Năng lượng: Giá dầu giảm khoảng 3%, LNG giảm hơn 4%
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thế giới giảm trong tuần qua do sản lượng tăng, trong khi một số quốc gia kéo dài thời gian giãn cách xã hội, làm giảm hy vọng vào sự hồi phục nhiên liệu trong tương lai gần.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần (9/4), giá dầu Brent kỳ hạn tháng 6/2021 giảm 22 US cent (-0,4%) xuống 62,95 USD/thùng; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) kỳ hạn tháng 5/2021 giảm 28 US cent (0,5%) xuống 59,32 USD/thùng. Tính cả tuần, dầu Brent giảm gần 3%, còn dầu WTI giảm gần 3,5%.
Áp lực giảm giá dầu đã gia tăng thời gian gần đây, sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh ( OPEC+) quyết định sẽ tăng nguồn cung thêm khoảng 2 triệu thùng/ngày trong thời gian từ tháng 5-7/2021.
Trong khi đó, nhiều nơi trên thế giới kéo dài thời gian giãn cách xã hội và chương trình tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 có một số trục trặc, đe dọa làm xấu đi bức tranh về nhu cầu dầu mỏ.
Stephen Innes, chiến lược gia thị trường toàn cầu của Công ty Axi dự đoán, giá dầu sẽ dao động trong khoảng 60-70 USD/thùng chừng nào các nhà đầu tư còn cân nhắc những yếu tố tác động trên.
Các phân tích kỹ thuật cho thấy, có nhiều khả năng giá dầu Brent có thể giảm xuống mức hỗ trợ kỹ thuật 61,22 USD/thùng, nếu xuyên thủng ngưỡng này thì sẽ giảm tiếp xuống 59,91 USD/thùng, thậm chí là 56,97 USD/thùng. Ở ngưỡng trên, nếu vượt qua được ngưỡng kháng cự 63,84 /thùng thì giá dầu Brent có thể tăng lên 64,68- 65,46 USD/thùng.
Dầu WTI cũng nhiều khả năng sẽ giảm về ngưỡng hỗ trợ 58,80 USD/thùng, nếu xuyên thủng ngưỡng này thì sẽ rơi về mức 57,83 USD/thùng. Ở ngưỡng trên, nếu giá dầu WTI phá vỡ ngưỡng kháng cự 60,04 USD/thùng thì sẽ tăng tiếp lên mức 60,44-60,94 USD/thùng.
Với khí tự nhiên hóa lỏng (LNG, giá mặt hàng này tại Mỹ tăng do dự báo thời tiết lạnh hơn và nhu cầu sưởi ấm từ giữa đến cuối tháng 4/2021 tăng cao.
Cụ thể, kết thúc phiên 9/4, giá LNG kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn New York tăng 0,4 US cent (+0,2%) lên 2,526 USD/mmBTU - cũng là phiên tăng thứ 3 liên tục. Tuy nhiên, tính chung cả tuần, giá LNG vẫn giảm hơn 4%, sau khi tăng 3% trong tuần trước đó.
Kim loại: Duy trì đà tăng
Ở nhóm kim loại quý, trong phiên cuối tuần qua 9/4, giá vàng giảm từ mức cao đạt được trong phiên trước đó khi USD và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng trở lại.
Cụ thể, giá vàng giao ngay giảm 0,7% xuống 1.744,07 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 6/2021 trên sàn giao dịch New York (Mỹ) giảm 13,4 USD/oucne (-0,8%) về mức 1.744,8 USD/ounce. Tuy nhiên, tính chung cả tuần, giá vàng vẫn tăng gần 1%.
Bart Melek - người đứng đầu bộ phận chiến lược hàng hóa thuộc TD Securities cho hay, giới đầu tư tin tưởng thị trường sẽ không chứng kiến thêm mức tăng mạnh nào nữa của lợi suất trái phiếu Mỹ và điều này là sự tiếp sức mang tính kỹ thuật cho vàng.
Tuy nhiên, theo Marios Hadjikyriacos, nhà phân tích đầu tư tại XM, kim loại quý vàng đang cố gắng hoàn thành mô hình trông giống như mô hình hai đáy, nhưng nếu giá vàng vẫn nằm dưới mức thấp ghi nhận trước đó là khoảng 1.760 USD/ounce thì khó có thể lạc quan về triển vọng của kênh đầu tư này.
Về cơ bản, những tháng tới sẽ là giai đoạn mang tính then chốt khi lạm phát tăng nhanh. Nếu các thị trường tin rằng Fed sẽ giữ cam kết cho phép nền kinh tế tăng trưởng nóng thì vàng có khả năng sẽ tỏa sáng và ngược lại. Các nhà đầu tư đã cảnh giác với nền kinh tế phát triển quá nóng dựa vào nhu cầu phục hồi mạnh mẽ từ cuộc khủng hoảng Covid-19, điều này sẽ gây áp lực lên giá cả.
Mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nâng dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu lên tới 6% trong năm nay, mức tăng trưởng chưa từng thấy từ năm 1970.
Ngoài vàng, một số kim loại quý khác cũng tăng giá nhẹ như bạc tăng 1,5%; bạch kim tăng 0,26%...
Ở nhóm kim loại công nghiệp, giá đồng giảm trong phiên cuối tuần qua do số liệu lạm phát của Trung Quốc tăng, làm dấy lên mối lo ngại nước tiêu thụ kim loại lớn nhất thế giới này sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ, song dự kiến nguồn cung thắt chặt khiến giá đồng có tuần tăng.
Cụ thể, giá đồng trên sàn London phiên 9/4 giảm 1% xuống 8.919 USD/tấn, nhưng tính cả tuần vẫn tăng 1,24% - tuần tăng đầu tiên trong 1 tháng.
Sự phục hồi nền kinh tế Trung Quốc và hoạt động mua đầu cơ đẩy giá kim loại được sử dụng trong lĩnh vực điện và xây dựng trong tháng 2/2021 lên 9.617 USD/tấn - cao nhất trong 1 thập kỷ qua.
Giá quặng sắt tại Đại Liên phiên cuối tuần qua giảm theo xu hướng giá thép trên sàn Thượng Hải, song tính chung cả tuần tăng nhờ kỳ vọng nhu cầu sẽ tăng, bất chấp các hạn chế sản xuất thép hiện tại của Trung Quốc.
Theo đó, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn Đại Liên phiên 9/4 giảm 0,4% xuống 979 CNY (149,29 USD)/tấn, nhưng cả tuần vãn tăng hơn 1%.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn Singapore cùng phiên tăng 0,1% lên 165,3 USD/tấn, kéo dài chuỗi tăng lên 5 phiên liên tiếp.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây giảm 0,8%; thép cuộn cán nóng giảm 0,7%; thép không gỉ giảm 0,2%.
Trung Quốc - nước sản xuất và cung cấp thép hàng đầu thế giới, soạn thảo các chính sách mới tập trung vào việc kiểm soát môi trường chặt chẽ hơn nhằm hạn chế công suất sản xuất của các nhà máy thép và điều này phần nào tác động lên giá thép trên thị trường.
Nông sản: Ngô và lúa mì bật tăng
Giá ngô Mỹ giảm trong phiên cuối tuần qua sau khi Bộ Nông nghiệp nước này đưa ra số liệu dự báo về cung - cầu ngô toàn cầu phù hợp với ước tính của các nhà phân tích.
Cụ thể, trên sàn Chicago, giá ngô kỳ hạn tháng 5/2021 giảm 2-1/2 US cent xuống 5,77-1/4 USD/bushel, sau khi đạt 5,95 USD/bushel trong đầu phiên. Giá đậu tương giao cùng kỳ hạn cũng giảm 12-1/4 US cent xuống 14,03 USD/bushel. Nhưng tính cả tuần, cả giá ngô và đậu tương vẫn tăng, trong đó giá ngô bật mạnh hơn 3%
Riêng giá lúa mì kỳ hạn tháng 5/2021 tăng 10 US cent lên 6,38-3/4 USD/bushel trong phiên cuối tuần qua và tính cả tuần tăng mạnh hơn 4,5%.
Giá dầu cọ tại Malaysia giảm trong phiên, nhưng cả tuần vẫn tăng và là tuần tăng thứ 2 liên tiếp do dự kiến nguồn cung toàn cầu thắt chặt và nhu cầu tăng mạnh khi nước nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới là Trung Quốc đẩy mạnh mua vào.
Theo đó, giá dầu cọ kỳ hạn tháng 6/2021 trên sàn Bursa Malaysia giảm 23 ringgit (-0,61%) xuống 3.768 ringgit (911,69 USD)/tấn, sau khi tăng mạnh 2% trong đầu phiên. Tính chung cả tuần, giá dầu cọ tăng 0,8%.
Nguyên liệu công nghiệp: Đường và cà phê tăng khoảng 5%, cao su giảm 5,5%
Kết thúc phiên 9/4, giá đường trắng kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn London giảm 2,2 USD (-0,5%) xuống 422,5 USD/tấn; giá đường thô kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn ICE tăng 0,28 US cent (+1,8%) lên 15,46 US cent/lb, trong phiên có thời điểm đạt 15,72 US cent/lb - cao nhất gần 3 tuần và tính cả tuần tăng tới hơn 5%.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn ICE giảm 0,6 US cent (-0,5%) xuống 1,2725 USD/lb; robusta kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn London giảm 2 USD (-0,1%) xuống 1.343 USD/tấn. Tuy nhiên, tính chung cả tuần, cả 2 loại cà phê vẫn tăng giá, trong đó arabica tăng mạnh gần 4,7%; còn robusta tăng hơn 1%
Phiên 9/4, giá cao su kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn Osaka giảm 9,9 JPY (-4%) xuống 234,8 JPY (2,1 USD)/kg, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 12/2/2021 (234,6 JPY/kg) trong đầu phiên. Tính chung cả tuần, giá cao su giảm gần 5,5%.
Đồng thời, giá cao su kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn Thượng Hải giảm 350 CNY xuống 13.775 CNY (2.100 USD)/tấn.
Giá cao su tại Nhật Bản giảm xuống mức thấp nhất gần 2 tháng do lo ngại về lạm phát tại Mỹ thúc đẩy hoạt động bán ra, trong khi số trường hợp nhiễm Covid-19 tại Nhật Bản và các quốc gia châu Á khác tăng làm gia tăng mối lo ngại về nhu cầu hồi phục chậm lại.
Trong khi đó, nguồn cung cao su thế giới năm 2021 có dấu hiệu tăng do sản lượng cao su tự nhiên của Bờ Biển Ngà dự kiến đạt 1,1 triệu tấn trong năm 2021, tăng gần 16% so với mức 950.000 tấn của năm 2020.
Theo Hiệp hội Các nước sản xuất khẩu cao su tự nhiên (ANRPC), mức tiêu thụ cao su thiên nhiên toàn cầu trong tháng 2/2021 ước đạt 1,1 triệu tấn, tăng tới 47,5% so với tháng 2/2020. Hãng sản xuất cao su Thái Lan, Sri Trang (SET), dự báo nhu cầu cao su tự nhiên toàn cầu năm 2021 sẽ ở mức 13,4 triệu tấn, tăng 7% so với năm 2020, phần lớn do Trung Quốc tăng thu mua trở lại để phục vụ ngành công nghiệp ô tô đang hồi phục mẽ.