Ngày 7/4, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức hội thảo "Hai năm thực thi hiệp định CPTPP tại Việt Nam đánh giá từ góc nhìn doanh nghiệp".
Phát biểu khai mạc hội thảo, Tiến sỹ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI đánh giá CPTPP là hiệp định thương mại có tiêu chuẩn cao, việc thực thi hiệp định khá vất vả khi năm đầu tiên Hiệp định đi vào hiệu lực doanh nghiệp chịu tác động của Chiến tranh thương mại Mỹ- Trung, năm thứ hai lại chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.
"Có thể nói ít hiệp định nào vất vả như CPTPP trong thực thi, doanh nghiệp phải đương đầu với khó khăn lớn. Vì những điều đặc biệt này mà CPTPP là tâm điểm thu hút sự quan tâm của các nước", ông Lộc nhận định.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI đánh giá hai năm thực thi CPTPP là bước khởi đầu quan trọng để doanh nghiệp Việt Nam có những bước đi tốt hơn về sau |
Theo Chủ tịch VCCI, Việt Nam là một nền kinh tế có trình độ phát triển thấp nhất trong các đối tác nhưng đã nỗ lực hết mình để thực thi hiệp định.
Tính từ thời điểm có hiệu lực từ 14/1/2019 trải qua 2 năm thực hiện, doanh nghiệp Việt Nam đã có bước đi đầu tiên, đây là nhưng là bước đi quan trọng, đánh giá những vấn đề phát sinh là việc cần thiết, hiệu quả tiếp theo phụ thuộc vào hai năm đầu tiên. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam cũng đã đạt được những kết quả đáng khích lệ
Thúc đẩy xuất khẩu
Bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, sau hai năm thực thi CPTPP xuất khẩu sang các thị trường có tăng trưởng. Năm 2019 xuất khẩu sang 6 nước CPTPP đạt 34,3 tỷ USD tăng 8,1%. Năm 2020, xuất khẩu sang 6 nước CPTPP duy trì ở mức gần tương đương 2019, đạt 34 tỷ USD. Tỷ trọng trong tổng xuất khẩu năm 2018 là 12,02%, năm 2019 là 13% và năm 2020 là 12,02%.
Các mặt hàng xuất khẩu kỳ vọng tăng trưởng là giày dép (năm 2019 đạt 2,1 tỷ USD tăng 15,1%; năm 2020 đạt 1,84 tỷ USD); dệt may (năm 2019 đạt 5,3 tỷ USD, tăng 7,4%; năm 2020 đạt 4,8 tỷ USD, giảm 9,6%); gỗ và sản phẩm gỗ năm 2019 đạt 1,72 tỷ USD; năm 2020 đạt 1,74 tỷ USD liên tục có tăng trưởng. Mexico và Canada là các thị trưởng có tăng trưởng xuất khẩu cao đối với mặt hàng giày dép, gỗ, dệt may.
Xuất khẩu sang các thị trường CPTPP tăng trưởng |
Với xuất khẩu thủy sản sang 6 nước CPTPP năm 2019 đạt 2,13 tỷ USD, tăng 2,9% so với năm 2018. Năm 2020 đạt 2,1 tỷ USD, tăng 1,4%. Việc đáp ứng tiêu chí xuất xứ dễ dàng hơn góp phần thúc đẩy tăng trưởng mặt hàng này như nguồn nguyên liệu nhập từ Australia, New Zealand để chế biến sản phẩm xuất sang Nhật Bản.
"Có thể khẳng định việc CPTPP có hiệu lực từ năm 2019 đã góp phần thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường đối tác nhưng cũng khó phân tách, định lượng được tăng trưởng nhờ CPTPP so với các FTA khác thế nào", bà Cẩm Trang nhấn mạnh.
VCCI cho hay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước CPTPP năm 2019 đạt tăng trưởng trung bình 7,2% so với năm 2018, trong khi nhập khẩu chỉ tăng nhẹ 0,7%. Xuất khẩu sang các thị trường mới trong CPTPP ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng (khoảng 26 - 36%).
Trong bối cảnh hầu như tất cả các đối tác CPTPP đều giảm nhập khẩu năm 2019, việc Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng này cho thấy CPTPP đang ít nhiều tạo ra tác động tích cực. Đặc biệt, CPTPP đang thể hiện hiệu ứng tốt trong mở đường cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam tiến vào châu Mỹ một cách trực tiếp (gồm Canada, Mexico).
Năm 2020, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, xuất khẩu của Việt Nam đi các thị trường đã phê chuẩn CPTPP chỉ đạt kim ngạch xấp xỉ năm 2019. Tín hiệu tích cực là tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan CPTPP trong năm thứ hai này đã được cải thiện, đạt 4% trung bình riêng các thị trường mới là Canada, Mexico là 17%.
Tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan còn thấp
Báo cáo đưa ra đánh giá tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan CPTPP của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam năm 2019 chỉ đạt 1,67%, mức rất thấp không chỉ so với mức trung bình năm 2019 (37,2%) mà còn so với tỷ lệ tận dụng năm đầu tiên của nhiều FTA khác. Đây là dấu hiệu quan ngại cho thấy khả năng hiện thực hóa các lợi ích xuất khẩu trực tiếp từ Hiệp định này còn hạn chế.
Một số nguyên nhân của tình trạng này như ưu đãi thuế quan giai đoạn đầu của CPTPP có mức thấp hơn so với ưu đãi của các FTA mà Việt Nam đã có cùng với các đối tác. Hay quy tắc xuất xứ của CPTPP tương đối khác biệt và phức tạp so với các FTA đòi hỏi thời gian để tìm hiểu và điều chỉnh sản xuất...
Ở các thị trường Việt Nam chưa có FTA tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan tốt hơn như tại Mexico, Canada, tỷ lệ này năm đầu là 7,2 - 8%.
Thu hút vốn đầu tư nước ngoài
Kết quả năm đầu thực thi CPTPP, việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài không mấy khả quan. Năm 2019, Việt Nam thu hút xấp xỉ 9,5 tỷ USD vốn đầu tư từ các nước CPTPP giảm gần 36% so với năm 2018. Xét theo từng đối tác, đầu tư từ Việt Nam vào Nhật Bản giảm sâu nhất về giá trị (từ gần 9 tỷ USD năm 2018 xuống còn hơn 4 tỷ USD năm 2019, tương ứng mức giảm 52%).
Về tốc độ vốn FDI giảm mạnh từ các nguồn truyền thống như Australia (giảm gần 63%), Malaysia (giảm 50%).
Điểm sáng trong bức tranh này là vốn FDI từ các đối tác mới trong CPTPP như Canada, Mexico hoặc các đối tác truyền thống nhỏ (Brunei, New Zealand) lại được cải thiện đáng kể trong năm 2019.
Năm 2020, tình hình cải thiện hơn khi tổng vốn đầu tư thu hút từ các đối tác CPTPP đạt 11,8 tỷ USD, tăng 24,4% so với năm 2019 trong bối cảnh tổng vốn đầu tư nước ngoài mà Việt Nam thu hút trong năm này giảm gần 25%.
Về tác động tổng thể, CPTPP nằm trong top 3 FTA được doanh nghiệp tham gia khảo sát đánh giá cao nhất, với 51% cho rằng hiệp định sẽ có tác động tích cực đến doanh nghiệp. Về tác động cụ thể của CPTPP, cứ 4 doanh nghiệp thì mới có 1 doanh nghiệp đã từng được trải nghiệm Hiệp định này. Nhóm lợi ích phổi biến nhất với các doanh nghiệp này vẫn là thuế quan, đặc biệt là ở các thị trường mới như Canada, Mexico.
Dư địa tăng trưởng còn rộng
Thị phần hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại các nước đối tác CPTPP phần lớn còn thấp. Tại Nhật Bản chiếm 3,1%, tại Australia 1,9%, New Zealand 1,6%, Mexico 1,3%, Canada 1,1%, tại Singapore 1%.
Bà Nguyễn Cẩm Trang, Cục phó Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, dư địa để tiếp tục tăng trưởng còn rộng.
Thứ nhất, lợi ích lớn nhất là cơ hội để tiếp tục hoàn thiện thể chế, môi trường kinh doanh. Thứ hai, tạo sức ép nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, buộc doanh nghiệp phải nâng cao tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu và hình thành các chuỗi giá trị.