Thị trường hàng hóa thế giới tuần từ 25/2-4/3: Giá dầu giữ đà tăng, đồng và bạch kim bật mạnh, biến động nông sản và nguyên liệu công nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Kết thúc tuần giao dịch từ 25/2-4/3, trong khi các mặt hàng năng lượng và kim loại cùng tăng giá, nổi bật nhất là đồng và bạch kim, thì mặt hàng nông sản và nguyên liệu công nghiệp không có sự đồng thuận.
Thị trường hàng hóa thế giới tuần từ 25/2-4/3: Giá dầu giữ đà tăng, đồng và bạch kim bật mạnh, biến động nông sản và nguyên liệu công nghiệp

Năng lượng: Giá dầu tăng 1,3%; khí LNG tăng gần 9%

Trên thị trường dầu mỏ, giá dầu tăng trong phiên cuối tuần qua (3/3) và kết thúc tuần ở mức cao hơn, nhờ sự lạc quan mới về nhu cầu từ nhà nhập khẩu dầu hàng đầu Trung Quốc.

Cụ thể, dầu thô Brent tăng 1,08 USD (+1,3%) lên 85,83 USD/thùng, còn dầu thô Mỹ (WTI) tăng 1,52 USD (+1,9%) lên 79,68 USD/thùng. Cả 2 loại dầu đều có mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 13/2/2023, ghi nhận mức tăng theo phần trăm hàng tuần lớn thứ ba trong năm nay, khi số liệu kinh tế của Trung Quốc mạnh mẽ mang lại hy vọng tăng trưởng nhu cầu dầu.

Lĩnh vực dịch vụ của Trung Quốc trong tháng 2/2023 tăng với tốc độ nhanh. Nhập khẩu dầu của Nga bằng đường biển của Trung Quốc sẽ đạt mức cao kỷ lục trong 3/2023. Trung Quốc - nhà nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới, đang có nhiều tham vọng hơn với mục tiêu tăng trưởng năm 2023, nhắm tới mức 6%.

USD giảm và các nhà phân tích được Reuters thăm dò dự đoán, “đồng bạc xanh” sẽ chịu áp lực trong 12 tháng tới, điều này khiến dầu được định giá bằng USD rẻ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.

Trên thị trường khí đốt, giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại Mỹ tăng mạnh trong ngày 3/3 lên mức cao nhất 5 tuần, do lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ tăng vọt lên mức cao kỷ lục trong 2 tuần qua do dự báo về thời tiết lạnh hơn và nhu cầu sưởi ấm cao hơn.

Cụ thể, hợp đồng LNG giao tháng 4/2023 tăng 24,4 cent (+8,8%) lên 3,009 USD/mmBTU - cao nhất kể từ ngày 27/1/2023. Tính cả tuần, hợp đồng này tăng khoảng 23% - mức tăng hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 8/2020. Tuần trước nữa, hợp đồng này tăng khoảng 8%.

Refinitiv cho biết, sản lượng khí đốt trung bình ở 48 tiểu bang của Mỹ đã tăng lên mức 98,4 bcfd cho đến nay trong tháng 3/2023 từ mức 98,2 bcfd trong tháng 2/2023. Kỷ lục hàng tháng là mức 99,9 bcfd vào tháng 11/2022.

Refinitiv dự báo nhu cầu khí đốt của Mỹ, bao gồm cả xuất khẩu, sẽ giảm từ 120,9 bcfd trong tuần này xuống 119,1 bcfd vào tuần tới, trước khi tăng lên 127,4 bcfd trong 2 tuần kế tiếp.

Kim loại: Đồng loạt tăng, mạnh nhất là đồng và bạch kim

Ở nhóm kim loại quý, giá vàng tăng lên mức cao nhất 2 tuần và có tuần tăng đầu tiên trong 5 tuần do USD và lợi suất trái phiếu của Mỹ giảm.

Cụ thể, vàng giao ngay tăng 0,8% lên 1,850 USD/ounce - cao nhất kể từ ngày 15/2/2023 và cả tuần tăng 2,2%. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 4/2023 đóng cửa tăng 0,8% lên 1.854,6 USD/ounce.

Theo Bart Melek - người đứng đầu bộ phận chiến lược thị trường hàng hóa tại TD Securities, cho tới khi có chất xúc tác mới như số liệu việc làm hay giá tiêu dùng trong tuần tới, vàng dường như vẫn duy trì trong phạm vi 1.830-1.850 USD/ounce.

Tương tự, giá bạc tăng 1,44% lên 21,24 USD/ounce. Đáng chú ý, giá bạch kim chấm dứt chuỗi giảm 7 tuần liên tiếp với mức tăng 7,88% lên 979,4 USD/ounce cũng là mức cao nhất trong gần 1 tháng qua.

Chỉ số USD có tuần giảm đầu tiên trong 5 tuần (về mức 104,52 điểm) khiến kim loại quý thu hút hơn cho người mua bằng tiền tệ khác. Bên cạnh đó, giá các mặt hàng này tăng còn nhờ tâm lý “bắt đáy” mạnh mẽ sau thời gian dài liên tiếp giảm.

Trong đó, bạch kim sở hữu mức tăng giá mạnh nhất nhóm bởi nguy cơ nguồn cung sụt giảm mạnh. Nhà sản xuất bạch kim lớn nhất thế giới là Nam Phi, đang phải đối mặt với sự cố về điện và các hoạt động sản xuất cũng bị gián đoạn. Giới phân tích dự báo, nếu tình trạng mất điện kéo dài, sản lượng bạch kim của quốc gia này có thể sụt giảm tới 15%.

Ở nhóm kim loại công nghiệp, giá đồng ghi nhận tuần tăng mạnh nhất kể từ đầu năm 2023 do số liệu kinh tế tích cực ở Trung Quốc làm tăng hy vọng về nhu cầu.

Cụ thể, giá đồng giao sau 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) khá ổn định ở mức 8.956,5 USD/tấn, tăng khoảng 2,8% trong tuần qua.

Thực tế, giá đồng từng tăng lên mức cao nhất 7 tháng 9.550,5 USD/tấn vào đầu tháng 1/2230, sau đó sụt giảm trong bối cảnh nhu cầu của Trung Quốc yếu và dự đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất tiếp, làm giảm tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy USD tăng.

USD mạnh lên khiến các kim loại định giá bằng đồng tiền này đắt hơn cho người mua bằng ngoại tệ khác và có thể gây sức ép lên nhu cầu. Ngoài ra, dự trữ đồng tại kho ngoại quan của Trung Quốc và sàn Thượng Hải tăng lên 408.680 tấn từ mức 100.000 tấn vào cuối tháng 12/2022.

Giá quặng sắt Đại Liên đạt mức cao nhất 8 tháng bởi các yếu tố cung cầu thuận lợi và lạc quan về nhu cầu thép tương lai. Cụ thể, hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2023 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên tăng 1,04% lên 919 CNY (133,15 USD)/tấn - cao nhất kể từ tháng 7/2022.

Tại Singapore, quặng sắt giao tháng 4/2023 tăng 0,1% lên 126,5 USD/tấn.

Công suất hoạt động của lò cao khi khảo sát 247 nhà máy thép khắp Trung Quốc ở mức 81,07% tính tới ngày 3/3/2023, tăng 6,35% so với một năm trước, theo Công ty Tư vấn Mysteel. Tuy nhiên, dự trữ quặng sắt tại các cảng giảm 2,23 triệu tấn so với tuần trước nữa, xuống khoảng 140 triệu tấn, qua đó hỗ trợ giá.

Giá thép không tăng nhiều như giá nguyên liệu thô khiến các nhà máy gặp khó khăn trong lợi nhuận. Tại Thượng Hải, thép cây tăng 1,26% lên 4.272 CNY/tấn, thép cuộn cán nóng tăng 1,34% và thép không gỉ tăng 0,8%.

Nông sản: Ngô và đậu tương tăng giá, lúa mì ngược chiều

Giá ngô trên sàn giao dịch Chicago tăng bởi việc mua vào đầu cơ. Các nhà đầu tư cho biết, thị trường dường như bán quá nhiều sau khi giảm 6/7 phiên trước đó. Kỳ vọng đợt giảm giá gần đây sẽ thu hút sự quan tâm của khách hàng nước ngoài đã hỗ trợ thêm cho giá ngô.

Đậu tương cũng tăng giá do giảm dự đoán về sản lượng vụ thu hoạch ở Argentina bởi thời tiết khô và nóng tiếp tục gây hại cho cây trồng trong suốt giai đoạn phát triển cuối của nó.

Ngược lại, giá lúa mì giảm bởi lo ngại về nhu cầu xuất khẩu và trong nước yếu.

Cụ thể, hợp đồng ngô CBOT kỳ hạn tháng 5/2023 tăng 6 US cent lên 6,39-3/4 USD/bushel. Đậu tương CBOT cùng kỳ hạn tăng 9-1/2 US cent lên 15,18-3/4 USD/bushel.

Lúa mì mềm đỏ vụ đông giảm 4 US cent xuống 7,08-3/4 USD/bushel. Lúa mì cứng đỏ vụ đông sụt giảm mạnh hơn bởi dự báo thời tiết thuận lợi cho khu vực trồng trọt quan trọng của đồng bằng Mỹ, đóng cửa giảm 11 US cent xuống 8,15 USD/bushel.

Nguyên liệu công nghiệp: Đường, cao su tăng giá, đi ngược với cà phê

Hợp đồng đường thô kỳ hạn tháng 5/2023 đóng cửa phiên 3/3 tăng 0,61 US cent (3%) lên 20,92 US cent/lb. Đường trắng cùng kỳ hạn cũng tăng 15,6 USD (+2,7%) lên 588,4 USD/tấn.

Giá đường được hỗ trợ bởi triển vọng yếu từ Ấn Độ trong vụ này. Hơn hai chục nhà máy tại Maharashtra đã dừng ép mía vào cuối tháng 2/2023, sớm hơn gần 2 tháng so với năm ngoái. Theo Hiệp hội Các nhà máy đường Ấn Độ, từ đầu niên vụ tới nay, các nhà máy đường của Ấn Độ đã sản xuất được 25,8 triệu tấn đường, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước.

Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 5/2023 đóng cửa giảm 4,35 US cent (-2,4%) xuống 1,7785 USD/lb. Cà phê robusta cùng kỳ hạn giảm 18 USD (-0,8%) xuống 2.162 USD/tấn.

Rabobank cho biết, thị trường đã trở nên mua quá nhiều sau khi các nhà phân tích giảm dự báo về vụ niên vụ cà phê 2023/2024 tại Brazil.

Giá cao su Nhật Bản giảm do JPY mạnh lên, khiến mặt hàng này trở nên đắt hơn cho người mua bằng các ngoại tệ khác, nhưng vẫn ghi nhận một tuần tăng.

Cụ thể, hợp đồng cao su giao tháng 8/2023 trên Sàn giao dịch Osaka đóng cửa phiên 3/3/ giảm 1,2 JPY (-0,5%) xuống 229,8 JPY (1,68 USD)/kg. Tuy nhiên, tính chung cả tuần, hợp đồng này vẫn tăng 2,1%.

Tại thượng Hải, hợp đồng cao su giao tháng 5/2023 giảm 5 CNY xuống 12.605 CNY (1.828,08 USD)/tấn.

Giá một số mặt hàng trên thị trường quốc tế tuần qua

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam) (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg). (USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam)

(1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

(USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục