Thị trường dầu chuẩn bị cho tình trạng hỗn loạn mới

(ĐTCK) EU đang trên đà cắt đứt quan hệ với nhà cung cấp dầu diesel bên ngoài lớn nhất khi lệnh trừng phạt nhập khẩu nhiên liệu tinh chế từ Nga có hiệu lực vào đầu tháng tới.

Lệnh trừng phạt sẽ có hiệu lực từ ngày 5/2 kết hợp cùng với cơ chế trần giá do G7 hậu thuẫn có khả năng châm ngòi cho một đợt hỗn loạn mới trên thị trường dầu mỏ toàn cầu.

Nguồn cung dầu diesel vốn đã khan hiếm sẽ góp phần khiến giá xăng tăng cao hơn ở nhiều khu vực. Các nước châu Âu nằm trong số những nước sử dụng dầu diesel lớn nhất thế giới so với các loại nhiên liệu động cơ khác và Nga là nguồn nhập khẩu chính của họ trong nhiều thập kỷ.

Một chuyên gia dầu mỏ tại công ty hàng hóa châu Âu cho biết, có khả năng xảy ra một vài biến cố trên thị trường dầu mỏ trong những tuần tới, do những thách thức về hậu cần khi Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế sẽ thúc đẩy nhu cầu.

Henning Gloystein, nhà phân tích tại Eurasia Group cho biết: “Bất kỳ sự thiếu hụt nào trong xuất khẩu sản phẩm của Nga đều có thể xảy ra đồng thời với nhu cầu cao hơn ở Trung Quốc, khiến thị trường thắt chặt hơn nữa và làm tăng khả năng giá tăng đột biến, làm gia tăng áp lực lạm phát”.

Nhưng ngành công nghiệp dầu mỏ đang bị chia rẽ sâu sắc về việc liệu các biện pháp này có dẫn đến giá cả tăng vọt và thậm chí có thể xảy ra tình trạng thiếu hụt hay không, với nhiều người tin rằng một thị trường đã quen với việc dòng chảy thương mại bị đảo lộn – bởi đại dịch, lệnh trừng phạt hoặc xung đột địa chính trị – có thể nhanh chóng thích nghi.

Thị trường dầu mỏ đã bất ổn trong những tuần gần đây. Giá dầu Brent bắt đầu năm mới không mấy thuận lợi khi giảm từ 85 USD/thùng xuống chỉ còn hơn 77 USD/thùng trong hai phiên giao dịch đầu tiên của năm 2023, và giá dầu diesel cũng theo sát diễn biến của giá dầu Brent. Nhưng sau đó, giá dầu Brent đã quay đầu hồi phục và đang giao dịch trên 87 USD/thùng.

Nhà phân tích Jorge Leon tại công ty tư vấn Rystad cho rằng, thị trường có lý khi lo lắng nhưng các biện pháp trừng phạt sẽ có tác dụng như dự định bằng cách gây tổn hại cho nền kinh tế Nga, thay vì phản tác dụng quá mạnh đối với các nền kinh tế phương Tây.

“Sẽ có tác động về giá nhưng nó sẽ không thay đổi cuộc chơi. Những người mua châu Âu đã dự trữ dầu diesel, bao gồm cả việc tăng nhập khẩu từ Nga trong vài tháng qua, vì vậy cú sốc tiềm ẩn này có thể ảnh hưởng tới thị trường ở một mức độ hợp lý”, ông cho biết.

Theo dữ liệu theo dõi tàu biển, xuất khẩu dầu diesel và nhiên liệu máy bay của Nga sang châu Âu đã tăng hơn 25% trong quý IV/2022 so với quý III/2022. Các nhà phân tích tại Redburn cho biết tồn kho dầu diesel tại khu vực trọng điểm Antwerp-Rotterdam-Amsterdam đã trở lại mức cao nhất kể từ tháng 10/2021.

Tuy nhiên, Benedict George, chuyên gia định giá các sản phẩm tinh chế tại Argus cho biết ông vẫn dự đoán giá dầu diesel sẽ tăng sau khi lệnh cấm được áp dụng.

“Nhập khẩu từ các nguồn không phải của Nga có nghĩa là phải cạnh tranh với những người mua khác ở gần nguồn hơn, như châu Mỹ Latinh đối với dầu diesel của Mỹ hoặc Singapore đối với dầu diesel của Ấn Độ”, ông cho biết.

Châu Âu sẽ phụ thuộc nhiều vào các nhà máy lọc dầu quy mô lớn mới ở Ấn Độ và Trung Đông, cũng như tăng cường xuất khẩu từ Trung Quốc để thay thế nguồn cung của Nga. Với một chuyến hàng của Trung Quốc đã đến Latvia, điều này cho thấy ngay cả những nước láng giềng địa lý gần nhất của Nga cũng sẵn sàng bắt đầu đảm bảo các lựa chọn thay thế từ các bờ biển xa xôi.

Nhưng Nga có thể là quốc gia chịu ảnh hưởng nhất. Vòng trừng phạt trước đó của EU và trần giá G7 nhắm vào doanh số bán dầu thô của Nga trong tháng 12 đã khiến người mua châu Á yêu cầu chiết khấu lớn đối với dầu Nga. Đó là một mô hình mà ông hy vọng sẽ được nhân rộng đối với nhiên liệu tinh chế.

Đối với một số công ty kinh doanh hàng hoá và nhà máy lọc dầu, điều đó có thể mang lại cơ hội vì tỷ suất lợi nhuận của dầu diesel có thể tăng nếu giá dầu thô đầu vào giảm do nguồn cung tăng, trong khi dầu diesel được hỗ trợ bởi nguồn cung thắt chặt.

Tuy nhiên, Nga cũng có thể sẵn sàng trả đũa trên thị trường nhiên liệu tinh chế hơn là ở thị trường dầu thô, vì bất kỳ nỗ lực nào nhằm vũ khí hóa xuất khẩu dầu mỏ sẽ có nguy cơ khiến các đồng minh quan trọng như Trung Quốc xa lánh.

Nếu xuất khẩu dầu diesel của Nga giảm quá mạnh, Trung Quốc có thể hạn chế xuất khẩu nhiên liệu của chính mình để bảo vệ nền kinh tế nội địa khỏi tác động, điều này có thể loại bỏ các thùng dầu khỏi thị trường mà người mua châu Âu đang hy vọng sẽ giúp thay thế nguồn cung của Nga.

Trong khi kết quả vẫn chưa chắc chắn, ngành công nghiệp này chắc chắn sẽ cảnh giác với sự biến động mới trên thị trường dầu mỏ.

“Rõ ràng là nguồn cung dầu diesel ở châu Âu và trên toàn cầu sẽ đối mặt với tình trạng hỗn loạn trong những tháng tới”, Benedict George cho biết.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục