Thông tin từ Sở Du Lịch TP.HCM cho hay, trong 9 tháng đầu năm 2023, thành phố đón gần 3,6 triệu lượt khách quốc tế, tăng 70% theo năm và chiếm tới 40% tổng lượng khách quốc tế của Việt Nam. Dù có sự tăng trưởng theo năm, lượng khách quốc tế vẫn chỉ đạt 57% so với 9 tháng đầu năm 2019 (trước dịch Covid-19).
Trong 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu dịch vụ lưu trú của TP.HCM đạt 8,2 nghìn tỷ đồng, tăng 41% theo năm và đạt 99% so với cùng kỳ năm 2019. Đáng chú ý, du khách nội địa giữ vai trò thúc đẩy phần lớn quá trình phục hồi.
Theo Savills, quý III/2023, thị trường khách sạn TP.HCM ghi nhận nguồn cung ổn định theo quý và theo năm với 15.641 phòng, từ 109 khách sạn. Việc 146 phòng từ hai dự án đã đóng cửa được bù đắp từ nguồn cung mới thêm vào bởi Sotetsu Grand Fresa Sài Gòn với 125 phòng bốn sao.
Trong quý III/2023, công suất phòng đạt 58%, giảm nhẹ 2 điểm phần trăm theo quý. Giá phòng trung bình đạt 1,9 triệu đồng/phòng/đêm, không thay đổi so với quý trước. Khách sạn bốn và năm sao có công suất giảm tới 4 điểm phần trăm theo quý xuống còn 60%, phản ánh mùa thấp điểm tại TP.HCM. Mùa cao điểm thường diễn ra vào quý I và quý IV. Sự lệ thuộc vào tệp khách công tác và khách MICE đã làm chậm tốc độ phục hồi trong quý III.
Savills cho biết, các chủ đầu tư đang tập trung cải thiện và nâng cao chất lượng dự án của mình để duy trì sự cạnh tranh khi 100% số phòng đã đóng cửa đang được cải tạo và dự kiến sẽ mở cửa trở lại trong thời gian sắp tới. Nguồn cung tương lai thị trường khách sạn bị giới hạn do áp lực nguồn cung trên toàn quốc và tình hình phục hồi chậm. Đến năm 2026, chỉ có bốn khách sạn mới dự kiến sẽ bổ sung 800 phòng. 12 dự án mới đã được cấp phép với hơn 2.500 phòng đang tạm dừng thi công.