Thị trường hàng hóa tuần từ 30/10-6/11: Kim loại quý tăng phi mã

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Giá vàng tăng phi mã trong tuần diễn ra bầu cử tổng thống Mỹ 3/11. Cùng với đó, giá nhiều mặt hàng khác như năng lượng, nông sản… cũng hồi phục sau khi giảm mạnh ở tuần trước đó.

Ảnh Internet Ảnh Internet

Kim loại: Vàng tăng phi mã

Cần phải chờ đến đầu tháng 1/2021 thì kết quả bầu cử mới ngã ngũ, song hiện tại, nhiều hãng truyền thông đã xướng tên ông Joe Biden đắc cử Tổng thống Mỹ lần thứ 46. Nhiều ý kiến cho rằng, ông Biden sẽ tung ra thêm các gói kích thích kinh tế mới và điều này có thể đẩy lạm phát lên cao, khiến USD mất giá. Khi đó, các tài sản được xem là “hầm trú ẩn” an toàn như vàng sẽ được hưởng lợi.

Trên thực tế, chốt phiên 6/11, giá vàng ngay tại Mỹ tăng tăng 0,2% lên 1.951,51 USD/ounce; giá vàng tương lai giao tháng 12 trên sàn Comex New York tăng 0,3% lên 1.951,7 USD/ounce.

Như vậy, trong tuần từ 30/10-6/11, giá vàng tăng gần 5% và là tuần tăng mạnh nhất kể từ ngày 31/7. Sáng nay, giá vàng giao ngay tiếp tục leo lên mức 1.955 USD/ounce, còn giá vàng giao sau tăng lên 1.956,6 USD/ounce.

Không chỉ vàng, nhiều kim loại quý khác cũng tăng mạnh trong tuần qua như bạc tăng 8,52%, bạch kim tăng hơn 6%, paladi tăng gần 4,7%...

Ở nhóm kim loại công nghiệp, giá cũng đồng loạt tăng. Tại sàn London, giá đồng giao sau 3 tháng tăng 0,6% lên 6.990,5 USD/tấn, nickel tăng 2,3% lên 15.710 USD/tấn, nhôm tăng 0,6% lên 1.912,5 USD/tấn.

Còn tại sàn Thượng Hải, giá đồng kỳ hạn tháng 12/2020 tăng 1,3% lên 52.160 CNY (7.912,14 USD)/tấn, giá kẽm tăng 2% lên 20.310 CNY/tấn, giá chì tăng 1,4% lên 14.545 CNY/tấn.

Tính chung tuần từ 30/10-6/11, giá đồng tăng khoảng hơn 3,3%. Việc giá đồng tăng một phần do nước tiêu thụ lớn nhất thế giới – Trung Quốc tăng nhập khẩu đồng, cụ thể là tăng 43% trong tháng 10/2020 so với cùng kỳ 2019. Bên cạnh đó, việc USD suy yếu, chạm mức thấp nhất 10 tuần, khiến kim loại định giá bằng “đồng bạc xanh” hấp dẫn hơn khi mua bằng tiền tệ khác.

Riêng nhóm sắt thép, giá quặng sắt trên sàn Đại Liên tăng 0,8% trong phiên 6/11 lên 789,5 CNY/tấn, trên sàn Singapore tăng 0,9% lên 114,15 USD/tấn. Tuy nhiên, mức tăng giá quặng sắt bị hạn chế trong bối cảnh nhu cầu suy yếu và nguồn cung tại Trung Quốc tăng: giá thép cây trên sàn Thượng Hải tăng 0,8%, thép cuộn cán nóng tăng 0,3% và thép không gỉ duy trì vững. Sản lượng thép không gỉ Trung Quốc dự báo sẽ tăng 2,1% trong năm 2020 lên hơn 30 triệu tấn trong bối cảnh nhu cầu tăng mạnh.

Giá than cốc tại Trung Quốc tăng phiên thứ 6 liên tiếp - chuỗi tăng dài nhất 9 tháng và có tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 12/2018 do nguồn cung nội địa thắt chặt. Phiên 6/11, giá than cốc kỳ hạn tháng 1/2021 trên sàn Đại Liên tăng 3,3% lên 2.417,5 CNY (365,31 USD)/tấn và chỉ dưới mức cao 2.420 CNY/tấn. Tính chung cả tuần, giá than cốc tăng 9,7% - vượt xa mức tăng của giá quặng sắt.

Năng lượng: Dầu duy trì đà tăng, khí tiếp đà đi xuống

Kết thúc phiên 6/11, dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 1,65 USD (4,25%), xuống 37,14 USD/thùng; dầu Brent giảm 1,48 USD (3,62 %), xuống 39,45 USD/thùng.

Việc giá dầu giảm xuống dưới 40 USD/thùng do các trường hợp nhiễm Covid trên toàn cầu gia tăng, làm dấy lên mối lo nhu cầu nhiên liệu suy giảm. Trong khi đó, báo cáo từ Công ty Dịch vụ dầu khí Baker Hughes cho hay, số giếng khoan đang hoạt động tại Mỹ tăng 5% trong tuần qua, lên 226 giếng.

Mặc dù giảm mạnh phiên cuối tuần 6/11, nhưng tính chung cả tuần từ qua, giá dầu Brent vẫn tăng 4,78%, còn dầu WTI tăng 2,68%.

Trái với giá dầu, giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 12/2020 trên sàn New York giảm 1,8% xuống mức 2,888 USD/mmBTU, thấp nhất kể từ ngày 19/10/2020 và là phiên giảm thứ 5 liên tiếp. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ tháng 4/2020 giá khí ghi nhận mức sụt giảm liên tục. Như vậy, sau khi tăng tổng cộng 64% trong 6 tuần liên tiếp trước đó, giá khí tự nhiên giảm 14% trong tuần qua, bất chấp xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng đạt mức cao kỷ lục.

Nông sản: Giá ngũ cốc tăng cao

Mở cửa phiên giao dịch 9/11, sự lo ngại nguồn cung toàn cầu bởi thời tiết khô tại Nam Mỹ và kỳ vọng nhu cầu từ Trung Quốc tăng mạnh đã đẩy giá một số mặt hàng nông sản trên sàn Chicago như đậu tương kỳ hạn tháng 1/2021 tăng 0,3% lên 11,05-1/2 USD/bushel; lúa mì kỳ hạn tháng 12/2020 tăng 0,3% lên 6,03-1/2 USD/bushel; trong khi ngô kỳ hạn tháng 12/2020 giảm 0,4% xuống 4,05 USD/bushel.

Đóng cửa phiên 6/11, đậu tương giảm 0,2%; lúa mì giảm 1,2%; ngô giảm 0,6%.

Sau khi đã giảm mạnh ở tuần trước nữa, giá nhiều mặt hàng nông sản đã hồi phục trong tuần từ 30/10-6/11. Cụ thể, giá đậu tương đạt 11,12-3/4 USD/bushel - cao nhất kể từ tháng 7/2016, tức tăng hơn 4%, trong khi ngô và lúa mì có mức tăng thấp hơn, lần lượt là 2,07% và 0,56%.

Cũng tại ngày 9/11, giá dầu cọ kỳ hạn tháng 1/2021 trên sàn Bursa Malaysia tăng 1,2% lên 3.219 ringgit (783,59 USD)/tấn.

Trong tuần qua, giá dầu cọ tăng 5,6% lên mức cao nhất 8 năm sau khi Ủy ban Dầu cọ Malaysia (MPOB) cho biết, tồn trữ và sản lượng dầu cọ thấp hơn so với bình thường, cũng như xuất khẩu tăng. Sản lượng trong tháng 11/2020 dự kiến giảm, song nhu cầu vẫn đứng trước sự lo ngại khi các nước châu Âu đóng cửa bởi làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới.

Giá dầu thô tăng khiến dầu cọ trở thành lựa chọn hấp dẫn hơn đối với nguyên liệu sản xuất dầu sinh học. Trên sàn Đại Liên, giá dầu đậu tương tăng 0,5%, giá dầu cọ giảm 0,2%. Giá dầu đậu tương trên sàn Chicago tăng 0,8%.

Nguyên liệu công nghiệp: Cao su giảm sâu, cà phê robusta bật tăng

Giá cao su trên sàn Osaka tăng liên tiếp 2 phiên trước kỳ nghỉ cuối tuần, trong bối cảnh kỳ vọng nhu cầu tại nước mua hàng đầu là Trung Quốc hồi phục và lo ngại về nguồn cung suy giảm, song giá cao su có tuần giảm đầu tiên trong 5 tuần, do các nhà đầu tư bán ra chốt lời từ mức tăng mạnh trong tháng 10/2020.

Cụ thể, phiên 6/11, giá cao su kỳ hạn tháng 4/2021 trên sàn Osaka tăng 2,8% lên 222,3 JPY (2,15 USD)/kg. Tuy nhiên, tính chung cả tuần, giá cao su giảm tới hơn 14% sau khi tăng 36% trong tháng 10/2020; cao su kỳ hạn tháng 1/2021 trên sàn Thượng Hải giảm 250 CNY xuống 14.745 CNY (2.228 USD)/tấn.

Phiên 9/11, giá cao su kỳ hạn tháng 4/2021 trên sàn Osaka tiếp tục giảm 1,5% xuống mức 219 JPY/kg, thậm chí đầu phiên còn giảm hơn 5%. Giá cao su kỳ hạn tháng 1/2021 trên sàn Thượng Hải giảm 4,6% xuống 14.310 CNY/tấn.

Ông Chaiphot Reungwarunwattana, Chủ tịch Hiệp hội Cao su Thái Lan cho biết, giá mủ cao su và các sản phẩm từ cao su đã giảm mạnh sau khi châu Âu tuyên bố phong tỏa để ngăn chặn việc lây nhiễm Covid-19. Bên cạnh đó, Thái Lan cũng báo cáo sản lượng cao su thấp hơn bình thường khoảng 10% do mưa lớn thường xuyên tại miền Nam nước này khiến nông dân không thể thu hoạch mủ cao su.

Với cà phê, vào những năm xuất hiện La Nina, các nước sản xuất cà phê ở châu Á thường bị lượng mưa lớn làm ảnh hưởng đến chất lượng hạt cà phê khiến cung ứng hàng vụ mới chậm trễ, ảnh hưởng tới giá cả.

Ngoài ra, giá cà phê còn được hỗ trợ bởi lo ngại thời tiết khô có thể khiến sản lượng cà phê trong năm tới tại nước sản xuất hàng đầu Brazil sụt giảm. Colombia sản xuất 1,16 triệu bao (60 kg) cà phê Arabica sạch trong tháng 10/2020, giảm 15% so với tháng 10/2019.

Kết thúc phiên 6/1, tại sàn New York, giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 12/2020 tăng 0,9% lên 106,95 US cent/lb. Còn tại sàn London, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 1/2021 tăng 0,8% lên 1.350 USD/tấn. Tính chung tuần từ 30/10-6/11, arabica tăng 2,44%, còn robusta tăng 0,82%.

Tương tự, giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2021 trên sàn ICE trong phiên 6/11 tăng 3% lên 14,91 US cent/lb, gần mức cao nhất 8 tháng (15,23 US cent/lb) trong ngày 3/11. Đường trắng kỳ hạn tháng 12/2020 trên sàn London tăng 2,2%, 400,9 USD/tấn. Song, tính cả tuần, giá đường vẫn giảm nhẹ 0,24%.

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục