượng tiếp tục bị co hẹp cho thấy tâm lý thận trọng đang tăng cao. VN-Index đã giảm xuống dưới vùng hỗ trợ 610 điểm  còn đối với HNX-Index là 90 điểm. Như vậy rủi ro điều chỉnh trong ngắn hạn đang lớn dần. Theo đó, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư nên thận trọng quan sát thị trường trong phiên giao dịch tiếp theo, hạn chế mua thêm tại thời điểm này. Khả năng thị trường sẽ có một phiên hồi kỹ thuật sau phiên giảm điểm khá mạnh này.

Còn MSBS nhận định: Với phiên giảm điểm mạnh 14/10, thị trường thủng mức hỗ trợ 610 điểm, đóng cửa ở mức 605,79 điểm. Tâm lý bán tháo của nhiều nhà đầu tư đã khiến cho giá cổ phiếu giảm mạnh. Dự báo ngày 15/10 sẽ tiếp tục là 1 phiên giảm điểm. VN-Index có thể về lại ngưỡng 600 điểm, thanh khoản trên cả 2 sàn vẫn sẽ được duy trì ở mức xấp xỉ 3000 tỷ đồng.

Trong khi các Dự còn lại là FPTS, BVSC, MBKE, BSC, SSI, KIS, VDSC vẫn tập trung vào những nhận định mang tính trung lập như “rủi ro đang tăng dần”, hay “đang tìm kiếm động lực tăng mới”, hoặc là “khó lường và không bền vững”....

Tới phiên giao dịch 16/10, hiệu ứng tâm lý của phiên bắt đáy trước đó đã hoàn toàn mất tác dụng. Với những thông tin không tích cực từ kinh tế thế giới và chứng khoán toàn cầu, chứng khoán Việt Nam bước vào ngày giao dịch mới đã gánh chịu ngay lực bán mạnh, đẩy cả 2 chỉ số giảm điểm đi kèm thanh khoản vẫn đứng ở mức thấp.

Áp lực bán trên thị trường sau đó vẫn chưa có dấu hiệu dịu lại, các mã hỗ trợ ngăn đà lao dốc của VN-Index phiên trước cũng quay đầu giảm điểm.Ví dụ như HAG với phiên tăng mạnh trước đó nhờ công bố lãi nghìn tỷ sau 9 tháng, thì phiên này cũng chỉ còn duy trì mức tăng nhẹ 100 đồng.

Trên thị trường, số mã giảm giá nhiều gấp hơn 5 lần so với số mã tăng giá. Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy giá thấp vẫn khá tốt, giúp các mã cổ phiếu không giảm quá sâu. Những phút cuối phiên sáng, kịch bản cũ lại được lặp lại khi lực bán giá thấp gia tăng mạnh, đẩy cả 2 chỉ số giảm sâu hơn. VN-Index đang đe dọa xuyên thủng đáy 595 điểm, trong khi HNX-Index cũng đánh mất mốc 89 điểm.

Trong buổi giao dịch chiều, lực mua bắt đáy còn sót lại trong phiên sáng giúp VN-Index tiếp tục hồi nhẹ và cậm cự khá tốt ở mốc 595 điểm. Nhà đầu tư tưởng chừng có thể thở phào khi nghĩ rằng mốc 595 điểm có thể giữ được giống như mốc 600 điểm như phiên chiều qua.

Đúng như lo ngại, chỉ sau ít phút cầm cự, lực bán tháo đã đổ ập vào thị trường và diễn ra trên diện rộng, khiến VN-Index mất 9 điểm chỉ trong hơn 20 phút giao dịch.

Thậm chí, chỉ số này suýt chút nữa mất luôn mốc 585 điểm trước áp lực bán tháo càng lúc càng mạnh. Mặc dù vậy, đây được xem như là mốc hỗ trợ tạm thời tiếp theo của VN-Index khi chỉ số này bật trở lại sau 2 lần về sát mốc hỗ trợ này. Đóng cửa, VN-Index mất tới hơn 17 điểm, tương ứng giảm 2,83%. Tương tự, đồ thị của HNX-Index cũng hình thành mẫu hình 2 đáy trong phiên chiều với đáy sau thấp hơn đáy trước, đóng cửa cũng giảm tới 2,64%, tương ứng mất 2,36 điểm. Với cầu bắt đáy mạnh, thanh khoản thị trường đã tăng trở lại, đạt trên 4.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, khối ngoại vẫn tiếp tục đẩy mạnh bán ròng, nhất là trên HOSE, với giá trị bán ròng gần 270 tỷ đồng trên cả 2 sàn.

Về phía các Dự, sau những tín hiệu tích cực đến từ động thái bắt đấy mạnh ở thời điểm cuối phiên trước, phần đông các Dự lại “thấp thỏm” cho rằng thị trường sẽ tiếp tục hồi phục và kỳ vọng sẽ tăng điểm.

Nhưng một lần nữa, kỳ vọng hồi phục của MSBS, BVSC, VCSC hay “khó giảm sâu” của MBS hoặc đơn giản hơn là “đề xuất trạng thái thị trường ở mức trung lập” của FPTS, MBKE, IVS đã bị đập tan, khi thị trường phiên này thậm chí còn giảm sâu hơn gấp đôi phiên 14/10 với việc mất tới trên 17 điểm.

“Lực cầu mới chỉ thường trực ở mức giá thấp chứ chưa mạnh dạn mua lên các mức giá cao, do vậy nhà đầu tư cần tiếp tục thận trọng. Nhiều khả năng thị trường sẽ có sự hồi phục nhẹ trong một hai phiên sắp tới, tuy nhiên rủi ro T+3 vẫn là khá lớn”, BVSC đánh giá.

Tương tự là VCSC: Hai chỉ số có thể hồi phục trong phiên giao dịch ngày mai 16/10 và chỉ số VN-Index có thể kiểm định lại mức 610. Đồng thời, các chỉ báo xung lượng ngắn hạn tăng nhẹ từ vùng quá bán cho thấy lực cầu bắt đáy có thể sẽ tiếp tục gia tăng và hai chỉ số có thể sẽ còn xuất hiện các nhịp hồi kỹ thuật trong vài phiên tới, nếu chỉ số VN-Index vượt trở lại mức 610 với khối lượng tăng mạnh thì xu hướng tăng ngắn hạn có thể sẽ còn tiếp tục được duy trì”.

MBS thì nhận định: Với nền tảng vĩ mô vẫn ổn định và phục hồi, lãi suất đang duy trì ở mức thấp, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp vẫn tiếp tục tăng trưởng khả quan so với cùng kỳ năm ngoái, do đó vùng hỗ trợ mạnh tại 590 – 600 là vùng nhiều cổ phiếu đã tạo lập mặt bằng cứng và khả năng giảm sâu nữa là khó.

Trong khi các Dự khác như SHS, BSC, VDSC, KIS, SSI đã lại được an toàn với những nhận định vô thưởng vô phạt như “rủi ro đang tăng mạnh dần”, hay “thị trường đã xác nhận suy yếu”....

Bước sang phiên giao dịch cuối tuần 17/10, sau phiên “lao vực” vừa qua, nhà đầu tư trong nước không khỏi giữ thái độ thận trọng khi thị trường đối mặt với áp lực giải chấp lớn. VN-Index tiếp tục mở cửa trong sắc đỏ với thanh khoản ở mức trung bình. HNX-Index cũng tương tự, chỉ lình xình quanh tham chiếu với giao dịch cầm chừng trong những phút đầu phiên.

Sau đó, dấu hiệu tích cực đã xuất hiện khi lực bán giá thấp có dấu hiệu chững lại, trong khi bên mua, nhất là ở những mã vốn hóa lớn trở lại, giúp VN-Index hồi phục trở lại, kéo theo HNX-Index cũng bứt lên khỏi mốc tham chiếu.

Nhưng khi VN-Index chưa kịp chạm mốc 592 điểm, thì bên nắm giữ cổ phiếu đã “nhanh tay” bán ra, đẩy VN-Index giảm chúi xuống gần 10 điểm sau khoảng 30 phút giao dịch, xuống 582 điểm. Lúc này, lực cầu bắt đáy vẫn kiên nhẫn giúp VN-Index nảy lại qua mốc 585 điểm.

Tuy nhiên, kịch bản cũ của nhiều phiên gần đây lại được lặp lại khi lực bán dồn dập lại được tung vào cuối phiên, khiến VN-Index thêm một lần nữa lao mạnh gần 10 điểm, xuống sát 578 điểm. HNX-Index cũng có diễn biến tương tự và kết phiên sáng ở mức thấp nhất phiên với mức giảm 1,15% xuống gần mốc 86 điểm.

Trong buổi giao dịch chiều, lực mua đã mạnh dạn đẩy vào ngay từ đầu phiên, khiến bên bán phải chùn tay. Những lệnh bán giá thấp nhanh chóng được hấp thụ hoặc được bên bán nhanh tay hủy lệnh. Châm ngòi cho cú đảo chiều ngoạn mục này là nhóm bất động sản với sự dẫn dắt của FLC.

Sau khi giữ được sắc xanh ở phiên sáng, FLC được tới tấp mua vào và kéo lên thẳng mức trần 11.200 đồng/cổ phiếu, đóng cửa với mức tổng khớp hơn 13,3 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần hơn 1,3 triệu đơn vị.

Nhận được sự khích lệ từ nhóm cổ phiếu bất động sản, lực mua bắt đầu lan tỏa ra các mã khác, giúp VN-Index dần hồi phục và nếu như không có sự “ngáng chân” của GAS, chỉ số này đã có được sắc xanh giống như HNX-Index.

Về phía HNX-Index, với sự đảo chiều ngoạn mục của hàng loạt các cổ phiếu dẫn dắt thuộc nhóm chứng khoán, dầu khí và bất động sản, chỉ số này đã dần phục hồi và đóng cửa với sắc xanh nhẹ. Nếu PVS không bị khối ngoại chốt lời mạnh và giảm tới 900 đồng thì HNX-Index sẽ còn hồi phục mạnh hơn nữa.

Trái với sự hồi phục mạnh của các chỉ số, thanh khoản thị trường phiên này lại giảm khá mạnh so với phiên trước, đạt hơn 3.800 đồng. Trong khi đó, khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh, đạt mức kỷ lục trên 395 tỷ đồng trên cả 2 sàn.

Về phía các Dự, cũng tương tự như phiên 14/10, diễn biến thị trường phiên 16/10 sau khi giảm sâu cũng đã phục hồi kỹ thuật và cũng không được kéo về tham chiếu.

SHS đã đúng khi cho rằng áp lực giải chấp sẽ còn xuất hiện dìm thị trường xuống sâu hơn ở phiên 17/10, trước khi hồi trở lại. Diễn biến này cũng được đưa ra trong nhận định của IVS, BSC, MBS. Còn MSBS tiếp tục “ăn theo” thị trường khi cho rằng sẽ có thêm phiên giảm điểm.

“Nhiều cổ phiếu đóng cửa lùi rất sâu về vùng giảm điểm. Áp lực giải chấp do vậy sẽ tiếp tục xuất hiện trong phiên giao dịch tiếp theo nếu lượng cầu tại vùng giá này không được cải thiện. Đây là các yếu tố cho thấy thị trường sẽ thiếu động lực hồi phục trong ngắn hạn”, SHS nhận định.

MBS cho rằng: “Nhịp điều chỉnh mạnh trong ngắn hạn mang tính kỹ thuật, không bắt nguồn từ các yếu tố nền tảng mà nhiều khả năng do áp lực hạ đòn bẩy. Chúng tôi đánh giá thị trường sẽ sớm đạt trạng thái cân bằng khi nhịp điều chỉnh này làm cho nhiều cổ phiếu trở về vùng giá đầu tư hấp dẫn. Nhiều khả năng thị trường sẽ xoay quanh mức 580 điểm trước khi phục hồi.

Tương tự là đánh giá của IVS: Chỉ số VN-Index đóng cửa tại 587 điểm và đã giảm xuống sâu hơn ngưỡng hỗ trợ 590 điểm hay đáy vừa qua 594 điểm. Với thanh khoản phiên 16/10 tăng mạnh cho thấy cầu bắt đáy đã vào cuộc nên khả năng hồi phục có thể xảy ra. Tuy nhiên, trước khi điều này diễn ra thì nhiều khả năng chỉ số này còn test lại mốc 580 điểm, có nghĩa áp lực bán vẫn sẽ đẩy chỉ số giảm nữa trước khi hồi phục lại”.

Với các Dự khác như FPTS, KIS, VDSC, MBKE, SSI, VCSC, BVSC tiếp tục duy trì việc nhận định ở thế trung lập là phương án tối ưu tại những thời điểm thị trường diễn biến khó lường như hiện tại.

Tổng kết tuần giao dịch 13/10 đến 17/10, thị trường trải qua 1 tuần điều chỉnh rất mạnh với áp lực bán lớn đến từ khối ngoại, kéo theo các nhà đầu tư nội đua nhau tháo chạy. Thanh khoản thị trường tuy không còn cao như tuần trước đó, nhưng vẫn cho thấy sự tích cực tăng dần ở những phiên cuối tuần.

Với cả 5 phiên giảm điểm, VN-Index mất tổng cộng 27,94 điểm (-5,34%) xuống 585,28 điểm. Còn HNX-Index với sự hồi phục khá hơn nên có được 2 phiên tăng nhẹ, nhìn chung chỉ số này giảm 2,8 điểm (-3,12%) xuống 87,64 điểm.

Đối với các Dự, đây là tuần dự báo vất vả nhưng khá cân bằng. Trong đó, Dự trúng nhiều nhất với 3 phiên là MSBS. Tiếp đó là VCSC, IVS, MBS và SHS với cùng 2 phiên trúng, còn lại là BSC với 1 phiên trúng.

Ở phía ngược lại, VCSC và MSBS là 2 Dự trúng nhiều nhất, nhưng cũng chỉ đạt 2 phiên. Còn lại SHS, BSC, KIS và MBS đều có 1 phiên trúng.

Ngược lại, các Dự như VCSC, MBKE, MSBS, IVS cùng có 2 phiên trật. Còn lại VDSC, BSC, MBS, BVSC và FPTS cùng có 1 phiên trật.

Trong khi đó, “còi vàng” tuần này chỉ còn duy nhất SSI chiếm thế “độc tôn” với cả 5 phiên nhận định trung lập. Đứng sau với 4 phiên trung lập là KIS, FPTS, BVSC, VDSC.

TRÚNG

TRUNG LẬP

TRẬT

T2/13/10

HOSE(-3,5/0,57/614,22)

HNX(-0,02/0,03%/90,42)

MSBS, VCSC

MBKE, BVSC, IVS, VDSC, SHS, BSC, MBS, SSI, FPTS

T3/14/10

HOSE(-8,43/1,37%/605,79)

HNX(-0,9/1%/89,52)

FPTS, BVSC, IVS, SSI, KIS, MBS, SHS

VCSC, VDSC, BSC, MBKE, IVS, MSBS

T4/15/10

HOSE(-1,5/0,25%/604,29)

HNX(+0,04/0,05%/89,56)

IVS, MBS, SHS, VCSC, MSBS

FPTS, BVSC, BSC, SSI, MBKE, VDSC, KIS

T5/16/10

HOSE(-17,12/2,83%/587,17)

HNX(-2,36/2,64%/87,2)

SHS, BSC, VDSC, KIS, SSI

FPTS, MSBS, BVSC, IVS, MBS, MBKE, VCSC

T6/17/10

HOSE(-1,89/0,32%/585,28)

HNX(+0,44/0,5%/87,64)

IVS, BSC, MBS, MSBS, SHS

FPTS, KIS, VDSC, MBKE, SSI, VCSC, BVSC

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục