Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

(ĐTCK) Tuần qua, thị trường đã chứng kiến áp lực bán tháo mạnh khiến nhiều cổ phiếu giảm điểm. Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.
Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

* GMD: FPT khuyến nghị có thể mua GMD trong dài hạn

Trong dài hạn, chúng tôi vẫn giữ giá mục tiêu theo báo cáo định giá lần đầu (ngày 25/12/2013) là 43.500 đồng/cổ phiếu, cao hơn 23,23% so với giá hiện tại nên nhà đầu tư có thể MUA cổ phiếu GMD để nắm giữ khi các tài sản được đưa vào khai thác hoặc chuyển nhượng sẽ mang lại nguồn lợi lớn cho GMD.

Tuần qua, GMD đã có 4 phiên giảm điểm và duy nhất 1 phiên tăng vào cuối tuần. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu GMD giảm 1.500 đồng/CP (-4,2%) từ mức 35.700 đồng/Cp xuống 34.200 đồng/CP.

* HPG: BSC duy trì khuyến nghị Mua trung và dài hạn

Chúng tôi vẫn duy trì khuyến nghị Mua trung và dài hạn với cổ phiếu HPG, với EPS 2014 dự kiến là 6.537 đồng/cp và mức giá kỳ vọng 68.000 đồng/cp (chưa kể số cổ phiếu phát hành thêm cho người lao động, tương đương 2% cổ phiếu đang lưu hành sẽ được phát hành trong năm 2014 và 2015).

Tuần qua, HPG đã có 1 phiên đứng giá, 3 phiên giảm điểm và 1 phiên tăng vào cuối tuần. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu HPG giảm 5.000 đồng/CP (-8,55%) từ mức 58.500 đồng/Cp xuống 53.500 đồng/CP.

* BMI: MBS khuyến nghị MUA với giá mục tiêu 20.500 đồng

Với tình hình kinh doanh hiện tại và dự báo trong tương lai gần, trên quan điểm đầu tư, Chúng tôi đưa ra khuyến nghị MUA cổ hiếu BMI với giá mục tiêu 6 tháng là 20.500 VND. Chúng tôi dự báo năm 2014, lợi nhuận sau thuế BMI có thể đạt tương ứng khoảng 102 tỷ đồng, tương đương EPS khoảng 1,360 đ/cp và P/E 12.4x

Tuần qua, BMI đã có 1 phiên đứng giá duy nhất vào cuối tuần và 4 phiên giảm điểm liên tiếp. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu BMI giảm 800 đồng/CP (-4,6%) từ mức 17.400 đồng/Cp xuống 16.600 đồng/CP.

* TNG: BSC khuyến nghị mua, còn MBS khuyến nghị cận trọng khi cân nhắc đầu tư

TNG hiện đã rớt 14% kể từ đỉnh giá 25 được xác lập vào phiên cuối tuần trước. Ngưỡng hỗ trợ 21.3 vẫn đang được giữ vững. SMA15 đồng thời cũng đóng vai trò là ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn cho TNG. Chỉ báo RSI có dấu hiệu dừng rơi ở vùng trung tính cho thấy cung-cầu đang khá cân bằng và lực cầu mạnh đã quay trở lại. Cây nên doji xuất hiện sau hai phiên giảm mạnh, chúng tôi cần chờ thêm phiên ngày mai để xác nhận tín hiệu từ cây nến doji trên. Nếu thủng ngưỡng hỗ trợ 21.3, nhiều khả năng TNG sẽ tìm đến ngưỡng hỗ trợ tiếp theo ở mốc 20. Hai mốc kháng cự gần nhất là 23 và 25. Khuyến nghị mua khi TNG chạm hỗ trợ 21.3, giá mục tiêu 25, cutloss khi giảm 7-8% kể từ giá mua.

Theo MBS, trong 9 tháng đầu năm 2014, dòng tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh của TNG là - 99,85 tỷ Đồng. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh yếu khiến Công ty phải tiếp tục gia tăng vay nợ qua đó chất thêm áp lực tài chính lên Công ty. Chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư nên cân nhắc thận trọng khi quyết định đầu tư TNG.

Tuần qua, TNG đã có 3 phiên giảm điểm và 2 phiên tăng. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu TNG tăng 400 đồng/CP (+1,74%) từ mức 23.000  đồng/Cp lên 23.400 đồng/CP.

* PXS: MBKE nhận định PXS vẫn còn hấp dẫn

Chúng tôi thận trọng ước tính lợi nhuận sau thuế 2014 của PXS đạt khoảng 150-160 tỷ đồng tăng 96,3% - 110% so với 2013. P/E 2014 10,8x lần, thấp hơn so với trung bình ngành khoảng 12,1 lần. Với mức P/E này chúng tôi vẫn cho rằng, PXS vẫn còn hấp dẫn so với tăng trưởng kép (CAGR) EPS bình quân trong 2 năm tới ước tính hơn 40%/năm.

Tuần qua, PXS đã có 2 phiên đứng giá và 3 phiên giảm điểm. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PXS giảm 3.200 đồng/CP (-9,04%) từ mức 35.400 đồng/Cp xuống 32.200 đồng/CP.

* RAL: BVSC nhận định mức giá kỳ vọng của RAL khoảng 55.000 đồng

Trong ngắn hạn, mặc dù lợi nhuận năm 2014 của RAL dự báo giảm, mức P/E forward 2014 vẫn ở mức tương đối hấp dẫn (khoảng 7,9x. Về dài hạn, RAL có vị thế là một trong 2 doanh nghiệp dẫn đầu ngành, hoạt động kinh doanh tập trung vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi - ngành thiết bị chiếu sáng với triển vọng tăng trưởng 15%/năm, là một cổ phiếu khá hấp dẫn cho mục tiêu đầu tư dài hạn. Mức giá kỳ vọng cho cổ phiếu RAL chúng tôi dự báo vào khoảng 55.000 đồng/cổ phiếu.

Tuần qua, RAL không đạt như kỳ vọng của BVSC nhưng giá cổ phiếu cũng đã có những biến động tích cực. Với 2 phiên đứng giá và 3 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu RAL tăng 1.000 đồng/CP (+2,25%) từ mức 44.500 đồng/Cp lên 45.500 đồng/CP.

* DHC: MBKE khuyến nghị nâng tỷ trọng

Dựa trên kết quả 9 tháng đầu năm 2014, chúng tôi ước tính lợi nhuận sau thuế cả năm sẽ khoảng 46,2 tỷ đồng, EPS đạt 3.084 đồng/cp và PE & PB 2014 ở mức 7 lần và 1,3 lần, thấp hơn mức 8 lần trung bình ngành. Ngoài ra, DHC kế hoạch nâng tỷ lệ chi trả cổ tức 2014 bằng tiền mặt từ mức 12% lên khoảng 18 - 20% do kết quả kinh doanh năm nay khả quan. Với mức cổ tức trên, lợi suất cổ tức ước tính khoảng 9,3%, cao hơn so với lãi suất ngân hàng. Khuyến nghị nâng tỷ trọng đối với DHC.

Tuần qua, DHC đã có 1 phiên đứng giá, 3 phiên giảm điểm và 1 phiên tăng vào ngày 15/10. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu DHC giảm 800 đồng/CP (-3,72%) từ mức 21.500 đồng/Cp xuống 20.700 đồng/CP.

* CTA: BVSC khuyến nghị theo dõi

Tuy hoạt động kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, điểm sáng của CTA là cơ cấu tài chính lành mạnh khi hầu như công ty không vay nợ và sự chủ động của ban điều hành trong việc tái cơ cấu lĩnh vực hoạt động sang sản xuất bột đá nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng các mỏ đá trắng hiện tại. CTA đóng cửa ở giá 4.200 đồng/cp vào cuối phiên 07/10/2014, mức giá tương đối ít rủi ro khi giá trị sổ sách của công ty lên đến 10.000 đồng/cp.

Tuần qua, CTA đã có 1 phiên giảm điểm vào cuối tuần ngày 17/10 và 4 phiên tăng liên tiếp. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu CTA tăng 1.100 đồng/CP (+27,5%) từ mức 4.000 đồng/Cp lên 5.100 đồng/CP.

* CMI: BVSC khuyến nghị không nên tích lũy trong thời điểm này

CMI là doanh nghiệp trong lĩnh vực khoáng sản có hoạt động tương đối ổn định và chỉ số tài chính tốt so với các công ty cùng ngành. Do các dự án hiện tại vẫn còn giấy phép khai thác khá dài và một loạt các dự án khác chuẩn bị đi vào hoạt động từ cuối 2014, BVSC đánh giá cao khả năng mà công ty có thể duy trì mức chi trả cổ tức 15% hằng năm, tương ứng với suất lợi nhuận khoảng 7% ở mức giá hiện tại 21.200 đồng/cp ngày 06/10/2014.

Bên cạnh đó, CMI cũng hứa hẹn tiềm năng tăng trưởng dài hạn nhờ vào dự án bột đá CaCO3 và đá ốp lát nhân tạo. Tuy nhiên, việc phát hành riêng lẻ thêm 10 triệu cổ phiếu bằng mệnh giá sẽ gây áp lực pha loãng đáng kể khi tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành của CMI chỉ ở mức 9 triệu cổ phiếu, ước tính P/E F2014 sẽ tăng từ 8.7 lên trên 18.3 lần sau khi phát hành. Do đó, BVSC cho rằng đây vẫn là thời điểm tương đối rủi ro để tích luỹ thêm cổ phiếu CMI.

Tuần qua, CMI đã có 3 phiên giảm điểm và 2 phiên tăng. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu CMI giảm 1.700 đồng/CP (-8,5%) từ mức 20.000 đồng/Cp xuống 18.300 đồng/CP.

* HSG: MBKE khuyến nghị mua vào

Nhà đầu tư có thể xem xét mua vào HSG ở giá hiện tại 47.3. Mục tiêu đầu tiên: 55.0 (+16,3%). Mức dừng lỗ: 42.9 (-9,3%).

Tuần qua, HSG đã có 1 phiên đứng giá, 2 phiên giảm điểm và 2 phiên tăng. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu HSG tăng 300 đồng/CP (+0,62%) từ mức 48.100 đồng/Cp lên 48.400 đồng/CP.

* PGS: MBKE khuyến nghị mua vào

Nhà đầu tư có thể xem xét mua vào PGS ở giá hiện tại 37.3. Mục tiêu đầu tiên: 42.4 (+13,7%). Mức dừng lỗ: 34.6 (-7,2%).

Tuần qua, PGS đã có 4 phiên giảm điểm và 1 phiên tăng nhẹ duy nhất vào đầu tuần ngày 13/10. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PGS giảm 3.000 đồng/CP (-8,02%) từ mức 37.400 đồng/Cp xuống 34.400 đồng/CP.

* SD9: MBKE khuyến nghị mua vào

Nhà đầu tư có thể xem xét tận dụng đoạn điều chỉnh hiện nay để mua vào SD9 quanh vùng giá 16. Mục tiêu đầu tiên: 19.2 (+18,5%). Mức dừng lỗ: 14.6 (-9,8%).

Tuần qua, SD9 đã có 2 phiên giảm điểm và 3 phiên tăng. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu SD9 giảm 600 đồng/CP (-3,87%) từ mức 15.500 đồng/Cp xuống 14.900 đồng/CP.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục