Thị trường hứng chịu cơn “bão” tăng giá mới

0:00 / 0:00
0:00
Với việc giá xăng RON 95 đã xuyên thủng ngưỡng 30.000 đồng/lít, nguyên vật liệu sản xuất tiếp tục biến động mạnh trong các tháng gần đây, thị trường hàng hóa đang hứng chịu cơn “bão” tăng giá mới.
Thị trường hứng chịu cơn “bão” tăng giá mới

Hàng hóa đồng loạt tăng giá

Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã công bố điều chỉnh tăng giá thêm 5% đối với hàng loạt sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất từ trung tuần tháng 5/2022, trong đó có nhiều sản phẩm như sữa bột, sữa uống dinh dưỡng. Trước đó, vào tháng 4, nhà sản xuất này cũng đã tăng giá 18 sản phẩm.

Ban lãnh đạo Vinamilk cho biết, giá của tất cả các nguyên liệu đầu vào đã tăng 37-40% so với cùng kỳ, nên việc tăng giá bán sản phẩm là tất yếu. Doanh nghiệp đã gắng cầm cự, duy trì mặt bằng giá ổn định trong một thời gian dài, nhưng đến nay không thể cố thêm nữa. Nếu không tăng giá, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp sẽ sụt giảm nặng nề.

Báo cáo tài chính quý I/2022 của Vinamilk cho biết, doanh thu đạt 13.940 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ 2021, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 2.283 tỷ đồng, giảm 12%. Đây là quý thứ 5 liên tiếp, lợi nhuận của Vinamilk giảm so với cùng kỳ.

Áp lực lớn nhất đối với Vinamilk trong suốt năm 2021 cũng như thời gian tới chính là giá sữa bột nguyên liệu, trong khi tại thị trường trong nước, sự phục hồi về nhu cầu vẫn còn rất yếu.

Vinamilk không phải là doanh nghiệp duy nhất tăng giá bán sản phẩm trong những ngày qua. Trong mảng sữa, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam cũng điều chỉnh tăng giá bán nhiều sản phẩm thêm 5% từ ngày 1/5.

Trước đà tăng của giá xăng dầu, giá nguyên liệu sản xuất cũng tăng cao, đẩy thị trường hàng hóa vào đợt tăng giá mới. Trong chiều 23/5, giá xăng đã xuyên thủng mốc 30.000 đồng/lít, vọt lên tới 30.650 đồng/lít đối với RON 95.

Bộ Công thương cho biết, từ kỳ điều hành giá xăng dầu đầu năm 2022, đến kỳ điều hành ngày 23/5 đã có 13 kỳ điều hành giá (10 kỳ tăng giá, 3 kỳ giảm giá).

Vừa mở xong cửa hàng bán lẻ trái cây tại Time City (Hà Nội), đại diện một doanh nghiệp bán lẻ cho biết, kế hoạch mở khoảng 20-30 cửa hàng trái cây tại Hà Nội của doanh nghiệp này đang bị ảnh hưởng bởi chi phí vận chuyển gia tăng. “Chúng tôi phải tính toán lại giá, do hơn 1 tháng qua, giá xăng đã tăng 4 lần, chắc chắn giá bán lẻ các loại trái cây tới tay người tiêu dùng sẽ tăng tương ứng với mức tăng giá vận chuyển thì doanh nghiệp mới đảm bảo có lãi”.

Tất cả nguyên vật liệu đầu vào từ nguồn nhập khẩu và nội địa đều đồng loạt tăng giá, gây sức ép lớn đến chi phí vận hành của doanh nghiệp. Phần lớn các doanh nghiệp đều cho rằng, chi phí logistics và nguyên liệu đầu vào tăng cao là thách thức lớn nhất của họ, trong khi giá bán sản phẩm dẫu được điều chỉnh tăng, cũng chưa thể bằng so với mức tăng của chi phí sản xuất.

“Chúng tôi phải cân nhắc tăng ở mức nào cho hợp lý, bởi sau 2 năm đại dịch, sức mua của thị trường đã bị ảnh hưởng nhiều. Với những đợt bão giá của nguyên liệu gần đây, kể cả thuế VAT đã được giảm xuống 8% để hỗ trợ phần nào cho người tiêu dùng, thì đến thời điểm này cũng không còn nhiều giá trị”, ông Đỗ Hoàng Anh, Phó giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Minh An (Bình Dương) cho biết.

Khó kiềm chế đà tăng CPI dưới 4%

Thực tế, 4 tháng đầu năm, thu nhập của người dân vẫn còn khó khăn sau thời gian dịch bệnh kéo dài, nhóm hàng may mặc và đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình giảm lần lượt 3,5% và 4,6%.

Dù hầu hết các ngành, lĩnh vực, địa phương đều trong xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại, nhưng giá nhiều loại hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu trên thế giới tăng, đã tạo áp lực lớn đến chi phí sản xuất của các doanh nghiệp. Giá xăng dầu tăng đã tác động làm tăng giá thành sản phẩm hàng hóa và dịch vụ, gây áp lực lên hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ đó đã có những tác động làm chậm sự phục hồi của nền kinh tế.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải

Bộ Công thương nhận định, nhu cầu sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu cùng với ảnh hưởng của biến động giá xăng dầu, giá nguyên, nhiên, vật liệu trên thị trường thế giới vẫn diễn biến phức tạp và ở mặt bằng giá cao, đã đẩy giá các hàng hóa thiết yếu tại thị trường trong nước tăng.

Bốn tháng đầu năm 2022, Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) đã vượt qua mốc 2%, trong khi mục tiêu kiểm soát lạm phát cho cả năm là dưới 4%.

Như vậy, dư địa để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đã đề ra là không còn nhiều, nhất là trong bối cảnh nhiều mặt hàng, nguyên, nhiên liệu đầu vào trên thế giới vẫn đứng ở mức cao. Đây là một áp lực lớn đối với giá cả trong nước, nhất là khi nền kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới.

“Trong bối cảnh giá dầu vẫn tăng cao, cộng với đà tăng của giá nguyên liệu vật tư đầu vào cho sản xuất, sức ép từ nay đến cuối năm cực kỳ lớn và giữ được mục tiêu CPI 4% là một thách thức rất lớn”, TS. Trần Toàn Thắng, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định.

Thực tế, không chỉ Việt Nam đang phải đối mặt với lạm phát gia tăng, mà nhiều nước trên thế giới cũng đang phải đối diện và chấp nhận thực tế lạm phát tăng cao.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, sức ép lạm phát tiếp tục tăng và kéo dài trong năm 2022, bởi giá năng lượng, lương thực, thực phẩm không ngừng tăng; tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu có thể kéo dài; các chính sách hỗ trợ như giảm thuế, phí… hết hiệu lực, dẫn đến giá cả tăng trở lại; chuỗi cung ứng vẫn còn căng thẳng vì Covid-19. Không chỉ nhiên liệu, mà giá hàng hóa cơ bản cũng leo thang cùng với diễn biến căng thẳng Nga - Ukraine.

Thế Hoàng
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục