Thị trường hàng hóa thế giới tuần từ 21-28/9: Đa phần tăng giá

(ĐTCK)  Kết thúc tuần giao dịch từ 21-28/9, trong khi giá dầu và vàng có sự điều chỉnh nhẹ, các mặt hàng đều tăng giá, trong đó nhôm, quặng sắt, ngô và đậu tương cùng bật mạnh.
Thị trường hàng hóa thế giới tuần từ 21-28/9: Đa phần tăng giá

Năng lượng: Giá dầu giảm trở lại

Giá dầu tăng trong phiên 27/9, nhưng thiết lập một tuần giảm do các nhà đầu tư cân nhắc giữa dự đoán nguồn cung toàn cầu tăng với các kích thích mới từ Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới.

Cụ thể, chốt phiên 27/9, dầu thô Brent tăng 0,38 USD (+0,53%) lên 71,89 USD/thùng; dầu WTI tăng 0,51 USD (+0,75%) lên 68,18 USD/thùng. Tính chung cả tuần, dầu Brent giảm khoảng 3%, dầu WTI giảm 5%.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã hạ lãi suất và bơm thanh khoản vào hệ thông ngân hàng nhằm kéo tăng trưởng kinh tế trở lại mục tiêu khoảng 5% trong năm nay.

Nguồn tin của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, gọi là OPEC+, cho biết sẽ tiếp tục kế hoạch tăng sản lượng 180.000 thùng/ngày mỗi tháng bắt đầu từ tháng 12/2024.

Ả Rập Xê-út đã nhiều lần phủ nhận mục tiêu giá dầu ở một mức nhất định và các nguồn tin từ nhóm này cho rằng, kế hoạch tăng sản lượng từ tháng 12/2024 không đại diện cho bất kỳ thay đổi lớn nào so với chính sách hiện hành.

Có thể nguồn cung tăng thêm sau khi các phe đối địch tuyên bố quyền kiểm soát Ngân hàng Trung ương Libya đã ký một thỏa thuận chấm dứt tranh chấp vào ngày 26/9. Cuộc tranh chấp đã khiến lượng dầu xuất khẩu giảm xuống 400.000 thùng/ngày trong tháng 9 từ hơn 1 triệu thùng/ngày trong tháng trước đó.

Tại Mỹ, một số nhà khai thác bắt đầu hoạt động trở lại tại Vịnh Mexico sau khi bão Helene đổ bộ vào Florida. Trong khi đó, sự tàn phá của cơn bão này, được coi là cơn bão mạnh thứ 7 đổ bộ vào Floria, có thể ảnh hưởng tới nhu cầu nhiên liệu của bang này, nơi tiêu thụ xăng lớn thứ 3 tại Mỹ.

Chi tiêu tiêu dùng của Mỹ tăng trong tháng 8 - một dấu hiệu nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục đà tăng trưởng trong quý III khi áp lực lạm phát ổn định.

Kim loại: Giá vàng điều chỉnh nhẹ; nhôm, quặng sắt, thép bật mạnh

Ở nhóm kim loại quý, giá vàng hướng tới quý tăng cao nhất trong hơn 8 năm, liên tục phá vỡ kỷ lục trong những phiên gần đây khi việc nới lỏng tiền tệ của Mỹ thúc đẩy sức hấp dẫn của vàng.

Cụ thể, giá vàng giao ngay giảm 1% xuống 2.643,88 USD/ounce trong phiên 27/9, giá vàn thỏi đã tăng lên mức kỷ lục 2.685,42 USD/ounce trong ngày 26/9. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 12/2024 giảm 0,9% xuống 2.668,1 USD/ounce. Kim loại này đã tăng khoảng 14% trong quý III/2024 – mức tăng mạnh nhất kể từ quý I/2016 và tăng khoảng 28% từ đầu năm tới nay - mạnh nhất trong 14 năm.

Với việc đặt cược vào việc cắt giảm lãi suất nhiều hơn trong tương lai sau đợt cắt giảm 0,5 điểm phần trăm của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào tuần trước, nhu cầu đầu cơ đối với kim loại này đã đẩy vàng vào mức kỹ thuật “bán quá mức”. Mặc dù vậy, một số ngân hàng kỳ vọng giá có thể tăng lên 3.000 USD/ounce .

Ở nhóm kim loại màu, giá nhôm ở London chạm mức cao nhất trong 16 tuần do việc mua vào của các quỹ được kích hoạt bởi các biện pháp kích thích kinh tế mới nhất tại Trung Quốc.

Cụ thể, giá nhôm giao sau 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) tăng 0,4% lên 2.623 USD/tấn trong phiên 27/9, sau khi tăng lên 2.659 USD/tấn - mức cao nhất kể từ ngày 6/6/2024. Tính cả tuần, giá tăng 5%.

Giới phân tích nhận định, thị trường nhôm toàn cầu sẽ thiếu hụt trong năm 2025 và giá sẽ giao dịch ở mức 3.000 USD/tấn trong năm này.

Cũng trên sàn LME, giá đồng tương lai giảm 0,9% xuống 9.990 USD/tấn sau khi tăng lên 10.095 USD/tấn - mức cao nhất kể từ ngày 7/6/2024.

Ở nhóm kim loại đen, giá quặng sắt tăng phiên thứ 4 liên tiếp và ghi nhận tuần tăng hơn 10% bởi việc cắt giảm lãi suất mới tại Trung Quốc và dự đoán có thêm các biện pháp kích thích tài chính và bất động sản.

Cụ thể, hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2025 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (DCE) tăng 4,38% lên 750 CNY (106,94 USD)/tấn trong phiên 27/9 - mức cao nhất kể từ ngày 2/9. Tính cả tuần, hợp đồng này tăng 12,2%.

Tại Singapore, quặng sắt giao tháng 10/2024 tăng 3,38% lên 101,85 USD/tấn và tăng 13,8% trong tuần. Trước đó, giá hợp đồng này đã lên mức cao nhất kể từ ngày 7/8/2024 ở mức 103,1 USD/tấn.

Trong ngày 27/9, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã thông báo cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc - giảm lần thứ 2 trong năm nay - nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đang sụt giảm. Ngoài ra, cam kết của Trung Quốc về việc triển khai “chi tiêu tài chính cần thiết” để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 đã làm tăng kỳ vọng của thị trường về các biện pháp kích thích tài chính mới. Trung Quốc cũng có kế hoạch phát hành 2.000 tỷ CNY (285,2 tỷ USD) trái phiếu chính phủ đặc biệt như một phần của các biện pháp kích thích tài chính mới. Các biện pháp này đã thúc đẩy tâm lý đối với các mặt hàng, bao gồm quặng sắt.

Tại Thượng Hải, giá thép thanh tăng 2,58%; thép cuộn cán nóng tăng 2,94%; thép không gỉ tăng 0,63%; trong khi dây thép cuộn giảm 0,17%.

Nông sản: Giá ngô, đậu tương lên mức cao nhất 2 tháng

Giá đậu tương trên sàn Chicago, Mỹ (CBOT) lên mức cao nhất 2 tháng khi giá khô đậu tương tăng vọt bởi lo ngại về thiệt hại cho mùa màng và cơ sở hạ tầng ở khu vực Bờ Vịnh sau khi cơn bão Helene đổ bộ.

Cụ thể, đậu tương CBOT kỳ hạn tháng 11/2024 đóng cửa phiên 27/9 tăng 24-3/4 US cent (+2,4%) lên 10,65-3/4 USD/bushel. Tính cả tuần, hợp đồng này tăng 53-3/4 US cent/bushel (+5,3%).

Tương tự, ngô CBOT kỳ hạn tháng 12/2024 tăng 4-3/4 US cent lên 4,18 USD/bushel sau khi chạm 4,19-3/4 USD/bushel - mức cao nhất kể từ ngày 26/7/2024 và tăng 16-1/4 US cent/bushel (+4%) trong tuần.

Nguyên liệu công nghiệp: Giá đường, cà phê, cao su duy trì đà tăng

Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, giá đường thô kỳ hạn tháng 10/2024 tăng khoảng 0,6% - ổn định sau khi tăng 19% trong tuần trước, cho dù đóng cửa phiên cuối tuần 27/9 giảm 0,52 US cent (-2,2%) xuống 22,79 US cetn/lb. Đường trắng kỳ hạn tháng 12/2024 giảm 3% xuống 576,2 USD/tấn trong phiên này.

Nhìn chung, giá đường vẫn có xu hướng tăng. Theo BMI - một bộ phận của Fitch Solution cho biết, Brazil sẽ sản xuất ít hơn 2 triệu tấn đường trong niên vụ 2024-2025, hay tổng cộng là 39 triệu tấn, do hạn hán nghiêm trọng và các vụ cháy rừng liên quan.

Nga sẽ sản xuất đường ít hơn 10% trong niên vụ tới do thời tiết bất lợi, nhưng sẽ cung cấp ít nhất 600.000 tấn đường cho các thị trường quốc tế sau khi lệnh cấm xuất khẩu được dỡ bỏ trong tháng 9.

Các nhà sản xuất đang tận dụng giá cao để bán ra, có dấu hiệu cho thấy Ấn Độ có thể sản xuất đủ đường để xuất khẩu khoảng 2 triệu tấn trong niên vụ tới.

Cà phê arabica kỳ hạn tháng 12/2024 đóng cửa phiên 27/9 giảm 4,75 US cent (-1,7%) xuống 2,6915 USD/lb, song vẫn tăng hơn 7,3% trong tuần. Cà phê robusta kỳ hạn tháng 11/2024 giảm 0,8% xuống 5.482 USD/tấn, nhưng cả tuần tăng 2%.

Các nhà dự báo cho biết, thời tiết của Brazil sẽ vẫn khô hạn trong 6-10 ngày tới, điều này không tốt cho cây trồng và cản trở việc ra hoa. Báo cáo của Hiệp hội Các nhà xuất khẩu cà phê Brazil (Cecafé) cho biết, xuất khẩu cà phê của nước này đang gặp thách thức lớn về hạ tầng và hậu cần, đặc biệt tại các cảng. Ước tính của Cecafé, tình trạng tắc nghẽn và chậm trễ liên tục trong việc bốc xếp đã khiến 1,86 triệu bao cà phê (loại 60kg) không được vận chuyển trong tháng 8.

Tại Việt Nam, sắc đỏ của trái chín sớm bắt đầu xuất hiện ở Lâm Đồng và Đắk Lắk. Dù năm 2024 năng suất được dự báo sẽ giảm nhẹ vì khô hạn kéo dài, nhưng mức giá cao hiện tại vẫn giúp các nhà vườn có thu nhập tốt hơn những năm trước. Theo tính toán, từ tháng 10/2024, khi Việt Nam bước vào vụ thu hoạch cà phê, sản lượng được cải thiện và kim ngạch xuất khẩu cà phê của nước ta có thể đạt mức kỷ lục 6 tỷ USD trong năm nay.

Giá cao su Nhật Bản đóng cửa tăng bởi đồng JPY yếu và tâm lý tích cực sau kích thích kinh tế của Trung Quốc. Bên cạnh đó, cơ quan khí tượng của Thái Lan - quốc gia sản xuất cao su hàng đầu, cảnh báo về những trận mưa lớn đến rất lớn có thể gây ra lũ quét từ nay đến ngày 3/10.

Cụ thể, hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 3/2025 trên Sàn giao dịch Osaka (OSE), Nhật Bản đóng cửa phiên 27/9 tăng 1 JPY (+0,26%) lên 392 JPY/kg và cả tuần tăng 6,9%. Tại Thượng Hải, hợp đồng cao su giao tháng 1/2025 tăng 75 CNY (+0,41%) lên 18.555 CNY/tấn.

Giá một số mặt hàng trên thị trường quốc tế tuần qua

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam) (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg). (USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam)

(1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

(USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục