Trong nhóm hàng nông sản, ngô và đậu tương có một tuần tương đối “bình lặng”. Giá ngô sau phiên giảm đầu tuần, do những lo ngại về thời tiết băng giá tại Mỹ không còn, đã dao động hẹp và đóng cửa tuần giảm 1,09% trong khi đậu tương đi ngang gần hết tuần và nhưng giảm mạnh vào tối thứ 6 do ảnh hưởng bởi việc nhà đầu tư tất toán hợp đồng quyền chọn Đậu tương tháng 11 và đóng cửa tuần với mức giảm 1,47%.
Trong khi đó, lúa mỳ lại có một tuần giảm mạnh 2,72% dưới áp lực chốt lời của nhà đầu tư sau ba phiên tăng giá trong tuần trước đó và do những thông tin về tốc độ thu hoạch lúa mỳ tăng nhanh chóng tại Canada. Dự báo thời tiết cho thấy nhiệt độ thấp sẽ quay lại tại khu vực nông nghiệp Mỹ, hỗ trợ giá nông sản trong tuần tới.
Trong nhóm hàng công nghiệp nhẹ, giá cà phê Arabica và Robusta có một tuần giao động mạnh với lực hỗ trợ từ việc đồng Real của Brazil tăng giá so với USD nhưng lại chịu áp lực từ nguồn cung cà phê thế giới dồi dào. Đóng cửa tuần, giá hai loại cà phê tăng lần lượt 3,92% và 0,33%.
Giá ca cao thế giới tuần vừa rồi giảm 2,05% do sức ép từ nguồn cung ca cao dồi dào của thế giới, bất chấp những nỗ lực điều tiết giá của Bờ Biển Ngà và Ghana. Ngược lại, giá đường lại tăng 0,24% nhờ dự báo nguồn cung bị thu hẹp và nhu cầu từ thị trường đông dân nhất thế giới, Trung Quốc, tăng đột biến.
Giá bông sợi giảm 0,4% trong tuần vừa rồi sau báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy tốc độ thu hoạch và chất lượng bông Mỹ đều tăng. Sang tuần, giá nguyên liệu công nghiệp nhẹ vẫn sẽ có nhiều biến động dưới tác động của các yếu tố cung cầu.
Nhóm hàng kim loại cùng tăng giá trong tuần vừa rồi do những yếu tố kinh tế chính trị. Giá đồng tăng 1,50% trong tuần do những bất ổn chính trị tại Chile làm gián đoạn nguồn cung đồng của thế giới. Giá bạc cũng tăng 1,98% sau khi Quốc hội Anh bác bỏ kế hoạch Brexit của Thủ tướng Johnson, kéo dài thêm sự bất ổn tại Châu Âu. Sang tuần giá kim loại dự kiến vẫn sẽ tăng do những bất ổn chưa được giải quyết của thế giới.
Mặt hàng nguyên liệu công nghiệp nặng, giá cao suRSS3 tăng 0,92% trong tuần vừa rồi do thông tin cây cao su của Thái Lan, nước sản xuất và xuất khẩu cao su lớn nhất thế giới, đã nhiễm bệnh nấm lá từ các quốc gia láng giềng, đe dọa sẽ làm thiệt hại sản lượng cao su từ 50% đến 90% trên những diện tích bị nhiễm bệnh. Hiện tại Thái Lan công bố đã có 16,000 hecta cao su bị nhiễm bệnh, còn Indonesia đã có 382,000 hecta cao su bị nhiễm bệnh. Dự kiến trong tuần tới giá còn tiếp tục tăng.