Cởi nút thắt, thu hút đầu tư
Tại hội thảo “Đổi mới sáng tạo: Liều thuốc tăng trưởng bền vững ngành y dược” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 25/9/2024, các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp trong ngành đã thảo luận, phân tích về thực trạng đổi mới sáng tạo ngành y dược Việt Nam, các xu hướng phát triển trong khu vực và trên thế giới, tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo đối với sự phát triển bền vững của ngành và những động lực mới cho giai đoạn tới.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, năm 2024 là một năm then chốt với việc rà soát, sửa đổi các luật và quy định quan trọng định hình hoạt động của ngành y dược trong một thập kỷ tới, góp phần thúc đẩy đầu tư hệ thống y tế bền vững và kiến tạo một hệ sinh thái thuận lợi thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
“Thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ và để đón đầu nhiều cơ hội phát triển trong tương lai và sẵn sàng đón nhận, thu hút đầu tư từ các ngành công nghiệp dược hiện đại trên thế giới theo đúng định hướng và mục tiêu của ngành dược, Bộ Y tế đang rà soát, sửa đổi Luật Dược để trình Quốc hội xem xét. Định hướng là thu hút đầu tư phát triển các hoạt động nghiên cứu phát triển công nghệ, sản xuất hoặc chuyển giao công nghệ để sản xuất dược chất, thuốc mới, thuốc biệt dược gốc, thuốc hiếm, thuốc generic đầu tiên, thuốc công nghệ cao, vắc-xin và sinh phẩm, thuốc là sản phẩm từ máu và huyết tương... của các tập đoàn dược phẩm nước ngoài tại Việt Nam nhằm chủ động, phát triển bền vững sản xuất trong nước, đồng thời thúc đẩy các hoạt động xuất khẩu đến các thị trường tiên tiến”, ông Tuyên cho biết.
Một trong những trọng tâm trong việc sửa đổi thể chế ngành dược là đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài. Ông Darrell Oh, Chủ tịch Pharma Group, Eurocham - đơn vị đại diện cho 21 công ty thành viên đến từ các quốc gia châu Âu tại Việt Nam cho rằng, vấn đề quan trọng là yếu tố chính sách, không chỉ Bộ Y tế mà các cơ quan khác liên quan tới đầu tư trực tiếp nước ngoài cần thúc đẩy hoạt động đầu tư. Nguồn lực quốc tế có thể giúp giảm gánh nặng về tiếp cận thuốc, tăng cường uy tín cho Việt Nam trong khu vực trong lĩnh vực y tế, thậm chí có thể giúp Việt Nam trở thành lựa chọn của người bệnh tại khu vực Đông Nam Á.
“Tôi nhận thấy có 3 yếu tố chính mà Việt Nam có thể học hỏi. Thứ nhất là chiến lược rõ ràng, tập trung cụ thể vào đổi mới sáng tạo, phát triển sản phẩm, dịch vụ giá trị cao. Thứ hai là đơn giản hoá thủ tục thông qua các chính sách và thu hút đầu tư. Thứ ba là thể chế cụ thể, có ban chỉ đạo cấp quốc gia”, ông Darrell Oh khuyến nghị.
Về thu hút đầu tư nước ngoài, ông Vũ Văn Chung, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, đầu tư nước ngoài lĩnh vực y tế tại Việt Nam còn khiêm tốn, hiện chỉ có khoảng 160 dự án, giá trị ký kết khoảng 1,8 tỷ USD và có mặt tại 13 tỉnh, thành phố, tập trung vào các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội tốt như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng.
“Trong thu hút đầu tư ngành dược, điều kiện kinh tế - xã hội có tác động lớn. Hiện tại, thu nhập của người dân đã bước sang giai đoạn thu nhập trung bình, các điều kiện được cải thiện, năng lực của doanh nghiệp Việt Nam đã chuyển biến, phát triển mạnh mẽ, gần đây xu thế đầu tư các dự án, tổ hợp, khu công nghiệp, chuyên thu hút đầu tư y dược đã hình thành. Các nguồn lực và điều kiện sẽ được rà soát và có thể tạo ra đột phá trong thu hút đầu tư vào ngành y dược”, ông Chung nói.
Định hướng sửa đổi trong Luật Dược được ông Trịnh Lương Ngọc, luật sư thành viên Vilaf đánh giá có tác động tích cực theo hai hướng. Thứ nhất, việc đơn giản hoá thủ tục hành chính, cấp giấy phép lưu hành... làm doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc đăng ký sản phẩm dược, đưa sản phẩm ra thị trường nhanh hơn, điều này giúp giá thuốc có thể tốt hơn, người dân có thể tiếp cận thuốc chất lượng cao. Thứ hai, việc doanh nghiệp nước ngoài có thể sản xuất, chuyển giao sản phẩm cho doanh nghiệp trong nước mang ý nghĩa khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài làm việc nhiều hơn với doanh nghiệp trong nước. Đây là cơ hội để doanh nghiệp trong nước học hỏi và sản xuất sản phẩm mới.
“Nhà đầu tư nước ngoài không chỉ chú trọng tới ưu đãi đầu tư. Khi quyết định đầu tư, họ quan tâm tới việc phối hợp, tháo gỡ vướng mắc giữa các đơn vị, giữa trung ương và địa phương, bởi dự án có thể kéo dài vài năm mới triển khai được”, ông Ngọc nhấn mạnh.
Bà Bùi Thị Việt Lâm, đại diện Quốc gia, USABC Việt Nam cho rằng, nếu giải quyết được các nút thắt sẽ tạo ra sức hút đầu tư lớn với dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam, xem xét mở các cơ sở sản xuất tại Việt Nam.
“Chúng tôi kỳ vọng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược 2016 sẽ cởi bỏ được ba nút thắt cho doanh nghiệp là tiếp cận thị trường, thủ tục hành chính và chính sách ưu đãi. Với vấn đề tiếp cận thị trường, hiện nay để một sản phẩm thuốc mới vào thị trường cần mất 3 năm, để vào nhóm thuốc dành cho bệnh nhân bảo hiểm y tế cần thêm 3 - 4 năm, như vậy trung bình mất gần 7 năm để người dân tiếp cận thuốc mới. Vòng đời để sản xuất, thử nghiệm đưa vào thị trường quá lâu ảnh hưởng đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp”, bà Lâm chia sẻ.
Đi tắt đón đầu nhờ công nghệ
Trong 4 yếu tố gồm đổi mới về tư duy, đổi mới cách tiếp cận, đổi mới công nghệ và đầu tư, thì đổi mới tư duy là quan trọng nhất, quyết định các yếu tố còn lại.
Về xu hướng đổi mới sáng tạo ngành y dược trên thế giới và Việt Nam, ông Lê Minh Sang, chuyên gia cao cấp Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận xét, xu hướng lớn hiện nay là chuyển đổi số trong y tế, trao quyền nhiều cho người bệnh, đặt người bệnh vào trung tâm.
Trong khi đó, bà Bùi Thị Việt Lâm cho biết, xu hướng đang trỗi dậy mạnh mẽ trong ngành y tế là dược phẩm sinh học, với sự xuất hiện những phát kiến mới trong công nghệ sinh học. Công nghệ mới về gen, tế bào, chỉnh sửa gen tạo tiềm năng vô hạn trong phát triển.
“Ngành dược Việt Nam có thể đi tắt đón đầu nhờ công nghệ. Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu… sẽ giúp những nước mới gia nhập thị trường như Việt Nam có cơ hội đi nhanh hơn trong lĩnh vực công nghệ sinh học, thay vì mất hàng chục năm”, bà Lâm nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Viết Nhung, Phó chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, ở góc độ đổi mới sáng tạo, cần nhìn nhận 4 yếu tố, bao gồm đổi mới về tư duy, đổi mới cách tiếp cận, đổi mới công nghệ và đầu tư. Trong đó, đổi mới tư duy là quan trọng nhất, quyết định các yếu tố còn lại.
“Một xu hướng cả thế giới và Việt Nam đang đi tới là chăm sóc y tế toàn diện dựa trên công nghệ xanh. Chúng ta đang tiếp cận điều này. Chăm sóc toàn diện cần y tế số, đầu tư, chuyển giao công nghệ có chọn lọc”, ông Nhung nói.
Bà Bùi Thị Việt Lâm nhận định, Việt Nam có cơ hội để trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo y dược toàn cầu, nhưng cần có đột phá chính sách và sẵn sàng về nguồn lực chất lượng. Để đạt được điều này, ngoài yếu tố chính sách cần chú ý đến nguồn nhân lực, năng suất lao động cao nhất.
Thực tế, thị trường dược phẩm Việt Nam có tiềm năng lớn, với tốc độ tăng trưởng bình quân hai con số hàng năm. Không ít doanh nghiệp thành viên của USABC Việt Nam đã thành lập cơ sở sản xuất, hợp tác với các đối tác trong nước để chuyển giao công nghệ, đồng hành với các nhà hoạch định chính sách trong nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài, chuyển giao công nghệ về y dược.
Việt Nam đặt mục tiêu xây dựng ngành công nghiệp dược trong nước đạt mức độ phát triển ở trình độ cao, đạt cấp độ 4 theo thang phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới, có giá trị thị trường trong Top 3 tại ASEAN, góp phần bảo đảm cung ứng đủ, kịp thời thuốc có chất lượng, an toàn, hiệu quả và giá hợp lý, trở thành trung tâm dược phẩm giá trị cao trong khu vực vào năm 2030 và đến năm 2045, tổng giá trị ngành công nghiệp dược đóng góp vào GDP trên 20 tỷ USD.