Thị trường hàng hóa tuần từ 30/7-6/8: Nhiều mặt hàng giảm sâu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Kết thúc tuần giao dịch từ 30/7-6/8, ngoại trừ một vài mặt hàng tăng giá như đường, khí LNG, ngô, lúa mì…, thị trường hàng hóa thế giới chứng kiến việc giảm giá mạnh ở hầu hết mặt hàng khác như dầu, vàng, bạc, đồng, quặng sắt, thép, đậu tương…
Ảnh Internet Ảnh Internet

Năng lượng: Giá dầu giảm mạnh, khí LNG và than Indonesia giá tăng cao

Thị trường dầu mỏ thế giới có tuần giảm giá mạnh nhất trong nhiều tháng qua do lo ngại các lệnh hạn chế đi lại để ngăn chặn sự lây lan biến thể Delta sẽ làm chững lại đà phục hồi nhu cầu năng lượng.

Theo đó, kết thúc phiên giao dịch 6/8, giá dầu Brent giảm 59 US cent (-0,8%) xuống 70,7 USD/thùng; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 81US cent (-1,2%) xuống 68,28 USD/thùng. Tính chung cả tuần, giá dầu Brent giảm hơn 6%, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất trong 4 tháng qua, trong khi giá dầu WTI cũng mất gần 7%, chứng kiến tuần giao dịch tồi tệ nhất trong 9 tháng qua.

Howie Lee, chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng OCBC cho hay, biến thể Delta hiện thực sự bắt đầu có ảnh hưởng rõ nét và sự lo ngại rủi ro diễn ra ở nhiều thị trường, không chỉ riêng dầu mỏ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, số ca nhiễm Covid-19 ở Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong 6 tháng qua và sẽ còn tăng lên trước khi giảm xuống, biến thể Delta đang gây thiệt hại không nhỏ cho nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Nhật Bản đã sẵn sàng mở rộng các lệnh hạn chế sang nhiều khu vực hơn, trong khi Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới, đã áp đặt lệnh phong tỏa ở một số thành phố và hủy các chuyến bay.

Tuy vậy, trên thực tế, tại Mỹ, nhu cầu sử dụng nhiên liệu vẫn đang tăng lên và nền kinh tế Mỹ được kỳ vọng sẽ thúc đẩy đà tăng trưởng thế giới. Tốc độ tiêm chủng vắc-xin Covid-19 phục hồi từ mức thấp nhất trong tháng 7/2021 làm giảm khả năng nước này tái phong toả trong cuối năm. Thị trường chờ đợi các báo cáo thị trường mới của 3 tổ chức năng lượng lớn là EIA, IEA và OPEC để đánh giá triển vọng trong thời gian tới.

Trái ngược với dầu, giá khí tự nhiên (LNG) tăng mạnh trong tuần qua với dự báo nhiệt độ nóng lên và tồn kho tăng thấp hơn dự kiến. Cụ thể, tại châu Á, các nguồn tin trong ngành cho biết, giá LNG trung bình giao tháng 9/2021 ở Đông Bắc Á đóng cửa ngày 6/8 đạt khoảng 16,90 USD/mBtu, tăng

Nhiệt độ ở Bắc Kinh, Tokyo và Thượng Hải dự kiến sẽ cao hơn mức trung bình trong hai tuần tới, làm tăng nhu cầu trong ngắn hạn. Mùa đông năm ngoái, giá giao ngay tại châu Á đã tăng lên mức cao kỷ lục trên 33 USD/mBtu trong bối cảnh sản xuất ở các nước xuất khẩu bị hạn chế. Châu Âu đã không thể bổ sung hàng tồn kho kể từ đó.

Tại Mỹ, hợp đồng LNG giữ ổn định vào thứ Sáu (6/8) do dự báo nhu cầu điều hòa không khí vào tuần này ít hơn so với dự kiến trước đó, bù đắp cho thông tin về triển vọng thời tiết sẽ tiếp tục nóng hơn nhiều so với bình thường cho đến cuối tháng Tám. Theo đó, giá khí LNG đạt 4,14 USD/mBtu, không thay đổi so với phiên 5/8, nhưng cả tuần vẫn tăng gần 5,8%.

Với thời tiết dự kiến sẽ nóng hơn, Refinitiv dự báo, nhu cầu khí đốt trung bình, bao gồm cả xuất khẩu, sẽ tăng từ 91,2 bcfd trong tuần này lên 93,9 bcfd trong tuần tới và 95,9 bcfd trong hai tuần tiếp theo khi các máy phát điện đốt cháy nhiều nhiên liệu hơn để đáp ứng nhu cầu sử dụng điều hòa không khí ngày càng tăng.

Giá than tham chiếu (HBA) tháng 8/2021 do chính phủ Indonesia vừa công bố, làm cơ sở cho các doanh nghiệp sản xuất,kinh doanh mặt hàng này chào giá bán, tăng lên mức 130.99 USD/tấn, tăng 13,6% so với tháng 7/2021 và là mức giá cao nhất trong vòng 10 năm qua. Nếu tính từ đầu năm tới nay, giá than tham chiếu của nước này đã tăng tới 72,7%.

Theo Bộ Năng lượng và khoáng sản Indonesia, lý do khiến giá than tham chiếu của nước này trong tháng 8/2021 tăng cao là do giá than thế giới tiếp tục tăng xuất phát từ nhu cầu than từ các quốc gia Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và đặc biệt là Trung Quốc tăng mạnh. Tại Trung Quốc, thời tiết cực đoan gây mưa rất lớn, lũ lụt tại nhiều vùng miền đã làm gián đoạn sản xuất và vận chuyển than trong nước, trong khi nhu cầu than sử dụng cho các nhà máy nhiệt điện đã vượt quá nguồn cung nội địa.

Giá than tham chiếu của Indonesia đưa ra cho loại than có phẩm cấp là nhiệt lượng 6.322 Kilo Calories/kgGAR, độ ẩm 8%, lưu huỳnh 0,08% và hàm lượng tro là 15%. Theo Bộ Tài nguyên và Khoáng sản Indonesia, tính tới 26/7/2021, sản lượng than khai thác của nước này đã đạt 328,75 triệu tấn, tương ứng với 52,6% kế hoạch cả năm. Năm 2021, Indonesia đặt mục tiêu khai thác 625 triệu tấn, trong đó sản lượng than tiêu thụ nội địa sẽ là 137,5 triệu tấn.

Kim loại: Vàng, bạc, đồng, quặng sắt, thép… đồng loạt giảm giá mạnh

Ở nhóm kim loại quý, phiên cuối tuần qua 6/8, giá vàng giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một tháng sau khi báo cáo việc làm mới nhất của Mỹ làm gia tăng đồn đoán rằng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể bắt đầu giảm dần các biện pháp hỗ trợ kinh tế sớm hơn so với dự kiến trước đây.

Phiên này, giá vàng giao ngay trên sàn LBMA giảm 2,2% xuống 1.763,96 USD/ounce, sau khi chạm mức thấp nhất (1.757,7 USD/ounce) kể từ ngày 30/6/202; vàng Mỹ giao tháng 12/2021 giảm 2,5% (tương đương 45,8 USD) về mức 1.763,1 USD/ounce. Đây là mức giảm theo ngày mạnh nhất kể từ ngày 17/6 và là lần đầu tiên kể từ ngày 28/7 giá vàng chốt phiên dưới ngưỡng 1.800 USD/ounce. Tính chung cả tuần, giá vàng giảm khoảng 3% và hiện thấp hơn khoảng 7% so với hồi đầu năm.

Trên thực tế, những đồn đoán về khả năng Fed cắt giảm các chương trình kích thích kinh tế đã lan rộng trong những ngày gần đây. Giá vàng luôn nhạy cảm với các động thái điều chỉnh lãi suất của Mỹ, bởi lãi suất tăng sẽ giúp USD mạnh lên, song lại khiến sức hấp dẫn của các tài sản không sinh lãi suất như vàng giảm đáng kể.

Edward Moya, chuyên viên phân tích thị trường cao cấp thuộc Công ty Môi giới đầu tư Oanda cho biết, phần lớn số công việc tăng thêm trong báo cáo đến từ các lĩnh vực giải trí và khách sạn, vốn trả lương thấp hơn và không mang tính lạm phát. Điều này càng khiến sức hấp dẫn của vàng như một “hàng rào” chống lại lạm phát giảm đi.

Tương tự vàng, giá bạc giảm gần 5% về 24.33 USD/ounce, giá bạch kim giảm 7,3% còn 972 USD/ounce. Đáng chú ý, đây là mức giá thấp nhất trong 7 tháng qua đối với giá Bạch kim. Thực tế, ngay từ đầu tuần qua, giá cả 2 mặt hàng kim loại quý này đã chịu nhiều sức ép từ các tín hiệu thắt chặt được đưa ra bởi các quan chức Fed, nhưng áp lực lớn nhất vẫn đến từ sự tăng giá của USD.

Thị trường lao động của Mỹ đã hồi phục rất tốt trong tháng 7/2021, với hơn 940,000 việc làm mới và tỷ lệ thất nghiệp giảm còn 5,4%. Sự hồi phục tích cực này đã làm đồng bạc xanh tăng mạnh và khiến cho lực bán ồ ạt trên thị trường kim loại quý. Bên cạnh đó, thị trường tiền điện tử cũng chứng kiến sự hồi phục cuối tuần qua khi đồng Bitcoin vượt mức 43.000 USD/coin. Vì thế, dòng tiền cho thị trường kim loại quý trong thời gian sắp tới được dự báo khả năng sẽ tiếp tục giảm.

Ở nhóm kim loại công nghiệp, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn Đại Liên phiên 6/8 giảm 1,3% xuống 895 CNY (138,42 USD)/tấn, sau khi giá quặng sắt 62% Fe giao ngay giảm 11 USD xuống 174,5 USD/tấn. Tính chung cả tuần, giá quặng sắt giảm 12,9% - tuần giảm mạnh nhất kể từ tuần kết thúc ngày 28/2/2020.

Đối với thép, giá thép cây kỳ hạn tháng 10/2021 trên sàn Thượng Hải phiên này giảm 1% xuống 5.379 CNY/tấn và có tuần giảm 6,2%; thép cuộn cán nóng giảm 0,7% xuống 5.772 CNY/tấn và cả tuần giảm 6,4%. Ngược lại, giá thép không gỉ kỳ hạn tháng 9/2021 tăng 0,8% lên 19.015 CNY/tấn.

Tiêu thụ hàng tuần đối với các sản phẩm thép chủ yếu tại Trung Quốc tính đến ngày 5/8/2021 giảm 2,5% so với tuần trước đó, xuống mức 9,86 triệu tấn, Công ty Tư vấn Mysteel cho biết.

Trong nhóm kim loại cơ bản, giá đồng giảm do số liệu việc làm của Mỹ tăng mạnh, đẩy USD tăng, khiến giá đồng mua bằng USD trở nên đắt hơn khi mua bằng tiền tệ khác. Theo đó, giá đồng trên sàn London giảm 0,2% xuống 9.472,5 USD/tấn và cả tuần giảm hơn 2,5% trong bối cảnh lo ngại nhu cầu tại nước tiêu thụ hàng đầu là Trung Quốc sẽ giảm. Tuy nhiên, tính từ đầu năm đến nay, giá đồng vẫn tăng hơn 20% và đạt mức cao kỷ lục (10.747 USD/tấn) trong tháng 5/2021.

Nông sản: Đậu tương giảm, ngô và lúa mỳ tăng giá

Đóng cửa phiên 6/8, trên sàn Chicago, giá đậu tương tăng 8-1/4 US cent lên 13,36-3/4 USD/bushel, nhưng tính cả tuần vẫn giảm 12-1/2 US cent/bushel khi dự báo thời tiết mưa tại khu vực Trung Tây Hoa Kỳ đến cuối tuần này hạn chế đà tăng giá.

Giá ngô tăng 3-1/2 US cent lên 5,56-1/2 USD/bushel và cả tuần tăng 2,06%.

Giá lúa mì tăng 6-1/4 US cent lên 7,19 USD/bushel và cả tuần tăng 15-1/4 US cent/lb, tương đương tăng 2,17%.

Giá mặt hàng đậu tương tăng sau khi Trung Quốc mua 8-10 chuyến đậu tương mới của Mỹ. Sau đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) thông báo Trung Quốc tiếp tục mua thêm 2 chuyến đậu tương nữa, cho thấy Trung Quốc đang nối lại cam kết thu mua đậu tương của Mỹ trở lại.

Ngoài ra, giá đậu tương Mỹ hiện ở mức thấp nhất trên thế giới sau khi giá FOB của đậu tương Brazil giao tháng 9 và10/2021 tăng 1,6 USD. Ngô Mỹ dự kiến cũng trong tình trạng tương tự trong vài tuần tới.

Việc Trung Quốc nối lại hoạt động mua ngô và đậu tương Mỹ sẽ là một yếu tố hỗ trợ sau báo cáo mùa vụ tháng 8/2021 của USDA. Sản lượng cây trồng mùa vụ 2021-2022 giảm mạnh sẽ thúc đẩy nhu cầu xuất khẩu ngô và đậu tương Mỹ trong mùa Thu này.

Dự báo thời tiết cho thấy khu vực phía Nam Hoa Kỳ sẽ có mưa, song lượng mưa không đáng kể, trong khi tại khu vực Trung Tây nước này, mưa rải rác ở một số khu vực, còn một số khu vực khác sẽ hứng chịu nắng nóng quay trở lại vào giữa tuần tới.

Nguyên liệu công nghiệp: Đường tăng cao nhất gần 6 tháng, cà phê tiếp tục bị chốt lời

Giá đường thô tăng lên mức cao nhất 5,5 tháng trong phiên 6/8 do lo ngại năng suất cây trồng mía đường tại Brazil giảm hơn so với dự báo trước đó, bởi thời tiết hạn hán và sương giá gần đây. Theo đó, giá đường thô kỳ hạn tháng 10/2021 trên sàn ICE tăng 0,06 US cent (+0,3%) lên 18,68 US cent/lb, sau khi đạt mức cao nhất 5,5 tháng (18,92 US cent/lb); đường trắng kỳ hạn tháng 10/2021 trên sàn London giảm 2,2 USD (-0,5%) xuống 459,6 USD/tấn.

Cũng trong phiên này, giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn ICE giảm 0,9 US cent (-0,5%) xuống 1,76 USD/lb; cà phê robusta kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn London giảm 21 USD (-1,2%) xuống 1.743 USD/tấn.

Thị trường robusta London tiếp tục chứng kiến xu hướng chốt lời ngắn hạn, cho dù vẫn còn lo ngại nguồn cung bị chậm lại vì cước phí vận tải biển quá đắt đỏ và đặc biệt là diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Trong khi đó, thông tin về hy vọng có mưa tại các vùng trồng cà phê Brazil trong tuần này đã ngăn chặn đà tăng của arabica, khiến giá cà phê của cả hai sàn cùng lao dốc phiên cuối tuần qua.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 7/2021 đạt 110.000 tấn, trị giá 207 triệu USD, giảm 14,1% về lượng và giảm 16,7% về trị giá so với tháng 6/2021. So với cùng kỳ năm 2020, cà phê xuất khẩu ổn định về lượng và tăng 5,9% về giá.

Giá dầu cọ Malaysia phiên 6/8 cũng tăng, được hậu thuẫn bởi giá dầu đậu tương tăng và sản lượng thắt chặt. Cụ thể, giá dầu cọ kỳ hạn tháng 10/2021 trên sàn Bursa Malaysia tăng 57 ringgit (+1,35%) lên 4.274 ringgit (1.013,52 USD)/tấn. Tuy nhiên, tính chung cả tuần, giá dầu cọ giảm 2,2% và là tuần giảm đầu tiên trong 7 tuần qua.

Giá một số mặt hàng trên thị trường quốc tế tuần qua

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam) (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg). (USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam)

(1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

(USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục