Và điều này nếu thực sự diễn ra có thể sẽ mang lại những tác động tiêu cực rất lớn tới đà hồi phục đang được kỳ vọng của nền kinh tế hậu đại dịch.
Nhìn lại diễn biến thị trường, hầu hết các nhà đầu tư chứng khoán thực sự đang “không rét mà run” khi chứng kiến một nhịp giảm dài và sốc nhất của thị trường chứng khoán từ tháng 3/2020 đến nay.
Chỉ trong vòng 1 tháng, tính từ ngày 13/4/2022 đến chốt phiên giao dịch cuối tuần qua (13/5/2022), VN-Index đã rơi gần 20% từ 1.477 điểm về 1.182,7 điểm. Còn nếu tính từ mức đỉnh 1.536 điểm trước đó thì mức giảm đã quá đủ để khiến chỉ số rơi vào “thị trường con gấu” theo góc nhìn kỹ thuật.
“Nên làm gì trong giai đoạn giông bão hiện tại" là câu hỏi gây đau đầu với hàng triệu nhà đầu tư cá nhân, lực lượng chủ đạo giúp “chỉ tiêu” 5% dân số có tài khoản chứng khoán về đích vào tháng 4/2022 - trước gần 3 năm so với "kế hoạch" 2025 của ngành chứng khoán.
Nhưng thị trường chứng khoán càng nhận được sự quan tâm, đối tượng nhà đầu tư càng mở rộng hơn thì cách hành xử với thị trường cũng cần thận trọng hơn do tác động lớn của thị trường với xã hội.
Với câu hỏi trên, các nhà quản lý thị trường cũng cần coi đó là câu hỏi dành cho mình, bởi tác động tiêu cực của đợt giảm điểm bất thường này không chỉ là việc hàng trăm ngàn nhà đầu tư khánh kiệt.
Thị trường vốn, trong đó có thị trường trái phiếu và thị trường cổ phiếu thực sự đang mất dần vai trò là kênh dẫn vốn trung dài hạn cho nền kinh tế, doanh nghiệp niêm yết đổ vỡ kế hoạch kinh doanh và nhiều hệ lụy khác xảy ra… nếu thị trường vẫn nóng - lạnh bất thường như hiện nay.
Những cơn nóng - lạnh bất bình thường cũng bắt đầu diễn ra trên thị trường bất động sản và đó là chủ đề được Đầu tư Chứng khoán lựa chọn làm Tiêu điểm của số báo tuần này. Thực tế, dù là hai thị trường có tính liên thông cao, nhiều nhà đầu tư chứng khoán tham gia đầu tư địa ốc và ngược lại; nhưng có thể nói, tác động của thị trường bất động sản với nền kinh tế nói chung và cuộc sống của từng người dân so với chứng khoán còn lớn hơn nhiều.
Nói như Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, bất động sản có 270 ngành phụ trợ đi theo; còn chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực thì tổng kết rằng, “bất động sản có khả năng lan tỏa đến 35 ngành kinh tế quan trọng khác, với hệ số lan tỏa từ 0,5 - 1,7 lần”.
Tình trạng hoảng loạn của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán và rất có thể sẽ thêm thị trường bất động sản “nhiễm lạnh” khi hầu hết các nhà phát triển bất động sản trao đổi với Đầu tư Chứng khoán đều khẳng định họ đang có cái nhìn “cực kỳ phòng thủ” về tương lai, là vấn đề không phải không đáng lo ngại.
Như các thị trường đang phát triển khác ở Việt Nam, hai thị trường này có những vấp váp, có những “con sâu làm rầu nồi canh”, nhưng hành động được chờ đợi nên là bít các lỗ hổng pháp luật và khu biệt để xử lý rốt ráo các sai phạm cụ thể nhằm làm lành mạnh thị trường, chứ không phải “làm lạnh thị trường” chung.
Nếu siết quá đà, “hơi lạnh” từ chứng khoán, bất động sản lan tỏa sang nhiều chủ thể khác của nền kinh tế có thể là một nguy cơ hiển hiện.