Ngành đường kéo dài vị ngọt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá đường thế giới đang ở mức cao nhất 4 năm, kéo theo giá trong nước tiếp tục tăng. Ngành đường nội địa được dự báo sẽ tăng trưởng trong thời gian dài.
Một số doanh nghiệp có kế hoạch đẩy mạnh phát triển vùng nguyên liệu mía Một số doanh nghiệp có kế hoạch đẩy mạnh phát triển vùng nguyên liệu mía

Lợi nhuận quý III/2021 đột biến

Hầu hết doanh nghiệp mía đường đạt kết quả kinh doanh tăng trưởng cao trong quý đầu niên độ tài chính 2021 - 2022 (quý III/2021).

Cụ thể, Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (SBT) ghi nhận doanh thu quý III/2021 tăng 18% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 4.312 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế gấp gần 2 lần cùng kỳ, đạt 195 tỷ đồng.

Niên vụ 2021 - 2022, SBT dự kiến đẩy mạnh phát triển vùng nguyên liệu tại Việt Nam, Campuchia và Lào thêm 10.000 - 20.000 ha, trọng tâm là vùng nguyên liệu organic; sản lượng sản xuất tăng trên 20%; doanh thu tăng 13%. Công ty đặt kế hoạch đạt doanh thu 16.905 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 750 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn (LSS) đạt 303 tỷ đồng doanh thu, 7,4 tỷ đồng lãi ròng trong quý III/2021, lần lượt gấp đôi và gấp 4,7 lần cùng kỳ năm 2020.

Công ty cổ phần Mía đường Sơn La (SLS) cho biết, trong quý III/2021, Công ty đạt doanh thu 146 tỷ đồng, tăng 35%; lãi sau thuế 33 tỷ đồng, gấp 2,3 lần cùng kỳ; biên lợi nhuận gộp tăng từ 20,5% lên 33,56%.

Tại Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi (QNS), quý III/2021 đạt doanh thu 2.115 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái; biên lợi nhuận tăng từ 31,9% lên 34%; lợi nhuận ròng đạt 348 tỷ đồng, tăng 49%.

Triển vọng tăng trưởng dài hạn

Theo Tổ chức Đường Quốc tế (ISO), thâm hụt đường toàn cầu vụ 2021/2022 dự kiến vẫn ở mức cao, xấp xỉ 3,8 triệu tấn (báo cáo tháng 8/2021). Bên cạnh đó, sản lượng dự trữ đường trên thế giới dự báo giảm xuống mức 43,9 triệu tấn.

Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết, sản lượng mía nguyên liệu đưa vào các nhà máy đường vụ ép 2020/2021 chỉ đạt hơn 6.739 triệu tấn. Đây là vụ có sản lượng mía tiêu thụ, đưa vào chế biến thấp nhất trong 20 vụ gần đây (tính từ khi bắt đầu ghi nhận số liệu sản xuất là vụ 1999/2000).

Ông Huỳnh Văn Pháp, Phó tổng giám đốc Khối Kinh doanh SBT đánh giá, cung cầu về đường ở Việt Nam trong những năm qua có mối tương quan ngược chiều từ vụ 2014/2015 trở lại đây. Lượng đường sản xuất suy giảm, trong khi nhu cầu tiêu thụ có xu hướng tăng dần.

Vụ 2020/2021, tổng sản lượng đường sản xuất trong nước đạt khoảng 690.000 tấn, chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu tiêu dùng nội địa, còn lại phải nhập khẩu từ nước ngoài. Việt Nam dự kiến cần thêm 1 - 1,5 triệu tấn đường trong vài năm tới để phục vụ nhu cầu tiêu dùng hằng ngày và ngành công nghiệp thực phẩm.

“5 năm tới, ngành đường trong nước được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng. Doanh nghiệp nào có nhiều nguồn đường từ mía sản xuất trong nước sẽ nắm lợi thế cạnh tranh lớn và mang lại hiệu quả kinh doanh cao”, đại diện SBT nói.

Mặt khác, sau khi Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN có hiệu lực từ ngày 17/5/2010, đường thô và tinh luyện từ Thái Lan thường chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nhập khẩu đường của Việt Nam. Giá đường xuống thấp và ngành đường nội địa không cạnh tranh được với đường giá rẻ nhập lậu cũng như đường Thái Lan được trợ cấp dẫn đến diện tích và sản lượng liên tục giảm.

Ngày 15/6/2021, Bộ Công thương ban hành Quyết định số 1578/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp chính thức đối với đường mía có xuất xứ từ Thái Lan ở mức 47,64%, việc áp thuế sẽ kéo dài trong vòng 5 năm.

Tuy nhiên, kể từ khi áp dụng biện pháp trên, tỷ trọng đường nhập khẩu từ Thái Lan giảm, trong đường khi các nước từ ASEAN khác tăng đột biến, làm nảy sinh ra mối quan ngại về việc gian lận nguồn gốc. Do đó, từ tháng 9/2021, Bộ Công thương chính thức vào cuộc điều tra.

Quỳnh Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục