Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương cho biết, hiện nay, năng lực sản xuất phân bón trong nước đã đáp ứng được trên 80% nhu cầu sử dụng phân vô cơ, với tổng sản lượng sản xuất hàng năm đạt trên 8 triệu tấn các loại. Đặc biệt, năng lực sản xuất một số loại phân bón chính (urê, NPK, lân) đã đáp ứng đủ nhu cầu, thậm chí phân urê, sản xuất đã vượt cầu và hướng đến xuất khẩu.
Sự đa dạng, phong phú của sản phẩm phân đạm trên thị trường khiến người dân lúng túng
Trước đây, cả nước có 2 đơn vị sản xuất phân đạm urê gồm Đạm Hà Bắc và Đạm Phú Mỹ, nên chỉ đáp ứng được 40% so với nhu cầu 2 triệu tấn/năm. Đến năm 2012, nguồn cung trong nước dư thừa khi hai nhà máy mới là Đạm Cà Mau công suất 800.000 tấn/năm và Đạm Ninh Bình công suất 560.000 tấn/năm đi vào hoạt động. Trong khi đó, nguồn phân đạm nhập khẩu hàng năm qua đường chính ngạch và tiểu ngạch khá lớn, đa dạng và phong phú. Nhiều mặt hàng khác cũng trong tình trạng tương tự. Trước bối cảnh đó, đòi hỏi phải có sự điều chỉnh trong chính sách quản lý và cả chiến lược cạnh tranh của các doanh nghiệp.
Thực tế cho thấy, đa dạng sản phẩm sẽ giúp cho đại lý, người nông dân có thêm nhiều sự lựa chọn, nhưng cũng từ đó xuất hiện bất cập. Chẳng hạn, nhiều loại nhãn hàng chỉ khác biệt nhau một vài phần trăm hàm lượng N-P-K, hay các kiểu bao bì có khối lượng tịnh khác nhau, hay sản xuất ở Trung Quốc nhưng có nhiều công nghệ khác nhau như Mỹ, châu Âu... Quá nhiều mặt hàng trong cùng một cửa hàng khiến người dân lúng túng, không biết đâu là sản phẩm phù hợp với cây trồng, cũng khó phân biệt thật giả, hàng kém chất lượng. Trong khi đó, không phải nhân viên bán hàng của đại lý nào cũng đủ kiến thức để tư vấn đúng cho người dân.
Theo lãnh đạo Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM), trước thực tế này, một số công ty sản xuất phân bón có uy tín, trong đó có DPM đã thiết lập một hệ thống gọi là "bàn tay nối dài" của nhà sản xuất, nhằm hỗ trợ cho hệ thống đại lý của công ty ở các địa phương. Cách làm này đã giúp Công ty kiểm soát được luồng hàng từ sản xuất/nhập khẩu đến người tiêu dùng cuối cùng, đồng thời tăng cường được việc giám sát giá bán và chất lượng sản phẩm, mang lại lợi ích cho cả ba đối tượng là nhà sản xuất, đại lý và người nông dân. Cụ thể, nhà sản xuất chủ động được luồng hàng, biết được hàng của mình đi đâu để điều chỉnh khi cần, bán hàng tới điểm có nhu cầu, vừa có giá hợp lý, vừa kiểm soát được chất lượng hàng. Với đại lý, cửa hàng thì có nguồn hàng ổn định, giảm áp lực về vốn do tồn kho, vận chuyển, được hỗ trợ về kỹ thuật thông qua hướng dẫn trực tiếp, hội thảo, mô hình để có khả năng tư vấn cho nông dân. Còn nông dân thì dễ dàng nhận biết điểm bán hàng tin cậy, mua được hàng hóa chất lượng, có xuất xứ rõ ràng, dễ dàng khiếu nại khi gặp sự cố.
Có ý kiến lo ngại, việc bán hàng qua nhiều lớp trung gian sẽ đẩy giá bán lên cao. Tuy nhiên, đại diện DPM cho rằng, chi phí qua hệ thống thoạt nhìn thì cao, nhưng về tổng thể, lâu dài, nếu được quản lý tốt sẽ mang lại hiệu quả kinh tế. Ngay cả khi mở những điểm bán hàng trực tiếp thì nhà sản xuất cũng phải có đội ngũ tư vấn sử dụng sản phẩm cho bà con nông.
Đặc biệt, có một điểm mà nhà sản xuất khó có thể thay vai trò của các đại lý là thiết lập mối quan hệ tín chấp với người nông dân. Tín chấp tức là các đại lý chấp nhận bán chịu cho người nông dân; bù lại, họ được tính các chi phí hợp lý vào giá bán sản phẩm như lãi ngân hàng, trượt giá, chi phí lưu kho... Nếu không có mối quan hệ này, người nông dân khó có thể duy trì được hoạt động sản xuất nông nghiệp ổn định, trôi chảy. Do đó, ngoài yếu tố sản xuất, lưu thông thì việc xây dựng hệ thống phân phối, đại lý là rất quan trọng.
Để cách làm này thật sự phát huy tác dụng và nhân rộng thì Nhà nước nên khuyến khích và luật hóa hệ thống này. Khi các nhà sản xuất - kinh doanh xây dựng được hệ thống phân phối tốt sẽ cung ứng đồng bộ đến người nông dân gói sản phẩm - dịch vụ kỹ thuật - hướng dẫn sử dụng. Qua đó, hiệu quả sản xuất nông nghiệp của người nông dân sẽ được nâng cao.