Thị trường hàng hóa tuần từ 12-19/11: Biến động trái chiều

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Kết thúc tuần giao dịch từ 12-19/11, thị trường hàng hóa thế giới chứng kiến sự biến động trong mỗi loại mặt hàng, ví dụ mặt hàng năng lượng chứng kiến khí LNG giữ đà tăng, còn dầu tiếp tục giảm, hay như nông sản với sự đi lên của lúa mỳ, trong khi đậu tương và ngô quay đầu giảm giá…
Ảnh Internet Ảnh Internet

Năng lượng: Giá dầu về mức thấp nhất 20 tháng, khí LNG tiếp tục tăng

Kết thúc phiên cuối tuần qua 19/11, giá dầu Brent kỳ hạn tháng 1/2022 giảm 2,35 USD (-2,9%) xuống 78,89 USD/thùng, mức chốt phiên thấp nhất kể từ ngày 30/9/2021. Dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) kỳ hạn tháng 12/2021 giảm 2,91 USD (-3,6%) xuống 76,01 USD/thùng, mức chốt phiên thấp nhất kể từ ngày 1/10/2021 và kỳ hạn tháng 1/2022 giảm 2,65 USD (-3,4%) xuống 75,78 USD/thùng.

Tính cả tuần, giá dầu WTI giảm 5,8%, còn dầu Brent giảm 4%. Đây là tuần thứ tư liên tiếp cả hai loại dầu này giảm giá, chuỗi giảm giá dài nhất kể từ tháng 3/2020.

Tuy nhiên, tính từ đầu năm đến nay, giá dầu Brent vẫn tăng gần 60%, do các nền kinh tế hồi phục trở lại và Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, được gọi là OPEC+, tăng dần sản lượng.

OPEC mới đây hạ dự báo nhu cầu dầu thế giới trong quý IV/2021 khoảng 330.000 thùng/ngày so với dự báo của tháng trước trong bối cảnh giá năng lượng cao, cản trở phục hồi kinh tế.

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự báo, giá dầu Brent trung bình ở mức 71,5 USD/thùng trong năm 2021 và 79,4 USD/thùng trong năm 2022. Trong khi theo hãng thông tấn TASS (Nga), Tập đoàn Dầu khí Rosneft của Nga đưa ra dự báo loại dầu này có thể chạm mức 120 USD/thùng trong nửa cuối năm 2022.

Trong khi giá dầu kéo dài đà giảm, giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tiếp tục tăng tại thị trường Mỹ và châu Á, bất chấp việc giá khí đốt ở châu Âu giảm mạnh.

Cụ thể, tại Mỹ, hợp đồng LNG giao sau tăng 16,3 US cent (+3,3%) lên 5,065 USD/mmBtu. Trong tuần, hợp đồng này đã tăng khoảng 6% sau khi giảm khoảng 13% vào tuần trước.

Nhà cung cấp dữ liệu Refinitiv cho biết, sản lượng tại 48 tiểu bang của Mỹ đạt trung bình 96 tỷ feet khối mỗi ngày (bcfd) cho đến nay vào tháng 11/2021, tăng từ 94,1 bcfd vào tháng 10/2021 và kỷ lục hàng tháng là 95,4 bcfd vào tháng 11/2019.

Refinitiv dự báo, nhu cầu LNG trung bình của Mỹ, bao gồm cả xuất khẩu, sẽ tăng từ 104,8 bcfd trong tuần này lên 111,4 bcfd vào tuần tới và 114,8 bcfd khi thời tiết chuyển mùa lạnh hơn. Xuất khẩu khí LNG của Mỹ sang Canada đạt trung bình 3,1 bcfd cho đến nay trong tháng 11/2021, tăng từ 2,1 bcfd trong tháng trước đó.

Tại châu Á, giá LNG tăng tuần thứ hai liên tiếp do nhu cầu mạnh mẽ từ khách hàng châu Á trước những tháng cao điểm mùa đông và lo ngại về nguồn cung ở châu Âu sau khi trì hoãn cấp phép đường ống Nord Stream 2 mới.

Cụ thể, giá LNG trung bình giao tháng 1/2021 tại khu vực Đông Bắc Á tăng lên 36,7 USD/mmBtu (tăng 5,2 USD), tương đương 16,5% so với tuần trước.

Tại châu Âu, giá LNG ghi nhận giảm 6% trong tuần qua. Các nhà phân tích cho biết, hàng tồn kho khu vực này thấp hơn khoảng 17% so với mức bình thường cùng thời điểm trong năm, so với chỉ 2% dưới mức bình thường ở Mỹ.

Kim loại: Đồng loạt giảm giá, trừ quặng sắt

Ở nhóm kim loại quý, giá vàng thế giới chốt phiên 19/11 ở mức thấp nhất hơn một tuần qua, trong bối cảnh giá dầu giảm mạnh và USD tăng lên mức cao nhất khoảng 16 tháng qua.

Cụ thể, kết thúc phiên 19/11, giá vàng giao ngay giảm 0,6% xuống 1.848,05 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 12/2021 giảm 0,5% xuống 1.851,6 USD/ounce.

Chỉ số đồng USD phiên này tăng 0,5% so với giỏ các đồng tiền chủ chốt, sau khi Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Christopher Waller kêu gọi sớm cắt giảm hỗ trợ kinh tế nhằm thiết lập chính sách tiền tệ thắt chặt hơn, khiến vàng trở nên đắt hơn khi mua bằng tiền tệ khác.

Nhà phân tích Ole Hansen của Ngân hàng Saxo cho biết trong một lưu ý rằng, việc châu Âu phong tỏa chống dịch giúp cho vàng có thêm động lực mới. “Các dữ liệu về lạm phát tăng mạnh gần đây, đặc biệt là việc lạm phát ở Mỹ tháng 10/2021 lên đến 6,2% sẽ tiếp tục hỗ trợ vàng trong việc bảo vệ nhà đầu tư chống lại việc tài sản bị mất giá”, chuyên gia này nhấn mạnh.

Về những kim loại quý khác, giá bạc giảm 0,6% xuống 24,63 USD/ounce, bạch kim giảm 1,8% xuống 1.028,74 USD/ounce, palladium giảm 3,4% xuống 2.060,24 USD/ounce, đều giảm tuần đầu tiên trong vòng 3 tuần qua.

Ở nhóm kim loại công nghiệp, giá đồng trên sàn London phiên 19/11 tăng 2,4% lên 9.670 USD/tấn. Lượng đồng lưu trữ trên sàn London hiện ở mức 89.875 tấn, giảm mạnh so với mức trên 250.000 tấn hồi tháng 8/2021 và 27.300 tấn trong kho sắp được chuyển tới tay khách hàng.

Trong khi đó, giá nhôm trên sàn London tăng 2,5% lên 2.682 USD/tấn, trong đầu phiên còn tăng lên mức 2.697,5 USD/tấn. Giá nhôm tăng sau một vụ nổ tại một nhà máy luyện nhôm (công suất hàng năm đạt 300.000 tấn) ở Trung Quốc, làm dấy lên mối lo ngại về nguồn cung thắt chặt, cùng với đó là mối lo ngại thiếu hụt nguồn cung và tồn trữ ở mức thấp cũng thúc đẩy giá đồng tăng.

Về những kim loại cơ bản khác, giá kẽm tăng 2,7% lên 3,246 USD/tấn, chì tăng 0,3% lên 2,222 USD, nickel tăng 2% lên 20,030 USD và thiếc tăng 0,1% lên 38,505 USD.

Tuy nhiên, tính chung cả tuần, giá đồng cũng như các kim loại cơ bản khác đều giảm giá.

Giá quặng sắt tại Trung Quốc tăng trở lại sau một số thông tin tích cực từ lĩnh vực bất động sản của nước này. Tuy nhiên, các thương nhân vẫn thận trọng về triển vọng nhu cầu nguyên liệu tại nước sản xuất thép lớn nhất thế giới.

Phiên 19/11, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2022 trên sàn Đại Liên tăng 2,5% lên 536 CNY (84 USD)/tấn. Lúc đầu phiên, giá đã chạm mức 509,5 CNY/tấn - thấp nhất kể từ ngày 6/11/2020. Tính cả tuần, giá giảm tuần thứ 6 liên tiếp.

Trong khi đó, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 12/2021 trên sàn Singapore tăng 5,1% lên 90,6 USD/tấn; quặng sắt 62% Fe giao ngay tại cảng biển Trung Quốc phiên 18/11 chạm 90 USD/tấn - thấp nhất 18 tháng qua, theo dữ liệu của Công ty Tư vấn SteelHome.

Nông sản: Đậu tương và ngô mất đà, lúa mì giữ giá

Trong phiên 19/11, giá các mặt hàng nông sản tại Sàn Giao dịch nông sản Chicago (Mỹ) CBOT biến động trái chiều. Trong khi giá ngô và đậu tương đều giảm, giá lúa mỳ tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây do được mua vào mạnh.

Cụ thể, giá lúa mì đỏ mềm vụ đông kỳ hạn tháng 3/2022 tăng 3-1/2 US cent lên 8,34-1/4 USD/bushel; đậu tương kỳ hạn tháng 1/2022 giảm 2 US cent giảm xuống 12,63-1/4 USD/bushel; ngô kỳ hạn tháng 12/2021 giảm 2-1/4 US cent về mức 5,7-3/4 USD/bushel.

Trong khi đó, khô đậu tương ghi nhận mức tăng khá mạnh 2,7%, còn dầu đậu tương giảm 1,4% về mức 58,16 cent/pound do tác động bất lợi từ diễn biến giảm của giá dầu thô.

Giá lúa mỳ kỳ hạn tương lai tăng do dự báo có thêm những trận mưa lớn ở miền Đông Australia. Công ty Nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago (Mỹ) lưu ý rằng, thị trường vẫn lạc quan bởi sự điều chỉnh giá ngũ cốc có thể mở ra dòng tiền hỗ trợ và các tổ chức đầu tư sẽ xem xét thêm mặt hàng này vào danh mục.

Các thương nhân châu Âu cho biết, Trung Quốc đã đặt 200.000-250.000 tấn lúa mì làm thức ăn chăn nuôi của Pháp trong 36 giờ qua. Tuần trước, Trung Quốc đã đặt mua 700.000-900.000 tấn ngô của Ukraine, với tổng lượng ngô nhập khẩu từ Ukraine của Trung Quốc giai đoạn 2021-2022 ước tính lên tới 7-10 triệu tấn.

Dự kiến, một đợt mưa với lượng nước vừa phải hoặc thậm chí lớn sẽ kéo dài trên khắp miền Bắc Brazil đến ngày 29/11 tới. Tuy vậy, nông dân Brazil đang trông mong thời tiết sẽ nắng và khô ráo hơn để làm chậm lại sự lây lan dịch bệnh mới xuất hiện trên đậu tương.

Nguyên liệu công nghiệp: Giá đường đảo chiều, cà phê và cao su tiếp tục tăng

Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn ICE giảm 0,9% xuống 19,99 US cent/lb, trong phiên trước đó đạt 20,69 US cent/lb - mức cao nhất kể từ tháng 2/2017; đường trắng kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn London giảm 0,8% xuống 512,6 USD/tấn.

Giá cà phê arabica đạt mức cao nhất gần 10 năm trước khi giảm nhẹ vào cuối phiên do nguồn cung tại các nước sản xuất hàng đầu bị thắt chặt và lo ngại thời tiết bất lợi.

Cụ thể, cà phê arabica kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn ICE tăng 1,9% lên 2,334 USD/lb, trong phiên có lúc đạt 2,3955 USD/lb - cao nhất kể từ tháng 1/2012; cà phê robusta kỳ hạn tháng 1/2022 trên sàn London tăng 1,5% lên 2.245 USD/tấn.

Giá cao su tại Nhật Bản tăng sau khi chính phủ nước này đưa ra gói chi tiêu gần 5.00 tỷ USD nhằm xoa dịu tổn thất từ đại dịch và giúp tăng trưởng kinh tế cùng nhu cầu hàng hóa công nghiệp gia tăng.

Theo đó, cao su kỳ hạn tháng 4/2022 trên sàn Osaka tăng 4,4 JPY (+2%) lên 229,8 JPY/kg và cả tuần tăng 1,2% - tuần tăng thứ 2 liên tiếp. Cao su kỳ hạn tháng 1/2022 trên sàn Thượng Hải tăng 3,4% lên 14.935 CNY/tấn.

Giá một số mặt hàng trên thị trường quốc tế tuần qua

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam) (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg). (USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam)

(1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

(USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục