Doanh nghiệp dệt may kỳ vọng tăng trưởng 2 con số

0:00 / 0:00
0:00
Thị trường dệt may thế giới hồi phục mạnh mẽ, cộng với lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên đang được thực thi, nhiều doanh nghiệp dệt may đặt mục tiêu tăng trưởng cao.
Ảnh minh họa. Ảnh minh họa.

Mục tiêu tham vọng

Công ty cổ phần May Đáp Cầu vừa “chốt” phương án kinh doanh năm 2022 với mục tiêu doanh thu toàn hệ thống đạt 750 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 22,5 tỷ đồng, cổ tức 20%. So với kết quả sản xuất, kinh doanh năm 2021, thì mục tiêu này khá tham vọng, bởi năm ngoái, May Đáp Cầu đạt doanh thu 478 tỷ đồng, lợi nhuận trên 21 tỷ đồng (tăng 40% so với năm 2020).

Phải đóng cửa các nhà máy sản xuất gần 2 tháng trong năm 2021, khi đợt dịch Covid-19 bùng phát tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Công ty May Đáp Cầu từng đối mặt với khả năng không thể về đích với kế hoạch đề ra trước đó. Nhưng sau thời gian sản xuất trở lại, doanh nghiệp đã xoay chuyển được tình thế, đưa doanh thu tăng tốc, lợi nhuận không những duy trì, mà còn tăng trưởng cao.

Với hệ thống hơn 10 đơn vị thành viên, Tổng công ty cổ phần May Hưng Yên (Hugaco) cũng trải qua 4 tháng đầu năm 2021 sản xuất không thuận lợi, các đơn hàng có đơn giá thấp, giá gia công giảm tới 20 - 40%. Chi phí logistics tăng cao, trong khi tỷ giá USD/đồng giảm 3%, khiến doanh thu của Hugaco giảm 15 tỷ đồng. Vượt qua khó khăn, năm 2021, Hugaco cán đích doanh thu 708,7 tỷ đồng, đạt 122% so với kế hoạch; lợi nhuận trước thuế đạt 84,1 tỷ đồng, bằng 117% so với kế hoạch.

Trên cơ sở kết quả kinh doanh của năm 2021 và đánh giá thị trường năm 2022, Hugaco đặt kế hoạch tổng doanh thu năm 2022 đạt 750 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 80 tỷ đồng.

Xác định việc kinh doanh còn gặp khó, bởi vẫn phải đối diện với dịch Covid-19 và ảnh hưởng từ cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine, nhưng Tổng công ty cổ phần May 10 cũng đề ra mục tiêu tham vọng, khi ấn định mức tăng trưởng doanh thu hơn 10%, đạt 3.800 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 120 tỷ đồng, tăng thêm gần 30 tỷ đồng so với năm 2021.

Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc May 10 cho biết, năm 2021, đại dịch Covid-19 bùng phát đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, số lượng đơn đặt hàng veston giảm 54% so với năm 2019 (thời điểm trước dịch Covid-19). Bên cạnh đó, chi phí logistics, cước vận chuyển liên tục tăng cao, tình trạng thiếu container rỗng, sự cạnh tranh về lao động ngày càng gay gắt đã làm tăng thêm chi phí của doanh nghiệp, nhưng năm 2021, May 10 vẫn đạt doanh thu 3.517 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 91,57 tỷ đồng, tăng 12,5% so với năm 2020.

Tăng đầu tư nâng công suất

Để đạt được chỉ tiêu kinh doanh trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động, các doanh nghiệp đều đưa ra nhiều giải pháp để tối ưu hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) nhận định, dù Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường trên toàn cầu, song Việt Nam đã có chính sách thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế; các thị trường lớn như Mỹ, EU... đã mở cửa trở lại; các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đang phát huy hiệu quả, nên doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ có thêm cơ hội mở rộng thị trường.

Công ty cổ phần May Đáp Cầu xác nhận, doanh nghiệp sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp thiết bị hiện đại, nâng cao năng suất; đầu tư nhà xưởng và nhà máy mới tại Bắc Giang (dự kiến sử dụng 1.500 - 2.000 lao động) để tăng khả năng đáp ứng đơn hàng.

Chia sẻ về chiến lược trọng tâm năm 2022, bà Phạm Thị Phương Hoa, Tổng giám đốc Hugaco cho biết, Công ty sẽ dành 190 tỷ đồng để đầu tư, bao gồm đổi mới thiết bị công nghệ; xây dựng lại nhà kho 5 tầng và nhà xưởng mới… Bên cạnh đó, Hugaco đề xuất xin quỹ đất tại tỉnh Hưng Yên để xây dựng chung cư cho người lao động với chi phí đầu tư khoảng 75 tỷ đồng.

“Lao động là nguồn lực lớn của doanh nghiệp. Việc đầu tư để nâng cao chất lượng đời sống, đảm bảo an sinh cho người lao động đã giúp chúng tôi luôn có quân số lao động ổn định”, bà Hoa nói.

Trong khi đó, Tổng công ty cổ phần May 10 cũng đang triển khai kế hoạch mở rộng nhà máy, tăng công suất để đáp ứng nhu cầu của thị trường xuất khẩu. Cụ thể, Tổng công ty sẽ mở thêm 3 nhà máy, tuyển thêm 3.000 - 5.000 lao động cho dự án tại Thái Bình, Thanh Hóa và Quảng Bình nhằm đáp ứng tốt đơn hàng đã được ký kết trong năm 2022 và các năm tới.

“Đại dịch Covid-19 đã kéo dài tới năm thứ 3, doanh nghiệp cũng đã có thêm nhiều kinh nghiệm ứng phó để điều hành sản xuất. Cùng với đó, đơn hàng veston giá trị cao đang gia tăng trở lại; khách hàng từ Mỹ, EU đều tăng số lượng đặt hàng. Đây là cơ sở để doanh nghiệp nâng mức tăng trưởng”, ông Thân Đức Việt chia sẻ.

Đại dịch Covid-19 dù chưa kết thúc, nhưng nhờ đã bao phủ vắc-xin với tỷ lệ cao, nên hoạt động sản xuất, kinh doanh đã vào guồng. Tuy nhiên, nỗi lo của các doanh nghiệp tại thời điểm này là ảnh hưởng dây chuyền của “bão giá” do xung đột Nga - Ukraine, dự báo tác động trước mắt và lâu dài tới chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu của thế giới cũng như Việt Nam.

Ngoài ra, một số nước có tiềm năng xuất khẩu dệt may lớn như Ấn Độ, Bangladesh đang mở rộng hoạt động xuất khẩu, một số nước Đông Nam Á cũng ưu tiên phát triển dệt may, vì thế, cạnh tranh trên bình diện quốc tế tiếp tục là thách thức với doanh nghiệp. Dù vậy, điểm thuận lợi đối với ngành dệt may là một loạt hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên đã được thực thi, mở ra cơ hội cho doanh nghiệp tăng thị phần ở các thị trường truyền thống như châu Âu, Nhật Bản, Anh, đồng thời mở rộng cánh cửa tiến vào thị trường Nga, Australia, Hàn Quốc, Trung Quốc…

Thế Hoàng
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục