Năng lượng: Giá dầu và LNG cùng tăng mạnh hơn 6%
Trên thị trường năng lượng, giá dầu quay đầu giảm nhẹ trong phiên cuối tuần qua 16/4 do sự điều chỉnh kỹ thuật sau những phiên tăng mạnh. Cụ thể, giá dầu Brent giảm 17 US cent (-0,3%) xuống 66,77 USD/thùng; dầu Tây Texas Mỹ (WTI) giảm 33 US cent (-0,5%) xuống 63,13 USD/thùng.
Tuy nhiên, nhờ 4 phiên tăng liên tục trước đó, nên tính cả tuần 2 loại dầu cùng bật mạnh hơn 6% nhờ triển vọng nhu cầu tăng mạnh mẽ cùng với những dấu hiệu về sự hồi phục kinh tế của 2 kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc, lấn át những lo ngại về số ca nhiễm Covid-19 gia tăng ở nhiều nền kinh tế lớn khác.
Cả Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) và Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) trong báo cáo tháng 4 này đều nâng mức dự báo về nhu cầu dầu toàn cầu năm 2021 lên lần lượt tăng 5,7 triệu thùng/ngày và tăng 5,95 triệu thùng/ngày trong năm 2021 so với năm 2020.
Tồn trữ dầu thô của Mỹ tuần vừa qua giảm 5,9 triệu thùng, cao hơn rất nhiều so với dự đoán của giới phân tích là sẽ giảm 2,9 triệu thùng, trong đó dự trữ tại các kho ở Bờ Đông giảm xuống mức thấp kỷ lục do tỷ lệ sử dụng công suất sản xuất của các nhà máy lọc dầu Mỹ đã hồi phục đến mức cao nhất kể từ tháng 3/2020, là 85%, theo dữ liệu của Chính phủ Mỹ.
Số lượng giàn khoan dầu ở Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong 1 năm qua. Theo số liệu của Baker Hughes Co, số giàn khoan dầu và khí - chỉ báo về sản lượng dầu mỏ của Mỹ trong tương lai - đã tăng thêm 7 giàn lên 439 giàn trong tuần qua. Như vậy, số giàn khoan đã tăng thêm 80% kể từ mức thấp chỉ 244 giàn hồi tháng 8/2020. Trong đó, riêng giàn khoan dầu tăng lên 344 giàn.
OPEC và đồng minh (OPEC+) sẽ nới lỏng chính sách cắt giảm sản lượng bắt đầu từ tháng 5/2021 và ngày 28/4 tới sẽ nhóm họp để xem xét những điều chỉnh bổ sung cho thỏa thuận chung.
Kim loại: Vàng và đồng tăng cao nhất trong khoảng 2 tháng qua
Ở nhóm kim loại quý, kết thúc phiên 16/4, giá vàng ở mức cao nhất trong vòng 7 tuần qua do USD yếu đi và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ giảm mạnh ở phiên liền trước. Cụ thể, giá vàng giao ngay tăng 0,8% lên 1.778,04 USD/ounce, trước đó có thời điểm đạt 1.783,55 USD/ounce, cao nhất kể từ ngày 25/2/2021.
Tính chung cả tuần, vàng giao ngay tăng 2%, còn vàng kỳ hạn tháng 6 tăng 1,8% lên 1.776,46 USD/ounce.
Trong phiên cuối tuần qua, vàng đã có lúc mất đà tăng trong thời gian ngắn sau khi báo cáo mới nhất cho thấy doanh số bán lẻ của Mỹ phục hồi tốt hơn mong đợi trong tháng 3/2021, còn số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu giảm xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 3/2020.
Tuy nhiên, việc USD có thời điểm giảm xuống mức thấp nhất trong 4 tuần và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đi xuống vào cùng phiên cũng giúp vàng trở nên hấp dẫn hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Theo Jeffrey Sica - người sáng lập Tổ chức Tư vấn Circle Squared Alternative Investments, khả năng lạm phát leo thang phi mã gần như chắc chắn sẽ thành hiện thực. Khi đó, vàng sẽ là tài sản tốt nhất để sở hữu khi thị trường bắt đầu nhận được mức lạm phát có thể cao lịch sử.
Trước đó, trong phát biểu ngày 14/4, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell và các lãnh đạo khác của Fed đều khẳng định những dự báo sáng sủa về nền kinh tế Mỹ cũng như lạm phát cao trong ngắn hạn sẽ không khiến Fed điều chỉnh chính sách tiền tệ. Theo đó, mức lãi suất thấp như hiện nay sẽ được duy trì cho đến khi cuộc khủng hoảng kết thúc. Lạm phát thấp là yếu tố quan trọng đẩy giá vàng.
Một số kim loại quý khác như bạc phiên 16/4 tăng 1,8% lên 25,86 USD/ounce và nâng mức tăng cả tuần lên hơn 3%, còn bạch kim tăng 2,3% lên 1.197,91 USD/ounce nên cả tuần chỉ giảm nhẹ 0,02%.
Ở nhóm kim loại công nghiệp, giá đồng giảm trong phiên 16/4 nhưng tính cả tuần vẫn tăng mạnh nhất trong vòng 2 tháng qua do những dữ liệu kinh tế khởi sắc phát đi từ Mỹ và Trung Quốc, đồng thời nhiều ngân hàng đầu tư dự đoán giá đồng sẽ còn tiếp tục tăng.
Cụ thể, trên sàn London, đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng giảm 1% xuống 9.190,50 USD/tấn, tính chung cả tuần tăng hơn 3%, mức cao nhất kể từ trung tuần tháng 2/2021.
Goldman Sachs dự báo giá đồng có thể đạt 15.000 USD/tấn vào năm 2025, đồng thời nâng dự báo về giá trong 12 tháng tới lên 11.000 USD/tấn, trung bình năm 2021 là 9.675 USD/tấn.
Citibank trước đó cho biết, tiêu thụ đồng có thể "vượt xa dự báo cơ sở của chúng tôi cho năm 2021", và khuyến nghị khách hàng nên tiếp cận với đồng vì sẽ tăng giá trong vài tuần tới.
Trong khi đó, nhập khẩu đồng vào nước tiêu thụ nhiều nhất thế giới là Trung Quốc trong tháng 3/2021 đã tăng 25% so với cùng kỳ năm 2020.
Một số kim loại cơ bản khác như nhôm tăng 0,6% lên 2.337,50 USD/tấn vào cuối phiên, sau khi có lúc chạm mức cao nhất kể từ tháng 5/2018 là 2.356.50 USD/tấn do lo ngại về nguồn cung ở Trung Quốc và triển vọng các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga - một nhà sản xuất nhôm lớn. Giá kẽm cũng tăng 1,5% lên 2,865 USD/tấn, chì tăng 1,5% lên 2,025 USD/tấn, thiếc tăng 0,8% lên 26,425 USD/tấn, trong khi nickel tăng 0,1% lên 16,390 USD/tấn.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn Đại Liên tăng 0,9% lên 1.046 CNY/tấn trong phiên 16/4; quặng 62% sắt nhập khẩu trong phiên 15/4 cũng tăng 3 USD lên 176,5 CNY/tấn.
Trái với sắt, giá thép đồng loạt giảm. Thép thanh vằn trên sàn Thượng Hải giảm 0,1% xuống 5.116 CNY/tấn, trong khi thép cuộn cán nóng giảm nhẹ xuống 5.143 CNY/tấn, riêng thép không gỉ tăng 0,6% lên 13.925 CNY/tấn.
Sản lượng thép thô của Trung Quốc tháng 3/2021 tăng cao nhất trong 7 tháng qua lên 94,02 triệu tấn do nhu cầu mạnh và biên lợi nhuận cao, bất chấp những hạn chế về môi trường tại các khu vực sản xuất thép chính.
Giá than luyện cốc trên thị trường Trung Quốc tăng gần 6% trong phiên cuối tuần qua lên mức cao nhất trong vòng 3 tháng, sau khi một số khu vực sản xuất than lớn ở nước này tăng cường việc kiểm tra, làm dấy lên lo ngại về nguồn cung.
Cụ thể, giá than luyện cốc trên sàn Đại Liên, kỳ hạn giao tháng 5/2021 tăng 5,75% lên 1.684 CNY/tấn (251,17 USD)/tấn, có thời điểm giá đạt 1.703,5 CNY/tấn, cao nhất kể từ 19/1/2021. Giá than cốc cũng tăng 1,4% lên 2.472,5 CNY/tấn.
Các nhà chức trách ở các tỉnh và khu vực bao gồm Sơn Tây, Hà Nam và Nội Mông gần đây đã tăng cường kiểm tra các mỏ than sau một số vụ tai nạn trong vài tháng qua và yêu cầu những cơ sở có nguy cơ xảy ra mất an toàn lao động phải ngừng sản xuất để chấn chỉnh.
Dữ liệu từ cơ quan thống kê quốc gia Trung Quốc cho thấy, sản lượng than nước này trong tháng 3/2021 giảm 0,2% so với cùng kỳ 2020 xuống mức 340,76 triệu tấn. Dự trữ than luyện cốc tại 110 nhà máy thép ở Trung Quốc tuần này giảm 1,5% so với tuần trước.
Nông sản: Giá ngô, lúa mì và đậu tương tăng hơn 1-2%, cà phê và cao su nhích nhẹ
Giá đậu tương Mỹ tăng trong phiên 16/4 do thời tiết khô hạn đi kèm lạnh giá, trong khi giá lúa mì giảm xuống mức thấp nhất kể từ 8/3/2021 do hoạt động bán chốt lời.
Cụ thể, đậu tương kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn Chicago tăng 15 US cent lên 14,33-1/4 USD/bushel, cao nhất kể từ ngày 1/4/2021. Trái lại, giá ngô phiên này giảm 4-1/2 US ccent xuống 5,85-1/2 USD/bushel và lúa mì giảm 1-1/4 US cent xuống 6,52-1/2 USD/bushel.
Mặc dù diễn biến trái chiều trong phiên cuối tuần, nhưng tính chung cả tuần 3 mặt hàng này vẫn tăng, trong đó ngô tăng hơn 1,4%; còn lúa mì và đậu tương tăng hơn 2%.
Nông dân Mỹ đang cố gắng tăng diện tích trồng đậu tương, mặc dù giá ngô đầu tuần này tăng lên mức cao kỷ lục gần 8 năm. Lý do bởi lo ngại nguồn cung dầu thực vật toàn cầu bị thắt chặt.
Giá dầu đậu tương cũng tăng 4 phiên liên tiếp, nâng mức tăng cả tuần lên tới hơn gần 7%.
Tại châu Á, giá dầu cọ kỳ hạn tháng 6/2021 trên sàn Bursa Malaysia đóng cửa tăng 77 ringgit (+2,06%) lên 3.807 ringgit (923,36 USD)/tấn, mức cao nhất kể từ ngày 7/4/2021.
Theo các nhà khảo sát hàng hóa, xuất khẩu dầu cọ của Malaysia trong 15 ngày đầu tháng 4/2021 đã tăng 6-15% so với cùng kỳ 2020. Theo Hội đồng dầu cọ Malaysia, nước này đã giữ mức thuế xuất khẩu 8% đối với dầu cọ thô.
Một thương nhân có trụ sở tại Singapore cho biết, thị trường đang kỳ vọng xuất khẩu dầu cọ tăng từ các nước mua dầu cọ lớn như Ấn Độ và Trung Quốc, để bổ sung nguồn dự trữ.
Trên sàn Đại Liên, giá dầu đậu tương tăng 0,6% trong khi giá dầu cọ tăng 2%. Trên sàn Chicago, giá dầu đậu tương tăng 0,5%. Giá dầu cọ chịu ảnh hưởng bởi giá của các loại dầu có liên quan khi cạnh thị phần trên thị trường dầu thực vật toàn cầu.
Nguyên liệu công nghiệp: Đường bật tăng hơn 8%,
Kết thúc phiên 16/4, giá đường thô tiếp tục bật tăng mạnh hơn 3%, lên mức cao nhất trong gần 1 tháng qua do giá hàng hóa và chứng khoán thế giới vững ở mức cao cùng sự lo ngại sản lượng của Brazil có thể giảm sút.
Cụ thể, giá đường thô tăng 0,52 US cent (+3,3%) lên 16,38 US cent/lb, giá đường trắng kỳ hạn tháng 5/2021 tăng 14 USD (+3,2%) lên 455,60 USD/tấn và cả tuần tăng tới hơn 8%.
Các đại lý nhận định Brazil, sẽ rất khó có thể đạt mức sản lượng 36 triệu tấn đường như dự đoán ban đầu. Do đó, giá đường có khả năng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, cho dù xuất khẩu từ Ấn Độ tăng cao, hạn chế xu hướng giá đường thô tăng.
Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo sản lượng đường của Thái Lan giai đoạn 2021-2022 sẽ tăng thêm 40% so với giai đoạn 2020-2021, lên mức 10,6 triệu tấn.
Cũng trong phiên này, giá cà phê arabica giảm 3,55 US cent (-2,7%) xuống 1,2915 USD/lb. giá cà phê robusta cũng giảm 9 USD (-0,7%) xuống 1.354 USD/tấn. Tính cả tuần, giá 2 loại cà phê vẫn tăng khoảng 1%.
Theo Hiệp hội Cà phê xanh M, giá cà phê arabica tăng do nhu cầu được dự báo sẽ cải thiện, sau khi khối lượng dự trữ của tư nhân ở các cảng biển Mỹ giảm tháng thứ 3 liên tiếp, xuống mức thấp nhất trong hơn 5 năm qua.
Giá cao su tại Nhật Bản tăng trong phiên 16/4 và là phiên tăng thứ 3 liên tiếp sau khi nước tiêu thụ cao su lớn nhát thế giới Trung Quốc công bố kinh tế tăng trưởng mạnh.
Theo đó, hợp đồng cao su giao tháng 9/2021 trên sàn giao dịch Osaka tăng 0,8 JPY (+0,4%) lên 237,7 JPY/kg. Cao su giao dịch trên sàn Thượng Hải cũng tăng 9 CNY (+0,8%) lên 13.775 CNY/tấn.
Kinh tế Trung Quốc phục hồi nhanh chóng trong quý đầu năm 2021, ghi nhận mức tăng trưởng kỷ lục 18,3% do nhu cầu tăng mạnh ở cả trong và ngoài nước, Chính phủ tiếp tục hỗ trợ cho các công ty nhỏ.