Đặt cược vào du lịch, ngành khách sạn đột phá nguồn cung

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thông tin từ Savills cho hay, với các tín hiệu tích cực trong lĩnh vực du lịch, thị trường khách sạn Hà Nội dự kiến đón nhận thêm nhiều nguồn cung mới trong năm 2023.
Ngành khách sạn tại Hà Nội đang phục hồi mạnh mẽ sau dịch. Ảnh: Thành Nguyễn. Ngành khách sạn tại Hà Nội đang phục hồi mạnh mẽ sau dịch. Ảnh: Thành Nguyễn.

Cụ thể, trong năm 2023, dự kiến 8 dự án khách sạn mới với quy mô 1.300 phòng sẽ được khởi động, và từ năm 2024 trở đi 60 dự án mới với khoảng 10.300 phòng sẽ ra mắt thị trường Hà Nội với các nhà điều hành quốc tế bao gồm Four Seasons, Lotte, Dusit, Wink, Accor, The Shilla, Hyatt, Marriot và Hilton.

Khách sạn 5 sao Hilton Hà Nội Opera tạm thời đóng cửa để nâng cấp và sẽ ra mắt lại với thương hiệu Waldorf Astoria. Đây là các dự án đã được triển khai từ trước, có những dự án bị ảnh hưởng tiến độ và phải trì hoãn ra mắt vì dịch bệnh nhưng sẽ được khởi động và ra mắt trong thời gian tới.

Dữ liệu từ Savills cho thấy, từ quý IV/2022, các khách sạn tại Hà Nội từ 3 sao trở lên đã có sự cải thiện rõ rệt về công suất. Trong giai đoạn này, công suất thuê khách sạn đạt 49%, tăng 7 điểm phần trăm theo quý và 22 điểm phần trăm theo năm. Riêng đối với phân khúc khách sạn 5 sao, công suất đã đạt đến 60%. Giá phòng trong giai đoạn trên cũng đạt trung bình 2,5 triệu đồng, tăng 15% theo quý và 41% theo năm. Xét trên cả năm 2022, công suất thuê tăng 16 điểm % lên 39% và giá phòng trung bình đạt 2,2 triệu đồng, tăng 23% so với năm trước đó.

Theo Savills, thị trường đang kỳ vọng vào sự quay lại của khách du lịch Trung Quốc thông qua việc nối lại các chuyến bay thường lệ giữa Việt Nam và Trung Quốc thời gian tới, khi quốc gia này cho phép khách du lịch đến Việt Nam.

Trong một diễn biến khác, ngoài khách du lịch, ngành khách sạn cũng ghi nhận nhu cầu lớn từ lượng khách công vụ hay nhà đầu tư nước ngoài. Đến năm 2023, thị trường Việt Nam đã dần trở nên ổn định hơn sau đại dịch, bước vào giai đoạn tăng trưởng kinh tế và thu hút nhiều hoạt động đầu tư, trong đó có FDI, nên nhà đầu tư nước ngoài hướng tới việc lưu trú tại các thành phố lớn.

Về xu hướng đầu tư, theo Savills, sau đại dịch, các chủ đầu tư bắt đầu chú trọng hơn về thiết kế, trải nghiệm khách hàng và chất lượng dịch vụ thay vì chỉ đơn thuần tập trung phát triển quy mô dự án như trước đây. Đây được xem là tín hiệu đáng mừng vì thị trường Việt Nam cần nhiều sản phẩm đa dạng hơn như mô hình wellness resort đúng nghĩa, khu nghỉ dưỡng với các tiện ích giải trí ví dụ như beach club, hoạt động thể thao mạo hiểm, mô hình poshtel (mô hình lưu trú hướng đến đối tượng khách trẻ), khu lưu trú nghỉ dưỡng dành cho đối tượng khách hưu trí (senior living), mô hình co-living, khu căn hộ dịch vụ chất lượng.

Savills cho rằng, các chủ đầu tư sẽ có sự chuẩn bị chủ động để đón lượng khách gia tăng trong mùa cao điểm du lịch, từng bước cho ra mắt thêm nhiều lựa chọn về địa điểm lưu trú.

Mặc dù vậy, nhu cầu du lịch của khách trong và ngoài nước vẫn chưa đủ để nâng công suất lên đến 100% tại các khách sạn ngay lúc này. Các thị trường ven biển Đà Nẵng mới chỉ đạt khoảng 50% mức công suất của năm 2019. Chính vì vậy, việc đưa ra chiến lược vận hành hợp lý để nâng dần công suất và xây dựng, cải tạo dự án theo từng giai đoạn là một trong những chiến thuật tiêu biểu mà các chủ đầu tư nên áp dụng để tận dụng hiệu quả cơ hội này.

Thành Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục