Tại Mỹ, số lượng thương vụ M&A trong tháng 3 và 4/2025 đều dưới ngưỡng 600 - mức thấp nhất trong 15 năm qua.
Ông Ken Moelis, CEO Moelis & Co. cho rằng, những biến động mới xuất hiện trên thị trường vốn sau ngày 2/4/2025 là nguyên nhân chính khiến các hoạt động giao dịch M&A chậm lại.
Cụ thể, chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump, được công bố vào đầu tháng 4/2025, đã tạo ra một cú sốc lớn cho thị trường. Phần lớn các loại thuế sau đó được tạm hoãn trong 90 ngày, nhưng không giúp xóa bỏ sự bất định về triển vọng dài hạn, nên vẫn tác động tiêu cực đến các thương vụ M&A, vốn đòi hỏi kế hoạch và tầm nhìn từ 5 - 10 năm.
Ông Eamon Brabazon, đồng trưởng bộ phận M&A toàn cầu, Bank of America nhận định, chính sách bảo hộ của chính quyền Donald Trump đang tạo ra rào cản lớn cho hoạt động M&A vào Mỹ từ các công ty nước ngoài. Mặc dù Mỹ hoan nghênh các khoản đầu tư mới như xây dựng nhà máy, việc mua lại trong một số ngành được coi là chiến lược lại phải đối mặt với các rào cản pháp lý ngày càng gia tăng.
Một ví dụ điển hình là thương vụ Nippon Steel mua lại U.S. Steel, hiện đang trong giai đoạn cuối của quá trình tái xem xét bởi Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS), với nhiều dấu hiệu cho thấy khả năng bị phủ quyết rất cao.
Ông Hideaki Umetsu, luật sư người Nhật chuyên về M&A quốc tế nhận xét: “Nhiều công ty Nhật Bản đang lo ngại về việc CFIUS xem xét các thương vụ M&A”.
“Hoạt động M&A của các công ty Nhật Bản tại Mỹ có thể sẽ phục hồi, song nhiều công ty đang e ngại việc chấp nhận rủi ro hiện tại. Vì vậy, khả năng phục hồi chậm hơn so với các công ty ở nơi khác”, ông Hideaki Umetsu dự báo.
Trong bối cảnh không có nhiều cơ hội mua lại doanh nghiệp khác, không ít công ty Mỹ đổ tiền vào hoạt động mua lại cổ phiếu của chính mình.
Deutsche Bank cho biết, các khoản mua lại được công bố công khai bởi các công ty thuộc S&P 500 trong 3 tháng qua đạt tổng cộng 500 tỷ USD, mức cao kỷ lục. Các công ty công nghệ dẫn đầu xu hướng này và động thái mới nhất là Advanced Micro Devices (AMD) vừa thông báo kế hoạch mua lại cổ phiếu trị giá 6 tỷ USD.
JPMorgan đánh giá, các công ty thường thực hiện mua lại khi giá cổ phiếu đang trong giai đoạn điều chỉnh. Với các phương án sử dụng vốn hạn chế, việc mua lại cổ phiếu trở thành lựa chọn an toàn, đóng góp vào đợt phục hồi gần đây của thị trường chứng khoán Mỹ.
Động lực phục hồi của thị trường còn đến từ việc nhiều doanh nghiệp duy trì được kết quả kinh doanh khả quan. Theo FactSet, trong số các doanh nghiệp S&P 500 đã công bố kết quả kinh doanh quý I/2025, có tới 78% vượt dự báo thị trường về lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu - tỷ lệ cao hơn so với mức trung bình 5 năm và 10 năm qua.
Mặc dù hoạt động M&A truyền thống đang chậm lại, nhưng báo cáo mới nhất từ EY-Parthenon cho thấy, triển vọng trong lĩnh vực vốn cổ phần tư nhân vẫn tương đối ổn định. Công ty tư vấn này dự báo, năm 2025, các thương vụ vốn cổ phần tư nhân trị giá trên 100 triệu USD sẽ duy trì ở mức tương đương năm 2024.
Nếu giá cổ phiếu của các công ty niêm yết tiếp tục biến động mạnh, xu hướng tư nhân hóa các doanh nghiệp đại chúng có thể gia tăng. Các thương vụ lớn trong thời gian qua như việc các quỹ đầu tư tư nhân mua lại Walgreens Boots Alliance và Skechers, mỗi thương vụ trị giá khoảng 10 tỷ USD, là minh chứng cho xu hướng này.
Trong vài tháng tới, giới chuyên gia cho rằng, hoạt động M&A nói chung sẽ tiếp tục trầm lắng, ít nhất cho đến khi có thêm sự rõ ràng về chính sách thuế quan dài hạn của Mỹ.
Những thỏa thuận gần đây giữa Washington với Bắc Kinh và London về việc giảm thuế được xem là tín hiệu tích cực, nhưng chưa đủ để xóa bỏ hoàn toàn sự bất định.
Một nhà phân tích ngành ngân hàng đầu tư tại Mỹ nhận định, sự chắc chắn cần thiết cho sự phục hồi M&A sẽ khó xuất hiện nếu không có các thỏa thuận thương mại mạnh mẽ và dài hạn hơn.