Lạc quan thận trọng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tuần giao dịch trước kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay được các chuyên gia và nhà đầu tư mô tả bằng từ “thử lửa” với những biến động quá lớn, ngoài sự tưởng tượng của nhiều thành viên thị trường.
Lạc quan thận trọng

Cảm giác sợ hãi bao trùm phiên giao dịch đầu tuần khi có thời điểm VN-Index rớt hơn 80 điểm và bảng điện gần như trắng bên mua, nhưng chỉ phiên hôm sau, với những thông điệp chính sách được truyền tải kịp thời từ các cơ quan quản lý thị trường, cảm giác sợ hãi đã phần nào được giảm tải ở nhiều nhà đầu tư, sắc xanh trở lại trên các bảng điện tử.

Đợt giảm tới 230 điểm, tương đương 17% của VN-Index lần này tiếp tục là trải nghiệm đáng nhớ với các nhà đầu tư. Tâm lý phổ biến nhất trong đợt giảm điểm sâu là sợ hãi. Nỗi sợ đã khiến nhiều nhà đầu tư tự hủy hoại tính kỷ luật trong đầu tư. “Chế ngự nỗi sợ” do đó được Đầu tư Chứng khoán lựa chọn làm chủ đề phản ánh sâu trong số báo này, nhằm cùng nhà đầu tư tìm ra phương án hợp lý cho những quyết định tới đây.

Nhưng thị trường đã bình ổn để bước vào một giai đoạn mới chưa? Câu hỏi này thực sự không dễ trả lời với cả những chuyên gia am tường nhất. Bởi lẽ, những ẩn số vẫn treo lơ lửng chưa có lời giải thật sự rõ ràng.

Tuần qua, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế được đưa ra lấy ý kiến trước khi ban hành.

Sẽ có nhiều quy định chặt chẽ hơn được áp dụng như doanh nghiệp phát hành phải có báo cáo tài chính được kiểm toán, hồ sơ được cơ quan chức năng xem xét, phê duyệt…

Kênh huy động vốn này tới đây sẽ siết chặt lại nhằm đảm bảo sự vận hành lành mạnh của thị trường vốn, nhưng việc đánh giá và xử lý những mặt trái của TPDN thời kỳ trước là yếu tố cần được theo dõi bởi có thể ảnh hưởng mạnh tới TTCK cơ sở.

Riêng năm 2021, khối lượng TPDN phát hành đạt hơn 639.766 tỷ đồng, tăng 38,8% so với năm 2020, chủ yếu là TPDN phát hành riêng lẻ với 605.520 tỷ đồng, tăng 38,8% so với năm 2020. Trong khi đó, tổng khối lượng TPDN chào bán ra công chúng chỉ đạt 34.146 tỷ đồng, tăng 11,8% so với năm 2020.

Đáng lưu ý là, tổ chức tín dụng phát hành khối lượng TPDN riêng lẻ lớn nhất, chiếm 36,18% tổng khối lượng phát hành, doanh nghiệp bất động sản chiếm 33,26% khối lượng phát hành.

Thị trường trái phiếu siết lại, có thể là lý do các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp bất động sản phải lo nguồn, che chắn lại cho các khoản đã phát hành. Với đặc tính bình thông nhau của thị trường tài chính, kênh chứng khoán có thể chịu ảnh hưởng nhất định.

Tuy nhiên, thận trọng không có nghĩa là để nỗi sợ che mờ những cơ hội có thể mở ra. Nguồn lực ở trong dân còn rất lớn, điều quan trọng là tạo cho người dân niềm tin về một kênh bỏ vốn an toàn.

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tiền gửi tiết kiệm trong hệ thống ngân hàng lên tới hơn 6 triệu tỷ đồng, chưa kể các kênh cất trữ tài sản khác như vàng, ngoại tệ, bất động sản… Nếu được khơi thông và được bảo đảm thị trường vốn vận hành lành mạnh, có lẽ khó ai đoán định được dòng tiền từ xã hội tham gia lớn nhường nào.

Trong cuộc họp thường kỳ Chính phủ ngày 29/4, Thủ tướng Chính phủ nhắc lại chủ trương đưa thị trường vốn phát triển an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững.

Sau đại dịch, công cuộc tái thiết nền kinh tế đang bộn bề, nhưng chỉ có thể thành công nếu doanh nghiệp tiếp tục phát triển, tăng trưởng mạnh mẽ. Thị trường vốn có thể là công cụ hiệu quả để khơi mạnh kênh dẫn vốn cho các doanh nghiệp chuyển mình. Nếu ý chí và hành động được thống nhất như vậy, có lẽ nhà đầu tư sẽ được giải tỏa nỗi sợ để tiếp tục tìm ra những hạt giống tốt cho một “vụ mùa mới” đang bắt đầu.

Người quan sát

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục