Thị trường hàng hóa tuần từ 15-22/4: Dầu đậu tương tăng cao kỷ lục

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Kết thúc tuần giao dịch từ 15-22/4, thị trường hàng hóa thế tiếp tục chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ cuộc xung đột Nga - Ukraine hay dịch bệnh tại Trung Quốc, trong đó nổi bật là giá dầu đậu tương lên mức kỷ lục từ trước tới nay, đạt 80,51 US cent/lb.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Năng lượng: Dầu thô giảm gần 5%

Giá dầu giảm trong phiên cuối tuần qua 22/4 do triển vọng tăng trưởng toàn cầu suy yếu, lãi suất tăng và việc phong tỏa do Covid-19 tại Trung Quốc tác động đến nhu cầu, bất chấp châu Âu cân nhắc một lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga.

Cụ thể, dầu Brent giảm 1,68 USD (-1,6%) xuống 106,65 USD/thùng. Dầu WTI giảm 1,72 USD (-1,7%) xuống 102,07 USD/thùng. Tính chung cả tuần, cả 2 loại dầu đều giảm gần 5% do lo ngại về nhu cầu giảm.

Giá dầu Brent đạt 139 USD/thùng trong tháng trước, cao nhất kể từ năm 2008. Morgan Stanley nâng dự báo giá dầu Brent quý III/2022 thêm 10 USD, lên 130 USD/thùng do nguồn cung thiếu hụt nhiều hơn từ Nga và Iran trong năm nay.

Kim loại: Vàng giảm giá mạnh; đồng, sắt thép đều tăng giá

Ở nhóm kim loại quý, giá vàng giảm gần 1% trong phiên 22/4 và có tuần giảm mạnh nhất kể từ giữa tháng 3/2022, do dấu hiệu thắt chặt chính sách nhanh hơn dự kiến của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ và USD.

Cụ thể, vàng giao ngay giảm 0,9% xuống 1.934,06 USD/ounce, trước đó đã chạm mức thấp nhất trong 2 tuần qua; vàng kỳ hạn tháng 6/2022 giảm 0,7% xuống 1.934,3 USD/ounce. Tính chung cả tuần, kim loại quý này giảm 2,1%.

Mặc dù được xem như nơi trú ẩn an toàn trong giai đoạn lạm phát tăng, nhưng lãi suất tăng đã hạn chế đà tăng của vàng.

Trên thị trường vàng giao ngay, các đại lý vàng tại Ấn Độ đã giảm mức chiết khấu trong tuần qua do nhu cầu phục hồi nhẹ sau khi giá giảm, trong khi hoạt động tại Trung Quốc vẫn trầm lắng bởi những hạn chế do Covid-19.

Ở nhóm kim loại công nghiệp, trên Sàn giao dịch kim loại London (LME), giá đồng kỳ hạn 3 tháng tăng 0,7% lên 10.294 USD/tấn trong phiên cuối tuần qua 22/4, sau khi giảm 0,8% trong phiên liền trước.

Trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải, giá đồng giao tháng 5/2022 tăng 0,2% lên 74.670 CNY/tấn (tương đương 11.639,91 USD/tấn).

Các tín hiệu kỹ thuật cũng tích cực do đồng LME tìm được hỗ trợ ở mức trung bình 50 ngày. Công ty Khai thác Antofagasta của Chile công bố sản lượng đồng quý I/2022 giảm 24%, trong khi Công ty Anglo American thông báo giảm 13%.

Một ngày trước đó, Peru tuyên bố tình trạng khẩn cấp gần mỏ Cuajone trong bối cảnh gia tăng các cuộc biểu tình chống lại các công ty khai thác mỏ, đã làm giảm sản lượng đồng của quốc gia này giảm 20%.

Giá đồng và nhôm cũng được hỗ trợ do nhu cầu mua vào của các khách hàng công nghiệp.

Dự trữ đồng tại kho LME tiếp tục tăng gần đây lên 130.500 tấn, cao nhất kể từ tháng 10/2021 và tăng 62% trong 4 tuần qua.

BHP Group Ltd đã cắt giảm triển vọng sản xuất đồng hàng năm khi các hoạt động tại dự án Escondida ở Chile bị ảnh hưởng bởi các cuộc biểu tình của công nhân, cũng như tình trạng thiếu lao động do người nhiễm Covid-19 gia tăng.

Trên thị trường sắt thép, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2022 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đóng cửa tăng 0,3% lên 904 CNY/tấn (tương đương140,24 USD)/tấn sau 2 phiên sụt giảm trước đó.

Trên Sàn giao dịch Singapore, quặng sắt kỳ hạn tháng 6/2022 giảm 0,4% xuống 150,85 USD/tấn.

BHP, công ty khai thác được niêm yết lớn nhất thế giới đã không đạt được sản lượng quặng sắt ước tính trong quý I/2022 do cuộc khủng hoảng lao động liên quan tới đại dịch gây áp lực lên nỗ lực thúc đẩy sản xuất ở vùng Pilbara của Úc. Công ty khai thác này cũng cảnh báo sản lượng quý II/2022 khả năng tiếp tục bị ảnh hưởng bởi công nhân vắng mặt kéo dài, cho dù vẫn theo hướng đáp ứng chi phí tài khóa 2022 và dự báo về khối lượng.

Điều đó bổ sung vào những lo ngại về nguồn cung do nhà sản xuất quặng sắt lớn nhất thế giới Rio Tinto báo cáo xuất khẩu trong quý đầu năm nay thấp hơn dự kiến và Công ty Khai thác Vale SA của Brazil có sản lượng quặng sắt giảm 6% trong quý I/2022 so với quý liền trước.

Cùng thời gian này, các nhà kinh doanh quặng sắt đối mặt với những lo lắng về triển vọng tại Trung Quốc, nơi tăng trưởng kinh tế đang chậm lại và chính quyền cam kết giảm sản lượng thép.

Giá thép tại Thượng Hải giảm trở lại trong phiên 22/4 sau khi chạm mức cao nhất 2 tuần, với thép thanh giảm 0,8%, thép cuộn cán nóng giảm 1,4%; thép không gỉ giảm 0,6%.

Tuy nhiên, các biện pháp kiểm soát sản xuất thép đã hỗ trợ giá và tính cả tuần, thép thanh tăng 1,6% và thép cuộn cán nóng tăng 0,3% - đều giao dịch gần mức đỉnh 2 tuần qua. Ngược lại, thép không gỉ giảm 0,3%.

Trên sàn Đại Liên, giá than cốc tăng 1% và than luyện cốc tăng 1,3% do lo ngại nguồn cung thắt chặt.

Nông sản: Giá dầu đậu tương lên mức cao kỷ lục; ngô, lúa mì, đậu tương cùng đi xuống

Giá dầu đậu tương của Mỹ tăng vọt lên mức cao kỷ lục sau khi Indonesia cấm xuất khẩu dầu cọ, trong khi đậu tương và ngô giảm do chốt lời. Lúa mì giảm sau một phiên biến động do các nhà môi giới cân nhắc việc dự trữ ngũ cốc toàn cầu thắt chặt với nhu cầu xuất khẩu lúa mì chậm chạp của Mỹ.

Cụ thể, dầu đậu tương kỳ hạn tháng 7/2022 trên Sàn giao dịch Chicago đóng cửa tăng 0,87 US cent lên 80,51 US cent/lb, sau khi đạt 83,21 US cent - mức giá cao nhất từ trước tới nay.

Giá dầu đậu tương tăng sau khi Indonesia, nước sản xuất và xuất khẩu dầu cọ hàng đầu thế giới cấm xuất khẩu từ ngày 28/4/2022 để giải quyết việc tăng giá trong nước. Việc nới lỏng những hạn chế Covid-19 khiến nhu cầu dầu thực vật cho lương thực và nhiên liệu sinh học tăng vọt.

Ngược lại, đậu tương CBOT kỳ hạn tháng 7/2022 giảm 31-1/2 US cent xuống 16,88 USD/bushel, sau khi tăng lên mức cao nhất 2 tháng 17,34 USD/bushel. Tương tự, ngô và lúa mì cùng kỳ hạn cũng giảm, lần lượt là 6-1/4 US cent xuống 7,89 USD/bushel và 1-1/4 US cent xuống 10,75-1/4 USD/bushel.

Nguyên liệu công nghiệp: Đường và cao su giảm giá, cà phê biến động trái chiều

Trong phiên 22/4, giá đường thô kỳ hạn tháng 5/2022 đóng cửa giảm 0,63 US cent (-3,2%) xuống 19,24 US cent/lb. Đường trắng kỳ hạn tháng 8/2022 giảm 10,6 USD (-2%) xuống 530,5 USD/tấn.

Các đại lý cho biết, sản lượng đường lớn hơn dự kiến tại Ấn Độ có thể dẫn tới dư thừa nhẹ trong niên vụ 2021/22. Sản lượng đường của Brazil dự kiến tăng 2,9% trong niên vụ mới, lên mức 36,37 triệu tấn do các cánh đồng phục hồi một phần từ thời tiết bất lợi trong vụ trước.

Một thăm dò của Reuters trong tháng 2/2022 đưa ra dự báo mức thiếu hụt toàn cầu v 1,25 triệu tấn trong niên vụ 2021/22.

Trên thị trường cà phê, giá arabica kỳ hạn tháng 7/2022 giảm 0,95 US cent (-0,4%) xuống 2.2715 USD/lb sau khi tăng gần 4% trong phiên trước đó, còn giá robusta cùng kỳ hạn tăng 2 USD (+0,1%) lên 2.116 USD/tấn.

Các đại lý lưu ý rằng, đồng nội tệ của Brazil giảm giá mạnh (giảm 3,5%) so với USD trong ngày 22/4/2022 là một yếu tố có thể làm tăng đà bán ra tại nước trồng cà phê lớn nhất thế giới này.

Trên thị trường cao su, giá cao su Nhật Bản có tuần giảm lần đầu tiên trong 6 tuần qua theo xu hướng thị trường yếu tại Thượng Hải, trong khi giá tiêu dùng trong nước tăng tác động tới tâm lý.

Cụ thể, hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 9/2022 trên Sàn giao dịch Osaka giảm 6,4 JPY (-2,4%) xuống 255 JPY (1,99 USD)/kg, sau khi chạm mức thấp nhất từ ngày 30/3/2022 tại 253,5 JPY/kg. Tính chung cả tuần cao su giảm 4%.

Chỉ số giá tiêu dùng lõi của Nhật Bản tháng 3/2022 tăng với tốc độ nhanh nhất trong hơn 2 năm, làm tăng lo lắng rằng chi phí lương thực và năng lượng cao sẽ ngày càng ảnh hưởng tới sức mua của các hộ gia đình.

Thương nhân tại thị trường Thượng Hải theo xu hướng giảm giá do dự đoán phong tỏa tại thành phố này sẽ kéo dài. Nhu cầu cao su tự nhiên tại Thượng Hải vẫn yếu. Dự trữ cao su tại kho Thượng Hải tăng 0,5% so với một tuần trước.

Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 9/2022 tại Thượng Hải giảm 315 CNY xuống 13.015 CNY (2.011,22 USD)/tấn, sau khi chạm mức thấp nhất vào ngày 22/7/2021 tại mức 13.101 CNY/tấn.

Giá một số mặt hàng trên thị trường quốc tế tuần qua

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam) (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg). (USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam)

(1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

(USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục