Giá kim cương có thể tiếp tục lao dốc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Kim cương hiện không phải là lựa chọn yêu thích của nhà đầu tư khi đã mất đi một số giá trị đáng kể trong vài tháng qua.
Giá kim cương có thể tiếp tục lao dốc

Theo Chỉ số giá kim cương thô toàn cầu, giá kim cương đã giảm 18% so với mức cao kỷ lục vào tháng 2/2022 và thấp hơn 6,5% từ đầu năm đến nay. Và các nhà phân tích dự đoán giá trị của chúng có thể tiếp tục sụt giảm.

Paul Zimnisky, Giám đốc điều hành của Paul Zimnisky Diamond Analytics cho biết: “Một viên kim cương tự nhiên 1 carat có chất lượng tốt hơn mức trung bình một chút có giá là 6.700 USD một năm trước, nhưng ngày nay, chính viên kim cương này được bán với giá 5.300 USD”.

Giá kim cương và các đồ trang sức khác đã tăng cao trong đại dịch Covid-19 mà đỉnh điểm là vào đầu năm ngoái.

Giám đốc điều hành của Angara Jewelry, Ankur Daga cho biết, khi mọi người không thể đi du lịch hoặc ăn ngoài, tất cả số tiền dư thừa đó đã được đổ vào đồ trang sức và hàng hóa xa xỉ. Và khi nền kinh tế bắt đầu mở cửa trở lại, giá kim cương bắt đầu giảm nhẹ và rơi vào tình trạng “suy giảm mạnh”.

Theo các chuyên gia trong ngành, sự cạnh tranh liên tục từ kim cương nhân tạo, sự phục hồi kinh tế chậm hơn của Trung Quốc và bối cảnh kinh tế vĩ mô không chắc chắn cũng là những nguyên nhân khiến thị trường kim cương mờ nhạt.

Một sự thay thế hoàn hảo?

Hiện nay, ngày càng có nhiều người tiêu dùng chuyển sang sử dụng kim cương nhân tạo được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm.

“Tỷ lệ doanh số bán kim cương được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm so với kim cương tự nhiên đang tăng lên. Năm 2020, chúng chỉ là 2,4%, và từ đầu năm 2023 đến nay con số này đã lên tới 9,3%”, Edahn Golan, Giám đốc điều hành của Edahn Golan Diamond Research & Data cho biết.

Kim cương được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm được tạo ra trong môi trường được kiểm soát bằng cách sử dụng áp suất và nhiệt độ cực cao để tái tạo cách kim cương tự nhiên được rèn trong lớp phủ của Trái đất.

Chúng giống hệt về mặt hóa học, vật lý và quang học với kim cương tự nhiên và được xem là “sự thay thế hoàn hảo”. Nhưng quan trọng hơn đối với hầu hết là chúng rẻ hơn rất nhiều.

Ông Edahn Golan cho biết, giá của những viên kim cương được nuôi trong phòng thí nghiệm đã “giảm mạnh” với mức giảm 59% trong ba năm qua.

“Ba năm trước, bạn có thể mua một viên kim cương được nuôi trong phòng thí nghiệm với giá tương đương từ 20 - 30% so với giá kim cương tự nhiên. Bây giờ nó giảm từ 75% đến 90% so với giá tự nhiên”, ông cho biết và nhận định rằng, giá rẻ hơn là do máy móc trở nên hiệu quả hơn trong việc sản xuất nhiều kim cương nhân tạo hơn.

Ngành công nghiệp kim cương phát triển trong phòng thí nghiệm, vốn sử dụng nhiều năng lượng, cũng đang chứng kiến chi phí năng lượng giảm dần so với mức đỉnh điểm.

Trong trường hợp giá xuống, ông dự đoán giá kim cương tự nhiên sẽ giảm từ 20 - 25% so với giá hiện tại trong 12 tháng tới, đánh dấu mức giảm 40% so với mức đỉnh hồi tháng 2.

“Có khả năng giá sẽ tiếp tục giảm và đó là một kịch bản rất có thể xảy ra, đặc biệt là khi tỷ suất lợi nhuận của nhà bán lẻ đối với kim cương nuôi cấy trong phòng thí nghiệm đặc biệt cao, khoảng 60% so với 34% đối với kim cương tự nhiên”, ông cho biết.

Theo Bain & Company, giai đoạn sản xuất kim cương ở thị trường tầm trung liên quan đến việc cắt và đánh bóng viên kim cương trước khi chế tác thành đồ trang sức, đây là phần “phức tạp nhất” và rộng nhất của chuỗi giá trị.

Trừng phạt kim cương từ Nga

Đầu tháng 5, các nền kinh tế G7 đã triệu tập một cuộc thảo luận về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với kim cương của Nga, trong đó Anh đi đầu trong việc trừng phạt công ty nhà nước Alrosa của Nga.

“Người Nga đã tăng doanh số bán kim cương trong những tháng gần đây trong nỗ lực lấy lại thị phần đã mất vào năm ngoái sau sự gián đoạn trong giao dịch”, Giám đốc điều hành của Paul Zimnisky Diamond Analytics cho biết.

Theo Diamond Registry, Nga là nhà sản xuất kim cương lớn nhất thế giới, tiếp theo là Botswana và Cộng hòa Dân chủ Congo.

Theo ông Edahn, Nga sẽ không gặp vấn đề gì khi bán kim cương của mình bất chấp các lệnh trừng phạt, đặc biệt nếu những người mua lớn hơn tiếp tục đánh giá cao những viên đá quý của Nga.

“Các quốc gia như Ấn Độ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và thậm chí cả Liên minh châu Âu không áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với việc nhập khẩu kim cương thô. Vì vậy, một lần nữa, không có sự thiếu hụt thực sự”, ông cho biết.

Ấn Độ là nhà nhập khẩu kim cương hàng đầu thế giới, Mỹ đứng thứ hai, tiếp theo là Hồng Kông (Trung Quốc), Bỉ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục