Thị trường kim cương nhân tạo ở Ấn Độ đang phát triển mạnh mẽ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các chuyên gia trong ngành cho biết, nhu cầu về kim cương được tạo ra trong phòng thí nghiệm ở Ấn Độ đã tăng lên đều đặn, nhưng điều này cũng không làm những viên kim cương được khai thác tự nhiên mất đi sự hấp dẫn.
Thị trường kim cương nhân tạo ở Ấn Độ đang phát triển mạnh mẽ

Ấn Độ hiện có dân số thanh niên lớn nhất thế giới. Vì vậy, các nhà phân tích cho biết rằng, ngày càng có nhiều người mua sắm thuộc Gen Y và Gen Z bị thu hút bởi những viên kim cương được tạo ra trong phòng thí nghiệm (LGD) vì mức giá của chúng.

Giá của một viên kim cương được tạo ra trong phòng thí nghiệm có thể rẻ hơn 5 lần so với một viên kim cương tự nhiên, nhưng cả hai đều giống nhau về mặt hóa học.

Theo Limelight Diamonds, một trong những thương hiệu trang sức LGD lớn nhất Ấn Độ, một viên kim cương tự nhiên có giá khoảng 6.000 USD/carat trong khi viên kim cương LGD chỉ có giá 1.200 USD/carat.

Cả hai cũng được phân loại dựa trên 4C - độ trong, màu sắc, đường cắt và carat - các đặc tính tiêu chuẩn được chấp nhận rộng rãi để xác định giá trị và chất lượng của một viên kim cương.

Doanh số bán LGD đã tăng vọt khi người mua ở Ấn Độ, những người trước đây không thể mua kim cương do giá cao, giờ đây cảm thấy họ có thể tham gia thị trường.

Pooja Sheth, người sáng lập và Giám đốc điều hành của Limelight Lab Grown Diamonds cho biết: “Trước đây, chưa đến 5% phụ nữ Ấn Độ có đủ khả năng mua kim cương tự nhiên…Tuy nhiên, người tiêu dùng đang cảm thấy việc mua một viên kim cương được tạo ra trong phòng thí nghiệm sẽ khả dĩ hơn và có một lượng lớn nhu cầu gia tăng từ những người mua mới, những người chưa từng mua một viên kim cương trước đây”.

Ấn Độ hiện là nước sản xuất kim cương nhân tạo trong phòng thí nghiệm lớn thứ hai, sau Trung Quốc - quốc gia chiếm ít nhất một nửa sản lượng kim cương nhân tạo của thế giới.

Edahn Golan, Giám đốc điều hành của Edahn Golan Diamond Research and Data cho biết, ông lạc quan rằng Ấn Độ có thể sớm trở thành nước sản xuất kim cương nhân tạo trong phòng thí nghiệm lớn nhất thế giới.

“Thị trường LGD của Trung Quốc lớn hơn về mặt sản xuất nhưng lại không đánh bóng được nhiều đá quý như Ấn Độ. Công nghệ được sử dụng ở Ấn Độ phức tạp hơn nhiều và có nhiều cơ hội để cải tiến theo thời gian trong tương lai…Trung Quốc có thể tạo ra nhiều kim cương hơn với công nghệ họ đang sử dụng, nhưng Ấn Độ có thể tạo ra nhiều hơn và làm cho chúng tốt hơn”, ông cho biết.

Cơ hội nâng cấp?

Theo Limelight Diamonds, Công ty đã bán được 10.000 carat trang sức LGD từ tháng 4/2022 đến tháng 3/2023.

“Kim cương được tạo ra trong phòng thí nghiệm đã mang lại sự nâng cấp cho hoạt động mua hàng. Mặc dù giá rẻ hơn nhưng nhiều người vẫn không giảm ngân sách của mình…Họ đang nâng cấp bản thân bằng một viên đá lớn hơn hoặc mua một mặt dây chuyền và một cặp bông tai với viên đá đó”, ông Pooja Sheth cho biết.

Phần lớn sự lạc quan xung quanh LGD ở Ấn Độ có thể là do chuyến thăm Nhà Trắng của Thủ tướng Narendra Modi vào tháng 6 khi ông tặng Đệ nhất phu nhân Jill Biden một viên đá quý 7,5 carat được sản xuất tại Ấn Độ.

“Nhận thức về kim cương được tạo ra trong phòng thí nghiệm đột nhiên thay đổi và điều đó thực sự làm thay đổi sự tăng trưởng của việc chấp nhận kim cương được tạo ra trong phòng thí nghiệm trong nước”, ông Pooja Sheth cho biết.

Kim cương tự nhiên vẫn thu hút

Mặc dù có nhiều lạc quan về LGD, nhưng người mua LGD vẫn xem những viên kim cương này là điểm thâm nhập vào thị trường kim cương và rất có thể sẽ mua kim cương tự nhiên khi họ có khả năng trong tương lai.

“Kim cương được tạo ra trong phòng thí nghiệm hiện đang là chủ đề bàn tán. Nhưng nếu bạn có đủ tiền, về cơ bản bạn sẽ mua một viên kim cương được khai thác tự nhiên”, Tehmasp Printer, Giám đốc điều hành của Viện Đá quý Quốc tế cho biết.

Paul Zimnisky, Giám đốc điều hành của Paul Zimnisky Diamond Analytics cho biết, sự tăng trưởng của thị trường LGD sẽ không tạo ra sự thay đổi nhỏ trong doanh số bán kim cương tự nhiên.

“Kim cương nhân tạo chiếm khoảng 20% tổng giá trị bán ra của ngành. Về cơ bản nó là con số 0 cách đây 10 năm, vì vậy nó đã tăng trưởng nhanh chóng trên cơ sở tương đối…Nhưng tôi nghĩ sẽ không chính xác nếu nói đó là lý do chính khiến giá kim cương năm nay giảm nhẹ. Nó chủ yếu là sự trở lại bình thường hóa”, ông cho biết.

Chi tiêu cho đồ trang sức đã tăng lên khi các hạn chế của Covid được dỡ bỏ trên toàn cầu, đẩy giá kim cương lên mức đỉnh điểm vào tháng 2/2022. Nhưng theo chỉ số kim cương thô toàn cầu, giá kim cương đã giảm 25% kể từ đó.

Dữ liệu từ công ty phân tích Paul Zimnisky Diamond Analytics dự đoán rằng nhu cầu về trang sức kim cương toàn cầu sẽ giảm xuống còn 81 tỷ USD trong năm tới từ mức 89 tỷ USD vào năm 2023, vẫn cao hơn 75 tỷ USD vào năm 2019, trước khi đại dịch xảy ra.

Tuy nhiên, rắc rối có thể ập đến với LGD nếu giá đá quý tiếp tục giảm do tốc độ sản xuất của chúng quá nhanh.

“Tôi nghĩ giá bán lẻ không phản ánh giá nguyên liệu thô thấp đến mức nào và giá bán lẻ kim cương nhân tạo chắc chắn có thể tiếp tục giảm… đó là rủi ro đối với ngành công nghiệp kim cương được phát triển trong phòng thí nghiệm”, ông cho biết.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục